Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 16 - Ngày 14/10/2012
- vấn đáp liên quan đến bài giảng Giải thoát trong lòng tay.
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 16
Như Thị Thất, ngày 14 tháng 10 năm 2012
Trước hết, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị. Hôm nay tôi khá rảnh rỗi nên tôi sẽ dành phần lớn buổi học cho phần hỏi đáp. Những lần trước tôi đã không có thời gian cho phần hỏi đáp. Bây giờ quý vị có thể hỏi bất cứ điều gì.
Câu hỏi 1: Khi thực hành cúng dường trong Guru Puja thì chúng con phải quán tưởng như thế nào? Chúng con có cần quán tưởng chi tiết không?
Rinpoche: Điều đó tùy thuộc vào thời gian của quý vị. Nếu thời gian hạn hẹp, quý vị chỉ cần quán tưởng Ruộng Phước. Chỉ cần làm như vậy. Nếu có thời gian rỗi thì quý vị có thể thực hành quán tưởng Ruộng Phước chi tiết. Điều quan trọng là khi quán tưởng Ruộng Phước, khi quán tưởng bất cứ vị bổn tôn nào, quý vị phải nghĩ rằng bản tánh của Ruộng Phước và bản tánh của các vị bổn tôn chính là tánh không. Quý vị gọi “emptiness” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: “Tánh không”] “Tánh” nghĩa là gì? [Người dịch: “Nature”] Còn “không” nghĩa là gì? [Người dịch: “Emptiness”]
Phật giáo có hai khía cạnh chính, đặc biệt là trong Phật giáo Đại thừa và Mật điển. Một khía cạnh là tánh không, khía cạnh kia là bồ đề tâm. Đây là hai khía cạnh chính của Phật giáo Đại thừa và Mật điển. Thiếu vắng hai điều này thì Mật điển Phật giáo, Kim cang thừa Phật giáo và Kim cang thừa ngoại đạo đều như nhau; rất khó để phân biệt. Dịp nọ, tôi dự một lễ hỏa tịnh của mật giáo ngoại đạo. Nó hoàn toàn giống với những gì chúng ta tiến hành. Phần nghi lễ hoàn toàn giống. Một dịp khác, có một Phật thỉnh cầu tôi tiến hành lễ hỏa tịnh, nghi lễ này xuất phát từ mật điển phi Phật giáo. Chúng ta chỉ có thể chỉ ra điểm khác biệt duy nhất giữa Mật điển Phật giáo và mật điển ngoại đạo; đó là hai khía cạnh: tánh không và bồ đề tâm. Người Việt Nam quý vị rất thích Kim cang thừa; cho nên quý vị phải hiểu điểm khác biệt giữa Kim cang thừa Phật giáo và Kim cang thừa ngoại đạo; nếu không thì chẳng có gì khác biệt. Quý vị có thể thấy chùy kim cang và chuông. Chùy kim cang là biểu tượng của bồ đề tâm. Chuông là biểu tượng của tánh không. Quý vị gọi “vajra” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: kim cang] Tôi nghĩ cách gọi đó đến từ tiếng Trung Hoa, họ gọi là “jīngāng.” Tôi nghĩ từ đó xuất phát từ tiếng Trung Hoa. Khi nhìn vào chuông, phía trong của chuông trống rỗng phải không? Chính vì vậy, chuông là biểu tượng của tánh không. Quý vị phải cầm chuông bằng tay trái. Tay phải của quý vị [cầm chùy kim cang] phải cao hơn tay trái. Điều đó cho thấy bồ đề tâm quan trọng hơn tánh không. Quý vị có hiểu ý tôi không? Mỗi khi cầm chùy kim cang, quý vị phải cầm như thế này, và quý vị lắc chuông như thế này [Rinpoche minh họa]. Tất cả quý vị đều thấy tôi chứ? Chùy kim cang phải được giữ cao hơn chuông. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải xem trọng bồ đề tâm hơn tánh không. Quý vị rõ không? Nếu quý vị thích Kim cang thừa mà không hiểu ý nghĩa thì chẳng được gì cả. Mỗi khi quý vị quán tưởng bổn tôn hay Ruộng Phước, nếu thiếu vắng hai điểm này thì rất khó nói những gì quý vị đang thực hành là Mật điển Phật giáo hay mật điển ngoại đạo.
Câu hỏi 2: Khi phóng sinh, có được phép quán Ruộng Phước để cầu nguyện cho chúng sinh được phóng thả không?
Rinpoche: Điều đó rất tốt, quý vị có thể làm như vậy. Tôi nghĩ bây giờ quý vị đã hiểu Phật pháp nhiều hơn. Khi tôi đến Việt Nam, quý vị luôn hỏi “Con nên tụng câu chú nào?” [Rinpoche cười] Bây giờ thì mọi thứ đã tốt hơn trước rất nhiều. Đây chính là pháp hành bồ đề tâm tốt nhất, nghĩ đến hết thảy chúng sinh, quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện. Có một câu nói, “Khi thực hành bồ đề tâm trong một khoảnh khắc thì bạn tích tập được vô lượng công đức.” Khi quý vị tích tập được vô lượng công đức thì mọi chướng ngại tự chúng được tiêu trừ. Khi thiếu công đức thì quý vị sẽ gặp rất nhiều chướng ngại.
Câu hỏi 3: Xin Ngài dạy cho chúng con về tánh không. Khi chúng con quán tưởng Ruộng Phước, làm thế nào chúng con biết mình đã kết hợp được tánh không trong lúc thực hành?
Rinpoche: Câu hỏi này đến trước hay đến sau câu hỏi ở trên? [Người dịch: Câu hỏi này đã có sẵn trong danh sách.] Phần tánh không có lẽ chậm một chút, tánh không phải được giảng giải dựa vào kinh nghiệm. Quý vị hãy chờ, tôi sẽ giảng sau. Đôi khi quý vị phải chờ [Rinpoche cười]. Chúng ta phải xây chắc phần căn bản trước.
Câu hỏi 4: Kính thưa Rinpoche, xin ngài giải thích cho chúng con: Cúng dường mandala 37 tụ và cúng dường mandala 23 tụ, có điều gì khác nhau không ạ?
Rinpoche: Không có khác biệt lớn giữa hai việc này. Điểm khác biệt chính là mandala 37 tụ chi tiết hơn. Khi quý vị cần cúng dường thật chi tiết thì có thể thực hành mandala 37 tụ. Không có khác biệt lớn giữa thực hành mandala 23 tụ và 37 tụ. Thông thường, cách cúng dường dễ nhất là dâng cúng bản thân quý vị cùng toàn thể cõi giới.
Câu hỏi 5: Xin thầy dạy cho chúng con cách quán tưởng đức Kim Cang Trì trong tim đức Thế Tôn. Phương pháp quán tưởng này rất khó, xin thầy hướng dẫn.
Rinpoche: Trước hết, khi bắt đầu thực hành quán tưởng đức Kim Cang Trì trong tim đức Phật Thích Ca, quý vị chỉ cần nghĩ rằng đức Kim Cang Trì ngự nơi tim đức Phật Thích Ca. Quán tưởng như vậy khó một chút. Khi quán tưởng Ruộng Phước, trước hết quý vị quán tưởng bậc Đạo Sư, rồi quán tưởng đức Phật Thích Ca nơi tim của Đạo Sư. Nơi tim của đức Phật Thích Ca, quý vị quán tưởng có đức Kim Cang Trì. Tôi nghĩ tôi đã nói qua phần này phải không? [Người dịch: Dạ phải.] Bây giờ tôi có một câu hỏi. Sau khi quán tưởng đức Kim Cang Trì thì quý vị phải quán tưởng điều gì nữa?
Người dịch: Đạo tràng Hồ Chí Minh trả lời “chủng tự HUM.”
Rinpoche: Đúng như vậy! Tôi nghĩ quý vị đã giỏi hơn rồi [Rinpoche cười]. Bây giờ tôi hỏi quý vị câu thứ hai. Quý vị phải quán tưởng chủng tự HUM bằng ngôn ngữ nào? Tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng hay tiếng Việt?
Người dịch: Đạo tràng Hà Nội trả lời quán tưởng bằng tiếng Tây Tạng.
Rinpoche: Thế còn ở Hồ Chí Minh?
Người dịch: Đạo tràng Hồ Chí Minh có vài câu trả lời. Vài người nói quán tưởng bằng tiếng Việt, một số khác nói rằng cách nào thuận tiện nhất thì quán tưởng theo cách đó.
Rinpoche: Câu trả lời đúng là bất cứ cách nào quý vị cảm thấy thuận tiện nhất. Ở Ấn Độ, người ta quán tưởng bằng tiếng Phạn khi thực hành Mật điển, còn người Tây Tạng thì quán tưởng bằng Tạng ngữ. Khi Mật điển vào Việt Nam thì quý vị nên quán tưởng bằng tiếng Việt. Hãy quán tưởng bằng bất cứ cách nào quý vị cảm thấy thuận tiện. Trong Mật điển, sẽ tốt hơn nếu chúng ta thêm hai biểu tượng vào chữ HUM tiếng Việt. Đó là biểu tượng bán nguyệt và giọt nước. Quý vị có muốn tôi ghi ra không? Có thể bây giờ điểm này chưa quan trọng, nhưng sau này, khi quý vị hiểu nhiều hơn rồi thì tôi sẽ giải thích. Đối với Mật điển Phật giáo, ở Ấn Độ người ta quán tưởng bằng tiếng Phạn. Khi Mật điển vào Tây Tạng thì người ta quán tưởng bằng Tạng ngữ. Bây giờ quý vị có thể quán tưởng bằng tiếng Việt. Hiện tại, quý vị không thể nào cùng lúc quán tưởng tất cả, không thể được. Quý vị hãy quán tưởng đức Phật Thích Ca trước, rồi quán tưởng đức Kim Cang Trì, sau đó mới quán tưởng chủng tự HUM trong tim đức Kim Cang Trì. Khi quý vị có thể đồng thời quán tưởng tất cả thì đó là một giai đoạn khá cao của việc hành trì. Trong Mật điển có hai giai đoạn; đó là giai đoạn tự sinh khởi (self-generating stage) và giai đoạn thành tựu (completion stage). Hiện tại đây là giai đoạn tự sinh khởi. Ý nghĩa của từng giai đoạn chúng ta sẽ bàn sau.
Câu hỏi 6: Khi đọc phát bồ đề tâm và quán tưởng cây quy y xong thì con hành trì đức Quan Âm Tứ Thủ, con có phải quán tưởng lại đức Quan Âm Tứ Thủ một lần nữa hay không, hay chỉ trì chú Om Mani Padme Hum?
Rinpoche: Tùy vào cách nào quý vị cảm thấy thuận tiện nhất.
Câu hỏi 7: Khi con đang lễ lạy, con thấy một con rết bò ra khỏi tay. Xin Ngài giải thích rõ cho con ạ.
Rinpoche: Cô quán tưởng thấy có con rết hay thật sự thấy nó?
Người dịch: Đó là một con rết thật!
Rinpoche: Như vậy là có một loài côn trùng bò ra từ tay cô phải không? [Người dịch: Dạ phải] Được rồi, không sao cả, hãy để nó bò đi. Trong một dịp tiến hành puja vài năm trước thì sự việc tương tự cũng xảy ra. Đôi khi, trong lúc tiến hành lễ hỏa tịnh, lúc cúng dường, một vài sinh vật lạ cũng bò ra khi chúng tôi đốt các vật phẩm cúng dường. Một dịp kia, có một vị tăng lớn tuổi, ông ta lại ném những con côn trùng đó vào đống lửa [Rinpoche cười]. Thường thì không sao cả, khi chúng đến thì hãy để chúng đi. Những loài côn trùng đó cũng là chúng sinh, họ cũng muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Hãy cầu nguyện và để chúng đi. Nếu chúng bò vào nhà thì chỉ cần bắt chúng bỏ ra khỏi nhà thôi.
Câu hỏi 8: Trong sách cúng dường Đạo Sư, mục 34 có viết, “Đệ tử kính dâng 5 câu, 5 đèn cùng mọi thứ khác.” Xin thầy giải thích cho chúng con đó là những thứ gì?
Rinpoche: Tôi không nghĩ chúng được gọi là “5 câu” trong Guru Puja. [Người dịch: Con đã ghi cho Ngài “5 hooks, 5 lamps.” Nhưng con không chắc là bản dịch này chính xác hay không.”] Có phải trong Guru Puja chúng ta tụng lần trước không? [Người dịch: Dạ phải.] Có lẽ tôi phải đối chiếu lại với bản Tạng ngữ. Hãy ghi cho tôi bài kệ. Tôi không nghĩ bản tiếng Tây Tạng ghi “5 câu.”
Rinpoche: Tôi có một câu hỏi cho tất cả quý vị. Câu hỏi này triết lý một chút và liên quan đến việc thực hành Pháp. Nếu quý vị giết một con cá để cho một con chó đang đói ăn, đó là thiện hạnh hay bất thiện hạnh?
Người dịch: Khi giết con cá thì chúng ta đã phạm ác hạnh. Tuy nhiên, qua ác hạnh đó, chúng ta lại làm lợi cho con chó đang đói. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang làm lợi cho chúng sinh. Trong trường hợp đó cần phải xem bên nào quan trọng hơn. Ở Hồ Chí Minh, đại chúng trả lời rằng nếu có thể chọn thì họ không giết cá để cho con chó ăn, mà sẽ cho con chó ăn xương.
Rinpoche: Quý vị chưa hiểu câu hỏi của tôi. Tôi không hỏi quý vị phải làm gì. Tôi chỉ hỏi hành động đó thiện hay bất thiện.
Người dịch: Đại chúng trả lời đó là ác hạnh.
Rinpoche: Ngay cả việc cho con chó ăn cá có phải là thiện hạnh không? Tôi sẽ nói một điều. Ở đây có hai hành động: Giết con cá là ác hạnh, còn cho con chó ăn là thiện hạnh. Khi quý vị pha màu trắng với màu đen, màu thu được không phải màu trắng và cũng chẳng phải màu đen. Cũng như vậy, khi giết con cá thì quý vị phạm ác hạnh; còn khi cho con chó ăn thì quý vị hành thiện hạnh. Đó là hai hành động riêng biệt. Tôi có câu hỏi thứ hai. Một con chim đang đói và nó sắp ăn con sâu. Nếu quý vị để con chim ăn con sâu thì con sâu sẽ chết phải không? Nếu quý vị không cho con chim ăn con sâu thì con chim có thể sẽ chết đói. Quý vị phải làm gì?
Người dịch: Đại chúng nói rằng việc này cũng có nhiều mặt. Cứ để chúng tự nhiên và xem chúng làm gì.
Rinpoche: Tôi không hỏi vấn đề triết học nào cả. Đây là một câu hỏi thực tế. Khi một con chim đói sắp ăn một con sâu thì quý vị sẽ làm gì? Quý vị để cho con chim ăn, hay cứu con sâu? Tôi muốn một câu trả lời thực tế.
Người dịch: Đại chúng trả lời sẽ cứu con chim.
Rinpoche: Như vậy nghĩa là quý vị phải cho con chim ăn cơm. Nhưng nếu quý vị không có sẵn cơm thì sao? Con chim sắp giết con sâu, quý vị không còn thời gian tìm cơm nữa. Bây giờ tôi sẽ trả lời. Quý vị phải cứu con sâu. Quý vị không nên để con chim ăn con sâu. Nếu quý vị để con chim ăn con sâu thì chắc chắn 100% con sâu sẽ chết. Con chim thì đang đói, nhưng không chắc 100% con chim sẽ chết vì đói. Nếu quý vị không cho con chim ăn con sâu thì không hẳn 100% con chim sẽ chết. Quý vị hiểu ý tôi chứ? Điều quan trọng nhất là khi quý vị để con chim ăn con sâu thì 100% con sâu sẽ chết. Tuy nhiên nếu quý vị ngăn con chim lại thì chưa chắc con chim sẽ chết. Chính vì vậy quý vị phải cứu con sâu.
Thậm chí khi phóng sinh, nếu quý vị chỉ thả 10 con cá thôi cũng tốt rồi. Khi quý vị quan trọng hóa số lượng, thậm chí nếu thả 100 con cá thì có thể 30 hay 40 trong số đó bị chết trong quá trình phóng sinh. Đừng nghĩ đến số lượng. Đó là lý do tôi hỏi câu hỏi thực tế này.
Câu hỏi 9: Ngài có thể giải thích về ý nghĩa khi quán tưởng khi thực hành tịnh hoá bản thân, nước màu đen và côn trùng tuôn ra khỏi cơ thể của mình sẽ làm lợi lạc cho các chúng sanh ở nhưng cõi thấp.
Rinpoche: Cơ thể con người mang hai nguồn năng lượng: năng lượng tích cực và năng lượng tiêu cực. Khi cần tẩy trừ năng lượng tiêu cực, phương pháp tẩy trừ năng lượng tiêu cực là quán tưởng chất lỏng màu đen thoát ra khỏi cơ thể chúng ta và chảy vào chúng sinh cõi thấp. Đó là một cách thí thực cho chúng sinh cõi thấp. Ở một số cõi thấp, như đối với các tinh linh, họ chỉ có thể tiếp nhận thí thực qua tư tưởng. Chính vì vậy, khi thí thực cho các tinh linh thì điều quan trọng nhất là việc liên hệ với họ đều qua tư tưởng. Do đó, chúng ta phải quán tưởng chất lỏng đen tuôn chảy ra từ cơ thể của mình và cấp dưỡng cho chúng sinh ở các cõi thấp.
Câu hỏi 10: Một số người nói, nếu chúng ta học Phật pháp quá sâu, mình đi sâu vào những trường phái, tư tưởng và nhiều hệ phái khác nhau, ở trong đó có những cuộc tranh biện về những quan điểm Phật Giáo, khi mình học nhiều như vậy, trong đầu mình cũng nảy sinh ra sự tranh cãi về những quan điểm tư tưởng Phật giáo khác nhau thì mình không thể nào thả lỏng tâm để đạt được sự buông xả cao nhất, để xả bỏ các quan kiến đó của mình. Ngài giải thích như thế nào về quan điểm đó.
Rinpoche: Đức Phật khi còn tại thế xem thầy Xá Lợi Phất (Sariputra) là vị đệ tử giỏi nhất, vì thầy Xá Lợi Phật có đầu óc vô cùng sắc bén. Nếu xem xét Phật giáo cẩn thận thì quý vị sẽ thấy Phật giáo dựa vào lý luận logic. Nếu nhìn vào Bát Nhã Tâm Kinh thì quý vị sẽ thấy đệ tử Phật đặt nhiều câu hỏi về lý luận logic. Có một bản kinh rất nổi tiếng là Kinh Kim Cang. Bản kinh này dựa vào lý luận logic, gồm những câu hỏi đặt ra cho đức Phật. Lý luận logic có năng lực mạnh mẽ; một khi có thể học và tận dụng đúng đắn nó thì quý vị sẽ giác ngộ rất nhanh. Tuy nhiên, nếu dùng nó không đúng đắn thì nó không có ích lợi gì mấy. Bây giờ tôi hỏi quý vị một câu: Con dao bén là dao tốt hay dao xấu? Một số người cho rằng đó là dao xấu vì nó sẽ cắt đứt tay mình. Một số khác lại cho rằng đó là dao tốt vì nó cắt rau rất dễ dàng. Lý luận logic cũng như một con dao bén; nó phụ thuộc vào người sử dụng. Nếu sử dụng sai lầm thì nó sẽ gây tổn thương. Đối với kẻ ngu thì con dao bén không tốt lắm. Tuy nhiên với người trí thì nó rất tốt.
Có một câu chuyện. Có hai cha con đang dùng trưa thì có một con ong bay vào đậu trên thức ăn. Người cha nói con trai hãy đập chết con ong. Con ong lại bay lên và đậu trên cái ly. Đứa con hơi lưỡng lự vì con ong hiện đậu trên cái ly. Người cha nói đứa con hãy đập chết con ong, đứa con nói rằng con ong đang đậu trên cái ly. Người cha nói, “Có sao đâu! Con đập nó chết đi!” Sau đó, con ong bỗng bay đến đậu trên mặt người cha, thế là đứa con tát vào mặt cha mình [Rinpoche cười]. Lý luận logic cũng giống như câu chuyện này. Với người trí thì nó rất hữu ích; nếu quý vị tận dụng đúng đắn thì sẽ giác ngộ nhanh hơn.
Câu hỏi 11: Khi phóng sinh chim, người ta bắt lại con chim đó thì việc phóng sinh có ý nghĩa gì không?
Rinpoche: Khi phóng sinh chim thì về phần quý vị, đó là một động cơ rất tốt. Điểm thứ hai là khi quý vị thả chim, ít nhất những con chim đó cũng có hai đến ba ngày được tự do. Điều đó cũng tốt! Hãy nhìn vào những người tù nhân, nếu họ có một hoặc hai ngày được đi du lịch thì quý vị có cảm nhận được họ sung sướng đến mức nào không? Với người công nhân phải làm việc quanh năm, họ sẽ cảm thấy thế nào vào ngày Chủ Nhật? Cũng như vậy, khi thả chim, nếu chúng có một đến hai ngày tự do thì cũng rất tốt. Điểm thứ ba là quý vị tiến hành theo một động cơ tốt, việc thả chim là một hành động rất tốt.
Câu hỏi 12: Phần quán tưởng cây quy y theo quyển Giải thoát trong lòng tay có quá nhiều chi tiết, con không thể nhớ hết. Con chỉ nhớ đại khái những lời giảng của Ngài có được không?
Rinpoche: Được! Khi giảng tôi đã tóm tắt những điểm chính yếu rồi. Trong quyển Giải thoát trong lòng tay rất chi tiết, nên tôi đã tóm tắt và nêu những điểm chính yếu của thực hành quán tưởng Ruộng Phước. Nhiều năm về trước thì người ta có nhiều thời gian hơn. Hiện tại ở thế kỷ 21, con người bận rộn hơn. Chính vì vậy tôi đã rút gọn hơn nữa [Rinpoche cười]. Nhưng quý vị đừng lo! Những gì tôi đề cập là những điểm tinh yếu nhất. Tôi thu tóm những điểm rất cốt lõi. Nếu có thời gian thì quý vị có thể thực hành theo quyển Giải thoát trong lòng tay. Khi có quá nhiều việc phải làm thì quý vị có thể tiến hành như tôi đã giảng; như vậy sẽ dễ hơn.
Quý vị tụng Bát Nhã Tâm Kinh vào lúc nào? Trước hay sau thời pháp? [Người dịch: Dạ, trước] Sau thời pháp thì quý vị tụng kinh nào? [Người dịch: Dạ, tụng bài hồi hướng] Chỉ tụng bài hồi hướng sao? [Người dịch: Dạ phải] Bây giờ chúng ta phải tụng thêm một bài nữa, đó là Cầu nguyện với Hộ Pháp. Tôi sẽ gửi cho quý vi sau. Khi đọc Giải thoát trong lòng tay, nếu quý vị có thắc mắc hay nghi ngờ điểm nào, hoặc không hiểu thì có thể hỏi tôi. Như vậy thì quý vị sẽ hiểu dễ hơn.
Tôi có một câu hỏi cho người dịch và Phong. Trong quá trình dịch bài giảng thì các con gặp khó khăn nhất ở điểm nào? Dù sao thì thầy cũng cảm ơn các con rất nhiều, Jade, Phong và Thảo, đã phiên dịch suốt mấy tháng nay. Cảm ơn các con rất nhiều! Bây giờ thầy có thể thấy đại chúng đã hiểu Phật pháp nhiều hơn, đó là nhờ các con phiên dịch. Thầy cũng cảm ơn Thư, và cảm ơn nhóm biên tập cho lớp học.
Hôm nay tôi rất vui! Quý vị đặt câu hỏi cho thấy sự thông hiểu Phật pháp của quý vị đã tốt hơn rất nhiều so với vài năm trước. Tôi có thể nhận ra điều đó qua câu hỏi của quý vị. Bây giờ mỗi lần tôi giảng Phật pháp thì tôi phải suy nghĩ kỹ lưỡng vì quý vị đã hiểu biết Phật pháp nhiều hơn rồi [Rinpoche cười]. Khi quý vị không hiểu Phật pháp thì tôi có thể dạy bất cứ điều gì, nhưng bây giờ thì tôi phải suy nghĩ kỹ lưỡng khi giảng [Rinpoche cười]. Trước đây quý vị xin tôi cầu nguyện, bây giờ thì tôi có thể xin quý vị cầu nguyện [Rinpoche cười], bởi vì giờ đây quý vị có thể cầu nguyện hiệu quả do đã thấu hiểu các pháp hành Phật pháp. Tôi nghĩ quý vị đều nhớ một chuyện, khi đến Việt Nam tôi đã từng nói. Đó là, nếu quý vị đắc Phật quả trước tôi thì mong quý vị đừng quên tôi! [Rinpoche cười] Tôi sẽ gặp lại quý vị sớm thôi. Hẹn gặp lại! [Rinpoche nói “Hẹn gặp lại!” bằng tiếng Việt.]
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 13/10/2014.