13-05-2023
Lamrim 2021
Download MP3

Tóm tắt bài giảng – Tuần 96 Ngày 13.05.2023

Ngày Thứ 21

b. Đặc biệt về cách luyện 2 ba-la-mật sau cùng

1. Điều kiện tiên quyết để đạt tâm tịnh chỉ

2. Cách thực thụ để đạt tâm tịnh chỉ

3. Từ căn bản này làm thế nào để đạt được 9 trạng thái tâm.

Chúng ta phải thực hành thiền qua từng trạng thái tâm để thành tựu được tịnh chỉ: gồm các trạng thái tâm sau:

- Trạng thái tâm thứ 1: thiền ít nhất 1 phút và không hề có trở ngại thì lúc đó mới thành công được trạng thái tâm thứ nhất. Cần phải thực hành liên tục 10 lần và trong 10 lần liên tục đó thì ít nhất là 06 lần thực hành thiền thành công thì mới đạt được trạng thái tâm thứ nhất.

Tiêu chuẩn để thành công để đạt trạng thái tâm: trạng thái tâm thứ 1 là 01 phút; trạng thái tâm thứ 2 là 02 phút và trạng thái tâm thứ 3 là 03 phút, đó là khoảng thời gian thiền về đối tượng thiền mà không bị trở ngại gì cả.

Thời xưa, theo kinh điển đối với trạng thái tâm thứ nhất cần tập trung liên tục ở 21 hơi thở (hít vào - thở ra đếm là 1), tập trung đối tượng thiền liên tục mà không bị trở ngại xem như hoàn thành được trạng thái tâm thứ nhất.

Thế nào được cho là tập trung vào đối tượng thiền mà không bị trở ngại: ví dụ thiền về hình ảnh của ngài Văn Thù, thì tâm hoàn toàn tập trung vào ngài Văn Thù, nếu trong các trường hợp tâm tập trung ½ phần vào hình ảnh ngài Văn Thù, ½ phần của tâm không phải ngài Văn Thù thì ở trạng thái tâm thứ nhất này vẫn được xem là đang tập trung.

Sách Giải thoát trong lòng tay quyển thứ 2 trang 293 đã nêu rõ 09 trạng thái tâm để đạt được tịnh chỉ, cần học thuộc 09 trạng thái tâm này, để có những trải nghiệm trong khi thiền và biết được lộ trình thiền của mình.

Chúng ta đang học thiền định ba la mật và thực hành thiền chỉ, do đó không chọn đối tượng thực hành đơn giản như là hơi thở nữa vì nếu chỉ tập trung hơi thở thôi nó không giúp định tâm. Nên chọn đối tượng thiền là ảnh của Đức Phật để thực hành. Điều này giúp ta rèn luyện được định tâm và tích góp được rất nhiều công đức.

Cố gắng thực hành đạt được trạng thái tâm thứ 1, thứ 2 và thứ 3 qua các trạng thái tâm như vậy.

Khi bắt đầu thời thiền thường hay bị chướng ngại trong thiền, hôn trầm và trạo cử.

Trạo cử (phân tâm): khi đang tập trung vào một đối tượng thiền nhưng bị lạc sang một đối tượng khác. Có thể áp dụng một số phương pháp sau để đẩy lùi phân tâm, tập trung trở lại vào đối tượng thiền:

+ Mở mắt ra, giữ tư thế đầu nhìn thẳng không di chuyển cổ, mắt trợn ngược nhìn lên không gian phía trên. Làm như vậy sẽ giúp những dòng suy nghĩ nhảy liên tục trong đầu dừng hay bớt lại và tập trung tốt hơn vào đối tượng thiền.

+ Người xưa dùng đèn bơ để lên đỉnh đầu của nhằm tập trung chú ý để giữ đèn bơ đó. Bây giờ có thể dùng điện thoại hoặc 1 vật dụng đơn giản để lên đỉnh đầu, cố gắng giữ tâm không di chuyển lung tung, giúp tâm tập trung vào đối tượng thiền.

+ Khi bị phân tâm quá nhiều không tập trung được, nên ngưng thời thiền vài phút, trong vài phút đó có thể đọc một thời kinh, 1 bài kinh, 1 đoạn kinh nào đó sau đó trở lại thiền. Hoặc có thể thực hành lễ lạy trong vài phút và sau đó thiền trở lại.

Việc thay đổi các hoạt động như vậy giúp chúng ta tập trung trở lại tốt hơn. Trong lúc tâm đang có nhiều sự phân tâm, không tập trung được vào đối tượng thiền cố gắng gượng ép bản thân để tập trung vào đối tượng thiền, đó là thói quen rất xấu bởi vì vào lúc đó ta không thể nào tập trung vào đối tượng được. Việc cần làm là tìm một phương pháp đẩy lùi sự phân tâm và giúp tâm tập trung trở lại vào đối tượng thiền của mình.

09 trạng thái tâm để đạt được tịnh chỉ gồm: (1) sự tập trung gượng ép; (2) Sự tập trung hơi liên tục; (3) Sự tập trung có cách hở; (4) Hoàn toàn tập trung; (5) Trở nên có kỷ luật; (6) Trở nên an tịnh; (7) Trở nên rất an tịnh; (8) Trở nên nhất tâm; (9) Địịnh an chỉ. Chúng ta hãy học thuộc 9 trạng thái tâm này.

Thầy nhắc lại lời dặn dò trước đó: từ phần này trở đi nếu lời dạy của Thầy với lời chỉ dẫn trong sách “Giải thoát trong lòng tay” có khác biệt thì luôn chọn theo sách để thực hành. Hãy xem những chỉ dẫn trong sách là sự chỉ dẫn để thực hành.

Trạng thái tâm thứ 1 - Sự tập trung gượng ép (nội trụ): Điều này thành tựu được nhờ năng lực học với một bậc thầy sự chỉ giáo về quán tưởng. Tuy nhiên ở giai đoạn này bạn chỉ có gợi lên hình ảnh quán. Nó không an trụ, và bạn cũng không thể làm cho nó an trụ. Ở điểm này, nhờ năng lực của tâm phân biệt, bạn có thể biết mình đang rơi vào tình trạng thiếu tập trung hay trạo cử. Bạn có cảm giác tâm phân biệt (vọng tưởng) của bạn gia tăng, song kỳ thực không tăng, mà chỉ vì bạn đã đạt đến tuệ thấy được những vọng tưởng ấy, làm quen với nó.

- Để thành công được trạng thái tâm thứ nhất này, cố gắng đẩy lùi tất cả mọi sự phân tâm của tâm thức khiến cho tâm tập trung vào 1 đối tượng trong một khoảng thời gian là 01 phút (tương đương với 21 lượt thở); xem trong khoảng thời gian 1 phút vừa qua ta bị phân tâm bao nhiêu lần.

Trạng thái tâm thứ 2 - Sự tập trung có cách hở: Sau khi thiền định theo cách ấy, bạn có thể gợi lên hình ảnh và còn làm cho nó kéo dài một lúc chẳng hạn thời gian cần thiết để niệm một chuỗi Om Mani Padme Hum mà không bị phân tán. Ở điểm này vọng tưởng có khi an tịnh, có khi phát triển. Đây là một tuệ quán thấy được thế nào là khỏi vọng tưởng. Trạng thái này có được nhờ năng lực quán.

Thời gian để quyết định chúng ta thành công ở trạng thái tâm thứ 2 là khoảng thời gian chúng ta đọc xong một chuỗi Om Mani Padme Hum, tương đương khoảng 2 phút. Trong phần nội dung: “ở điểm này vọng tưởng có khi an tịnh, có khi phát triển. Đây là một tuệ quán thấy được thế nào là khỏi vọng tưởng” đây là một điểm quan trọng, chúng ta quan sát được khi tâm tập trung vào đối tượng thiền thì như thế nào, khi tâm bị mất đối tượng thiền, bị phân tâm ra chỗ khác thì như thế nào, lúc này chúng ta biết rất rõ khi nào tâm tập trung và khi nào tâm mất tập trung. Lúc này chúng ta có sự quán sát rất sâu sắc như thế nào là tập trung và như thế nào là không tập trung.

Bài tập về nhà: Tuần này chúng ta hãy cố gắng thực hành để tối thiểu đạt được trạng thái tâm thứ 1, học viên nào tập được nhiều hơn thì cố gắng đạt được trạng thái tâm thứ 2.

Để có được được trạng thái tâm thứ 1 và thứ 2 không phải là quá khó nếu mỗi ngày chúng ta liên tục thiền từ 10 phút đến 20 phút và trong vài ngày chúng ta có thể đạt được trạng thái tâm thứ 1.