02-03-2015
2015

Khangser Rinpoche trao đổi Phật pháp: Tứ Thánh Đế (Tứ Diệu Đế) tại chùa Diệu Giác.

TP.HCM, ngày 02 tháng 03 năm 2015.

TỨ THÁNH ĐẾ

KHANGSER RINPOCHE chú giải

 

Chùa Diệu Giác – TPHCM,

Ngày 02 tháng 03 năm 2015

 

Đây là lần đầu tiên tôi đến ngôi chùa này. Nhìn quang cảnh xung quanh tôi cảm thấy rất thích. Năm ngoái tôi đã từng nghe qua về lịch sử ngôi chùa này. Ngôi chùa này được xây dựng bởi một vị công chúa, có phải như vậy không? Tối qua tôi vừa được nghe như vậy. Tôi chợt nhớ đến một điểm tương đồng. Khi tôi lần đầu đến Sri Lanka, tôi đã được nghe một câu chuyện rất thú vị. Phật giáo được một vị công chúa truyền từ Ấn Độ vào Sri Lanka. Với lòng thành và thiện nghiệp của vị công chúa đó, Phật pháp đã lan rộng ở Sri Lanka. Ngôi chùa này được xây dựng bởi một vị công chúa, và tôi cũng tin tưởng rằng với lòng thành của vị công chúa đó, Phật pháp sẽ hưng thịnh tại ngôi chùa này. Trong cuộc đời tôi, tôi đã đến nhiều nơi, đền chùa, nhà thờ. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là lần đầu tiên tôi đến một ngôi chùa được một vị công chúa xây dựng. Tôi cảm thấy rất đặc biệt. Cảm ơn quý vị rất nhiều vì đã mời tôi đến đây. Nhưng tôi không biết tên của vị công chúa đó, bà ấy tên là gì? [Ban tổ chức trả lời: Thích Nữ Diệu Không.]

Theo lời thỉnh cầu, tôi sẽ bắt đầu giảng về Tứ Thánh Đế (Tứ Diệu Đế). Sau khi Đức Phật giác ngộ, mọi người đã rất hào hứng để được nghe lời dạy của Ngài. Tuy nhiên, trong 49 ngày, Đức Phật vẫn giữ im lặng. Sau 49 ngày, Đức Phật đã bắt đầu thuyết Pháp. Trong 49 ngày đó, Đức Phật chỉ quán sát và quán sát. Đặc biệt, Đức Phật quán sát xem Ngài phải giảng Pháp cho ai và giảng điều gì. Rất khó để diễn tả cho thế giới về quả giác ngộ mà Đức Phật đã đạt được. Đôi khi, rất khó để chúng ta diễn tả cảm xúc. Nếu quý vị nhìn vào Đức Phật, việc diễn tả những gì Ngài đã đạt được, quả giác ngộ, thậm chí còn khó hơn vì chưa có ai từng đạt đến trạng thái đó.

Trong 49 ngày sau khi giác ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, Đức Phật đã quán sát rất nhiều. Sau đó, Ngài khám phá ra vài điều. Trước hết, Đức Phật thấy rằng mỗi khi thuyết Pháp, Ngài phải nói theo trình độ của những người thông thường, chứ không nói theo mức độ chứng ngộ của Phật. Trước khi giác ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, Đức Phật đã thử rất nhiều cách tu. Thậm chí Ngài đã thử nhịn đói, một cách tu rất khắc khổ. Ngài thử rất nhiều cách để đạt đến giải thoát. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là sau đó Ngài đã khám phá ra tất cả những cách tu hành đó đều vô ích. Đức Phật đã khám phá ra Ngài đã tu hành hoàn toàn sai lầm. Rất nhiều người phạm vào điều sai trái, thậm chí họ đang đi sai đường nhưng rất khó để họ nhận ra điều đó. Điều ấn tượng là Đức Phật đã nhận ra con đường trước kia của Ngài là vô ích. Sau đó, Đức Phật từ bỏ đường lối cũ và Ngài khám phá ra con đường mới. Sau khi tu tập theo con đường mới đó, Ngài đã giác ngộ. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã bắt đầu thuyết Pháp.

Bài Pháp đầu tiên Đức Phật thuyết giảng là Tứ Thánh Đế. Có một điều quan trọng quý vị cần biết: bài giảng đầu tiên của Đức Phật nói về sự thật. Nếu quý vị nhìn vào các truyền thống khác Phật giáo, giáo lý đầu tiên của họ không nói về sự thật, mà nói về Thượng Đế. Có sự khác biệt nhỏ giữa hai vấn đề này. Thượng Đế, hay Đấng Sáng Tạo, có phải là sự thật hay không? Đó là một câu hỏi. Sự thật có phải là sự thật không, chắc chắn sự thật đúng là sự thật. Đó là điểm khác biệt. Đó là lý do trước tiên Đức Phật đã nói về sự thật. Đối với nhiều truyền giống ngoài Phật giáo, họ nói về Thượng Đế. Đó là hai điểm khác biệt.

Đức Phật đã bắt đầu thuyết giảng về sự thật, Ngài khám phá ra bốn sự thật khác nhau. Sự thật thứ nhất là sự thật về khổ đau [khổ đế], và đó cũng là một trong những cách mà cuộc sống này vận hành. Rất đơn giản, chúng ta đều khóc khi được sinh ra đời. Tôi chưa từng nghe nói có bất cứ người nào chào đời mà lại cười. Tuy nhiên, có một điều hài hước là một vài loài thú lại không khóc khi được sinh ra. Khi con người khóc lúc chào đời, điều đó cho thấy sự thật đầu tiên: sự thật về khổ đau. Tuy nhiên, tôi không biết con người khóc trong bao lâu khi được sinh ra đời, một phút hay hai phút? Điều đó cho thấy sự thật về khổ đau, cho thấy rằng khó khăn, thử thách có hiện diện trên cõi đời này. Chúng ta phải chấp nhận điều này. Chính vì vậy, Đức Phật đã nói sự thật về khổ đau trước tiên. Có một điều quý vị cần biết. Trong suốt cuộc đời của Đức Phật, Ngài đã rất đau khổ vì những cảnh chết chóc, bệnh tật. Chúng làm Ngài phiền muộn rất nhiều. Những cảnh tượng đó không chỉ làm Ngài đau khổ mà còn làm rất nhiều người khác phiền não. Trên đường đến ngôi chùa này, tôi đã gặp một đám tang. Trong một số truyền thống cổ xưa ở Tây Tạng, người ta lại cho rằng gặp đám tang chính là điềm lành [Rinpoche cười]. Nhưng tôi không biết rõ điều đó đúng đến mức độ nào. Đây chính là đoạn kết của sự thật. Khởi đầu va kết thúc của khổ đế cũng chính là khổ đế. Cái chết là một minh chứng cho điều đó.

Đức Phật đã cố gắng chỉ rõ một điều: sự thật về khổ đau chính là bản chất, là thực tại của thế giới này. Tiếp theo, Ngài nói đến sự thật thứ hai: nguồn gốc của khổ đau [tập đế]. Khi nhìn vào nguồn gốc của khổ đau, Đức Phật luôn cố gắng truy tìm đâu là nguyên nhân của khổ đau. Vị đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật, thầy Xá Lợi Phất (Shariputra), là người đã được giải thoát nhờ một câu nói của Phật. Khi Xá Lợi Phất được giải thoát nhờ câu nói của Phật, thầy ấy hoàn toàn không phải là một Phật tử. Câu nói đó là: “Mọi hiện tượng đều là kết quả của nguyên nhân. Người nào tránh được nhân thì sẽ tránh được quả.” Điều này cũng cho thấy Phật pháp dạy rằng mọi khổ đau, nghịch cảnh đều có nguồn gốc và nguyên nhân. Hôm qua, vào giờ ăn trưa, có người hỏi tôi, “Lòng bi mẫn từ đâu đến?” Tôi trả lời, “Chúng ta phải biết rằng đôi lúc việc không có câu trả lời lại chính là câu trả lời.” Sau đó, một người phụ nữ khác nói, “Có thật như vậy không? Điều này còn khó hơn cả học quản trị kinh doanh.” [Rinpoche cười] Câu nói “Mọi hiện tượng đều là kết quả của nguyên nhân. Người nào tránh được nhân thì sẽ tránh được quả,” đôi lúc quý vị có thể thấy nó thật khó. Tuy nhiên, điểm chính ở đây là nguồn gốc, nguyên nhân của khổ đau, cách khổ đau sinh khởi. Đức Phật dạy rằng mọi nguồn gốc, nguyên nhân của khổ đau không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong. Mỗi khi quý vị đối mặt với khó khăn và nghịch cảnh, khi quý vị cố tìm nguồn gốc và nguyên nhân, chúng ta luôn cố tìm ở ngoại cảnh. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy rằng nguồn gốc của khổ đau đến từ bên trong. Đây là sự thật thứ hai.

Quý vị có thể nghĩ rằng làm sao khổ đau lại đến từ bên trong? Rất đơn giản, tôi sẽ cho một ví dụ. Có một người đến bệnh viện và bác sĩ nói rằng anh ta cần phải phẫu thuật. Sau ca mổ, người bệnh nhân hoàn toàn hồi phục. Anh ta đến gặp bác sĩ để cảm ơn, “Bác sĩ đã thật sự cứu mạng tôi! Bác sĩ đã làm thật tuyệt.” Lúc đó, ông bác sĩ nói, “Không, tôi chẳng làm gì cả! Chúa đã cứu mạng anh!” Sau khi bác sĩ nói như vậy người anh bệnh nhân rời bệnh viện và ông bác sĩ yêu cầu anh ta trả chi phí phẫu thuật. Anh bệnh nhân nói, “Tại sao tôi phải trả tiền cho bác sĩ chứ? Ông đâu có làm gì! Tôi sẽ trả tiền cho Chúa, người đã cứu tôi.” Nói về Chúa là điều rất dễ, nhưng để tin tưởng thì khá khó. Chính vì vậy, khi truy tìm nguồn gốc và nguyên nhân khổ đau, chúng ta phải tìm kiếm một cách thực tế. Nếu quý vị nhìn vào sự kiện Newton khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn, ông ấy đã tìm ra được câu trả lời rất tốt, nhưng ông ta cũng đồng thời đặt ra một nghi vấn nữa cho câu trả lời đó. Thêm một câu hỏi lớn nảy sinh: Vì sao địa cầu có lực hấp dẫn? Đây là một câu hỏi mới, và ông ấy lại có thêm câu trả lời mới. Nếu quý vị cứ liên tiếp đặt câu hỏi thì sẽ thấy khoa học có giới hạn của riêng nó, khoa học không thể giải đáp mọi câu hỏi.

Sự thật thứ hai nói về nghiệp. Có một loại lực gọi là nghiệp lực. Dù quý vị sống một cuộc đời lành mạnh, dinh dưỡng tốt và tập thể dục mỗi ngày, đôi lúc quý vị cũng mắc phải thân bệnh. Một dịp nọ, tôi gặp một người phụ nữ, cô ấy khóc và hỏi tôi một câu. Cô ấy nói cô tập thể dục mỗi ngày một giờ rưỡi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đến phòng tập thể hình mỗi ngày nhưng lại mắc một chứng bệnh nghiêm trọng. Cô ấy hỏi, “Tại sao con lại mắc bệnh như vậy?” Một dịp khác, tôi gặp một bà cụ. Tôi nghĩ bà ấy đã 90 hoặc 92 tuổi. Bà ấy rất năng động, thậm chí bà ấy còn trông coi đàn gia súc và bầy ngựa. Lúc đó tôi nghĩ có lẽ bà ấy phải có bí quyết nào đó, bởi trông bà rất khỏe mạnh. Tôi hỏi người nhà của bà cụ đó về thực phẩm mà bà dùng… Người nhà của bà ấy nói với tôi một điều rất thú vị. Bà ấy ăn đủ loại thức ăn, thậm chí còn uống rượu và trước kia cũng hút thuốc. Đây là sự thật. Tôi gặp một phụ nữa chưa đầy 30 tuổi, và một cụ già 92 tuổi. Cụ già uống rượu, hút thuốc mà vẫn khỏe mạnh; còn người phụ nữ đến phòng tập thể hình mỗi ngày một giờ rưỡi, chế độ dinh dưỡng tốt nhưng lại mắc trọng bệnh. Tôi chưa tìm ra được cách lý giải vì sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy, đâu là nguyên nhân của sự việc đó; không có câu trả lời theo quan điểm khoa học. Tôi vẫn còn nhớ gương mặt của cụ già. Bà ấy không còn răng nữa, chỉ còn hai cái răng hai bên mà thôi [Rinpoche cười]. Và tôi cũng còn nhớ gương mặt của người phụ nữ [Rinpoche cười]. Lối sống của họ rất khác nhau, nhưng sức khỏe, thọ mạng của họ lại trái ngược. Chúng ta phải tìm rõ nguyên nhân và lý do, và nguyên nhân đó được gọi là nghiệp. Dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp, nghiệp được nhắc đến ở sự thật thứ hai: sự thật về nguồn gốc của khổ đau, và sự thật về nguồn gốc của hạnh phúc. Đừng nghĩ rằng uống rượu và hút thuốc sẽ cải thiện cuộc sống của quý vị. Có một câu nói, “Người hút thuốc không bị lão hóa vì họ đều chết trẻ.” Tuy nhiên khi tôi gặp cụ già kia thì tôi nghĩ câu nói đó không đúng.

Đức Phật đã dạy về sự thật thứ hai, sự thật về nguồn gốc của khổ đau, nguyên nhân của khổ đau. Tuy nhiên, mặt tốt của nghiệp chính là chúng ta có thể tạo nghiệp và cũng có thể hủy hoại nghiệp. Dù mang nhiều ác nghiệp nhưng quý vị cũng đừng lo, vì quý vị có thể tịnh hóa chúng. Dù mang nhiều thiện nghiệp nhưng quý vị phải rất thận trọng, vì thiện nghiệp có thể bị hủy hoại. Nghiệp chính là sự thật thứ hai mà Đức Phật đã khám phá ra, nghiệp chính là nguồn gốc của mọi khổ đau và hạnh phúc. Điều thú vị ở đây chính là chúng ta có thể quyết định cuộc đời mình, vì chúng ta có thể tạo thiện nghiệp và tịnh hóa ác nghiệp, nghĩa là tự quyết định cuộc đời của chính mình. Ở Tây Tạng chúng tôi có một quyển sách Phật giáo rất nổi tiếng với tựa đề Giải Thoát Trong Lòng Tay. Tôi thường thay đổi tựa đề đó và tôi thường nói: Cuộc đời trong tầm tay của quý vị. Qua sự thật thứ hai, Đức Phật đã chỉ rõ chúng ta có thể quyết định cuộc đời của chính mình.

Tiếp theo là sự thật thứ ba và sự thật thứ tư. Sự thật thứ ba là sự thật về chấm dứt khổ đau [diệt đế], và sự thật thứ tư là sự thật về con đường đưa đến chấm dứt khổ đau [đạo đế]. Quan trọng nhất là sự thật về con đường, chính là cách thức để quý vị chấm dứt khổ đau. Sự thật thứ tư quan trọng nhất vì quý vị cần biết mình phải sống như thế nào. Trong sự thật thứ tư, Đức Phật dạy Bát Chánh Đạo. Quý vị cần biết Bát Chánh Đạo chính là sự thật về con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Bát Chánh Đạo chỉ cho chúng ta cách sống. Chúng ta phải hiểu và sống thuận theo đó, chúng ta phải sống thật đúng đắn, phải đi theo chánh đạo. Trong Bát Chánh Đạo, tôi sẽ nói về vài điểm quan trọng.

Thứ nhất, Đức Phật nói về chánh kiến. Chúng ta hiện đang mang rất nhiều tà kiến trong tâm. Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ rất đơn giản. Khi quý vị nói chuyện hay nghe về một điều gì đó, quý vị cảm thấy những gì mình nói đều đúng, những gì mình làm đều đúng. Quý vị sẽ chẳng bao giờ chiêm nghiệm lại xem việc mình đã làm có đúng hay không; quý vị không bao giờ nghĩ lại xem những gì mình đã nói có đúng hay không, bởi quý vị mang rất nhiều tà kiến trong tâm. Mỗi khi giao tiếp hoặc nói chuyện với người khác, quý vị suy nghĩ và giả định rất nhiều điều, vì quý vị mang tà kiến trong tâm. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy về chánh kiến. Chánh kiến, chánh ngữ, và trí tuệ chân chánh là ba điều quan trọng nhất trong Bát Chánh Đạo. Tôi chúc tất cả quý vị đều phát khởi được ba con đường chân chánh này.

Tôi sẽ dừng ở đây và dành thời gian cho phần hỏi đáp.

 

Hỏi: Lúc nãy pháp sư có giảng là khổ do nguyên nhân, nếu tránh được nguyên nhân sẽ hết khổ. Vậy phương pháp nào để tránh nguyên nhân? Chúng con vì cơm áo gạo tiền, vì tạo nghiệp mà chắc chắn gặt hái không ít khổ đau trong cuộc sống? Vậy chúng con phải làm như thế nào để tránh khổ đau?

Rinpoche: Quý vị có biết một đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật không? Tên của ông ấy là Indrabhuti. Ông ấy không phải là một tu sĩ mà là một vị vua. Ông ấy cai quản đất nước và làm chính trị nhưng vẫn giác ngộ. Ở Tây Tạng chúng tôi có một câu nói: “Nếu bạn không tu hành tốt thì dù có ở trên đỉnh núi hoặc nơi biệt lập, bạn vẫn sẽ sinh vào địa ngục. Nếu bạn có thể tu hành tốt thì dù đang ở giữa một khu chợ, bạn sẽ giác ngộ.” Điều duy nhất là chúng ta làm như thế nào. Điều đó phụ thuộc vào cách quý vị làm việc. Ở thế kỷ 21 này, chúng ta phải làm việc. Nếu không làm việc thì quý vị không thể tồn tại. Một lần nữa, mọi thứ tùy thuộc vào cách quý vị làm việc. Khi làm việc, quý vị thậm chí có thể làm việc thuận với Pháp. Tôi vẫn hay nói rằng người thực hành Pháp không cần phải làm những điều khác biệt; thay vào đó, dù làm gì đi nữa họ phải làm một cách khác biệt. Quý vị có tạo ác nghiệp hay không, điều đó tùy thuộc vào quý vị. Chính vì vậy, khó nói trước người nào sẽ đắc Phật quả sớm hơn, người sống trong chùa hay người sống ngoài chợ? Rất khó để nói trước điều đó.

Trong một buổi hội thảo, tôi đã gặp một bác sĩ ở Nam Ấn. Ông ấy là một bác sĩ nổi tiếng. Khi nói chuyện với ông ấy, tôi cảm thấy cuộc sống của ông ấy giống cuộc sống của một tu sĩ thực thụ. Ông ấy sống rất giản dị. Tôi từng nghĩ cuộc sống của tôi đã giản dị lắm rồi, tôi chẳng bao giờ dùng điện thoại thông minh hay những thiết bị điện tử, vật dụng giá cao hơn 10 đô-la. Tuy nhiên, khi tôi gặp ông ấy thì tôi vẫn chưa giản dị được đến thế [Rinpoche cười]. Tôi thấy ông ấy không dùng ví tiền, mà ông đựng tất cả vào một cái hộp mắt kính. Ông ấy nói rằng ông thật sự ngưỡng mộ tôi vì tôi đã buông bỏ cuộc đời để làm một tu sĩ. Tuy nhiên, từ tận đáy lòng, tôi thật sự nghĩ rằng chính ông ấy mới buông bỏ cuộc đời này, không phải tôi [Rinpoche cười]. Dù quý vị làm việc ở bất cứ nơi nào, điều đó không quan trọng. Dù quý vị làm gì trong cuộc sống, điều đó cũng không quan trọng. Tuy nhiên, cách quý vị tiến hành công việc của mình mới là điều quan trọng hơn. Điều tôi nhận thấy trong cuộc sống là đối với các học trò của tôi, những người có nhiều việc phải làm và rất bận rộn lại chính là những người thực hành Pháp tốt hơn; họ lại bỏ nhiều thời gian hơn để hành trì. Đó là điều tôi quan sát thấy. Những người không phải làm việc và có nhiều thời gian, họ sẽ rất lười biếng vì họ nghĩ “Tôi có thể làm vào ngày mai.” Họ sẽ nghĩ như vậy. Với những người có nhiều việc phải làm, lối suy nghĩ của họ rất khác, bởi họ nghĩ rằng “Tôi phải làm ngay bây giờ.” Nhờ vậy, họ thực hành Pháp trong từng phút, bất cứ lúc nào họ rảnh rỗi.

 

Hỏi: Trong Tứ Diệu Đế, Phật có dạy rằng, u minh dẫn đến đau khổ, xin thầy giải thích thêm tại sao u minh dẫn đến đau khổ. Một câu hỏi khác, câu nói của Đức Phật làm cho Xá Lợi Phất giác ngộ, đó là duyên sinh. Trong cuộc sống của mình, cần hiểu duyên sinh như thế nào để mình có thể vận dụng?

Rinpoche: Quý vị hỏi hai câu, và bây giờ tôi đang bối rối, không biết tôi nên trả lời câu hỏi nào trước. Có sự bối rối nảy sinh trong tâm tôi. Sự bối rối đó đến từ vô minh. Đó là cách vô minh dẫn đến khổ đau. Vô minh, bối rối, nghi ngờ, sợ hãi, bám chấp…, tất cả chúng sinh khởi như vậy. Ở phương Tây có một câu nói, “Vô minh là hạnh phúc.” Tuy nhiên, Đức Phật dạy rằng vô minh là khổ đau. Vô minh là hạnh phúc hay khổ đau, tôi sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện của tôi. Tôi đang đi với các học trò của tôi trong một ngõ hẻm rất hẹp ở miền Nam Ấn Độ. Ở Nam Ấn có rất nhiều rắn hổ mang; không phải loài rắn hổ mang thông thường mà là rắn hổ mang chúa. Nếu bị nó cắn thì chỉ bốn đến năm phút sau, nọc độc sẽ tấn công đến tim. Ở nhà tôi ở Nam Ấn, rắn hổ mang chúa đã vào nhà tôi ba hoặc bốn lần, chúng vào để ăn chuột và ếch. Tôi đang đi trong ngõ hẻm đó, hai bên đều có vách tường. Học trò của tôi không đi theo tôi, anh ta đứng lại phía sau tôi khá xa. Tôi vừa đi vừa nói chuyện, nhưng anh ta đứng lại phía sau tôi. Khi đó tôi hỏi anh ấy vì sao không đi theo tôi. Anh ta chỉ cho tôi thấy có một con rắn hổ mang chúa [Rinpoche cười]. Khi tôi nhìn lại con hẻm, tôi vừa đi ngang qua con rắn hổ mang nhưng tôi không hề biết. Con rắn chỉ cách tôi khoảng vài inch! Khi con rắn hổ mang nổi giận, nó thường phùng mang. Tôi rất sửng sốt, và học trò tôi nói “vô minh là hạnh phúc.” [Rinpoche cười] Tôi đã đi ngang qua con rắn với sự vô minh. Nếu con rắn đó cắn tôi thì vô minh không còn là hạnh phúc nữa, mà vô minh chính là khổ đau, khổ đau cùng cực. Khi đi trong ngõ hẻm đó, quý vị muốn đi trong vô minh hay đi trong tỉnh thức? Quý vị có hai lựa chọn. Sau này, khi đã biết sự việc, tôi sẽ đi qua ngõ hẻm đó rất cẩn thận. Bây giờ tôi đi đến kết luận: Vô minh chỉ là hạnh phúc tạm thời, nhưng cuối cùng nó là khổ đau. Chính vì vậy mà Đức Phật đã dạy rằng vô minh dẫn đến mọi ác niệm và khổ đau. Tâm nghi ngờ nảy sinh vì quý vị không biết rõ sự việc. Vài năm trước ở Ấn Độ, người ta cố viết một chương trình phần mềm. Nếu quý vị có phần mềm đó trong điện thoại của mình thì mỗi khi quý vị gọi điện cho người khác, quý vị sẽ biết được vị trí của người đó. Tác giả phần mềm chủ yếu nhắm vào giới trẻ. Khi các bạn trẻ gọi điện cho bạn trai hay bạn gái của mình và hỏi người yêu của mình đang ở đâu, phần mềm đó có thể giúp họ biết được người yêu của họ có nói dối hay không. Thậm chí trong tình yêu vẫn có nghi ngờ. Chúng nảy sinh từ vô minh, và sẽ dẫn đến cãi vã, và dẫn đến ly hôn. Bây giờ quay trở lại vấn đề vô minh, nó rất đơn giản, một bí mật mở nhưng chúng ta vẫn không biết. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy rằng chánh kiến cùng với trí tuệ chân chánh có thể diệt trừ vô minh.

Bây giờ đến vấn đề duyên khởi, có nghĩa là mọi thứ đều phụ thuộc rất nhiều vào những thứ khác. Nếu quý vị nhìn vào gia đình mình, cách quý vị suy nghĩ, hay tính cách của quý vị sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của gia đình. Tôi có nghe một chuyện, có một công nhân xây dựng người Tây Tạng, anh ta uống rượu và hút thuốc rất nhiều. Tôi nghe nói anh ta làm việc tại một trong những tu viện ở Nam Ấn, không phải tu viện nơi tôi đang ở mà là một tu viện khác. Anh ta làm việc ở đó sáu tháng, và sau đó anh ấy trở nên giống một tu sĩ, không còn hút thuốc hay uống rượu nữa, bởi vì tất cả bạn bè người quen nơi đó đều không hút thuốc hay uống rượu [Rinpoche cười]. Đó chính là duyên khởi, mọi thứ đều phụ thuộc rất nhiều vào các thứ khác. Khi quý vị nhìn vào những người có lối suy nghĩ sai lệch, điều đó tùy thuộc rất nhiều vào những người khác, đó chính là duyên khởi.

Tôi sẽ nói về duyên khởi một cách rất ngắn gọn. Vị công chúa đến thành phố Hồ Chí Minh và xây ngôi chùa này. Sau đó, ni chúng tụ hội lại, và ngày hôm nay diễn ra chương trình này. Qua chương trình này, quý vị và tôi gặp nhau. Nếu không có vị công chúa thì sẽ không có chùa. Nếu không có chùa thì không có ni chúng, không có chương trình hôm nay, quý vị và tôi sẽ không thể gặp nhau.

 

Hỏi: Trường hợp những bệnh nhân nằm lâu năm bị suy kiệt, thân thể bị lở lói không còn gì hết, thì có những bậc cao niên có kinh nghiệm thành tâm mời những sư thầy sư cô đến tụng kinh thì bệnh nhân sẽ ra đi thanh thản. Điều đó có đúng không? Nếu đúng thì người thân trong gia đình đó có mang tội vì không để cho bệnh nhân trả hết nghiệp chướng của mình không? Xin thầy giải thích thắc mắc của con?

Rinpoche: Với hai câu hỏi này thì tôi không bối rối khi chọn câu hỏi nào để trả lời trước. Tôi sẽ trả lời câu hỏi thứ hai. Không phải như vậy, khi chúng ta mang ác nghiệp, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với nó. Khi bệnh thì chúng ta uống thuốc. Khi bệnh thì chúng ta không nói rằng mình đang phải đương đầu với ác nghiệp. Thậm chí trong cuộc đời của Đức Phật, đôi lúc Ngài cũng phải uống thuốc. Kinh điển ghi lại rằng Đức Phật dùng thuốc nhiều hơn cả những người bình thường, nhưng Ngài không gặp vấn đề gì với việc dùng thuốc quá liều [Rinpoche cười]. Điểm thứ hai, việc tụng kinh là rất tốt đối với người bệnh, điều đó sẽ giúp họ rất nhiều. Dù người bệnh không thể nghe được, việc tụng kinh mang đến nhiều sự gia trì từ chư Phật. Thông thường ở Tây Tạng, khi có người qua đời chúng tôi tụng kinh rất nhiều. Đó là một cách để họ nhận được gia trì từ chư Phật. Bằng cách tụng kinh, người bệnh nằm đó có thể nhận nhiều sự gia trì. Như tôi đã nói trước đây, dù họ đang đau khổ vì ác nghiệp, chúng ta phải cố gắng hết sức mình để giúp họ tiêu trừ ác nghiệp của họ. Đó là một cách làm rất tốt.

 

Hỏi: Con cùng một số Phật tử đi chùa, nhiều khi có Phật tử tụng kinh và nhiều khi cũng có sư cô tụng kinh. Có Phật tử nói là các sư cô tụng kinh nhanh quá, Phật tử theo không kịp. Con nói là chắc do mình chưa đủ duyên để cùng tụng kinh với chùa. Nhờ thầy chỉ dạy cho con là mình cố gắng học kinh cho thật nhanh, dò được nhanh theo quý thầy quý cô và bạn đạo là chính; hay là mình cứ đọc kinh từ từ để mình hiểu?

Rinpoche: Các vị tăng ni thường tụng kinh rất nhanh, có lẽ họ đang vội để đi đâu đó [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ cách của chị là cách tốt nhất, đọc bản kinh và hiểu rõ, như vậy tốt hơn nhiều và quan trọng hơn. Đức Phật đã dạy tất cả những điều đó để chúng ta hiểu, chứ không phải để đọc tụng. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu kinh hơn. Vì vậy mà cách của chị rất tốt. Đừng nhìn vào người khác xem họ đọc nhanh hay chậm, mà hãy chỉ quan tâm đến sự hiểu biết của quý vị.

 

Hỏi: Trong Bát Chánh Đạo, sau chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ là chánh mạng. Theo con hiểu, chánh mạng có nghĩa là nuôi sống mình bằng nghề nghiệp chân chánh trong xã hội. Con chưa rõ một điều: Như thế nào là một nghề nghiệp chân chánh? Xã hội càng hiện đại thì có vô vàn, tỷ tỷ nghề nghiệp, như theo con hiểu những gì gây ra không làm hại cho người là nghề nghiệp chân chánh. Nhưng có những nghề không hại người mà lại nuôi sống con người, thí dụ như một người mở trại gà để nuôi gà, sản xuất thực phẩm nuôi sống xã hội. Có những gia đình thập cổ lai hy, người ta vẫn làm nghề đó để nuôi sống xã hội. Nếu phân tích ra theo đạo Phật thì nghề đó lại là một nghề tiếp tay cho người khác giết hại sinh mạng. Vậy, muốn tu theo chánh mạng thì phải làm như thế nào? Còn nhiều nghề nữa, ví dụ như đánh cá, đó có phải là nghề theo chánh mạng hay không? Nếu trẻ con không có thịt không có cá thì nó không lớn lên được. Những vị sư như chúng con có thể ăn chay suốt đời, nhưng những đứa trẻ lên hai lên ba không thể nào ăn thiếu thịt thiếu cá được. Vậy, những nghề đó có phải là nghề phi chánh mạng không?

Rinpoche: Với câu hỏi này, tôi sẽ làm rõ vài điểm. Khi sinh ra trong một gia đình làm nghề đánh cá, việc mưu sinh của quý vị phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh cá. Quý vị cần biết một điều, mọi hành động đều có mặt tốt và mặt xấu. Ở Ấn Độ có một tôn giáo được gọi là đạo Jain. Tôn giáo này xuất hiện cùng thời với Đức Phật. Họ rất nghiêm khắc trong vấn đề bất bạo động. Họ khuyến khích tín đồ không nuôi thú và làm nghề nông. Họ cũng khuyến khích mọi người không săn bắn… Họ cấm tất cả những việc tương tự. Người sáng lập đạo Jain là người sinh ra cùng thời với Đức Phật, và ông ấy cũng là một hoàng tử. Họ có nhiều điều luật khắt khe hơn cả Phật giáo. Thậm chí, họ không dùng khẩu trang che miệng vì cho rằng làm như vậy sẽ giết chết các loài sinh vật trong không khí. Tín đồ đạo Jain không ăn thịt, không ăn trứng. Họ có những điều luật rất khắt khe. Tín đồ không thể làm nghề nông, không thể nuôi cá… Chính vì vậy, chỉ có một lựa chọn cho tín đồ Jain, đó là làm nghề buôn bán. Họ kinh doanh buôn bán suốt hàng ngàn năm. Hiện tại, ở Ấn Độ, chỉ có 2-3% dân số Ấn Độ theo đạo Jain, tuy nhiên nếu quý vị nhìn vào cộng đồng kinh doanh buôn bán ở Ấn Độ thì có đến 50% đến từ cộng đồng Jain. Họ tiến hành nghiên cứu vì sao có đến 50% những người kinh doanh buôn bán đến từ cộng đồng Jain, và họ phát hiện lý do là những người đó chỉ có một lựa chọn duy nhất từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Vì thế mà họ đã kinh doanh buôn bán suốt hàng ngàn năm.

Đạo Phật hoàn toàn khác. Nếu quý vị nhìn lại 2500 trước, Đức Phật đã đặt ra 5 giới cư sĩ. Trong 5 giới cư sĩ, Ngài dạy không được uống rượu, nhưng Phật không hề nói rằng không được ăn thịt. Ngài không đặt luật như thế. Nếu quý vị sinh ra trong một gia đình làm nghề đánh cá, trong tình cảnh đó quý vị không thể tồn tại mà không đánh cá. Tuy nhiên, có nhiều cách quý vị có thể làm khi đánh cá. Quý vị có thể tịnh hóa rất nhiều ác hạnh. Quý vị vị thể tụng kinh của Đức Phật cho những chúng sinh mà quý vị buộc phải giết hại. Nếu sinh ra trong một gia đình theo nghề cá, quý vị phải hiểu rằng có những khó khăn tồn tại. Sống ở một nơi an ổn và nói rằng đánh cá là ác nghiệp thì rất dễ, tuy nhiên với những người rơi vào hoàn cảnh đó thì bản chất đời sống của họ đã là như vậy. Tôi được sinh ra ở Nepal. Ở Nepal có rất nhiều, hàng ngàn nông dân khổ sở, thức ăn hàng ngày của họ tùy thuộc vào việc họ có bán được rau cải mỗi ngày hay không. Một dịp nọ ở Đài Loan, tôi nói chuyện với một giáo sư đại học. Chúng tôi nói về việc trồng rau sạch. Tôi từng nghĩ đến việc mang mô hình trồng rau sạch đó giới thiệu cho nông dân ở Nepal. Tôi hỏi vị giáo sư đó nếu không dùng thuốc trừ sâu thì nếu có côn trùng hay vi khuẩn tấn công rau cải thì chúng ta phải làm gì. Vị giáo sư đó nói là đừng lo, nếu vi khuẩn đến thì loài chuột sẽ đến để ăn chúng. Tôi hỏi nếu có chuột thì rắn sẽ đến, chúng ta phải làm gì? Vị ấy nói tôi đừng lo, nếu có rắn thì diều hâu hoặc đại bàng sẽ đến để ăn chúng, mọi thứ sẽ được cân bằng tự nhiên. Tôi nói với họ, “Bây giờ tôi nhận thấy phương pháp trồng rau sạch này chỉ là một thú vui của các ông. Tuy nhiên, nếu tôi mang phương pháp này vào Nepal thì nó không còn là một thú vui nữa. Với người Nepal đó là vấn đề sinh tồn. Nếu họ không thể bán rau trong một ngày thì họ sẽ không có gì để ăn trong ngày hôm đó.” Thật sự thì vị giáo sư đó nói về cách trồng rau sạch như là một thú vui, bởi sự cân bằng tự nhiên cần khoảng 3-5 năm. Nếu tôi giới thiệu cách làm đó ở Nepal thì trong 3-5 năm đó, hàng trăm nông dân sẽ chết đói. Khi tôi nói rằng nếu người Nepal không bán được rau trong một ngày thì họ sẽ không có gì để ăn trong ngày hôm đó, và nếu dựa vào cân bằng tự nhiên thì họ sẽ hoàn toàn không có lương thực để ăn. Lúc đó, vị giáo sư mới nói rằng ông ấy không biết hoàn cảnh ở Nepal. Cách trồng rau sạch với ông ấy giống như một thú vui vậy.

Tương tự với những gia đình làm nghề cá, tôi thật sự hiểu được hoàn cảnh đó. Nếu họ không đánh cá thì làm sao có thể tồn tại đây? Một hoàn cảnh rất nan giải. Vì thế, khi phải đánh cá, họ nên tụng chú Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) để tịnh hóa ác nghiệp. Thậm chí khi đang phạm ác hạnh, họ vẫn có thể tịnh hóa và giảm thiểu ác hạnh. Nếu họ có cách làm khác hay hơn thì rất tốt; nếu không còn cách nào khác thì cách duy nhất là tịnh hóa ác hạnh bằng chú Kim Cang Tát Đỏa. Khi tôi nói chuyện với ông giáo sư đó, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện. Có ba quốc gia đến từ châu Phi, châu Âu và châu Mỹ gặp nhau. Ông tổng thống quốc gia châu Phi nói rằng phần còn lại của thế giới đang trong nạn đói. Người đứng đầu quốc gia châu Âu hỏi, “Nạn đói là cái gì? Nó có nghĩa là gì? Tôi không hiểu!” Người đứng đầu quốc gia châu Mỹ nói, “Phần còn lại của thế giới là cái gì? Nạn đói là cái gì?” Đôi khi, chúng ta phải đặt mình vào vị trí của các quốc gia khác, giống như đối với những gia đình làm nghề cá. Thật sự thì tôi rất hiểu. Việc đánh cá ảnh hưởng rất nhiều đến miếng cơm manh áo của họ. Bỗng nhiên nói về ác nghiệp là điều rất dễ dàng, nhưng nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh đó thì sẽ thấy mọi chuyện rất khó khăn. Vào thời Đức Phật, thậm chí Ngài đã ban giáo huấn cho một người đánh cá. Đức Phật cũng đã dạy như vậy. Họ có thể tịnh hóa và giảm thiểu ác nghiệp của bản thân, họ có thể làm điều đó bằng cách tụng chú Kim Cang Tát Đỏa.

Cảm ơn tất cả quý vị!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @14/04/2015

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.