04-04-2015
2015

Khangser Rinpoche hướng dẫn Thiền Chỉ - Phương Pháp Đối Trị Sợ Hãi Và Sân Giận tại Sherwood Residence.

TP.HCM, Ngày 04 Tháng 04 Năm 2015.

THIỀN CHỈ

PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ SỢ HÃI VÀ SÂN GIẬN

KHANGSER RINPOCHE hướng dẫn

 

TPHCM, ngày 04 tháng 04 năm 2015

 

Trước tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị!

Quý vị vui lòng giơ tay nếu đã tham dự buổi học thiền trước tại Windsor. Tiếp theo, những ai chưa tham dự xin vui lòng giơ tay. Chương trình hôm nay không liên quan đến bất cứ  tôn giáo nào. Những phương pháp tôi trao đổi ngày hôm nay thì bất cứ người nào cũng có thể thực hành mà không cần phải theo bất cứ tôn giáo nào cả. Hôm nay, chủ yếu tôi sẽ nói về phương pháp quản lý cơn giận, nỗi sợ và sự căng thẳng. Đây là chủ đề chính của ngày hôm nay.

Lần trước ở Windsor, tôi nói quý vị sẽ có hai tuần để thực hành. Quý vị cảm thấy thế nào rồi? Việc thực hành có mang lại lợi ích gì cho quý vị không? [Đại chúng trả lời có] Phương pháp đó có lợi cho quý vị hay không, đó không phải là vấn đề của tôi [Rinpoche cười]. Hôm nay, tôi muốn nói về phương pháp thực hành để quản lý cơn giận, nỗi sợ và sự căng thẳng. Nói chung, có một điều quý vị cần biết, đó là sân giận, căng thẳng và sợ hãi có mối liên hệ qua lại với nhau, giống như con gà và quả trứng. Cho đến bây giờ, không một ai biết con gà có trước hay quả trứng có trước, nhưng chúng ta biết một điều là con gà sinh ra từ quả trứng, và quả trứng đến từ con gà. Tuy nhiên, chúng ta lại không biết cái nào có trước. Chính vì vậy, tôi thường nói một điều: Nếu quý vị hỏi cái nào có trước thì quý vị sẽ không có câu trả lời chính xác. Tại sao? Bởi vì bản thân câu hỏi đó là một câu hỏi sai lầm. Quý vị sẽ không thể có được đáp án đúng cho một câu hỏi sai. Tương tự, sân giận, sợ hãi và căng thẳng có mối liên hệ qua lại với nhau; tuy nhiên, không ai biết điều nào đến trước. Sự căng thẳng sinh ra từ nỗi sợ hãi, còn nỗi sợ lại sinh ra từ cơn giận; hoặc vì căng thẳng mà ta nóng giận, vì nóng giận mà ta sợ hãi, và sợ hãi lại khiến ta sân giận. Ba cảm xúc này tương tác lẫn nhau.

Tôi có một kinh nghiệm qua một học trò người Hàn Quốc. Anh ta là một tu sĩ đã sống khá lâu trong tu viện ở Hàn Quốc. Anh ta nói với tôi rằng anh đã bắt đầu đời sống tu viện từ sau khi tốt nghiệp cao đẳng, và khi ấy anh hành thiền mỗi ngày 16 giờ, rất chăm chỉ. Trước khi gia nhập tu viện, anh ấy là người vui vẻ và chẳng bao giờ nổi giận. Sau khi thực hành thiền chăm chỉ thì dần dần anh ấy lại phát khởi sân giận. Nếu có người gây tiếng động nhỏ khi anh ta đang hành thiền thì anh sẽ rất giận dữ [Rinpoche cười]. Anh ta càng thực hành thiền bao nhiêu thì lại càng nóng nảy bấy nhiêu. Mỗi khi anh ta đang hành thiền, nếu có người gây tiếng động nhỏ thì anh sẽ nổi giận, vì nó quấy nhiễu thời thiền của anh. Thậm chí trong tu viện, các tu sĩ cũng không thể kiểm soát được cơn giận của họ. Nếu không thể kiểm soát cơn giận thì quý vị không thể kiểm soát sự căng thẳng. Tôi vẫn thường hay nói như vậy. Lần trước tôi có nói với quý vị rằng tôi rất thích một câu nói ở Việt Nam: “Thứ nhất là tu tại gia. Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.” Đây là một thông điệp rất sâu sắc. Tôi vẫn luôn nghĩ Pháp nào là tốt nhất, cách thực hành nào là tốt nhất, lối sống nào là tốt nhất?

Vài ngày trước, tôi có buổi nói chuyện ở Ngân hàng Thế giới. Họ nói với tôi sứ mệnh của họ là vì một thế giới không đói nghèo. Tôi đã nói với họ rằng tôi đến đây với tiêu chí là vì một thế giới không căng cẳng; đó là sứ mệnh của tôi [Rinpoche cười]. Hôm nay, quý vị phải cố gắng học cách kiểm soát căng thẳng và sợ hãi. Một khi có thể kiểm soát sân giận và sợ hãi, điều đó cũng giúp quý vị kiểm soát mức độ căng thẳng của bản thân.

Trước hết, hãy nhìn vào cơn giận, có vài điều quý vị phải biết. Người ta thường hay nói rằng khi nổi giận, quý vị không nên đè nén cơn giận mà cần phải giải tỏa cơn giận đó. Nếu đè nén cơn giận, quý vị sẽ rất khổ sở. Có một người tính tình nóng nảy và rất dễ nổi giận. Mỗi khi đến văn phòng, anh ta thường nổi giận với sếp của mình vì anh không thể kiểm soát được cơn giận của bản thân đối với sếp, nên sau đó anh ta mới đến gặp một bác sĩ tâm thần để nhờ tư vấn và vị bác sĩ đó đã cho anh một số lời khuyên. Ông nói, “Anh không nên đè nén cơn giận; anh phải giải tỏa nó. Do đó, điều anh cần phải làm là bộc lộ cơn giận bằng cách hãy đặt một tấm hình của sếp trong nhà và hàng ngày, trước khi anh đi làm thì hãy cởi giày và đánh vào hình ông ấy ba lần. Buổi chiều khi đi làm về thì anh cũng hãy làm tương tự như vậy.” Thế là anh ta làm theo lời khuyên của bác sĩ vài tuần đến vài tháng. Mỗi khi đi làm, anh ta cởi giày và đánh vào tấm hình ông chủ ba lần. Mỗi khi từ văn phòng về đến nhà, anh ta cũng cởi giày và đánh vào tấm hình ba lần. Anh ta đã làm như vậy đều đặn suốt một tháng. Vài tháng sau, anh ta đến gặp bác sĩ tâm thần một lần nữa để được tư vấn. Bác sĩ hỏi, “Phương pháp của tôi có hiệu quả không?” Anh ta trả lời, “Hiệu quả, nhưng có một vấn đề khác nảy sinh. Mỗi lần tôi đến văn phòng, mỗi lần tôi gặp sếp tôi thì tay tôi lại tự nhiên đưa xuống phía dưới giày tôi.” [Rinpoche cười] Đó là tác dụng phụ của phương pháp đó. Tuy nhiên, với phương pháp thực hành kiểm soát cơn giận mà tôi sắp hướng dẫn cho quý vị thì sẽ không có tác dụng phụ. Đó là những bước đơn giản sẽ giúp ích cho quý vị bởi vài năm trước tôi từng là một tu sĩ rất nóng tính và phương pháp này đã rất hữu hiệu đối với tôi. Khi quý vị hỏi ý kiến một vị bác sĩ, ông ấy kê toa thuốc và quý vị hỏi, “Thuốc này có hiệu nghiệm không?”, nếu bác sĩ nói, “Tôi không chắc lắm!” thì quý vị sẽ cảm thấy như thế nào? Ở đây, tôi chắc chắn phương pháp này sẽ giúp ích cho quý vị. Tuy nhiên, có một điều quý vị cần biết về cách chế ngự cảm xúc nóng giận và căng thẳng. Nếu tìm kiếm về vấn đề này trên Google, quý vị sẽ nhận được hàng ngàn ý tưởng khác nhau. Chương trình hôm nay và đáp án từ Google có một điểm khác biệt, quý vị có biết không? Có một công ty chế tạo một siêu máy tính, và công ty đó tuyên bố nếu quý vị đặt câu hỏi, nhập vào máy tính thì nó sẽ đưa ra câu trả lời. Nhiều người đã hỏi những câu hỏi khác nhau, và siêu máy tính đó đưa ra câu trả lời chính xác cho từng câu hỏi. Sau đó công ty tuyên bố nếu ai đặt câu hỏi và máy tính không thể trả lời thì người đó sẽ nhận được giải thưởng rất lớn. Ai cũng đến thử, và cuối cùng có một người đến đặt một câu hỏi. Siêu máy tính tiến hành phân tích hàng giờ nhưng không có câu trả lời. Thật ra người đó đã hỏi một câu rất đơn giản: “Bạn cảm thấy thế nào khi mình là một cái máy tính?” Đó chính là sự khác biệt. Nếu quý vị tìm kiếm trên Google cách kiểm soát cơn nóng giận hay căng thẳng thì sẽ tìm được rất nhiều câu trả lời. Google sẽ trả lời mà không có bất cứ trải nghiệm nào; tuy nhiên, buổi học này bao gồm cả kinh nghiệm. Đó chính là điểm khác biệt.

Trước hết, để kiểm soát sân giận, quý vị cần phải biết nguyên nhân của cơn giận, và các bước điều phục sân giận. Nói chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sân giận, nhưng trong đó có vài nguyên nhân chính. Đôi khi quý vị kỳ vọng điều gì đó nhưng nó không xảy ra thì đó là một nguyên nhân kích hoạt cơn giận. Nguyên nhân thứ hai là bị người khác gây tổn thương về thân thể, tinh thần…có rất nhiều kiểu bị tổn thương. Khi có người làm quý vị tổn thương về tinh thần hay thể xác, đó cũng là một nguyên nhân kích hoạt cơn giận. Thân thể và tinh thần của con người rất buồn cười, kỳ lạ và thú vị. Nếu quý vị bị gai đâm thì từ từ vết thương sẽ bị sưng. Có phải như vậy không? Điều đó cũng không có gì thú vị, mà điều thú vị tiềm ẩn bên dưới chính là mỗi khi các tế bào phát hiện thành phần lạ xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ cố gắng đẩy lui sự xâm nhập đó. Cơ chế sinh học đó tự nhiên xảy ra. Khi cơ thể chúng ta đột nhiên phát hiện có thành phần lạ xâm nhập, nó sẽ phản ứng lại sự xâm nhập đó. Tương tự, khi con người bị tổn thương tinh thần hoặc thể xác, họ sẽ phản ứng lại và nổi giận. Nguyên nhân thứ ba là áp lực. Khi quý vị gặp phải áp lực cuộc sống hay áp lực gia đình, điều đó cũng kích hoạt cơn giận. Đó là những nguyên nhân khiến chúng ta tức giận.

Bây giờ chúng ta phải biết các bước điều phục cơn giận. Có hai cách, quý vị muốn theo cách nào? Cách dễ hay cách bền vững? Cách dễ dàng nhất là niệm Nam Mô A Di Đà Phật một ngàn lần [Rinpoche cười]. Nếu làm như vậy không hiệu quả thì niệm một trăm ngàn lần; nếu vẫn chưa hiệu quả thì niệm một triệu lần [Rinpoche cười]. Đó là cách dễ dàng nhất nhưng không đảm bảo. Tuy nhiên, quý vị đừng nghĩ rằng tôi chống lại việc tụng niệm. Khi trở về tu viện thì tôi phải tiếp tục tụng kinh [Rinpoche cười]. Vấn đề ở đây là chúng ta phải chấp nhận thực tế. Hôm nay chúng ta không chấp nhận sự thật, nhưng mười năm sau, ta vẫn phải chấp nhận.

Bây giờ nói đến phương pháp có đảm bảo. Tôi vẫn thường nói một điều, nếu nhìn vào Đức Phật, quý vị sẽ thấy tư thế hành thiền của Ngài, chứ quý vị không bao giờ thấy Đức Phật mang tràng hạt trong tay Ngài. Điều đó mang một thông điệp: việc thực hành sẽ giúp chúng ta. Người ta nghĩ rằng việc tụng chú sẽ hiệu quả, điều đó thật sự có ích nhưng nó có giới hạn, quý vị phải hiểu điều này. Điều quan trọng hơn là thực hành chứ không phải tụng chú. Làm sao chúng ta điều phục cơn giận? Có vài bước. Khi tôi giới thiệu, quý vị đừng nghĩ rằng mình có thể điều phục sân giận 100% chỉ sau một hoặc hai ngày. Nếu có thể diệt trừ sân giận 100%, quý vị sẽ thành một vị a-la-hán. Tuy nhiên, quý vị đều có tiềm năng đó, tất cả chúng ta đều có tiềm năng thành Phật. Quý vị có nhớ quý vị phải làm gì nếu thành Phật trước tôi không? Nếu quý vị thành Phật trước tôi thì xin đừng quên tôi [Rinpoche cười]. Tôi biết quý vị phải ghi nhớ nhiều điều, nhưng quý vị phải nhớ đến tôi khi đắc Phật quả [Rinpoche cười].

Mỗi khi quý vị nổi giận, điều trước tiên là cần phải tỉnh thức. Quý vị phải biết rằng mình đang nổi giận. Đó chính là chánh niệm. Rất nhiều người không biết mình đang nổi giận. Lúc đầu họ nổi giận, la lối, đánh đấm…, rồi sau đó họ mới biết rằng mình vừa nổi giận. Quý vị phải tỉnh thức. Để phát khởi sự tỉnh thức, quý vị phải quán sát từng phút giây. Điều thứ hai rất quan trọng mà quý vị cần phải biết mỗi khi nổi giận, là khi đã tỉnh thức về cơn giận, quý vị cần phải đánh lạc hướng tâm mình ra khỏi sự việc khiến bản thân tức giận. Tôi sẽ cho một ví dụ. Nhiều năm trước, ở tu viện có một chú tiểu học hành không nghiêm chỉnh nên tôi đã yêu cầu chú tiểu đến phòng của tôi và mắng chú ta rất dữ dội. Tôi mắng, “Đồ ngu, đồ con lừa.” trong suốt hai đến ba phút. Sau đó, tôi hỏi chú tiểu có giận không thì chú tiểu nói rằng chú ta không giận. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi, “Vì sao con không nổi giận? Thầy đã dùng lời lẽ rất nặng nề như là đồ ngu, đồ con lừa…” Chú tiểu nói với tôi chú không nghe những gì tôi nói vì chú bận suy nghĩ đến những trò chơi [Rinpoche cười].

Điều tương tự đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Đôi khi, có những việc khiến chúng ta nổi giận, chúng ta cứ nghĩ đi nghĩ lại về những sự việc đó, và điều đó khiến chúng ta rất giận dữ. Mỗi khi nổi giận, khi đã tỉnh thức và nhận ra mình đang nổi giận, quý vị hãy cố gắng tập trung đếm hơi thở và đếm đến 10 hoặc 15.

Bây giờ hãy thực hành bước thứ hai này trong hai đến ba phút. Hít vào, thở ra và đếm hơi thở. Quý vị phải hít vào thở ra thật sâu và bắt đầu đếm hơi thở. Điều quan trọng là khi quý vị tập trung vào hơi thở, hãy cố gắng đếm từ mười đến hai mươi hơi thở. [Rinpoche hỏi “Các bạn rõ không?” bằng tiếng Việt, đại chúng cười.] Quý vị cũng có thể đếm đến 40 hoặc 50. Bây giờ chúng ta sẽ thực hành trong vài phút.

Mỗi khi quý vị nhận ra mình đang nổi giận, ngay lập tức quý vị phải bắt đầu đếm hơi thở. Lần đầu thực hành sẽ khó, lần thứ hai sẽ dễ hơn, và lần thứ ba sẽ dễ hơn nữa. Khi quý vị thực hành nhiều lần thì nó sẽ dễ dàng hơn.

Bây giờ là bước thứ ba. Quý vị phải nghĩ về khía cạnh tiêu cực của cơn giận. Phần lớn thời gian quý vị nghĩ về khuyết điểm của người khác; lần này quý vị phải nghĩ về mặt tiêu cực của cơn giận. Rất ngắn gọn, nếu có ai nổi giận thì anh ta hoặc cô ta không thể nào hạnh phúc và an lạc. Có một câu nói: “Nổi giận nhất thời chính là điên loạn nhất thời; nổi giận lâu dài chính là điên loạn lâu dài.” Quý vị còn nhớ buổi học trước không? Quý vị phải ghi nhớ điều này trong tâm. Nếu quý vị nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần, thông điệp này sẽ được khắc sâu vào tâm quý vị. Đây là một thông điệp mà ngay lần đầu tôi đọc, nó đã đi sâu vào tâm tôi: “Nếu có bất cứ ai nổi giận thì anh ta hoặc cô ta không bao giờ cảm thấy hạnh phúc và an lạc.”

Như tôi đã nói, tôi từng là một tu sĩ nóng tính. Có một lần tôi rất giận dữ và đấm vào hộp công tắc điện, làm cho công tắc điện bị vỡ. Hộp công tắc bị vỡ đó vẫn còn ở tu viện ở miền Nam Ấn Độ trong suốt nhiều năm, và tôi không thay công tắc mới. Các học trò người Hàn Quốc của tôi nói rằng họ muốn hành hương để chiêm bái hộp công tắc đó [Rinpoche cười]. Tuy nhiên, từ một tu sĩ nóng tính, tôi đã thay đổi rất nhiều. Điểm khởi đầu của sự thay đổi này là khi tôi đọc được câu nói “Nếu có bất cứ ai nổi giận thì anh ta hoặc cô ta không bao giờ cảm thấy hạnh phúc và an lạc.” Quý vị có đồng ý với tôi về điểm này không? Do đó, bây giờ là thời điểm thích hợp để làm một điều gì đó. Quý vị cần nghĩ về mặt tiêu cực của sự sân giận. Càng nghĩ nhiều về mặt tiêu cực của sân giận, quý vị càng có động lực và quyết tâm để điều phục sự sân giận.

Bước thứ tư là lòng bi mẫn. Khi chúng ta nói về lòng bi mẫn, nó hoàn toàn không liên quan đến tôn giáo. Tôi có rất nhiều ví dụ, tôi sẽ cho quý vị một ví dụ gần nhất. Ở Hà Nội, tôi đến trường tiểu học và phát kẹo cho các em học sinh. Hôm sau, tôi đến một nơi khác để nói chuyện thì có một người mẹ nói với tôi là con gái của bà học ở ngôi trường tiểu học hôm trước đã kể lại rằng Rinpoche đến thăm trường. Người mẹ hỏi đứa con gái “Rinpoche đã nói những gì?” Đứa con nói “Rinpoche nói nhiều điều nhưng con không hiểu gì hết.” [Rinpoche cười] Tuy nhiên, đứa trẻ khoe với mẹ thỏi sôcôla và nói rằng Rinpoche đã tặng kẹo với tình thương và lòng bi mẫn. Không những một đứa trẻ có thể hiểu được tình thương và lòng bi mẫn mà ngay cả loài thú cũng có thể cảm nhận được. Nếu quý vị yêu thương một con chó, nó cũng sẽ yêu thương quý vị, có nghĩa là con chó hiểu được tình thương và lòng bi mẫn. Tình thương và tâm bi mẫn mang lại rất nhiều năng lượng tích cực cho cơ thể chúng ta nhưng chúng ta vẫn không biết điều đó. Đôi lúc cuộc sống của chúng ta thiếu vắng những điểm quan trọng này. Tôi vẫn thường nói một điều. Nếu quý vị nhìn vào một đứa trẻ sơ sinh, nó không có sự sợ hãi, sân giận, nhưng nó vẫn có tình thương đối với người mẹ. Chúng ta không được sinh ra cùng với nỗi sợ hãi, căng thẳng và sân giận, mà chúng ta chào đời với tình thương và lòng bi mẫn. Với buổi học này, chúng ta đang quay trở về điểm khởi đầu. Với thức ăn, nếu đi ngược về xuất xứ của nó thì đó là thực phẩm sạch (organic food). Với buổi học này, chúng ta sẽ cố gắng quay trở về tư tưởng nguyên sơ (organic thingking) [Rinpoche cười]. Quý vị hãy cố gắng phát khởi tâm bi mẫn đối với người khác. Đây là bước thứ tư.

Tôi dừng ở đây và dành vài phút cho phần hỏi đáp. Như trong buổi trước, tôi vẫn luôn khẳng định một điều khi nói về những phương pháp trong đạo Phật, đạo Phật vốn là một môn khoa học về tâm. Những gì tôi nói về đạo Phật, về khoa học của tâm đều do chính Đức Phật dạy. Chính vì vậy, khi tôi giảng giải, tôi luôn giảng miễn phí. Tôi không nhận tiền vì tôi không giữ bản quyền; Đức Phật mới là người giữ bản quyền. Trong thế kỷ 21 này, quý vị phải mua hoặc trả tiền cho mọi thứ, quý vị không có thứ nào miễn phí cả. Thậm chí với nước quý vị cũng phải mua. Chỉ có hai món miễn phí trong thế kỷ 21 này là sẽ hiện diện mãi mãi. Món thứ nhất là không khí, dù giàu hay nghèo, quý vị hít thở cùng một bầu không khí. Quý vị có thể ăn thực phẩm khác nhau, nhưng không khí thì như nhau. Dù quý vị đi đâu, không khí luôn miễn phí. Món miễn phí thứ hai là bài giảng của Khangser Rinpoche. Dù quý vị đi đâu, bài giảng cũng đều miễn phí. Tuy nhiên ở Ngân hàng Thế giới, họ nói với tôi không khí ở đó không phải miễn phí, họ đã phải trả số tiền lớn cho bầu không khí làm việc nơi đó, nên cuối cùng chỉ còn một món miễn phí mà thôi [Rinpoche cười]. Như tôi đã nói, nếu những phương pháp này có ích cho quý vị, tôi sẽ rất hạnh phúc; đó là ước muốn của tôi. Đặc biệt, tôi cảm ơn ban tổ chức rất nhiều. Lần này, tôi thật lòng niệm Nam Mô A Di Đà Phật cho ban tổ chức [Rinpoche cười], vì nhờ ban tổ chức mà chúng ta có thể gặp nhau. Về phần mình, tôi rất biết ơn ban tổ chức, tôi sẽ cầu nguyện cho họ, và quý vị cũng phải cầu nguyện.

 

Hỏi: Về nội dung thì tôi hiểu, nhưng với cái tên thiền chỉ, tôi không hiểu tại sao lại dùng chữ thiền chỉ? Tôi chỉ có thắc mắc về mặt từ ngữ, tôi có nghiên cứu về nhiều loại thiền: thiền thở, thiền im lặng…nhưng thiền chỉ có nghĩa là sao? Có liên hệ với nội dung như thế nào?

Rinpoche: Nói chung, thuật ngữ “shamatha” có nghĩa là cư trú trong an lạc. Tuy nhiên, người ta thường hiểu lầm về việc cư trú trong an lạc. Người ta nghĩ rằng chỉ khi chết đi và được chôn cất thì con người mới được yên nghỉ. Để cư trú trong an lạc thì chúng ta không cần đợi đến lúc chết, chúng ta có thể an lạc ngay bây giờ. Tôi thường nói một điều, khi nào chúng ta có thể sống vui sướng và hạnh phúc? Ngày mai, ngày mốt, hay sau khi chúng ta đạt được một điều gì đó? Tôi thường nói rằng ngay bây giờ, trong từng phút giây của cuộc sống, chúng ta phải cố gắng sống vui sướng. Chúng ta phải cố gắng sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc của đời mình, chính vì vậy thuật ngữ “shamatha” trong tiếng Phạn có nghĩa là cư trú trong an lạc. Sân giận là yếu tố hủy hoại an lạc nội tâm của chúng ta. Điều thứ hai là về thiền im lặng. Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã giữ im lặng suốt 49 ngày sau đó. Ngài im lặng vì lúc đó không ai có thể hiểu đúng ý Ngài; Đức Phật đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giữ im lặng. Bây giờ chúng ta giữ im lặng thì tình thế sẽ khác. Sự im lặng chân chính không có nghĩa là không nói chuyện. Im lặng phải đến từ nội tâm, phải là tâm tĩnh lặng, điều đó quan trọng hơn. Tâm tĩnh lặng không đeo mang những tư tưởng tiêu cực. Khi quý vị không còn tư tưởng tiêu cực trong tâm, đó là tâm tĩnh lặng.

 

Hỏi: Con có tham gia đợt thiền lần trước. Khi con thực hành hít nhanh vào thì cảm thấy phần cột sống bị đau, còn về tiêu hóa thì con đi vệ sinh rất nhiều lần. Khi ngồi kiết già, hai lòng bàn tay con nóng rực. Con không biết phải làm thế nào. Xin thầy giúp con trong vấn đề này!

Rinpoche: Nói chung khi hành thiền, quý vị không cần ngồi theo tư thế kiết già vì nó sẽ ảnh hưởng đến cột sống. Tôi nghĩ tôi đã nói rằng nếu cảm thấy thân thể khó chịu thì quý vị hãy thư giãn. Khi đè nén cơ thể quá mức, cơ thể sẽ phản ứng khác biệt. Trong mọi pháp hành thiền, thư giãn và thiền phải luôn đi đôi với nhau. Do đó, hãy thư giãn và thiền, thiền và thư giãn…

Nếu quý vị cảm thấy phương pháp thiền này giúp bản thân khỏe hơn thì xin hãy giơ tay. Trong số quý vị, nếu có ai muốn chi sẻ cảm nghĩ, kinh nghiệm trước máy quay phim thì hãy liên hệ với Dipkar. Đức Phật đã chia sẻ kinh nghiệm của Ngài trong suốt 40 năm. Nếu quý vị có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong hai tuần thì rất tốt [Rinpoche cười].

 

Hỏi: Ví dụ, trong một ngày mọi người sẽ gặp vấn đề là sếp của bạn cứ giận dữ với bạn 15 phút một lần, 15 phút một lần. Hoặc là nhân viên của các bạn làm những công việc rất dở hơi, tức là nhân viên không rút được kinh nghiệm, cứ 1 tiếng đồng hồ lại báo cáo: “Công việc em như thế này…”, cứ liên tục như vậy. Với bản thân mình, mình nghĩ rằng phương pháp của Ngài Rinpoche hiện tại làm sao để giải quyết trường hợp đó? Chúng ta phải nghĩ về chuyện đó, rồi chúng ta phải thở,… như vậy thì làm sao giải quyết được?

Rinpoche: Về câu hỏi này, có hai tình huống. Trong tình huống thứ nhất, quý vị là sếp và mọi người liên tục báo cáo với quý vị; tình huống này thú vị hơn. Trong cuộc sống của tôi, nhiều việc như vậy cũng xảy ra, nhiều thông báo “Chuyện này đang xảy ra!...” Những báo cáo như vậy khá nhiều. Khi quý vị là sếp, quý vị thuê hai nhân viên và yêu cầu họ làm việc cùng nhau. Nếu họ không tranh cãi với nhau thì có nghĩa là một trong hai người không làm tốt việc của mình. Nếu quý vị thuê hai người, yêu cầu họ làm việc với nhau và họ cãi nhau liên tục, điều đó có nghĩa là cả hai đều không làm việc tốt. Trong những tình huống nhận báo cáo, quý vị phải rất cẩn thận. Vài người thật sự làm việc tận tụy, vài người khác thì không tận tâm mà chỉ luôn ngăn cản người khác làm việc. Chính vì vậy, khi là sếp, điều quan trọng nhất là phải phân công đúng người vào đúng vị trí. Trước hết, quý vị phải biết rõ năng lực của người khác. Quý vị phải biết rõ năng lực của người khác và phân công họ vào đúng vị trí. Quý vị cần hiểu rằng các báo cáo có thể là báo cáo chân thành, báo cáo do lòng đố kị, rất nhiều loại… Quý vị phải nhìn nhận thật cẩn thận. Đôi khi đồng nghiệp của quý vị phàn nàn những người khác, vì họ có tâm ganh tị mãnh liệt. Họ không thể nói là họ ganh tị với người khác, nhưng họ sẽ cố chứng tỏ người khác đang làm sai. Sự phàn nàn đó đến từ tâm đố kị, quý vị phải biết như vậy. Trong những tình huống đó, quý vị không cần phải tập trung vào hơi thở. Quý vị phải khởi tâm thương yêu đối với những người hay phàn nàn như thế. Đôi lúc sự phàn nàn thật sự đúng đắn vì người khác thật sự phạm lỗi. Để hiểu những điều đó, quý vị cần có trí tuệ. Để có trí tuệ, quý vị phải cầu nguyện với Đức Phật Văn Thù [Rinpoche cười]. Tôi có kinh nghiệm trong tình huống này.

Tình huống thứ hai là cứ 15 phút thì sếp khiến quý vị nổi giận. Rất đơn giản: hãy đổi việc [Rinpoche và đại chúng cười], vậy thì quý vị không phải thực hành hít thở mỗi 15 phút nữa! Nếu không thể đổi việc thì ít nhất quý vị phải cố gắng khởi tâm thương yêu đối với sếp. Mỗi khi sếp nổi giận thì thật sự ông ấy đau khổ hơn quý vị. Quý vị có thể làm như vậy.

 

Hỏi: Tôi xin cảm ơn Ngài đã cho một buổi nói chuyện rất vui và rất ích lợi. Tôi xin có một câu hỏi, bởi tôi cũng ở xa. Trước đây tôi ở Việt Nam, mình có hai Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa. Hiện nay tôi về Việt Nam, tôi nghe nói người Việt Nam rất thích thú được nghe những bài giảng của các thầy Tây Tạng. Câu hỏi của chúng tôi là không biết quý thầy có suy nghĩ tại sao người Việt Nam thích nghe Phật giáo Tây Tạng. Thầy đừng nói rằng vì nó là free, không phải vì free. Xin thầy cho biết lý do vì sao?

Rinpoche: Nói chung, tôi thật sự không biết có bao nhiêu truyền thừa Phật giáo. Tôi chỉ biết về truyền thừa của Đức Phật. Tôi nhìn vào những gì Đức Phật dạy, tôi không quan tâm đến truyền thừa. Lời dạy của Đức Phật là để làm lợi lạc cho mọi người, để thực hành cải thiện bản thân, luyện tâm… Đó chính là lời Phật dạy [trong kinh Pháp Cú]:

Ác hạnh thế nào cũng không làm

Thiện hạnh tròn đầy hành viên mãn

Hoàn toàn điều phục tâm chính mình

Đây là giáo pháp của Phật đà.      

Đó là lời dạy của Phật, là những gì tôi đang thực hành theo. Điểm thứ hai, lời dạy của Đức Phật cũng giống như thuốc. Nếu thuốc không giúp ích thì quý vị phải làm gì? Phải ngừng uống thuốc. Nếu lời Phật dạy không giúp ích thì quý vị phải ngừng thực hành, nếu không thì nó sẽ làm uổng phí thời gian của quý vị. Quý vị đều biết thời gian chính là tiền bạc. Không ai muốn uổng phí tiền bạc cả, vì vậy quý vị không nên phí phạm thời gian. Điểm quan trọng nhất là các thực hành Phật pháp phải mang đến lợi lạc. Cuối cùng,  tôi muốn nói với quý vị một điều. Điều quan trọng nhất trong đạo Phật là điều phục tâm. Đó là điều quan trọng nhất. Khi quý vị thành công trong việc giảm thiểu sân giận, đố kị, chấp ngã..., điều đó có nghĩa là quý vị đang thực hành rất tốt. Nếu không thể thay đổi bản thân thì quý vị không có thực hành Phật pháp gì hết. Có thể quý vị tụng niệm điều gì đó, nhưng đó không phải là thực hành. Phật pháp chủ yếu nói về việc điều phục tâm. Mức độ cao nhất của thực hành điều phục tâm đó là thực chứng tánh không. Chính vì vậy, sắc tức thị không, không tức thị sắc. [Rinpoche nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc” bằng tiếng Việt, đại chúng cười và vỗ tay.] Đó chính là mức độ cao nhất trong Phật pháp: thực chứng tánh không, điều phục và tận diệt hoàn toàn tâm chấp ngã. Nếu tôi nói trực tiếp về tánh không thì mọi người sẽ không hiểu, do đó từ từ chúng ta sẽ lên đến mức độ đó. Đó là những điểm chính.

Cảm ơn quý vị rất nhiều.

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @15/04/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.