03-03-2015
2015

Khangser Rinpoche chú giải sơ lược Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo.

TP.HCM, ngày 03 tháng 03 năm 2015.

Sơ lược về

37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo

Khangser Rinpoche chú giải

TPHCM, ngày 03 tháng 03 năm 2015

 

Lời đầu tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị! Hôm nay, trước hết tôi sẽ giới thiệu tổng quan về Phật giáo để quý vị hiểu rõ.

Tôi đang suy nghĩ không biết nên nói tiếng Anh hay tiếng Tây Tạng. Lần đầu tôi đến Việt Nam, người phiên dịch chưa biết tiếng Tạng nên lúc đó tôi không có lựa chọn nào khác ngoài tiếng Anh. Bây giờ người phiên dịch đã học được một ít tiếng Tạng nên tôi có thể nói tiếng Anh lẫn tiếng Tạng.

Hôm nay, trước tiên tôi sẽ giới thiệu tổng quát về đạo Phật. Khi người ta nói về đạo Phật, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đạo Phật là một tôn giáo. Thực tế thì đạo Phật không giống như vậy, đạo Phật không phải là một tôn giáo. Hầu hết mọi người không hiểu Phật giáo là gì. Khi tôi nói đến Phật giáo, có lẽ ngay lập tức một tư tưởng sẽ xuất hiện trong tâm quý vị, đó là “Nam Mô A Di Đà Phật.” [Rinpoche cười] Niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” là điều rất tốt, nhưng Phật giáo thực thụ không phải chỉ có như thế. Phật giáo là một dạng thông điệp mà Đức Phật đã gửi đến chúng ta: chúng ta phải sống như thế nào. Tôi có thể nói Phật giáo là một dạng khoa học về cuộc đời, dạy chúng ta cách sống, phương pháp quản lý cuộc đời mình. Nói chung, đạo Phật nói về cách chúng ta cân bằng nội tâm của mình. Nếu nhìn vào thế kỷ 21 này, có rất nhiều thử thách trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ và phải làm nhiều việc, dù chúng ta có muốn hay không.

Có một câu chuyện mà tôi rất thích. Quý vị đã từng nghe nói về một thành phố lớn ở Tây Tạng có tên là thành phố Lhasa chưa? Quý vị từng nghe chưa? Có một bầy chó sống ở một ngôi làng nọ, và có một con chó quyết định đến Lhasa. Khi con chó đó quyết định đến Lhasa, những con chó còn lại đều nghĩ rằng phải mất một tháng mới đến được Lhasa. Bầy chó ở ngôi làng đó thông báo với bầy chó ở Lhasa, “Có một con chó ở làng chúng tôi sắp đến Lhasa. Anh ta sẽ đến Lhasa sau một tháng.” Do đó, bầy chó ở Lhasa nghĩ rằng con chó ở làng kia sẽ đến Lhasa sau một tháng. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là con chó đó đến Lhasa chỉ sau một tuần. Bầy chó ở Lhasa vô cùng ngạc nhiên và hỏi con chó đến từ ngôi làng, “Làm sao anh có thể đến đây chỉ sau một tuần? Thường thì phải mất đến một tháng mới đến được Lhasa. Thật ngạc nhiên là anh đến được đây chỉ sau một tuần!” Con chó đến từ ngôi làng trả lời, “Phải, tôi cũng nghĩ phải mất một tháng mới đến được Lhasa. Khi tôi rời khỏi làng tôi và đến một ngôi làng khác, tôi nghĩ rằng mình sẽ nghỉ chân ở đó. Tuy nhiên, bầy chó ở đó đã rượt đuổi tôi. Sau đó, tôi chạy đến một ngôi làng khác nữa, và bầy chó ở đó lại rượt đuổi tôi. Cứ như vậy, tôi chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Tôi đã phải chạy liên tục, và đến được Lhasa chỉ sau một tuần.” Sau khi đến Lhasa, con chó đó đã quá kiệt sức và nó đã qua đời.

Điều tương tự đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chỉ đang chạy. Khi còn nhỏ, cha mẹ hối thúc chúng ta. Khi đi học, thầy cô hối thúc quý vị. Đến khi có việc làm, cấp trên hối thúc quý vị. Rồi đến khi có gia đình, con cái hối thúc quý vị. Cứ như thế, quý vị phải chạy và chạy. Đó một lối sống mà bây giờ đã trở thành vấn nạn toàn cầu; bây giờ thế giới đang trở nên nhỏ hơn. Quý vị đã từng nghe nói đến quyển sách Thế Giới Phẳng chưa? Rất đúng! Lối sống này đang lan rộng khắp Đông, Tây, Nam, Bắc… Bất kể quý vị đến nơi đâu, lối sống cũng đều giống nhau.

Đây chính là điểm khởi đầu của thông điệp từ đạo Phật. Dù lối sống như thế nào đi nữa, Đức Phật đã trao cho chúng ta thông điệp “Phương pháp để chúng ta quản lý cuộc đời mình.” Thông điệp từ đạo Phật chính là tất cả mọi người đều có tiềm năng mãnh liệt mà chúng ta không biết. Tiềm năng mãnh liệt đó chính là việc chúng ta có thể thay đổi tâm của mình. Một khi có thể thay đổi tâm mình thì chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của bản thân. Trong cuộc sống, mọi thử thách, khó khăn, bất cứ vấn đề gì mà quý vị phải đối mặt…, chúng phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận của quý vị. Bước đầu tiên đạo Phật dạy chúng ta là cách thức nhìn nhận khó khăn và thử thách, và bước thứ hai là phương pháp đương đầu với thách thức. Đây là những thông điệp chính từ đạo Phật.

Tôi luôn đưa ra một ví dụ. Tôi không chắc là tôi đã cho ví dụ này vào lần trước tôi đến VN Direct chưa. Khi quý vị đang đi trên đường hoặc trên núi, nếu quý vị tìm được một trăm đô-la thì quý vị có hạnh phúc không? Một trăm đô-la có lẽ hơi ít, hãy tăng lên một ngàn đô-la [Rinpoche cười]. Tôi có một kinh nghiệm. Một lần nọ tôi nói chuyện với những người làm việc trong ngành công nghệ thông tin ở Đài Loan. Tôi kể câu chuyện tương tự và hỏi mọi người: Nếu tìm được mười ngàn đồng NT [New Taiwan Dollar] thì quý vị có hạnh phúc không? Lúc đó ngay lập tức một học trò của tôi nói, “Rinpoche, đừng nói đồng NT, hãy nói mười ngàn đô-la Mỹ.” [Rinpoche cười] Nếu quý vị tìm được một ngàn USD, quý vị sẽ hạnh phúc có phải không? Sau ba ngày, khi quý vị làm mất cũng một ngàn USD thì quý vị sẽ buồn, có phải không? Đây là điều rất thường gặp, nhưng có một điều rất thú vị, tôi muốn biết giữa hạnh phúc vì có một ngàn USD và nỗi buồn vì mất một ngàn USD, cảm xúc nào kéo dài lâu hơn? [Đại chúng trả lời nỗi buồn lâu hơn.] Nỗi buồn! Trên thực tế nỗi buồn sẽ kéo dài lâu hơn. Tuy nhiên, nếu phân tích theo lý lẽ thì thời lượng của chúng phải bằng nhau. Hạnh phúc nhờ có được một ngàn USD và nỗi buồn vì mất một ngàn USD về mặt lý lẽ phải kéo dài như nhau. Tuy nhiên, thực tế thì điều đó không xảy ra. Vì sao nỗi buồn lại kéo dài lâu hơn? Vì sao? Nếu quý vị nhìn vào cơ thể con người, ngày nay khoa học đã nghiên cứu mọi cơ quan trong cơ thể người, về chức năng của từng bộ phận của cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa tìm ra được vì sao nỗi buồn lại kéo dài lâu hơn. Ở đây, đừng nghĩ rằng tôi đang nói đến một tôn giáo nào đó. Tôi chỉ muốn biết vài bí mật của đời sống con người. Đây là một bí mật rất rõ ràng trong cuộc sống của chúng ta. Nó không liên quan đến tôn giáo nào cả.

Tôi có nghe một câu chuyện. Một mục sư và một tài xế “điên” chết cùng thời điểm. Người tài xế đó lái xe buýt địa phương, anh ta lái xe rất nhanh và vượt đèn đỏ rất nhiều lần. Thượng Đế phải quyết định gửi họ đến những nơi nào. Thượng Đế gửi ông mục sư xuống địa ngục và gửi anh tài xế lên thiên đàng. Ông mục sư vô cùng kinh ngạc và nói, “Làm sao như vậy được? Suốt cuộc đời tôi, tôi truyền bá giáo lý của Ngài, tôi giảng dạy về Ngài, về tôn giáo. Tôi làm cho mọi người luôn nhớ đến Ngài. Còn anh tài xế kia đã làm được gì? Anh ta không chấp hành luật giao thông, vượt đèn đỏ nhiều lần, và bây giờ Ngài lại cho anh ta lên thiên đàng!” Thượng Đế trả lời, “Ta cho ông xuống địa ngục vì mỗi khi ông giảng dạy giáo lý của ta, mọi người đều thấy chán và buồn ngủ. Họ chẳng bao giờ nhớ đến ta. Còn khi người tài xế này lái xe rất nhanh, tất cả mọi người trên xe buýt đều hét lên ‘Chúa ơi! Cứu con!’ Họ đều nhớ đến ta. Vì vậy ta cho anh ta lên thiên đàng.” Cũng như vậy, đến điểm này tôi không muốn đề cập đến vấn đề tôn giáo. Có lẽ quý vị sẽ quên Đức Phật và buồn ngủ.

Bây giờ tôi trở lại câu hỏi vì sao nỗi buồn lại kéo dài lâu hơn. Đức Phật đã dạy rằng nỗi buồn có liên hệ mật thiết đến tư tưởng vị kỷ. Khi quý vị tập trung quá mức vào bản thân, đó chính là nguồn gốc của khổ đau. Lỗi lầm thứ hai mà quý vị mắc phải đó là khi tập trung quá mức vào bản thân, quý vị đang khiến cho hạnh phúc của bản thân trở nên đắt đỏ hơn. Ví dụ, quý vị nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc nếu có đồng hồ Rolex, hoặc quý vị sẽ hạnh phúc nếu có xe hơi. Vì thế mà quý vị khiến cho hạnh phúc của chính mình trở nên rất đắt đỏ. Trong lĩnh vực quảng cáo, họ nói rằng nếu không có đồng hồ Rolex thì quý vị bỏ lỡ rất nhiều thứ; nếu không có iPhone 5, 6 hoặc bất cứ phiên bản nào sắp ra đời thì xem như quý vị chẳng có gì cả. Họ sẽ nhồi nhét những tư tưởng như vậy vào tâm quý vị, và nó tạo nên ham muốn. Chính vì vậy, trong ngành quảng cáo, họ luôn nói rằng “cần phải tạo ra nhu cầu.” Quý vị không cần, nhưng họ tạo ra nhu cầu đó. Tôi nhớ một lần nọ ở miền Nam Ấn Độ, một phụ nữ thỉnh cầu tôi gia trì cho tiệm làm tóc của cô ấy. Cô ấy có một chuỗi các tiệm làm tóc. Khi tôi đang tiến hành bài cầu nguyện gia trì, tôi nói với cô ấy: Tôi có một câu châm ngôn cho tiệm của cô, “Để từ bỏ bám chấp vào tóc thì hãy cắt hết tóc đi!” Thế là cô ấy nói, “Không! Rinpoche, xin đừng để câu đó! Đừng để câu đó!” [Rinpoche cười lớn] Ở đây tôi không chống lại việc quảng cáo, xin đừng hiểu lầm ý tôi. Tôi luôn nói rằng tôi rất hứng thú với ngành quảng cáo và tôi cũng rất thích kinh tế học. Ý của tôi là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn muốn được hạnh phúc, và chúng ta luôn cố gắng đạt được nhiều hạnh phúc hơn. Đó là cách sống trong cuộc đời. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta không đi đúng đường. Đôi lúc chúng ta đi sai đường nhưng vẫn cố chấp đi trên con đường đó nhằm đạt được hạnh phúc. Đạo Phật là một dạng thông điệp giúp quý vị, hướng dẫn quý vị cách tư duy, hoặc giúp quý vị thay đổi cách nhìn nhận mọi thử thách. Chính vì vậy, tôi rất thích một câu nói: “Vấn đề không rắc rối. Chính cách nhìn nhận vấn đề mới rắc rối.”

Bây giờ quý vị có thể nhìn vào quyển sách. Quyển sách này đề cập đến nhiều tư tưởng. Khi quý vị hiểu hết những tư tưởng này, chúng sẽ giúp quý vị nhìn nhận cuộc sống theo một cách tốt hơn rất nhiều. Tôi có một câu hỏi, quý vị không cần trả lời tôi mà chỉ cần tự hỏi bản thân quý vị. Hãy hỏi bản thân xem quý vị may mắn đến chừng nào? Hãy hỏi bản thân xem cuộc đời quý vị được hưởng ân phước ra sao? Khi tự hỏi bản thân những câu hỏi này, tôi biết điều gì sẽ xuất hiện trong câu trả lời của quý vị. Ngay lập tức quý vị sẽ so sánh bản thân mình với người khác [Rinpoche cười]. Điều đó luôn xảy ra như thế. Một lần nọ tôi nói chuyện ở Thụy Sĩ với các nhân viên trong ngành ngân hàng. Sau buổi nói chuyện, có một nhân viên ngân hàng người Đức kể cho tôi nghe kinh nghiệm của anh ta. Anh ta nói với tôi có một sự việc khiến anh buồn rầu. Anh ta kể cho tôi nghe về một người đồng nghiệp. Mỗi khi nghĩ đến người đó thì anh lại rất buồn. Anh nói, “Chúng tôi có năng lực ngang nhau, chúng tôi làm việc như nhau, nhưng anh ta lại lãnh lương cao hơn tôi.” [Rinpoche cười] Thật sự thì lương bổng không phải là vấn đề. Cách nhìn nhận của anh ta mới là vấn đề. Nếu anh ta có thể thay đổi cách nhìn thì vấn đề sẽ không đến.

Tôi sẽ làm rõ điểm này một cách đơn giản. Tôi sẽ nói với quý vị một điều rất đơn giản. Nếu quý vị nhìn vào tôi, tôi chỉ đeo một cái đồng hồ với giá chỉ ba đô-la. Tôi biết rằng những người khác hiện đang đeo đồng hồ đắt hơn ba đô-la, nhưng điều đó không khiến tôi buồn, vì cách nhìn của tôi rất khác. Nếu tôi so sánh bản thân mình với người khác quá mức thì cho dù tôi có đeo đồng hồ trị giá hàng ngàn đô-la, tôi vẫn không thể hạnh phúc. Quyển sách này dạy chúng ta rất nhiều cách nhìn cuộc sống. Điểm thứ hai, khi quý vị làm việc, đặc biệt là trong ngành tiếp thị, quý vị đang làm những việc rất tốt, quý vị đang tạo ra nhiều lợi lạc cho mọi người. Đặc biệt là trong thế kỷ 21 này, nhiều lĩnh vực phát triển cần đến nó. Khi làm việc trong ngành tiếp thị, quý vị đang trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của nhiều nước. Thật sự là như vậy! Khi đang đóng góp cho sự phát triển của xã hội, quý vị cũng phải đồng thời nghĩ đến việc phát triển hạnh phúc cá nhân. Điều đó cũng quan trọng. Do đó, tôi hy vọng quyển sách này sẽ mang đến cho quý vị vài thông điệp để thay đổi cách nhìn của quý vị về nghịch cảnh và thử thách.

Bây giờ chúng ta hãy đọc hai đoạn đầu tiên:

Con đem thân khẩu ý chí tâm đảnh lễ vị đạo sư vô thượng và (thủ hộ chủ), ngài Quán Tự Tại Bồ Tát. Trong khi quán chiếu sự bất lai bất khứ (không đến không đi) của vạn pháp, ngài chuyên tâm nỗ lực đem lại lợi lạc cho chúng sinh.

Chư Phật toàn giác, cội nguồn của tất cả an vui hạnh phúc, là nơi phát sanh sự thành tựu các giáo lý tối thắng. Đấy là nhờ do sự hiểu biết các pháp hành đạo, bởi vậy tôi sẽ giảng giải về pháp hành Bồ tát đạo.

Tôi sẽ không giải thích hai đoạn đầu tiên. Nói chung, quyển sách này có tựa đề 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo. Ba mươi bảy pháp hành bắt đầu từ đoạn thứ ba:

Đã được thân người quý hiếm đầy đủ sự tự do và may mắn, vậy hãy chuyên cần lắng nghe, suy tư và thiền quán bất kể ngày đêm để giải thoát cho chính mình và chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

Đoạn này trước hết nói về thân người quý hiếm. Để có được thân người là một điều vô cùng hiếm hoi. Thân người này là điều rất hiếm có được, vậy chúng ta phải làm gì? Điểm này nhấn mạnh việc sinh ra làm người là điều rất khó được. Quý vị có thể nghĩ rằng làm người thì có gì đặc biệt? Tôi sẽ nói với quý vị một điều. Thế giới này tôi nghĩ có khoảng 7,2 tỉ người, vì thế quý vị có thể nghĩ đâu là điểm đặc biệt của việc sinh ra làm người? Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu một điều. Tôi luôn đưa ra ví dụ này. Khi nhìn vào một chiếc xe hơi, nếu quý vị tháo rời động cơ, bánh lái, bánh xe… và nhờ một người thợ cơ khí giỏi nhất ráp tất cả lại, chiếc xe sẽ hoạt động trở lại không? [Đại chúng trả lời xe sẽ hoạt động trở lại.] Có lẽ tỷ lệ là 50-50, cũng có thể 60-40. Bây giờ hãy nhìn vào con người. Nếu quý vị tách rời tim, phổi cùng mọi cơ quan nội tạng, rồi nhờ một vị bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất để ghép chúng trở lại, khi đó người đó có thể tiếp tục nói chuyện không? [Đại chúng trả lời không.] 100% không! Đó là điểm khác biệt giữa con người và máy móc. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa thật sự sống như một con người. Trong thế kỷ 21 này, chúng ta sống như một cái máy hơn. Từ góc nhìn của Phật giáo, khi đã được sinh ra làm người, chúng ta nên sống như một con người. Có được thân người là điều rất quý báu, và sống như một con người là một lối sống cũng rất quý báu. Tôi vẫn thường nói rằng nếu quý vị nhìn vào tướng trạng của con người, bề ngoài của chúng ta hoàn toàn khác với vẻ bên ngoài của loài thú. Nếu nhìn vào loài hổ, về mặt cấu tạo sinh học chúng có nanh và vuốt rất sắc, bởi vì chúng được sinh ra để tấn công loài khác. Nếu không tấn công loài khác thì chúng không thể tồn tại. Nếu nhìn vào cấu trúc sinh học của con người, chúng ta không có nanh sắc và vuốt sắc. Bàn tay của chúng ta nói lên điều gì? Tay của chúng ta để chăm sóc người khác, để ôm ấp người khác.

Quý vị hãy tưởng tượng một tình huống. Khi buổi học hôm nay kết thúc, hoặc khi quý vị hoàn thành việc ở công ty và về nhà, quý vị mong chờ điều gì? Quý vị có mong mỏi vợ hoặc chồng mình chào đón mình về nhà với một nụ cười không? Hay là quý vị mong muốn người vợ mình hét lớn “Tại sao không về nhà lúc sáu giờ?; Tại sao không về nhà lúc năm giờ rưỡi?”, quý vị có mong chờ người chồng của mình la lối như vậy không? Quý vị chờ đợi điều gì? Quý vị muốn thế nào? Tôi chắc rằng quý vị muốn vợ hoặc chồng mình chào đón với một nụ cười, với thức ăn ngon. Điều đó cho thấy rõ quý vị cần sự chăm sóc từ người khác. Tôi từng thấy một mẫu quảng cáo ở cửa hàng Seven Eleven. Tôi không thấy các cửa hàng Seven Eleven ở Việt Nam, đó là một dạng cửa hàng tiện lợi, mở cửa 24/7. Mẫu quảng cáo ghi: “Seven Eleven mở cửa 24 giờ mỗi ngày. Dù đèn điện nhà bạn có sáng hay không, đèn điện nơi cửa hàng chúng tôi luôn sáng. Dù gia đình có chào đón bạn với một nụ cười hay không, chúng tôi luôn chào mừng bạn với nụ cười.” Khi quý vị cần sự quan tâm, quý vị phải làm gì? Quý vị nên quan tâm đến người khác. Do đó, trong câu thứ hai nói,

suy tư và thiền quán bất kể ngày đêm để giải thoát cho chính mình và chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi

Chúng ta phải nghĩ đến việc giải thoát bản thân và người khác ra khỏi khổ đau. Điểm này nói về việc quan tâm đến bản thân và người khác theo quan điểm Phật giáo. Bây giờ tôi sẽ nói với quý vị điểm khác biệt khi quý vị nghĩ đến việc giải thoát bản thân và người khác khỏi khổ đau. Tôi sẽ nói với quý vị kinh nghiệm của tôi. Tôi đã làm một thử nghiệm nhỏ và rất đơn giản. Tôi đã thử đến gần một con chim trong lúc phát khởi lòng bi mẫn mãnh liệt đối với con chim đó; và một lần khác tôi thử đến gần một con chim mà không phát khởi lòng bi mẫn. Tôi phát hiện một điều lạ là khi tôi khởi tâm bi mẫn, tôi có thể đến gần con chim hơn. Đó là điều tôi phát hiện được. Bây giờ, trong một gia đình, đôi lúc khi quý vị đã chung sống với nhau qua thời gian dài, dần dần tình cảm và sự quan tâm lẫn nhau sẽ phai nhạt. Đây là một điều đáng buồn đang diễn ra. Vì sao lại như vậy? Bởi chúng ta thiếu vắng tư tưởng muốn giải thoát bản thân và người khác ra khỏi khổ đau. Phật giáo luôn khuyến khích mọi người tư duy về việc giải thoát bản thân và người khác khỏi khổ đau, tư duy về khổ đau của người khác. Tôi sẽ hỏi quý vị một câu rất đơn giản. Quý vị gặp những rắc rối nào? Quý vị gặp những khó khăn gì? Quý vị không cần đến một giây để suy nghĩ, vì câu trả lời đã có sẵn trong tâm quý vị. Chồng của quý vị có những khó khăn và vấn đề gì? Vợ của quý vị gặp những vấn đề khó khăn nào? Tôi nghĩ quý vị cần vài giây để suy nghĩ. Tôi nói đúng không? Quý vị không cần trả lời, hãy cứ ngẫm nghĩ về những câu hỏi này. Đó là bởi sự thiếu vắng suy nghĩ về khổ đau của người khác. Chúng ta chỉ luôn nghĩ đến hạnh phúc và thành công của người khác. Đó là một lỗi lầm. Nó trở thành thói quen. Chính vì vậy, điểm này khuyến khích chúng ta suy nghĩ về khổ đau của người khác. Khi đó, như tôi đã nói, quý vị sẽ cảm nhận được mình may mắn đến thế nào. Ở điểm này sách nói, “suy tư và thiền quán bất kể ngày đêm để giải thoát cho chính mình và chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi.”

Bây giờ đến đoạn tiếp theo:

Vì quyến luyến người thân, ta bị khuấy động như sóng nước. Vì hận ghét kẻ thù, ta bị thiêu đốt như lửa cháy. Bởi vậy trong bóng tối của sự hỗn độn, ta quên bẵng những gì nên làm và những gì không nên làm. Hãy từ bỏ bản ngã - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

Đối với con người, có hai điểm: bám chấp và sân giận. Tôi nghĩ quý vị đều biết chỉ số đường huyết trong cơ thể mình. Tôi nghĩ quý vị cũng biết chỉ số huyết áp của mình. Phải như vậy không? Quý vị có biết mức độ sân giận của mình không? Đó chính là nguyên nhân của nhiều chứng bệnh. Chúng ta cần biết mức độ sân giận của bản thân. Quý vị có thể biết mình là một người nóng tính, quý vị có thể biết mình dễ nổi nóng, nhưng quý vị cũng cần phải biết mức độ nóng giận của bản thân ra sao. Điều thú vị là để kiểm soát chỉ số đường huyết là điều khó khăn. Tôi biết là để làm như vậy thì quý vị phải ăn kiêng, rất khó. Tuy nhiên, kiểm soát nóng giận lại dễ hơn rất nhiều so với kiểm soát chỉ số đường huyết. Qua kinh nghiệm của tôi, nhiều năm trước tôi là một tu sĩ nóng tính. Tôi đã thành công rất nhiều, chỉ bằng những thực hành nhỏ. Có thể nói tôi đã kiểm soát được 70% cơn nóng giận. Khi chúng ta kiểm soát được 100% thì chúng ta gọi trạng thái đó là Phật. Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả mọi người đều có tiềm năng đó. Nếu cố gắng thì một ngày kia quý vị có thể kiểm soát 100% cơn giận. Lúc đó, quý vị nên biết rằng mình đã đắc Phật quả. Tôi luôn nói một điều: Nếu quý vị thành Phật trước tôi thì xin đừng quên tôi! Thật sự là vậy, không ai có thể nói trước người nào sẽ thành Phật sớm hơn, quý vị hay tôi? Không ai nói được. Có lẽ chỉ có Đức Phật mới biết mà thôi. Hôm nay, khi quý vị bắt đầu thực hành đương đầu với sân giận và kiểm soát sân giận, quý vị đang đi trên con đường để trở thành một vị. Phật Dù quý vị có phải là Phật tử hay không, điều đó không quan trọng, nhưng quý vị đang đi trên con đường để thành Phật.

Hôm nay tôi dừng ở đây. Buổi kế tiếp tôi sẽ nói về phương pháp kiểm soát cơn giận. Chỉ có vài bước đơn giản thôi, quý vị có thể thực hành mười đến mười lăm phút mỗi ngày. Trong vòng ba tuần, tôi nghĩ quý vị sẽ thấy khác biệt. Nó rất đơn giản. Nó không giống như công nghệ tên lửa hay những thứ tương tự. Tôi sẽ hướng dẫn quý vị cách kiểm soát cơn giận. Quý vị có thể gọi là quản lý sân giận. Tôi sẽ hướng dẫn ba hoặc bốn bước để kiểm soát cơn giận. Tôi hy vọng trong ba tuần, quý vị sẽ thấy khác biệt nhỏ. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng nếu làm theo những bước này trong ba tuần thì quý vị sẽ kiểm soát được 100% cơn giận! Quý vị không thể đắc Phật quả trong ba tuần đâu! [Rinpoche cười] Tôi dừng ở đây và dành mười lăm phút cho phần hỏi đáp.

 

Hỏi: Con có một câu hỏi. Lúc nãy thầy có nói về sự hài lòng và thỏa mãn. Ví dụ như mình dùng điện thoại, xài đồng hồ thì mình hài lòng và không muốn nhìn vào những điều cao hơn. Như vậy, điều đó có làm giảm sự phấn đấu của mình hay không? Ví dụ, mức thu nhập hiện nay của mình là 10 triệu, nhưng người bên cạnh làm công việc tương tự như mình và họ có mức thu nhập cao hơn. Nếu theo lời thầy giảng như vậy thì có làm cho sự phấn đấu của mình, khi nhìn vào họ và cảm thấy mình phải cố gắng hơn nữa để đạt được mức như họ đang có hiện nay, giảm đi hay không?

Rinpoche: Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Những gì anh nói rất đúng. Khi quý vị hài lòng quá mức với những gì mình đang có thì quá trình phát triển sẽ không tiếp diễn. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy về trung đạo. Quý vị cần giữ cân bằng giữa ham muốn và biết đủ (tri túc). Đôi khi quý vị không thể giữ cân bằng được. Có lúc tâm quý vị chỉ có ham muốn, và có lúc khác tâm quý vị chỉ có biết đủ. Đức Phật cũng có ham muốn. Ngài muốn giải thoát mọi chúng sinh hữu tình ra khỏi khổ đau; đó là ham muốn của Đức Phật. Ngài đã nỗ lực rất nhiều trong việc đó. Đức Phật đã làm trong suốt 40 năm. Nếu Phật sống đến 100 tuổi thì chắc chắn Ngài sẽ tiếp tục công việc đó thêm 20 năm nữa. Chính vì thế, chúng ta phải cân bằng. Quý vị nên có ham muốn. Quý vị có biết chìa khóa thành công là gì không? Có người hỏi Socrates, “Đâu là chìa khóa thành công?” Socrates yêu cầu người đó leo lên một chiếc thuyền trên một dòng sông. Rồi Socrates bắt một con rắn thả xuống nước. Lúc đó, người kia phải cố gắng hết sức để thoát khỏi dòng sông đó. Socrates nói, “Đây là chìa khóa: tham vọng. Đó là chìa khóa của thành công.” Đức Phật không hề dạy rằng chúng ta phải từ bỏ ham muốn; Phật dạy chúng ta phải giảm thiểu ham muốn. Ham muốn phải là những ham muốn thực tế; quý vị cần có những ham muốn như vậy. Đôi lúc chúng ta ham muốn viễn vông. Ví dụ, tất cả đàn ông đều nghĩ đến việc cưới Hoa hậu Thế giới làm vợ; điều đó thật không tưởng, ham muốn viễn vông. Mỗi năm chỉ có một cô Hoa hậu Thế giới thôi, nhưng lại có hàng triệu đàn ông [Rinpoche cười]. Chính vì vậy, ham muốn thực tế là cần thiết, chứ không phải ham muốn viễn vông. Đồng thời, chúng ta phải có giới hạn của sự biết đủ. Đặc biệt là đối với tăng ni, sống cuộc đời giản dị là điều rất quan trọng. Quý vị không phải là tu sĩ nên quý vị thật sự cần đến nhiều thứ cho gia đình mình. Quý vị cần chúng, nhưng cũng phải biết rằng có ít ham muốn thì tốt hơn. Đôi khi quý vị có những ham muốn không cần thiết.

 

Hỏi: Tại sao người ta sống với nhau qua thời gian dài thì họ lại cảm thấy chán nhau hơn? [Đại chúng cười] Ví dụ trong cuộc sống, khi yêu nhau thì mọi người cảm thấy tình yêu rất đẹp và yêu quý lẫn nhau. Tuy nhiên khi đã lập gia đình một thời gian thì lại cảm thấy chán nhau, cảm thấy người kia không giống như mình đã mong đợi. Khi bố mẹ sinh ra con cái thì đầu tiên người bố người mẹ rất yêu thương con cái. Con cái cũng vậy! Tại sao chúng ta cảm thấy rằng sống với nhau nhiều hơn, có với nhau nhiều kỷ niệm hơn nhưng chúng ta lại chán nhau hơn? Làm thế nào để khắc phục được việc đó?

Rinpoche: Đây là một câu hỏi rất hay và rất quan trọng. Vấn đề của các cặp đôi hiện tại là tình yêu của họ phụ thuộc quá nhiều vào ích lợi của bản thân. Có một lần, một người đàn ông chuẩn bị cưới vị hôn thê của anh ta, và anh ấy muốn tôi chúc phúc cho đời sống hôn nhân của họ. Tôi hỏi anh ấy, “Vì sao anh muốn cưới vị hôn thê của anh?” Anh ấy nói rằng nếu cưới được cô ấy thì anh sẽ hạnh phúc hơn. Tôi nói với anh ta, “Điều đó rất sai lầm. Anh không nên nghĩ như vậy. Anh nên nghĩ rằng nếu cưới cô ấy thì cô ấy sẽ hạnh phúc hơn.” Do đó, tình yêu đó là tình yêu vị kỷ. Tôi có biết về một người khá rõ. Tôi nghe nói anh ta đã kết hôn và anh hỏi tất cả bạn bè cùng một câu hỏi. Anh ta hỏi, “Vợ tôi trông như thế nào? Cô ấy có đẹp không?” [Rinpoche cười] Anh ta đã cưới cô ấy rồi thì tại sao cần phải hỏi vợ mình trông như thế nào? Đây chính là tình yêu vị kỷ. Nếu quý vị thật sự quan tâm đến gia đình mình, quý vị không nên yêu thương vợ hoặc chồng mình với tâm vị kỷ. Tình yêu vị kỷ là một thứ tình yêu độc hại. Do đó, khoảng 3 hoặc 4 năm sau khi kết hôn với vợ hoặc chồng mình, quý vị sẽ bắt đầu chán và nghĩ đến những thứ khác. Có một câu chuyện vui nhưng có thật. Có lần tôi hỏi mẹ tôi, “Mẹ thấy ba có những điểm tốt nào không?” Mẹ tôi nói, “Không, ông ấy chẳng có điểm tốt nào cả!” [Rinpoche cười lớn] Khi quý vị chung sống cùng nhau, đặc biệt nếu quý vị là vợ chồng và đã có con cái, tình cảm của quý vị rất quan trọng, tình yêu thương của cha mẹ là điều rất quan trọng. Tôi luôn nói rằng khoảnh khắc hạnh phúc nhất tôi từng trải qua đó là khi tôi đi chơi cùng gia đình, tôi đi phía sau ba mẹ tôi và thấy ba mẹ tôi nắm tay nhau. Đó là một niềm vui mãnh liệt mà tôi từng trải. Chính vì vậy, khi quý vị sống chung, sự quan tâm lẫn nhau là điều quan trọng đối với con trẻ. Tôi nghe nói người Việt có câu tục ngữ “Văn mình, vợ người.” [Cũng có nguồn ghi là “Vợ người thì đẹp; Văn mình thì hay.”] Với tình yêu vị kỷ, quý vị cố so sánh bản thân với người khác quá mức. Điều đó tạo nên rất nhiều lỗi lầm. Tình yêu phải chân thành; tình yêu chân thành sẽ rất khác biệt. Khi quý vị mới yêu ai đó, ngay thời điểm đầu tiên, tình cảm rất chân thành. Dần dần, tình yêu đó chuyển hóa thành tình yêu vị kỷ. Dần dần, tư tưởng vị kỷ che phủ tình cảm đó. Tình yêu của một bà mẹ dành cho con mình là tình yêu đích thực. Tình yêu đó tồn tại mãi mãi. Mẹ tôi vẫn thường nói, “Dù đứa con có già đến 60 tuổi thì với mẹ vẫn như vậy mà thôi.”

Tôi muốn làm rõ một điều. Đôi khi tôi nói về tình cảm lứa đôi lãng mạn, nhưng quý vị đừng nghĩ rằng tôi đã trải qua những điều đó! Tôi là một tu sĩ [Rinpoche cười]. Một dịp nọ, có một bà mẹ cùng đứa con gái đến gặp một vị thầy. Đứa con gái vừa mới chia tay bạn trai. Người mẹ thỉnh cầu vị thầy khuyên giải con mình. Lúc đó, vị thầy già bắt đầu cho người con gái vài lời khuyên, “Đừng lo lắng dù con đã chia tay bạn trai.” Người con gái hỏi vị thầy, “Thầy đã từng trải qua tình yêu lãng mạn chưa?” Vị thầy trả lời, “Chưa.” Người con gái nói, “Vậy thì thầy không thể hiểu vấn đề phức tạp này đâu.” [Rinpoche cười] Ở đây, đừng nghĩ tôi giống vị thầy đó. Điều này giống một trò chơi của tâm mà thôi. Tôi đã học Phật pháp, và Phật pháp là một dạng khoa học về tâm. Tôi đã làm luận án tiến sĩ về lĩnh vực này.

 

Hỏi: Mô Phật! Xin cho con hỏi trong đoạn một nói về thân người quý hiếm. Trong đoạn này có câu “Chuyên cần lắng nghe, suy tư, thiền quán bất kể ngày và đêm để giải thoát cho mình và cho chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi.” Xin Rinpoche hãy giải thích làm thế nào để thiền quán bất kể ngày và đêm, bởi chúng tôi đều là những người rất bận rộn? Xin cám ơn!

Rinpoche: Quý vị phải nghe Pháp và tư duy về Pháp, đó là cách thực hành. Có nhiều lúc chúng ta không biết bản thân mình muốn gì. Khi nghe Pháp, quý vị sẽ nghe được nhiều điều quý vị muốn nghe. Khi nghe Pháp, quý vị cũng sẽ nghe được rất nhiều điều quý vị nên nghe. Ở đây, sách nói “lắng nghe và suy tư,” nhưng lại không nói “thực hành Pháp” vì đó là ước muốn của chính quý vị. Quý vị phải nghe và suy tư về Pháp; còn có thực hành hay không tùy vào ước muốn của quý vị. Nghe và suy tư, nếu thấy đúng thì quý vị làm theo, nếu quý vị cảm thấy sai thì hãy bỏ đi.

 

Hỏi: Với những người có tình yêu quê hương đất nước thì phải nhìn nhận vấn đề như thế nào?

Rinpoche: Tôi biết rằng người Việt Nam và người Tây Tạng rất giống nhau. Quý vị là người Việt Nam, phải làm gì để giúp đất nước mình? Quý vị có thể trở thành hơi thở của đất nước. Điều đó rất đơn giản. Thân Nhân Trung đã nói, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.” Khi quý vị trở thành một công dân tốt, đó chính là đóng góp thiết thực nhất cho nước nhà. Mọi quốc gia đều cần những người công dân tốt. Khi tôi lần đầu đến Việt Nam, tôi thấy câu nói [của Thân Nhân Trung] ở một trường học [trường Quốc Tử Giám]: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.” Khi quý vị trở thành một người tốt, đó chính là đóng góp to lớn cho đất nước. Điểm thứ hai, mọi quốc gia đều muốn công dân của mình sống tốt, kiếm sống bằng nghề chính đáng. Chánh mạng là điều Đức Phật đã dạy trong Bát Chánh Đạo. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng.

 

Hỏi: Em sợ điều này nói ra hơi bất lịch sự một chút. Mọi người nghĩ sao khi thầy nói Đức Phật là người sống và Ngài chết ở tuổi 80. Thầy cũng có thể thành Phật, em cũng có thể thành Phật, cũng như mọi người ở đây cũng có thể thành Phật. Vậy mọi người nghĩ sao về việc chúng ta đến căn phòng này, chúng ta gặp thầy và lạy ba cái. Bởi vì chúng ta quá sợ thầy chúng ta thấy thầy như là một biểu tượng của Đức Phật vậy, chúng ta sợ thầy chứ chúng ta không phải tin vào một niềm tin đơn giản nào đó. Sao mình lại không mỉm cười nhẹ nhàng với thầy?

Rinpoche: Tôi sẽ nói hai điểm. Trước hết tôi sẽ nói cho anh biết cảm giác của tôi khi người khác lễ lạy tôi. Thứ hai, tôi sẽ nói cho anh biết vì sao người khác lễ lạy tôi.

Trước hết, khi người khác lễ lạy tôi, tôi cảm thấy rất chán. Suốt cuộc đời tôi, khi tôi đi giảng, rất nhiều người lễ lạy tôi, lạy tôi, lạy tôi, và bây giờ tôi cảm thấy chán việc đó rồi. Trong cuộc sống của quý vị, nếu có người gặp quý vị và chỉ nói “chào buổi sáng, chào buổi sáng” hàng ngàn lần thì quý vị sẽ rất chán câu nói đó. Cũng như vậy, trong cuộc đời tôi, rất nhiều người lễ lạy khi tôi thuyết giảng, và bây giờ tôi cũng chán rồi. Đó là cảm giác của tôi. Vì vậy, mỗi khi tôi gặp ai đó, tôi nói: Không cần lạy, hãy đến và trò chuyện! Tôi thường nói như vậy.

Thứ hai, vì sao người khác lễ lạy tôi? Việc này anh phải hỏi họ. Tôi nghĩ họ không sợ tôi đâu. Nếu sợ tôi thì họ sẽ không lạy tôi mà đã chạy mất rồi!

 

Hỏi (cùng người hỏi với câu hỏi trước): Em muốn nói Đức Phật cũng là một con người bình thường, Ngài là một hoàng tử và từ bỏ hoàng cung. Ở đây chúng ta có Thầy, phía sau lưng thầy có hình bốn vị Phật. Mọi người sợ thầy và xem thầy là biểu tượng của Đức Phật. Nhưng khi họ đang đi ngoài đường và thấy những bức tranh đó, họ cũng không lạy. Em muốn nói là những người đó không có đức tin thật sự. Em muốn Ngài giải thích với mọi người ở đây về Đức Phật, Đức Phật là một con người bằng xương bằng thịt, là một người bình thường, Ngài đã sống và đã chết. Ngài không đến từ trên trời, không đến từ thiên đàng. Ngài sinh ra trên trái đất mà thôi.

Rinpoche: Rất đúng! Đức Phật là một con người bình thường. Đức Phật là một người bình thường nhưng đã tỉnh thức. Chúng ta là những người bình thường đang ngủ mê. Chúng ta tưởng rằng mình đang tỉnh thức, nhưng chúng ta vẫn còn ngủ mê, vẫn còn mang rất nhiều sự vô minh. Đâu là điểm khác biệt giữa nhà bác học Einstein và chúng ta? Ông ấy là người bình thường, chúng ta cũng vậy. Đâu là điểm khác biết giữa Saddam Hussein và Đức Mẹ Teresa? Cả hai đều là con người. Điểm khác biệt nằm ở bên trong, không phải bên ngoài. Một người tràn đầy tình yêu thương, người kia thì đầy ắp sân giận và thù hằn. Những điều đó không thể thấy được bằng mắt thường; đó là những phẩm tính bên trong. Đó là điểm khác biệt. Mọi người đều là những con người bình thường; tuy nhiên có một khác biệt nhỏ, và đó là điểm chúng ta cần thay đổi. Tôi chúc quý vị thay đổi từ “một người bình thường” trở thành “một người bình thường như Phật.”

Cảm ơn quý vị rất nhiều!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @31/03/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.