16-07-2011
Tại Việt Nam

Đề tài tôi sẽ thuyết giảng hôm nay là “Phật tánh trong ta”. Đề tài này rất bao la và phức tạp. Do đó tôi sẽ cố gắng giải thích một cách đơn giản trong khả năng của tôi. Khi nói đến “Phật tánh trong ta” thì chúng ta phải hiểu ý nghĩa đó là gì. Các bạn có hiểu ý nghĩa của “Phật tánh trong ta” là gì không? Chữ “Phật” có nghĩa là thức tỉnh hay giác ngộ. Theo quan điểm của Phật giáo ý nói chúng ta phải thức tỉnh từ giấc ngủ vô minh. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã thức dậy rồi nhưng thật ra thì vẫn còn nửa tỉnh nửa mê. Chúng ta vẫn còn vô minh. Ngày nào chưa diệt được vô minh thì ngày đó chúng ta vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, chưa tỉnh giấc hẳn. Điều mà tôi muốn nói về “Phật tánh trong ta” là điều bao hàm nhiều khái niệm. Nhưng một việc hiển nhiên là chúng ta chưa tìm ra được vị Phật trong chính chúng ta, mặc dầu vị Phật đó đã và đang ngự trong ta một thời gian rất dài. Vì chúng ta chưa đoạn trừ được vô minh cho nên thất bại trong việc tìm thấy Ngài. Đây là điểm trọng yếu của Phật pháp.

Đề tài mà tôi thuyết giảng “Phật tánh trong ta” là hầu liễu giải được ý nghĩa đó chúng ta cần phải biết hai điều. Có hai câu hỏi hiện lên trong tâm thức chúng ta:

Làm sao để tỉnh giấc?

Nếu chúng ta thức tỉnh sau giấc ngủ vô minh thì chúng ta mới hiểu được sự thức tỉnh là điều khả dĩ, là điều có thể thực hiện. Vô minh tựa như bóng đêm. Muốn xua đi bóng đêm không phải bằng cách dùng sức đẩy lui nó hay ra lệnh cho nó rút lui, mà biện pháp tốt nhất là đem ánh sáng của chánh kiến, chánh huệ và chánh tinh tấn vào thì bóng tối sẽ tiêu tan. Cả ba chánh kiến, chánh huệ và chánh tinh tấn có mối tương quan sâu sắc.

Làm sao có thể đoạn trừ vô minh?

Tâm thức có năng lực hay tiềm năng tri nhận các hiện tượng. Nếu chúng ta quan sát một vật thể bên ngoài như là bàn hay ghế hay ngôi nhà thì sẽ nhận thức được rằng nếu sử dụng cái bàn thì một ngày nào đó cái bàn sẽ bị hư hoại, căn nhà sẽ hư sụp... Trong khi đó nếu chúng ta sử dụng dòng tâm thức của chính mình thì dòng tâm thức sẽ ngày càng bén nhạy và mạnh mẽ hơn. Do đó câu hỏi được đặt ra là tâm thức có năng lực, có khả năng tri nhận tương lai không? Theo tôi thì tâm thức có khả năng tri nhận tất cả hiện tượng và do đó cho nên tâm thức có tiềm năng đoạn trừ được vô minh.

Đây không phải là một lý thuyết đơn thuần mà chúng tôi đã từng có những cuộc nghiên cứu về lãnh vực này với các khoa học gia Anh Quốc. Chúng tôi đã chọn ra 2 nhóm tu sĩ. Một nhóm gồm những vị tu luyện hành trì miên mật hơn 5 năm, và một nhóm gồm những vị không hề hành trì thiền quán gì cả. Chúng tôi yêu cầu chư vị đó tham thiền trong 15 phút rồi cho họ xem bốn tấm ảnh hiện ra trên màn ảnh vi tính và họ phải chọn ra một trong bốn tấm giống như máy vi tính đã ngẫu nhiên chọn sẵn. Quá trình mỗi tu sĩ chọn lựa một trong bốn tấm ảnh sẽ được lập đi lập lại tám lần. Sau khi khảo nghiệm kết quả cho thấy các vị tu sĩ nào thiền quán nhiều năm thì có khả năng ước đoán cao hơn. Cho nên câu hỏi được nêu ra là có phải tâm thức có khả năng ước đoán được tương lai? Tâm thức có thể tri nhận tương lai bởi vì tâm thức có thể du hành được trong thời tương lai và có thể đi ngược về thời quá khứ.

Điểm chánh yếu ở đây là tâm thức có năng lực nhận thức được quá khứ và tương lai. Chúng ta không thể nào hủy bỏ dòng tâm thức hoặc tái tạo một dòng tâm thức mới mẻ khác. Dòng tâm thức vốn tương tục. Vì thế, chúng ta có thể đoạn trừ được vô minh, và một khi mà chúng ta thành công được việc này thì chúng ta sẽ hoàn toàn thức tỉnh sau giấc ngủ vô minh. Do đó “Phật tánh trong ta” có nghĩa là chúng ta có thể thành Phật. Tuy nhiên, ngay thời điểm này Phật có lẽ không có trong bạn và trong tôi, nhưng một ngày nào đó chắc chắn tất cả chúng ta có thể trở thành Phật.

Ngoài ra, kẻ thù cũng ở trong ta. Ai là kẻ thù tệ hại nhất? Tất cả những phiền não, những tâm thức xáo trộn chẳng hạn như sân hận là kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta. Do đó, kẻ thù của chính chúng ta lại ở trong chính chúng ta. Làm sao để chúng ta thuần hóa được những phiền não này? Nếu chúng ta không hàng phục được thì việc gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ càng đau khổ hơn. Chúng ta không phải sanh ra để chịu khổ. Tất cả chúng ta đều có quyền thụ hưởng hạnh phúc và hỷ lạc. Nếu chúng ta biết được đường lối đúng đắn thì chúng ta mới có được hạnh phúc. Người ta nghĩ rằng họ không thể sống hạnh phúc nếu không có của cải vật chất. Đây là điều sai lầm. Chúng ta có thể sống hạnh phúc không cần có vật chất. Bạn có thể tạo được hạnh phúc nếu bạn biết thực hành đúng đắn. Có một câu chuyện như thế này: Một tu sĩ sau khi chết được sanh vào cõi trời và diện kiến được Ngọc Hoàng. Vị tu sĩ đó cảm thấy ông ta đã thành công tu tập. Sau một thời gian hưởng phước nơi cõi trời thì có một hôm ông ta gặp lại sư phụ và các tu sĩ bạn của ông ta đang bị giam trong nhà giam ở cõi trời. Vị tu sĩ đó ngạc nhiên quá đỗi và ông ta đã thỉnh vấn Ngọc Hoàng vì cớ gì mà sư phụ và bạn bè ông ta bị giam trong tù. Ngọc Hoàng liền trả lời là bởi vì họ muốn trở lại thế gian. Lý do là nơi cõi trời quá nhàm chán, không có điện thoại di động, không có internet. Điểm tôi muốn nói ra ở đây là nếu bạn không thể nào làm chủ được, hay thuần hóa được tâm mình thì bạn sẽ cảm thấy mình đang thiếu thốn của cải vật chất thế gian. Bạn cần phải tạo một cõi trời an lạc ngay trong căn nhà của bạn. Bạn có thể tạo một cõi trời hay địa ngục trong thế giới của bạn. Tất cả đều do bạn. Trong thế gian này có quá nhiều vấn đề, gia đình bất hòa, lăng nhục lẫn nhau…Tại sao? Tại vì thiếu kiến thức, thiếu sự liễu giải. Tôn giáo có hay không đều không quan trọng. Quan trọng là chúng ta sanh ra trong thế gian này và chúng ta phải hưởng được sự hạnh phúc trong cuộc đời này. Vì thế cho nên chúng ta cần có sự hiểu biết đúng đắn, có đường lối đúng đắn thì tất nhiên chúng ta sẽ được hạnh phúc trong đời sống. Phật tánh có trong ta và kẻ thù cũng có trong ta. Chúng ta phải hàng phục và xử lý tham sân si mạn đố của chúng ta. Nếu chúng ta khống chế được những bức xúc tiêu cực, những phiền não kia thì sự an lạc trong nội tâm sẽ khởi lên. Chúng ta phải trở thành một ông chủ của chính chúng ta.

Sống trong thế giới này đầy dẫy cạnh tranh và phiền phức. Các bậc trưởng bối luôn khuyên nhủ bạn hãy cố gắng, hãy trở nên người giỏi dang nhất. Có ý nghĩa gì? Có nghĩa là muốn thành người giỏi nhất thì bạn phải kéo người đứng trước bạn ra phía sau của bạn. Sự cạnh tranh khởi đầu từ ý nghĩ này. Một khi mà bạn cạnh tranh với kẻ khác thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ bị đau khổ. Hiện tại chúng ta nhìn những người vượt xa ta trên phương diện vật chất, có nhiều của cải hơn ta. Nếu bạn lái một chiếc xe thì bạn sẽ nhìn người khác đang lái một chiếc xe tốt và đẹp hơn của bạn. Chúng ta phải biết cạnh tranh theo một đường lối đúng đắn. Cho nên lúc này thì chúng ta vẫn cạnh tranh theo một đường lối sai lầm. Hãy tư duy như thế này: Nếu bạn chạy xe đạp thì bạn hãy nghĩ tới những người không có xe đạp phải đi bộ và bạn sẽ cảm thấy mình quá may mắn. Một tu sĩ mà tôi quen biết bị bệnh ung thư và vị đó đã nói là ông ta quá may mắn bởi vì ông ta đã có thế sống được tới 50 tuổi, trong khi đó có nhiều người đã qua đời trước ông. Do đó chúng ta có thể thay đổi tâm thái của mình bằng cách nghĩ rằng tôi quá may mắn.

Nếu chúng ta thất bại trong việc hiểu rõ đường lối tiêu trừ đau khổ thì chúng ta sẽ luôn luôn thất bại. Không một ai thất bại nếu họ biết được đường lối đúng đắn.

Một điểm khác cần nêu ra ở đây là tất cả chúng ta sanh ra trong thế gian này đều có quyền sống hạnh phúc. Do đó chúng ta phải khống chế tất cả những tâm thức xáo trộn, tất cả phiền não như tham sân… bởi vì chúng nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Khi chúng ta nổi giận thì sẽ hủy đi hạnh phúc cho chính chúng ta và gia đình. Liều thuốc diệt trừ phiền não được tiêm chủng miễn phí chính là Phật Pháp. Hành trì Phật pháp có thể làm giảm đi sự sân giận và các phiền não của bạn. Các nghi thức tôn giáo và lời cầu nguyện không thể bảo đảm được, nhưng nếu hành trì Phật Pháp thì chắc chắn là bạn sẽ có thể làm giảm đi tất cả phiền não. Tôi có thể bảo đảm là các bạn sẽ sống một cuộc sống đầy hạnh phúc. Do đó, quan trọng là chúng ta phải cố gắng, phải khống chế, phải làm thuyên giảm tất cả phiền não gây tai hại cho sức khỏe và gia đình. Thiếu kiến thức có thể phá hủy gia đình bạn. Làm thuyên giảm sự sân hận hoàn toàn không có liên quan đến bất cứ tôn giáo nào bởi vì tình thương yêu và bi mẫn là tôn giáo hoàn vũ. Hãy nhìn thế giới động vật, chúng đâu có theo một tín ngưỡng nào. Chúng cần tình thương yêu và bi mẫn. Con chó ngoan ngoãn theo chủ bởi vì người chủ thương yêu nó.

“Phật tánh trong ta” là một tin tốt. Cần cảnh giác kẻ thù sân hận bên trong bạn. Quan trọng là chúng ta cần phải cố gắng xử lý tất cả phiền não bên trong. Nếu không thì chúng sẽ hủy diệt hạnh phúc của chúng ta. Trong thế giới văn minh ngày nay, người ta bị khổ tâm rất nhiều. Khổ tâm nghiêm trọng hơn khổ thân. Vì thế cho nên có rất nhiều người đã tự sát. Hiện tại tỷ lệ tự sát trong giới trẻ rất cao. Họ tự sát vì không thể nào khống chế được sự đau khổ trong nội tâm. Do đó biện pháp tốt nhất để đoạn trừ được phiền não, những bức xúc tiêu cực trong ta là hành trì Phật pháp.

* Đệ tử Pháp Đăng kính dịch.
San Jose, California, Hoa Kỳ tháng 10 năm 2010
@2011 đệ tử Hỷ Lạc hiệu đính lần thứ nhất

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.