29-10-2023
Nhập Bồ Tát Hạnh 2019
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH

TUẦN 92 – NGÀY 29/10/2023

PHẨM 7: TINH TẤN

BÀI KỆ 20

Tuy nhiên phải cho* các bộ phận (* bố thí)

Chân, tay… làm cho ta sợ sệt,

Là do chẳng xét soi nặng nhẹ

Chỉ vì si mê, ta chẳng sợ

- “Tuy nhiên phải cho các bộ phận/ Chân, tay… làm cho ta sợ sệt”: Khi muốn thành Phật, ta phải viên mãn tất cả ba la mật, trong đó có bố thí ba la mật. Muốn viên mãn bố thí ba la mật thì ta phải cho đi các bộ phận chân, tay… Nghĩ đến điều đó, ta sẽ rất sợ hãi, không muốn cho đi các bộ phận trên cơ thể mình.

- “Là do chẳng xét soi nặng nhẹ/ Chỉ vì si mê, ta chẳng sợ”: Muốn viên mãn hạnh bố thí, nghĩa là sẵn sàng cho đi tất cả mọi thứ từ tài sản cho đến các bộ phận trên cơ thể, nghĩ đến chuyện cho đi thân thể của mình thì ta rất sợ. Vì sao ta lại sợ? Đó là do ta si mê, chẳng xét soi nặng nhẹ.

- Chuyện cho đi chân tay là phải có mục đích. Nhìn vào mục đích ta sẽ bớt sợ hãi hơn, ví dụ giữa việc mất đi chân, tay với cái chết thì mình chọn mất đi tay, chân, chứ không ai chọn cái chết cả. Nếu thấy rằng việc trải qua chút xíu khó khăn lại giúp ta tịnh hóa được những ác nghiệp, chướng ngại thì ta sẽ bớt sợ hãi, không còn thấy khó khăn, chướng ngại nữa. Nhìn vào mặt tích cực của kết quả thì ta sẽ cảm thấy bớt khó khăn và bớt sợ sệt hơn.

BÀI KỆ 21

Trải qua vô số hàng triệu kiếp

Đã rất nhiều lần từng bị cắt,

Bị xiên, bị đốt và bị chặt…

Nhưng rồi có được giác ngộ đâu!

- Trong nhiều đời quá khứ, ta rất nhiều lần bị người khác giết hại, bị xiên, bị đốt, bị giết, bị chặt… nhưng dù chịu đựng nhiều khó khăn như thế mà kết quả của khó khăn cho đến bây giờ là ta có thành Phật, có thành tựu giác ngộ được đâu. Đoạn kệ này có thể hiểu đơn giản như sau: trong đời này ta có thói quen làm những việc mà những đời trước đã làm hàng trăm, hàng triệu lần, bây giờ ta cứ lặp đi lặp lại những việc mình đã làm rất nhiều lần như thế nên cảm thấy rất chán nản với những việc đang làm.

- Chúng ta được sinh ra, rồi đi học, có công việc làm, lập gia đình, rồi già đi v.v… Những việc đó ta đã làm trong những đời trước, đời này lại làm một lần nữa nên ta chán nản. Nếu cuộc đời này ta làm các việc mới, cuộc sống sẽ trở nên thú vị và ta sẽ không còn chán nản nữa. Cái mới ở đây là thành Phật, có nghĩa là chúng ta làm tất cả mọi việc vì lợi ích của người khác, như vì hạnh phúc của những người thân trong gia đình. Đó là cái mới của công việc này, thay vì xưa giờ chỉ lo cho bản thân mình thì giờ đây mình làm vì lợi ích của người khác.

- Theo quan điểm của đạo Phật, chúng ta có tập khí của các nghiệp của mình. Tập khí chính là thói quen của các hành động, từ đời này qua đời khác ta làm việc này, việc kia sẽ tạo thành thói quen của việc làm đó. Thói quen này sẽ chứa trong tâm thức của mình. Khi đi tái sinh, thói quen này được mang theo. Ở đời tái sinh mới, ta sẽ lặp đi lặp lại những công việc, hành vi, hành động đó. Cứ lặp đi lặp lại hoài nên ta cảm thấy rất chán.

- Ở đây có một thông điệp là chúng ta hãy mang vào cuộc sống của mình nhiều việc làm mới, tìm một mục tiêu có ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Đó là chăm lo hạnh phúc, an vui cho người khác như người thân trong gia đình mình.

BÀI KỆ 22

Để ta thành tựu được giác ngộ

Thì có bấy nhiêu đau khổ này

Chỉ khổ như vết thương trên thân

Để xua, xót mất mọi đau đớn

- Từ bây giờ đến lúc thành Phật, đạt được giác ngộ, chúng ta phải trải qua rất nhiều khó khăn, đau khổ, thử thách. Ý nghĩa của bài kệ này là để thành Phật đương nhiên phải chịu khổ thì mới có thành quả lớn lao. Ví dụ, ta bị bệnh nặng phải làm phẫu thuật để trị hết bệnh. Việc mổ da cắt thịt đương nhiên là đau khổ rồi nhưng đau khổ vì mổ da cắt thịt là đáng vì nhờ đó ta mới hết bệnh. Việc chịu đựng đau khổ nho nhỏ là đáng làm nên ta hãy chịu đựng.

- Vậy phân biệt thế nào là đau khổ lớn và đau khổ nhỏ? Điều này tùy theo nhìn nhận của mỗi người. Mỗi người phải nghĩ rằng để thành Phật, để giúp chúng sinh hết khổ, như đơn giản là chúng ta cần làm những gì để giúp người thân hết đau khổ, được an vui, đó là tùy hoàn cảnh mỗi người cần làm những gì, mỗi người phải tự suy nghĩ, tự cân nhắc.

- Mỗi người phải có một mong muốn là muốn thành Phật để làm lợi cho người khác. Mong muốn thành Phật để giúp người khác hết khổ gọi là tâm bồ đề. Bất cứ công việc nào mà mình bắt tay làm đều phải bắt nguồn từ động cơ tâm bồ đề, tức muốn thành Phật vì lợi lạc của những người khác.

- Khi có tâm bồ đề và dấn thân vào thực hành để thành Phật thì ta sẽ không bao giờ biết khi nào mình sẽ thành phật. Đến lúc nào đó thành Phật rồi thì ta mới bất ngờ ngộ ra: “ồ, mình đã thành Phật rồi!”. Đây là một điểm quan trọng cần phải lưu ý. Khi nào còn suy nghĩ mong muốn thành Phật để làm lợi cho người khác thì lúc đó ta vẫn còn đang thực hành hạnh Bồ-tát. Đừng tính toán, đừng để ý bao giờ thành Phật mà cứ tự nhiên thực hành mà thôi. Đó là một thông điệp quan trọng trong phần này.

- Một thông điệp khác trong đoạn kệ này là con đường thành Phật đương nhiên sẽ có nhiều khó khăn, trở ngại, đau khổ. Bản thân mình phải chấp nhận đau khổ thì mới có thể bước trên con đường để thành Phật được. Ở đây bài kệ khuyên rằng chúng ta cố gắng chịu khó vượt qua gian khổ thì mới có được thành quả lớn hơn, tốt hơn.

- Chúng ta ai cũng có một hành trình riêng trong cuộc đời. Khi bắt đầu một hành trình, điều quan trọng nhất trong hành trình đó chính là định hướng. Định hướng của một người bình thường là sinh ra, làm các công việc bình thường rồi cuối cùng chết đi. Nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn thế. Đó là mong muốn thành Phật. Cho nên đích đến của mình là thành Phật. Ta cần giữ động cơ tâm bồ đề và định hướng là cần phải thành Phật. Chừng nào còn giữ được động cơ và định hướng đúng như thế, thì cho dù ta sống từng ngày, làm gì thì càng ngày càng gần thành Phật hơn và cho dù chết thì ta cũng càng gần thành Phật. Làm một người thực hành hạnh Bồ-tát thì nên giữ vững động cơ tâm bồ đề và định hướng là thành Phật để làm lợi lạc cho người khác. Một khi còn động cơ và định hướng như thế thì cuộc sống của mình sẽ rất hạnh phúc, an vui. Bởi vì ta làm việc gì thì cũng biết mình sẽ gần với thành Phật hơn.