06-08-2023
Nhập Bồ Tát Hạnh 2019
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH

TUẦN 90 - NGÀY 06/08/2023

CHỦ ĐỀ: PHẨM 7 – TINH TẤN

BÀI KỆ 12

Khi mà chạm vào nước sôi nóng

Làm bỏng rát da thịt tươi trẻ

Nghiệp địa ngục như thế đã làm

Bây giờ sao có thể sướng vui?

- Khi cơ thể, da thịt chạm vào nước đang sôi sùng sục, chắc chắn sẽ làm ta bỏng rát, khiến ta rất đau. Bài kệ dùng ví dụ này để minh họa cho ý nghĩa là từ trước đến nay ta đã tạo rất nhiều ác nghiệp, trong đó có nhiều nghiệp có khả năng trổ quả khiến ta chịu khổ ở địa ngục. Khi đang gánh chịu quả đau khổ đó, ta không có một phút giây vui sướng nào. Cho nên hiện tại ta đang sống rất sung túc, thản nhiên thì điều đó không đủ để ta vui. Bởi vì, ta vẫn còn nhiều nghiệp khiến ta phải chịu khổ ở địa ngục nên lúc này không phải là lúc nghỉ ngơi mà là lúc ta vẫn phải cố gắng để nghiệp đó không trổ quả để phải chịu khổ ở địa ngục.

BÀI KỆ 13

Không nỗ lực, muốn được thành quả

Và nóng vội, chướng ngại càng nhiều

Lúc chết thì như những vị trời

Ôi không, bị khổ chế ngự rồi!

- “Không nỗ lực, muốn được thành quả” nghĩa là một người không cố gắng gì cả mà muốn có được kết quả thành công to lớn.

- “Và nóng vội, chướng ngại càng nhiều”: Chướng ngại ở đây là do ta không có chịu đựng, nhẫn nại được trước hoàn cảnh khó khăn thì chính hoàn cảnh đó trở thành chướng ngại của mình. Nếu ta không nhẫn nại trước những khó khăn thì sẽ càng cảm nhận có nhiều khó khăn hơn. Còn khi đã chịu đựng, nhẫn nại được trước hoàn cảnh khó khăn thì sẽ cảm nhận ít khó khăn, chướng ngại hơn. Ví dụ, khi ta thích một chiếc xe máy màu vàng hoặc màu đỏ thì đi trên đường ta sẽ chỉ thấy toàn là xe máy màu vàng hoặc màu đỏ. Đó là vì ta tập trung vào những đối tượng như thế theo ý mình thích. Giống như vậy khi không chịu đựng được hoàn cảnh khó khăn thì ta chỉ nhìn thấy đâu cũng là khó khăn.

- Vấn đề thực tế ở đây là không phải bên ngoài có nhiều hay ít khó khăn mà quan trọng là tâm thức của ta có chịu được những khó khăn đó không. Càng kiên nhẫn, chịu đựng khó khăn thì càng gặp ít khó khăn hơn. Nếu không kiên nhẫn chiu đựng khó khăn thì sẽ thấy bên ngoài càng nhiều khó khăn hơn. Ở đây đang nói đến thái độ kiên nhẫn vượt qua khó khăn của mình.

- “Lúc chết thì như những vị trời”: Cái gì phá hỏng hạnh phúc của mình? Đó là nỗi sợ cái chết sẽ phá hỏng niềm hạnh phúc, an lạc của mình. Nếu không thoát khỏi nỗi sợ chết thì sẽ không thoát khỏi đau khổ. Cho nên sang 2 câu đầu của bài kệ 14 (Nên nếu dựa vào thuyền thân người/ Thoát khỏi dòng nước lớn đau khổ) nói rằng thân người mà ta đang có được là phương tiện rất tốt vì dựa vào đó ta có được phương pháp để thoát khỏi cái chết.

- Bài kệ này có 2 thông điệp quan trọng. Khi làm việc bất cứ việc gì, ta nên làm việc với thái độ đúng đắn. Đến phút cuối đời, tất cả gì ta làm được trong cuộc đời này sẽ bị phá hủy bởi cái chết. Chính vì biết được rằng những thành quả mà ta gây tạo trong cuộc đời này thì đến cuối đời cái chết sẽ phá tan tành tất cả, nên sống trên đời này, ta phải xây dựng được thái độ sống an lạc và hạnh phúc. Ở đây có một thông điệp rất hay nữa là chúng ta cần giữ thái độ phải chiến thắng được thần chết. Nếu không có được thái độ tỉnh thức về cái chết của bản thân thì ta có rất nhiều kỳ vọng, ước mơ, nguyện vọng trong cuộc sống. Có nhiều ước mơ, nguyện vọng trong cuộc sống là một cách sống rất hay. Nhưng chỉ nghĩ ước mơ, nguyện vọng thôi mà không nghĩ đến cái chết của bản thân thì lúc cái chết đến, đau khổ sẽ vùi dập, sẽ phá tan mọi ước mơ của mình, lúc đó ta sẽ không chuẩn bị kịp.

BÀI KỆ 14

Nên nếu dựa vào thuyền thân người

Thoát khỏi dòng nước lớn đau khổ

Thuyền này về sau khó tìm được

Si mê, lúc này đừng mê ngủ.

- Ở đây nói rằng thân người này là phương tiện tối thắng để có được những phương pháp giúp ta thoát khỏi mọi đau khổ. Bởi vì, dựa vào thân người này, ta thực hành để có trí giải thoát, nhờ trí giải thoát đó mà ta sẽ diệt được phiền não, khi đó sẽ thoát khổ.

- Thuyền thân người này rất khó tìm được là vì một lần có được thân người, về sau ta có được thân người này nữa hay không thì rất khó nói. Chưa nói đến chuyện đời sau có được làm người hay không, mà ngay ở đời này, càng ngày sức khỏe mình càng suy yếu, không thể làm được nhiều việc như lúc còn trẻ, còn sức khỏe.

BÀI KỆ 15

Nhân hỷ lạc thì có vô lượng

Thắng pháp, bỏ hỷ lạc quý này

Lại vì nhân khổ mà tán loạn

Phù phiếm…, ngươi vui thích thế nào?

- Bài kệ 15 này rất quan trọng, chúng ta hãy học thuộc lòng.

- Trong cuộc đời này có nhiều nguyên nhân khiến ta vui sướng, hỷ lạc, như có những người thích tâm tán lọan, thích những thú vui vô nghĩa, thích nói chuyện bông đùa, nhưng vui đó chỉ là vui tạm thời trong khi lại khiến ta đau khổ về sau. Bởi vì những lời tán gẫu của ta, chẳng hạn, có thể gây tổn thương cho người khác rất nhiều.

- Trong tất cả nguyên nhân khiến ta vui, hỷ lạc thì pháp tối thắng (thắng pháp) là nhân tốt nhất khiến ta an lạc tuyệt đối. Thế nhưng, ta lại bỏ hỷ lạc quý này, mà chỉ đăm đắm vào các nhân khác như tán loạn, phù phiếm, tán gẫu… Những nhân đau khổ đó tại sao ta lại thích trong khi nhân tốt như thắng pháp, ta lại bỏ? Đó là ý nghĩa của bài kệ này.

- Chúng ta hãy nhìn lại chính mình. Khi buồn chán, bất an, ta hay làm gì? Chúng ta hay tìm đến các thú vui như xem phim, xem tin tức hoặc tìm đến các hoạt động, việc làm không phù hợp như uống rượu, tụ họp với nhau nói chuyện phiếm, tán gẫu, phê phán, chê bai người này người kia… Bài kệ nói rằng chúng ta không nên làm những việc không phù hợp như thế, đừng tìm đến những nguồn vui khiến ta đau khổ mà tìm các nguồn vui tốt hơn như tìm đến thắng pháp.

- Chúng ta hãy thay đổi thói quen, tìm đến các nguồn vui có lợi hơn như đọc kinh, tụng chú, lạy Phật hoặc làm các việc thiện nguyện… Trong tuần này, chúng ta hãy thực hành như thế. Còn nếu tuần này chúng ta cảm thấy tinh thần rất nhẹ nhàng, thanh thản thì không cần phải thực hành pháp.

BÀI KỆ 16

Không trì hoãn, kết tập sức lực

Nỗ lực và kiểm soát bản thân

Mình và người khác, xem bình đẳng

Mình và người khác, hoán đổi nhau.

- “Không trì hoãn” nghĩa là không lười biếng nữa. Đó là không lười biếng trong việc nỗ lực kiểm soát bản thân và sau đó thực hành pháp hoán đổi ngã tha. Ở đây chính yếu là thực hành pháp hoãn đổi ngã tha. Để thực hành pháp này, ta phải xem mình và người khác bình đẳng với nhau, bình đẳng ở trên phương diện là ta muốn hạnh phúc, không muốn đau khổ thì người khác cũng muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Đây là điểm rất quan trọng trong các pháp thực hành của Bồ-tát.

- Đôi lúc ta hành xử với những người khác mà quên mất rằng họ cũng giống y hệt mình. Ta quên mất rằng mình có những cảm xúc thế nào thì người khác cũng có những cảm xúc giống như vậy. Cho nên bước đầu tiên là ta xem mình và tất cả chúng sinh bình đẳng với nhau. Sau khi quán bình đẳng rồi, ta thực hành pháp hoán đổi ngã tha, tức ta sẽ nhận lấy đau khổ của người khác và đem tất cả mọi hạnh phúc, an lạc của mình trao tặng cho người khác. Trong 2 bước thực hành này (bước quán bình đẳng và bước quán hoán đổi) thì bước quán bình đẳng quan trọng hơn.

- Trong tuần này hãy thực hành quán bình đẳng, nghĩa là bất kể người nào chúng ta giao tiếp, gặp gỡ thì đều xem bình đẳng với mình ở phương diện là tất cả đều muốn hạnh phúc, không muốn đau khổ. Đây là những bài thực hành rất đơn giản. Bắt đầu từ những bước thực hành đơn giản, nho nhỏ như thế sẽ dần dần tạo cho chúng ta những thay đổi lớn lao, giúp chúng ta rèn luyện tâm trí của mình.