16-04-2023
Nhập Bồ Tát Hạnh 2019
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH

TUẦN 89 – NGÀY 16/04/2023

PHẨM 7: TINH TẤN

BÀI KỆ 4

Bị phiền não cài bẫy săn bắt

Rồi lại rơi thẳng vào bẫy sinh

Nên ở ngay miệng của thần chết

Vì sao đến nay cũng chẳng biết?

- “Bị phiền não cài bẫy săn bắt”: Bẫy săn bắn ở đây giống như lưới đánh cá, con cá bị mắc vào lưới. Ở đây dùng hình ảnh ví chúng ta giống như con cá bị mắc vào cái bẫy của phiền não. Từ lúc sinh ra cho đến bây giờ, chúng ta chỉ luôn cố chạy đến điểm đích kế tiếp là cái chết. Vấn đề là chúng ta đang đâm đầu chạy vào cái chết mà không hề biết chuyện đó.

- Quan trọng là cần tỉnh táo để biết rằng cứ mỗi thời khắc trôi qua, chúng ta đang dần dần tiến gần hơn đến cái chết của mình. Cho nên mỗi ngày trôi qua thời gian của chúng ta trên cuộc đời này sẽ ngày càng ngắn lại. Khi biết điều đó rồi thì chúng ta nên làm gì? Thầy thường hay nói là chúng ta hãy sống mạnh mẽ và hạnh phúc.

BÀI KỆ 5:

Dần dần giết hại bản thân mình

Điều ấy ngươi chẳng thấy hay sao?

Mà lại ôm vùi vào giấc ngủ

Như con trâu bên kẻ đồ tể

- “Dần dần giết hại bản thân mình/ Điều ấy ngươi chẳng thấy hay sao?”: Tất cả những người thân, bạn bè của mình dần dần cũng sẽ chết đi, từ từ rồi cũng đến lượt mình thôi, tại sao ta không thấy điều đó?

- “Như con trâu bên kẻ đồ tể”: ở đây lấy hình ảnh ví chúng ta giống như con trâu nằm dưới lưỡi dao của người giết trâu, cuối cùng cũng sẽ chết.

- Đoạn này Ngài Tịch Thiên nói rằng tất cả người thân, bạn bè lần lượt chết đi, cuối cùng rồi tới mình, tại sao ta không thấy được điều đó, mà cứ ôm vùi vào giấc ngủ, vẫn mê ngủ, giống như con trâu nằm dưới lưỡi dao của kẻ giết trâu, nằm chờ chết mà cũng không biết.

- Có thể con trâu một ngày ngủ rất nhiều nên Ngài Tịch Thiên dùng hình ảnh của con trâu để làm ví dụ cho những người ngủ nhiều. Có vẻ Ngài Tịch Thiên chống đối với việc ngủ nhiều. Cho đến nay chuyện ngủ nhiều vẫn chưa trở thành chướng ngại của việc giác ngộ. Đức Phật nói rằng bản chất của ngủ là bất định, nghĩa là bản thân nó có thể trở thành thiện, có thể trở thành ác, hoặc có thể trở thành trung tính, tức không thiện cũng không ác. Nếu trước khi ngủ, giờ phút cuối cùng ta khởi lên một tâm thiện, thì cả giấc ngủ sẽ trở thành thiện, còn nếu lúc đó khởi tâm ác thì cả giấc ngủ của mình sẽ trở thành ác. Nếu để tâm thản nhiên, không thiện không ác thì giấc ngủ cũng không thiện không ác.

BÀI KỆ 6:

Như thế chặn đứng hết các đường

Rồi lại bị thần chết nhắm vào,

Sao người còn thích ăn cho được

Như vậy ngươi thích ngủ thế nào?

- Bài kệ nói rằng chúng ta đã biết mình sẽ chết như con trâu bên kẻ đồ tể nhưng vẫn không làm gì hết. Chúng ta giống như không còn đường lui nữa và lại bị kẻ thù là thần chết nhắm vào mà vẫn còn thích ăn thích ngủ, như vậy là cớ làm sao?

- Hồi nãy Ngài Tịch Thiên nói là không nên ngủ nhiều, bây giờ Ngài nói là không nên ăn nhiều. Nếu Ngài Tịch Thiên được mời dùng bữa và nếu trong bữa ăn, Ngài ăn rất ít và nói những câu như khuyên mọi người đừng nên ăn, đừng nên ngủ, mà hãy tập trung vào chuyện thực hành thì chuyện đó mới là đúng. Còn nếu một người ăn nhiều, ngủ nhiều mà lại đi khuyên người khác đừng ăn, đừng ngủ thì có vẻ không phù hợp cho lắm.

- Ở đây Ngài Tịch Thiên nói rằng chúng ta hãy tỉnh táo không mê ăn mê ngủ. Nhưng Thầy nói rằng, nếu chúng ta có thể ngủ tốt và có thể ăn được thì chuyện đó không có gì sai cả.

BÀI KỆ 7:

Vì nhanh chóng rồi cũng sẽ chết,

Còn lúc nào, hãy góp tư lương.

Đến lúc ấy mà bỏ biếng lười

Thật chẳng phải lúc, làm chi nữa?

- “Vì nhanh chóng rồi cũng sẽ chết/ Còn lúc nào, hãy góp tư lương”: chúng ta phải luôn nhớ kỹ một điều rằng cái chết là không thể tránh khỏi. Ta không biết khi nào chết nhưng chắc chắn đến một lúc nào đó cũng sẽ chết, cho dù không chết cũng bệnh tật, cơ thể ngày càng yếu đi, không thể làm nhiều việc. Điều đó có nghĩa cuộc sống của chúng ta mỗi ngày sẽ ngắn ngủi thêm, dù không thể làm gì để ngăn được việc đó, chúng ta phải ý thức được cuộc sống càng ngày càng ngắn. Vì cuộc sống càng ngày càng ngắn đi, nên chúng ta không nên phí phạm thời gian vào những việc vô bổ, những chuyện buồn, không cần thiết, mà hãy cố gắng sống một cuộc đời có ý nghĩa và sống hạnh phúc.

- “Còn lúc nào, hãy góp tư lương”: Còn sống lúc nào thì hãy làm việc tốt, tốt cho bản thân, tốt cho gia đình và tốt cho mọi người xung quanh. Bây giờ nghĩ đến chuyện tốt mà nghĩ bây giờ không làm, để sau hãy làm, nhưng liệu sau này còn có thời gian, có sức khỏe để làm nữa hay không.

- “Đến lúc ấy mà bỏ biếng lười/ Thật chẳng phải lúc, làm chi nữa?”: đến lúc ta không còn sức khỏe, không còn khả năng để làm thiện hạnh nữa thì mới bảo rằng mình sẽ không lười biếng nữa, lúc đó bỏ lười biếng thì bỏ làm gì?

- Ở bài kệ này, Ngài Tịch Thiên hướng dẫn ta nghĩ về cái chết của mình, cái chết sẽ nhanh chóng đến với mình. Còn sống lúc nào chúng ta hãy tích góp tư lương, tích góp thiện hạnh. Vậy bằng cách nào? Chúng ta hãy thực hành như sau: hãy nghĩ hôm nay là ngày cuối cùng mình còn sống trên đời, vậy những điều quan trọng, điều tốt nào chúng ta muốn làm mà chưa làm được, hoặc những điều sai trái nào chúng ta đã phạm phải, đến lúc chết chúng ta sẽ nghĩ về những việc làm đó mà sinh tâm hối hận. Đến lúc chết thật sự, có nghĩ đến thì ta cũng không làm gì được, nhưng bây giờ nghĩ đến thì ta có thể sửa chữa những điều đó.

- Tất cả những hành vi, cách suy nghĩ và cách mình sống thế nào sẽ phụ thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận của mình về cuộc sống, về cái chết, cho nên Ngài Tịch Thiên nói hãy thiền về cái chết của bản thân để thay đổi cách suy nghĩ của mình, từ đó tạo ra một kế hoạch tương lai tốt hơn. Tuần này chúng ta hãy thực hành phần bài tập này.

BÀI KỆ 8:

Việc này chưa làm hoặc đang làm

Hoặc như đã làm được phân nửa

Bất chợt thần chết đến kề bên

Thì tâm sẽ nghĩ: “Ôi! Thôi xong.”

- Bài kệ này nói rằng khi đang làm gì dở dang mà lúc đó thần chết đến thì mình nghĩ “ôi! thôi xong mình chưa làm được gì cả”. Cho nên“Việc này chưa làm hoặc đang làm/ Hoặc như đã làm được phân nửa” nghĩa là ta có dự định làm gì mà chưa làm hoặc có làm được dở dang thì đến lúc chết, tâm ta nghĩ “ôi! thôi xong, mình chưa có hoàn tất, chưa có làm được gì hết”. Chúng ta hãy thực hành phần bài tập vừa nói khi nãy: nghĩ về cuộc sống của mình trong quá khứ, có chuyện gì quan trọng, việc thiện nào chúng ta muốn làm mà tới bây giờ vẫn chần chừ, chưa làm được, hoặc có phạm phải sai lầm mà bản thân cảm thấy hối hận và chưa sửa chữa được thì hãy nghĩ đến điều đó.

BÀI KỆ 9

Đau khổ dữ dội, mắt sưng đỏ

Từ trên mặt tuôn rơi lệ sầu

Người thân quyến thảy đều tuyệt vọng,

Phải nhìn mặt tay sai Diêm Vương

BÀI KỆ 10

Dằn vặt nhớ lại tội của mình

Lại nghe âm thanh nơi địa ngục

Hoảng loạn, thân mặc đồ dơ bẩn

Đang cơn mê sảng, làm chi nữa?

- Ở đây Ngài Tịch Thiên nói về những trải nghiệm trong lúc chết. Chúng ta hãy thực hành bằng cách nghĩ hôm nay là ngày tang của mình, lúc đó trong tâm ta có những suy nghĩ, những trải nghiệm như thế nào. Trong tất cả các bài kệ này, Ngài Tịch Thiên muốn đưa ra ý cốt lõi là chúng ta hãy tận dụng tất cả quỹ thời gian của mình để thực hành pháp và làm những việc lớn lao, không nên lãng phí thời gian cho những việc không cần thiết.

- Trong cuộc sống sẽ có những vấn đề thường xuyên xảy ra cho mình. Thậm chí chúng ta sống cùng nhau trong cùng một căn nhà với người thân, nhưng mỗi người vẫn có một thế giới riêng, đặc biệt chúng ta cứ dành thời gian cho các ứng dụng mạng xã hội chứ không dành thời gian cho người thân của mình. Khi sống chỉ trong thế giới riêng của mình thôi mà không chia sẻ, dùng thời gian đó để sống với người thân, người xung quanh, đến lúc nào đó ta không có thời gian để làm điều đó thì lại hối hận vì chuyện này.

BÀI KỆ 11

Người như cá sống đang lăn lóc

Đời này phải mang nhiều nỗi sợ

Làm ác, nên khổ nơi địa ngục

Chịu chẳng hề thấu, cần chi nói

- Bài kệ nói rằng chúng ta như con cá trong một cái nồi được nấu chín. Con cá trong nồi nước sôi thì trước sau gì cũng phải chết, lúc đang vẫy vùng trong nồi nước sôi, thì đau đớn cùng cực và liên tục, không chấm dứt. Cũng giống như cuộc sống này của chúng ta có những đau khổ liên tục, hết đau khổ này sang đau khổ khác giống như con cá đang ở trong nồi nước sôi.

- Cuộc sống luôn có những khó khăn, hết khó khăn này đến khó khăn khác. Thậm chí khi có những cơ hội tốt xảy ra cho mình thì cơ hội tốt đó cũng mang những khó khăn và thử thách kèm theo nó. Thậm chí bất cứ lúc nào có thử thách thì cũng sẽ có những cơ hội kèm theo. Cho nên ta phải thay đổi quan điểm sống của mình, thay đổi cách mình nhìn nhận khó khăn thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.

- Tuần nay chúng ta hãy thực hành thiền về vô thường và cái chết và 2 điểm thiền khi nãy Thầy đã hướng dẫn. Khi chúng ta nhìn tất cả mọi sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình thì hãy xem đó là điều tuyệt đẹp và cố gắng trải nghiệm điều tuyệt đẹp đó. Tâm mình có điều hay là nghĩ gì sẽ thấy điều đó, ta thấy được gì sẽ cảm nhận được nó. Nếu nghĩ tốt thì ta sẽ thấy tốt và cảm nhận được cái tốt, nếu nghĩ xấu thì sẽ chỉ toàn thấy cái xấu, lúc đó chỉ cảm nhận cái xấu mà thôi.