TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH
TUẦN 83 - NGÀY 11-09-2022
PHẨM 6: NHẪN NHỤC
BÀI KỆ 116
Đều góp phần thành tựu Phật pháp
Nên xem các điều ấy như nhau
Nhưng về biển đức hạnh vô tận
Như các Phật thì thật chẳng bằng
- Bài kệ nói rằng tất cả mọi chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Vì khả năng thành Phật đó nên tương lai đều sẽ thành Phật, do đó bây giờ ta tôn kính, cúng dường, phụng sự chúng sinh là điều hợp lý.
- Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh. Phật tánh đó được hiểu theo 2 cách. Cách hiểu thứ nhất là tất cả mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Khả năng thành Phật đó chính là Phật tánh. Cách hiểu thứ 2 là mọi chúng sinh đều có tâm thức, bản chất của tâm đó là tánh không. Tánh không của tâm chúng sinh chính là Phật tánh của chúng sinh.
- Vì tất cả mọi chúng sinh đều sẽ thành Phật trong tương lai nên tất cả chúng sinh đều xứng đáng làm nơi cúng dường. Do đó, việc ta tôn kính, cúng dường, phụng sự chúng sinh là điều hợp lý. Một lý do nữa là bởi vì tôn kính chúng sinh, làm lợi lạc cho chúng sinh nên ta mới có thể thành Phật được, cho nên ta cần phải tôn kính và phụng sự chúng sinh.
BÀI KỆ 117
Nơi duy nhất đủ hạnh tối thắng
Chỉ một phần đức hạnh ấy thôi
Nếu có thì khi dâng cúng dường
Cả ba cõi cũng còn bé nhỏ
- “Nơi duy nhất đủ hạnh tối thắng” nghĩa là đức Phật là nơi duy nhất viên mãn mọi đức hạnh tốt nhất.
- “Chỉ một phần đức hạnh ấy thôi” nghĩa là tất cả mọi chúng sinh đều có một phần đức hạnh của Phật, chính là Phật tánh, tức khả năng thành Phật nên xứng đáng làm nơi cúng dường. Cúng dường ở đây là tôn trọng chúng sinh, không tức giận, không hãm hại, phải biết ơn chúng sinh và phải luôn làm lợi cho chúng sinh.
- Một câu hỏi được đặt ra là “Có chúng sinh nào không có Phật tánh hay không?” Có những tông phái cho rằng có một số chúng sinh không có Phật tánh. Nhưng theo quan điểm của Tông Trung Quán, tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh, không có chúng sanh nào không có Phật tánh cả.
- Theo Tông Trung Quán, Phật tánh của một chúng sinh là tánh không của tâm thức của chúng sinh đó. Chúng sinh nào cũng có tâm thức. Vì có tâm thức nên có tánh không của tâm thức đó. Cho nên tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh. Nếu mỗi một chúng sinh thiền quán về tánh không của tâm thức của mình thì sẽ có khả năng giác ngộ thành Phật. Vì tất cả mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật nên xứng đáng làm nơi cung kính, cúng dường. Do đó, việc cung kính cúng dường tất cả mọi chúng sinh là hợp lý. Đây là ý nghĩa cốt yếu của đoạn này.
- Khi nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, vậy có thời điểm nào tất cả chúng sinh đều thành Phật không? Câu trả lời là có. Nhưng thời điểm đó là thời điểm nào thì không trả lời được.
- Câu hỏi khác là nếu chúng sinh thành Phật thì làm sao có thể thành Phật được? Và chúng sinh thành Phật trên thân này hay trên thân khác? Theo quan điểm của Kim Cang Thừa, dùng thân này không thể nào thành Phật được mà phải dùng một thân khác mới có thể thành Phật được. Còn theo quan điểm của Hiển giáo (Bát Nhã Thừa), thân này có thể thành Phật được. Vì sao thân này có thể thành Phật được? Đó là do định lực tu tập nên có thể chuyển hóa bản chất của thân này để trở thành Phật.
BÀI KỆ 118
Một phần sinh Phật pháp tối thắng
Thì đều có ở các chúng sinh
Nên chỉ dựa vào các phần này
Cung kính chúng sinh là hợp lý
- “Một phần sinh Phật pháp tối thắng” nghĩa là ta dựa vào phần gì để thành Phật thì đó là Phật tánh. Dựa vào Phật tánh, chúng sinh nào cũng đều có thể thành Phật. Vì lý do đó tất cả mọi chúng sinh đều xứng đáng làm nơi cung kính cúng dường.
- Phật tánh có 2 cách nói. Cách nói thứ nhất, tánh không của tâm thức chính là Phật tánh. Cách nói thứ 2, khả năng thành Phật chính là Phật tánh. Chúng sinh nào cũng có Phật tánh, tức có khả năng thành Phật nên có đức hạnh của Phật quả. Vì chúng sinh có đức hạnh này của Phật quả nên xứng đáng làm nơi để cung kính cúng dường.
- Lúc chưa thành Phật thì gọi là Phật tánh, nhưng khi thành Phật rồi, không còn Phật tánh nữa. Khi đã thành Phật, tánh không của tâm thức sẽ trở thành pháp thân. Khi thành Phật, tánh không của tâm thức sẽ trở thành pháp thân thì lúc đó, sẽ thành Phật ở đâu? Theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, nếu một chúng sinh thành Phật thì sẽ thành Phật ở cõi trời Sắc cứu cánh. Khi ở cõi trời Sắc cứu cánh thì sẽ viên mãn Phật quả và sẽ thị hiện các công hạnh của đức Phật ở thế gian. Theo quan điểm của Kim Cang Thừa (Mật Chú Thừa), có thể thành tựu Phật quả ở ngay thế gian này chứ không cần phải ở trên cõi trời Sắc cứu cánh.
- Ta vẫn thường biết rằng Bồ Đề Đạo Tràng là nơi đức Phật thành đạo. Nhưng theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, Bồ Đề Đạo Tràng không phải là nơi đức Phật thực sự thành đạo mà Ngài đã thành đạo ở cõi trời Sắc cứu cánh, Ngài chỉ thị hiện công hạnh thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng mà thôi. Còn theo quan điểm của Mật Chú Thừa, đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng. Cho dù đức Phật có thành Phật ở đâu đi chăng nữa thì Phật giáo Đại Thừa và Kim Cang Thừa đều công nhận đức Phật được đản sinh ở Lumbini, Nepal.
- Theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, đức Phật đã thành Phật trước đó ở cõi trời Sắc cứu cánh. Ở cõi trời Sắc cứu cánh, lúc thành Phật, Ngài có được báo thân. Khi thành Phật ở cõi trời Sắc cứu cánh thì Ngài sẽ có được pháp thân và cả báo thân. Sau khi thành Phật, Ngài mới thị hiện ở cõi Ta bà này. Khi thị hiện ở cõi thế gian thành thân của Phật Thích Ca thì thân của Phật Thích Ca đó gọi là hóa thân tối thắng. Đó là trình tự của pháp thân, báo thân và hóa thân.
- Lúc đức Phật thực sự thành Phật ở cõi trời Sắc cứu cánh, thì có được pháp thân và báo thân. Sau khi đã thành Phật, Ngài thị hiện sinh xuống cõi Ta bà thành thân của Phật Thích Ca. Thân của đức Phật Thích Ca gọi là hóa thân tối thắng. Vậy hóa thân tối thắng đó được sinh ra làm người giống như mình thì có xương, có máu thịt hay không? Đây là một câu hỏi. Theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, hóa thân tối thắng là thân vô lậu, thân vô lậu là thân không hề có bất kỳ lậu hoặc nào, tức không hề có bất kỳ khả năng sinh ra phiền não, không bị ô nhiễm nữa nên thân đó không có xương, không có máu thịt giống như mình. Một câu hỏi khác là nếu thân của Phật Thích Ca không có xương, không có máu thịt thì xá lợi ở đâu mà có? Theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, do thân của Phật Thích Ca không có xương, không có máu thịt nên lúc trà tỳ, hỏa thiêu thân đó thì không còn sót lại gì. Xá lợi đó là vì làm lợi lạc cho chúng sinh về sau nên đức Phật đã hóa hiện ra xá lợi giống như vậy.
- Theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, thân của đức Phật Thích Ca không có máu thịt, không có xương, vậy thì thân đó có đến từ tinh cha huyết mẹ hay không. Đây là câu hỏi rất khó trả lời.
- Ở phần này, ta cần hiểu 3 điều: pháp thân, báo thân, hóa thân. Lúc thành Phật, thì tánh không của tâm thức thành Phật chính là pháp thân. Khi thành Phật ở trên cõi trời Sắc cứu cánh, thân thành Phật trên cõi trời sắc cứu cánh đó gọi là báo thân. Sau đó, đức Phật mới thị hiện ở cõi Ta bà này thành thân của Phật Thích Ca. Thân của đức Phật Thích Ca chính là hóa thân tối thắng.
- Bài tập trong tuần: Chúng ta không ngồi thiền mà tập trung đọc chương tánh không trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Chúng ta hãy đọc đi đọc lại nhiều lần chương tánh không này, đọc đọc 1 trang rồi dừng lại, nhắm mắt nghiền ngẫm suy nghĩ xem trang này nói điều gì, khi nào rõ ràng thông suốt ý nghĩa thì mới đọc sang trang kế tiếp. Chúng ta phải có chánh kiến, tức phải hiểu đúng về tánh không trước, sau đó mới thiền đúng được. Nếu hiểu sai thì chắc chắn sẽ thiền sai.
- Trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay có một điểm đặc biệt là chương tánh không có giải thích trải nghiệm của người chứng tánh không. Đối với trải nghiệm của người chứng tánh không thì không có một bộ luận giảng nào đã từng giải thích rõ được như thế. Ngay cả trong các bộ luận giảng của tổ Tsongkhapa cũng không có giải thích rõ được trải nghiệm của người chứng tánh không. Nhưng trong phần tánh không của sách Giải Thoát Trong Lòng Tay, tác giả đã có thể giải thích rõ ràng được trải nghiệm đó.