07-08-2022
Nhập Bồ Tát Hạnh 2019
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH

TUẦN 82 – NGÀY 07/08/2022

PHẨM 6: NHẪN NHỤC

(Thầy Khangser Rinpoche hướng dẫn)

*Điều quan trọng khi thực hành Phật pháp là phải làm sao ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn và tiến bộ hơn trong chuyện thực hành của mình. Có được tiến bộ là cảm nhận được trong tâm có sự thay đổi. Thay đổi ở đây không phải là nói ra được những điều mới hơn mà là có được những trải nghiệm, cảm nhận tốt hơn trong tâm mình.

Bài kệ 115

Tôn kính dành cho tâm từ ái

Là điểm to lớn của chúng sinh

Phước đức từ lòng tin đến Phật

Lại là điểm to lớn của Phật

- “Tôn kính dành cho tâm từ ái/ Là điểm to lớn của chúng sinh” nghĩa là ta cần có lòng tôn kính đối với tất cả Bồ Tát. Tâm từ ái, tâm yêu thương chúng sinh là tâm bồ đề, lúc nào cũng hướng về chúng sinh. Ta phải có lòng tôn kính đối với những người nào có tâm như vậy.

-“Phước đức từ lòng tin đến Phật” nghĩa là nếu có lòng tin đối với Đức Phật thì ta sẽ có được phước đức.

- Hai câu đầu của bài kệ 115 là tôn kính dành cho Bồ Tát, hai câu sau là tôn kính dành cho đức Phật. Phải biết rằng nếu đã trở thành Bồ Tát thì sẽ rất gần với Phật, nên phải thành Bồ tát trước rồi mới thành Phật sau.

- Thông thường ta nghĩ tôn kính cúng dường cho đức Phật, Bồ tát nhưng lại không nghĩ tôn kính cúng dường cho người khác. Vậy khi nghĩ đến cúng dường cho đức Phật và Bồ Tát thì ta cúng dường món nào là tốt nhất? Hãy nghĩ lại món quà tốt nhất mình muốn có là gì? Rất đơn giản, người ta cho mình cái gì mà khiến mình vui thì đó là món quà tốt nhất cho mình. Tương tự như vậy, điều gì khiến đức Phật hoan hỷ, vui nhất thì món đó là món cúng dường tốt nhất lên đức Phật. Làm lợi lạc cho chúng sinh khác chính là điều khiến đức Phật rất hoan hỷ. Do đó, trong bài kệ này, Ngài Tịch Thiên nói rằng món cúng dường tốt nhất dâng lên đức Phật và Bồ Tát là chuyện ta làm lợi lạc cho những chúng sinh khác.

- Có rất nhiều mức độ có thể làm lợi lạc cho chúng sinh. Khi ta không làm tổn hại người khác thì cũng đã là làm lợi lạc cho người khác rồi. Thông thường ta không hãm hại người khác qua hành động nhưng từ trong tâm, trong suy nghĩ của mình, ta đã gây tổn hại cho họ. Do đó, ta nên tránh tất cả mọi việc gây tổn hại từ hành động đến suy nghĩ.

- Ví dụ, ta không thích một ai đó, ta cầu cho người đó gặp chướng ngại hay khó khăn thì đó là suy nghĩ gây tổn hại. Nếu thực hành hạnh Bồ Tát thì ta phải cố gắng từ trong tâm không hề có suy nghĩ gây tổn hại người khác. Người thực hành hành Bồ Tát phải luôn giữ cho tâm được trong sạch, thanh tịch. Khi có bất cứ suy nghĩ tiêu cực nào khởi lên, ta cần phải tìm cách từ bỏ ngay lập tức. Cần nhớ rằng, cốt lõi trong pháp thực hành của Bồ Tát là phải mang lại lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh.

- Đôi lúc môi trường sống ảnh hưởng đến những suy nghĩ trong tâm. Càng ở trong một môi trườn tiêu cực thì những suy nghĩ trong tâm sẽ càng trở nên tiêu cực, vì ở trong môi trường đó, ta sẽ nghe nhiều điều xấu, nghe người khác cãi vã nhau, chẳng hạn. Những điều tiêu cực như vậy khi nghe nhiều sẽ trở thành thói quen trong suy nghĩ, khiến bất cứ điều gì ta suy nghĩ sẽ đi theo thói quen suy nghĩ xấu đó. Do đó, lúc thực hành Phật pháp, ta cần môi trường trong sạch, tích cực, hạn chế những môi trường tiêu cực.

- Khi ta cầu cho người mà mình không thích bị bệnh, hay bị đuổi việc chẳng hạn thì suy nghĩ của ta sẽ không khiến cho người đó bị bệnh, cũng không khiến người đó bị đuổi việc mà chính suy nghĩ đó hại bản thân ta. Chính ta đã tự đầu độc tâm mình, vì tâm ta luôn nghĩ đến chuyện tiêu cực, luôn nghĩ đến chuyện xấu xảy ra cho người khác.

- BÀI TẬP TRONG TUẦN:

+ Bài tập 1: Liên tục quán sát tâm mình. Nếu có bất cứ suy nghĩ tiêu cực và mong muốn trở ngại cho người khác thì ngay khi vừa nhận ra, ta phải viết xuống giấy để xem trong một tuần ta đã suy nghĩ tiêu cực như vậy bao nhiêu lần.

+ Bài tập 2: Thực hành thay đổi suy nghĩ tiêu cực thành suy nghĩ tích cực. Bất cứ lúc nào ta suy nghĩ một điều tiêu cực cho người nào đó thì ngay khi vừa nhận ra, ta hãy cầu nguyện điều tốt ngược lại cho người đó. Ví dụ ta không thích một người nào và cầu cho họ bị bệnh thì ngay khi nhận ra ta đã suy nghĩ tiêu cực như vậy thì ta cầu ngược lại cho người đó được trường thọ, không còn bệnh tật... Trong gia đình, nếu ta có khởi suy nghĩ tiêu cực với người thân của mình thì ta cầu nguyện điều tốt ngược lại và nhiều hơn nữa, ta thể hiện thêm hành động là làm thêm điều gì đó tốt cho người đó.

+ Bài tập 3: Khi nghĩ đến những người mà ta không thích, hãy cầu nguyện cho người đó có thêm nhiều lòng yêu thương, có tâm từ bi hơn. Bởi vì khi nghĩ về người mà ta không thích, lúc nào ta cũng nghĩ xấu về người đó, như nghĩ họ rất ngu ngốc, thô lỗ… cho nên ta hãy cầu nguyện cho họ trở nên tử tế hơn, tốt hơn.

-Thực hành các bài tập này không phải dễ, nhưng đây là cách giúp ta dần dần thanh lọc những suy nghĩ tiêu cực trong tâm và ta sẽ ngày càng có nhiều niềm vui trong tâm hơn.