TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH NGÀY 12/06/2022
- Hôm nay Thầy Khangser Rinpoche tiếp tục hướng dẫn Nhập Bồ Tát Hạnh, về các pháp hành của một vị Bồ Tát. Các pháp hành của một vị Bồ Tát gói gọn trong 6 ba la mật. Mỗi khi thực hành, chúng ta phải thực hành cùng một lúc 6 ba la mật thì pháp hành của mình mới được xem là có hiệu quả tốt nhất.
- Chúng ta có thể áp dụng thực hành 6 ba la mật vào việc thường ngày. Lấy ví dụ, chúng ta có thể thực hành 6 ba la mật kết hợp trong việc ăn uống của mình. 6 ba la mật gồm:
(1) Bố thí ba la mật: Khi ăn, chúng ta có thể nghĩ thức ăn này sẽ mang chất dinh dưỡng đến cho tất cả chúng sinh sống trong cơ thể mình.
(2) Trì giới ba la mật: Trì giới nghĩa là tuân thủ nguyên tắc về những điều được làm và không được làm. Ví dụ, nếu ăn chay, ta nghĩ những gì ta được ăn và những gì không được ăn. Nếu ăn chay, ta nghĩ “tôi sẽ không được ăn thịt”. Còn nếu có ăn thịt, ta nghĩ “tôi sẽ không uống trượu trong lúc ăn”. Nếu bình thường ta có uống rượu thì nghĩ rằng “tôi sẽ không ăn những con vật còn sống, chỉ ăn những con vật đã chết”. Nghĩ như thế là trì giới ba la mật.
(3) Nhẫn nhục ba la mật: Những lúc ăn thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị nhưng ta vẫn kiên nhẫn ăn trọn bữa ăn đó thì đó là thực hành nhẫn nhục ba la mật.
(4) Tinh tấn ba la mật: Tinh tấn có nghĩa là hăng hái nhiệt tình, cố gắng nỗ lực để hoàn thành tốt một việc gì đó.
(5) Thiền định ba la mật: Thiền định có ý nghĩa là tập trung. Bất cứ lúc nào làm công việc gì, ta cũng phải tập trung vào công việc đó. Ví dụ, lúc ăn, ta tập trung vào ăn, lúc nói chuyện thì tập trung vào nói chuyện.
(6) Trí tuệ ba la mật: Thực hành trí tuệ ở đây là thực hành trí tuệ về tánh không. Bất cứ lúc nào làm việc gì, ta cũng phải nghĩ mọi thứ như giấc mộng, ảo ảnh. Trí tuệ ba la mật là pháp hành cao nhất trong tất cả các pháp hành của đạo Phật.
- Trong tất cả mọi hoạt động hằng ngày, chúng ta đều có thể thực hành 6 ba la mật kết hợp. Ví dụ, khi đi làm ở công ty, ta nghĩ rằng công sức của mình sẽ mang đến lợi ích cho những người xung quanh, cho xã hội thì đó là thực hành bố thí ba la mật. Khi đi làm, ta phải suy nghĩ xem điều gì được làm và điều gì không được làm. Đó là thực hành trì giới ba la mật.
- Nếu không thể thực hành 6 ba la mật cùng một lúc thì ít nhất chúng ta phải thực hành ba la mật thứ 6, tức trí tuệ ba la mật. Đức Phật nói rằng trong thực hành 6 ba la mật, thực hành trí tuệ ba la mật là quan trọng nhất. Nghĩa là khi làm bất cứ việc gì, ta hãy nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều như ảo ảnh, như giấc mộng. Chỉ cần thực hành như thế trong 10 giây thôi thì công đức sẽ không thể nghĩ bàn.
- Những lúc chúng ta tụng kinh, như tụng kinh A Di Đà chẳng hạn thì việc tụng kinh đó sẽ là thực hành ba la mật nào? Điều này tùy thuộc vào người tụng kinh, tức họ thực hành 6 ba la mật như thế nào. Trong lúc đọc kinh, ta hướng tâm đến tất cả mọi chúng sinh và nghĩ rằng nếu ta có công đức nào từ việc đọc tụng kinh điển này, ta hồi hướng hết cho tất cả mọi chúng sinh. Lúc đó ta đang thực hành bố thí ba la mật. Khi ta nghĩ rằng phải ngồi đọc kinh một cách nghiêm túc, không được nằm, không được đùa giỡn là ta đang thực hành trì giới ba la mật. Trong lúc đọc kinh mà ta cảm thấy mỏi mệt, buồn chán nhưng vẫn kiên nhẫn đọc kinh thì ta đang thực hành nhẫn nhục ba la mật. Nếu ta tập trung hoàn toàn vào việc tụng kinh, đó là thiền định ba la mật. Trong khi tụng kinh mà ta nghĩ tất cả mọi thứ đều như ảo ảnh, giấc mơ, tất cả mọi vật không có tự tánh, đó là đang thực hành trí tuệ ba la mật.
- Ngày 14/6/2022 theo lịch Tây Tạng là vào ngày rằm tháng 4, cũng là ngày Phật đản, đồng thời là ngày Phật nhập Niết Bàn và Phật giác ngộ. Trong ngày đó, chúng ta hãy thực hành đọc tụng kinh điển và kết hợp việc thực hành 6 ba la mật trong việc đọc tụng kinh điển đó thì hiệu quả sẽ rất lớn, không giống như lúc ta đọc tụng kinh điển bình thường.
- Chúng ta phải nhất quán trong pháp hành của mình từ đầu đến cuối. Một khi đã quyết định thực hành như thế nào thì phải kiên trì và thực hành liên tục, như vậy pháp hành đó mới mang đến hiệu quả. Nếu trong việc thực hành Phật pháp mà thiếu kiên nhẫn, hôm nay thực hành cái này, ngày mai thực hành cái kia thì chuyện đó sẽ không đưa ta đến đâu cả. Thực hành pháp cần có sự kiên nhẫn và tính liên tục.
- Điều chính yếu là chúng ta hãy giữ cho pháp hành của mình thật đơn giản. Như vậy, ta mới dễ tập trung vào pháp hành của mình, từ đó mới có được hiệu quả trong pháp thực hành đó.
- Nhiều người cứ nghĩ rằng phải thực hành nhiều vị Phật, nhiều vị bổn tôn mới tốt. Có tới hàng trăm, hàng ngàn vị Phật, vị Bổn tôn mà ta cứ chạy theo thì bao giờ mới đủ? Thực hành nhiều vị Bổn tôn quá sẽ không hiệu quả cho bất cứ việc nào cả. Bản thân Thầy chỉ thực hành 2 vị bổn tôn chính là Ngài Văn Thù và Ngài Quan Âm. Đối với người bệnh, Thầy cầu nguyện Ngài Quan Âm gia trì để họ mau hết bệnh. Đối với người vừa qua đời, Thầy cầu nguyện cho họ được vãng sanh cõi tịnh độ của Ngài Quan Âm. Đối với những người còn nhiều vô minh, Thầy cầu nguyện với Ngài Văn Thù gia trì cho họ có thêm nhiều trí tuệ để trở nên sáng suốt, thấy rõ hoàn cảnh của mình để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Thầy cũng thực hành Yamantaka - Đại Uy Đức Kim Cang vì đó là pháp thực hành của Sư phụ Thầy nên Thầy vẫn tiếp tục thực hành.