29-05-2022
Nhập Bồ Tát Hạnh 2019
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH – NGÀY 29/05/2022

Thầy Khangser Rinpoche tiếp tục hướng dẫn Nhập Bồ Tát Hạnh, Phẩm thứ 6: Nhẫn nhục

- Bài kệ 104: Một khi không có, thì chẳng được/ Một khi có rồi, sẽ được thôi/ Đấy chính là nhân cho việc ấy/ Tại sao lại gọi đấy “trở ngại”?

+ Bài kệ này nói rằng muốn thực hành nhẫn nhục thì phải có điều kiện thực hành nhẫn nhục, tức phải có người gây hại cho ta, như vậy ta mới có thể nương vào đó thực hành nhẫn nhục. Nếu không có kẻ gây hại, ta sẽ chẳng có điều kiện để thực hành nhẫn nhục được.

+ Kẻ thù, kẻ gây hại cho ta chính là nhân để ta thực hành nhẫn nhục, giúp ta tăng trưởng công đức, phẩm hạnh, cho nên việc gọi kẻ thù là trở ngại của ta là điều không hợp lý.

- Bài kệ 105: Khi kẻ ăn xin nhận bố thí/ Chẳng hề trở ngại việc bố thí/ Người truyền trao cho giới xuất gia/ Gọi “trở ngại xuất gia” chẳng hợp.

+ “Khi kẻ ăn xin nhận bố thí/Chẳng hề trở ngại việc bố thí”: Nhờ có người ăn xin nên ta mới thực hành được bố thí. Như vậy, người ăn xin là nhân để ta thực hành bố thí nên không thể gọi người ăn xin là trở ngại cho việc bố thí của mình được.

+ “Người truyền trao cho giới xuất gia/ Gọi “trở ngại xuất gia” chẳng hợp”: Vị thầy truyền cho mình giới xuất gia là nhân để ta có được giới xuất gia nên không thể là trở ngại cho việc xuất gia của mình.

+ Bài kệ 105 đưa 2 ví dụ minh họa cho bài kệ ở phía trên. Tương tự như 2 ví dụ về người ăn xin và người truyền giới xuất gia thì kẻ thù, kẻ gây hại cho ta cũng chính là nhân để ta thực hành nhẫn nhục nên kẻ thù đó không thể nào là trở ngại của mình được.

- Bài kệ 106: Trên thế gian nhiều kẻ ăn xin/ Nhưng người hãm hại thật rất hiếm/ Là vì nếu chẳng hề gây hại/ Thật sẽ chẳng bị hại bao giờ

+ Trên thế gian có nhiều người ăn xin nhưng những người gây hãm hại ta thì rất ít. Chính vì có rất nhiều kẻ ăn xin nên ta dễ dàng có nhiều cơ hội để thực hành bố thí. Trong khi đó, để thực hành nhẫn nhục thì cần phải đối tượng để thực hành nhẫn nhục, tức phải có người gây hại cho ta. Vì có rất ít người hãm hại mình nên ta sẽ có rất ít điều kiện thực hành nhẫn nhục. Cho nên chuyện thực hành bố thí rất dễ nhưng việc thực hành nhẫn nhục thì lại càng khó hơn. Do đó, nếu có người gây hại cho ta thì người ấy cho ta một cơ hội để thực hành nhẫn nhục.

+ Nhìn ở khía cạnh nhân quả, nếu người này không hại người kia thì sau này sẽ không bị hại lại. Cho nên chuyện gây hại sẽ là 2 chiều: gây hại trực tiếp và gây hại gián tiếp. Gây hại gián tiếp nghĩa là thỉnh thoảng ta không có ý định làm tổn thương người khác nhưng những điều mình làm lại gián tiếp gây tổn thương cho người xung quanh.

+ “Là vì nếu chẳng hề gây hại/ Thật sẽ chẳng bị hại bao giờ”: Một vị Bồ Tát không hề gây hại đến bất cứ ai nên vị Bồ Tát ấy sẽ chẳng bao giờ bị người khác hãm hại. Bài kệ này nói rằng chúng ta không được gây hại trực tiếp đến người khác, đó là pháp hành của một vị Bồ Tát. Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi lúc có những việc gây hại gián tiếp mà ta không kiểm soát được. Nhưng một khi biết việc làm của mình có gây hại gián tiếp đến người khác mà ta vẫn không quan tâm, cứ tiếp tục làm thì nó trở thành gây hại trực tiếp. Do đó, ta phải tìm cách để ngưng việc gây hại đó tiếp diễn.

+ Bài tập thực hành trong tuần:

Bài tập 1: Hãy nghĩ đến những người từng gây hại, gây khó khăn cho mình từ trước đến giờ và thầm cảm ơn họ vì họ đã cho ta cơ hội để thực hành nhẫn nhục. Thường chúng ta cảm thấy rất khó để tha thứ cho những người đã gây hại cho mình, nhưng ta phải học cách tha thứ. Vì tha thứ là một phần của hạnh Bồ Tát.

Bài tập 2: Hãy nghĩ đến những người mà ta đã từng tổn thương, gây hại cho họ dù gián tiếp hay trực tiếp. Chúng ta hãy nhớ đến họ và thầm xin lỗi, mong họ tha thứ cho mình.

- Bài kệ 107: Vậy thì như chẳng nhọc công gì/ Mà có của quý báu trong nhà/ Ta nên mừng với kẻ đối địch/ Vì giúp đỡ hành hạnh bồ-đề

+ “Ta nên mừng với kẻ đối địch/ Vì giúp đỡ hành hạnh bồ-đề”: Nghĩa là ta nên vui với những kẻ gây khó khăn, trở ngại cho mình. Vui ở đây là nghĩ biết ơn họ vì họ là nhân cho ta thực hành nhẫn nhục, đó là hạnh Bồ Tát để đưa ta đạt đến giác ngộ.

+ Chúng ta phải tập thực hành vui với những người mà mình không thích, vì những người đó là điều kiện để ta thực hành nhẫn nhục.

+ Bất cứ lúc nào ta nghĩ đến những người mình ghét thì đều làm ta không vui, buồn bực, tức giận, căng thẳng… nghĩa là chúng ta đang để cho những người đó phá hủy an lạc trong tâm. Bài kệ khuyên ta nên mừng với kẻ đối địch. Nếu ta có thể vui được với kẻ đối địch thì tâm của ta rất vững mạnh. Khi tâm mình yếu, mọi việc diễn ra đều có thể sẽ trở thành khó khăn đối với mình. Khi tâm vững mạnh, thì mọi việc xảy ra đều sẽ trở thành cơ hội cho mình cả. Cơ hội hay khó khăn phù thuộc vào sức mạnh tinh thần của chúng ta.

+ Bài tập trong tuần: Hãy viết xuống giấy 2-3 cái tên của những người mà xưa giờ chúng ta không thích. Hãy nhớ đến những người như thế và nghĩ họ đã cho ta điều kiện thực hành nhẫn nhục và thầm cảm ơn họ. Qua một thời gian thực hành, dần dần mức độ kiên nhẫn của ta sẽ tăng lên. Nếu không rèn khả năng chịu đựng, nhẫn nhục, chúng ta sẽ rất dễ nóng giận trước những khó khăn dù rất khỏ trong cuộc sống. Bởi lẽ, mọi chuyện sẽ không thể lúc nào cũng diễn ra như ý mình muốn, nên ta cần phải học kiên nhẫn với người khác và cũng phải học kiên nhẫn với hoàn cảnh khó khăn.

+ Trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta cần phải học kiên nhẫn để vượt qua. Tuy nhiên, chúng ta đừng kiên nhẫn với những món ăn có hại cho sức khỏe vì sẽ khiến cho mình bị bệnh. Đó không phải là loại kiên nhẫn cần phải thực hành.

+ Nếu chúng ta học Phật pháp mà không áp dụng đưa vào thực hành thì những gì mình học sẽ trở nên lãng phí. Còn nếu ta cứ mải mê thực hành mà không chịu học cho đúng thì đó là cách thực hành rất nguy hiểm. Cả hai cách đó đều nên tránh.