TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH NGÀY 17/04/2022
Khangser Rinpoche tiếp tục hướng dẫn Nhập Bồ Tát Hạnh, Phẩm thứ 6: Nhẫn nhục
*BÀI KỆ 100: Ta đây tìm cầu đến giải thoát/ Chẳng cần trói buộc của và danh/ Ai giải phóng điều trói buộc ta/ Với người ấy, ta giận thế nào?
- Đối với những người đang có tâm mong cầu giải thoát khỏi luân hồi, không còn ước muốn của cải và danh tiếng, nếu ai có thể giúp giải phóng họ thoát khỏi của cải và danh tiếng để được giải thoát thì làm sao giận được người ấy.
*BÀI KỆ 101: Ta đây muốn vào nơi đau khổ/ Nhưng như thể Đức Phật gia trì/ Chính là mở cánh cổng không rơi/ Với người ấy, ta giận thế nào?
- Không ai mong muốn đau khổ, ai cũng mong muốn được hạnh phúc nhưng tất cả mọi người đều gây tạo nhân đau khổ để rồi phải chịu đau khổ.
- Do những ác nghiệp bây giờ ta tạo thì tương lai ta sẽ chịu khổ dưới cõi ác. Bây giờ ta bị đau khổ mà lại không tức giận, lại biết thiền nhẫn nhục trong những hoàn cảnh khó khăn. Chính sự nhẫn nhục đó sẽ đóng cánh cổng khiến ta rơi xuống cõi ác. Cho nên chuyện ta đang bị đau khổ lúc này giống như sự gia trì của đức Phật khiến ta có cơ hội thiền nhẫn nhục để đóng cánh cổng rơi xuống cõi ác.
- Nếu có một người gây ra đau khổ cho ta, thông thường ta sẽ tức giận lại với người đó. Nếu vì kích động bởi cơn tức giận mà ta gây tạo ác nghiệp thì tương lai ta phải chịu đau khổ dưới cõi ác. Cho nên khi có người nào đó gây đau khổ cho ta và trong lúc đau khổ như thế, ta tận dụng để thiền về lòng từ bi và thiền nhẫn nhục đối với người đó. Nghĩa là người đó đã cho ta thêm cơ hội để thiền về nhẫn nhục, giúp ta có thêm phước đức, nhờ đó ta sẽ không bị rơi xuống cõi ác. Do đó, ta không nên tức giận với người gây khó khăn cho mình.
*BÀI KỆ 102: Nói rằng: “Đây, trở ngại phước lành”/ Thế nên giận cũng không hợp lý/ Chẳng khổ hạnh nào được như nhẫn/ Mà sao ta lại chẳng nương vào?
- Không có bất cứ pháp thực hành khổ hạnh nào mà có được nhiều phước lành và cho kết quả tốt đẹp như nhẫn nhục. Mà cho đến bây giờ tại sao ta không thực hành nhẫn nhục, không chịu nương vào nhẫn nhục. Cho nên hãy học thuộc lòng 2 câu để nhắc mình phải thực hành nhẫn nhục:“Chẳng khổ hạnh nào được như nhẫn/ Mà sao ta lại chẳng nương vào?”
- Có 3 loại nhẫn nhục:
+ Nhẫn nhục thứ nhất là nhẫn nhục với người gây hại cho mình. Đối với người gây khó khăn cho ta, ta phải thiền nhẫn nhục với người đó, không có nóng giận với họ.
+ Nhẫn nhục thứ 2 là chấp nhận hoàn cảnh khó khăn. Đôi lúc có những nghịch cảnh hoặc thử thách đối với mình như đói bụng hoặc khát nước, mà không tìm thấy thức ăn, thức uống thì lúc đó ta phải biết chấp nhận hoàn cảnh khó khăn, không có nổi nóng vô cớ.
+ Nhẫn nhục thứ 3 là pháp nhẫn, tức là kiên nhẫn đối với nghe pháp, học pháp và thực hành pháp. Đôi lúc ta thực hành pháp sẽ không có kết quả tốt như ý muốn ngay lập tức nên phải biết nhẫn nhục qua thời gian để dần dần có được kết quả tốt.
- Trong 3 loại nhẫn nhục nói trên, ta thực hành từng loại nhẫn nhục thế nào? Ví dụ, để thiền về loại nhẫn nhục thứ nhất là nhẫn nhục với người gây khó khăn cho mình, cần thiền theo 3 bước:
+ Bước 1, ta nhớ đến ngày trước có người từng gây khó khăn cho mình, như người từng cầm cây gậy đánh ta đau như thế nào.
+ Bước 2, nghĩ rằng người đó đánh ta và ta đã chịu khổ trong lúc đó, nhờ đó giúp ta tịnh hóa được nhiều ác nghiệp. Vì thế, ta nghĩ đến chuyện cảm ơn người đó đã cho ta cơ hội tiêu tan nhiều ác nghiệp để bây giờ ta không phải chịu khổ nữa.
+ Bước 3, nghĩ rằng người đó đã giúp ta có cơ hội tiêu tan ác nghiệp, vậy cớ sao hồi xưa ta lại tức giận họ. Vì thế, hãy nghĩ đến chuyện xin lỗi người đó.
-“Nói rằng: “Đây, trở ngại phước lành”: Nếu có người nào gây khó khăn cho ta và ta tức giận. Khi tức giận, ta hãy nghĩ rằng cơn nóng giận sẽ phá tan mọi công đức mình tạo ra, cho nên chuyện tức giận như thế sẽ khiến gây trở ngại phước lành của chính bản thân mình.
-“Thế nên giận cũng không hợp lý”: Vì người kia gây hại cho ta, rồi ta tức giận thì cơn giận sẽ phá hủy phước lành của bản thân nên việc ta giận người gây hại cho mình là điều không hợp lý. - - Bài tập thiền: Khi có người gây hại cho ta thì ta phải thực hành 2 điều. Thứ nhất, nghĩ rằng nếu bây giờ ta nóng giận người đó thì cơn nóng giận sẽ khiến cho những phước lành xưa giờ mình tạo được sẽ tiêu tan. Thứ hai, người gây hại đó đã cho ta cơ hội để tiêu tan nhiều ác nghiệp của bản thân để bây giờ ta không bị đau khổ nữa. Cho nên ta cần cảm ơn đối với người đó hoặc gửi lời xin lỗi đối với những lỗi lầm mình đã gây ra cho người đó. 2 cách suy nghĩ này nằm trong một phương pháp thiền đối với người gây hại cho mình.
- 2 câu đầu “Nói rằng: “Đây, trở ngại phước lành/ Thế nên giận cũng không hợp lý” là một lý do để ta không giận. 2 câu sau “Chẳng khổ hạnh nào được như nhẫn/ Mà sao ta lại chẳng nương vào?” là phẩm chất tốt đẹp của pháp thực hành nhẫn nhục, nhắc ta nhớ là cần phải thực hành nhẫn nhục.
- Loại nhẫn nhục thứ nhất sẽ dễ thực hành hơn vì tần suất xảy ra ít hơn, bởi không phải ngày nào cũng có người gây hại cho mình. Nhưng loại nhẫn nhục thứ 2 sẽ khó thực hành hơn vì mỗi ngày bất cứ lúc nào ta đều có khả năng gặp phải hoàn cảnh khó khăn và tần suất xảy ra nhiều hơn. Loại nhẫn nhục thứ 3 là nhẫn nhục với việc thực hành pháp thì lại khó khăn hơn 2 loại nhẫn nhục kia. Bởi lẽ, việc thực hành pháp đôi lúc phải chờ từ đời này sang đời khác thì mới có đủ cơ hội, đủ nhân duyên chín muồi mới ra được kết quả tốt đẹp. Cho nên ta cần phải kiên nhẫn với pháp.
*BÀI KỆ 103: Nếu như ta vì lỗi bản thân/ Không nhẫn nại được với việc này/ Thật chính ta đang gây cản trở/ Cho việc nương vào nhân phước lành
- Nhập Bồ Tát Hạnh khuyên chúng ta phải thực hành mãnh liệt các pháp nhẫn nhục. Bởi vì pháp thực hành nhẫn nhục là một trong những pháp thực hành đặc trưng của một vị Bồ Tát. Nhẫn nhục ba la mật là ba la mật thứ 3 trong 6 pháp thực hành ba la mật của một vị Bồ Tát.