Nhập Bồ Tát Hạnh 76
Tóm tắt theo lời giảng của Khangser Rinpoche
Ngày 27 tháng 03 năm 2022
Phẩm 6: Nhẫn nhục
Bài kệ 95
Thì khen người cũng như khen ta
Người khác vui, ta được lợi gì?
Niềm vui ấy là của người ấy
Ta chẳng thể biết được điều này.
Ở đây nói rằng ta hay thích người khác khen mình, nhưng bây giờ xem thực tế chuyện người khác có thích mình hay không thì ta được lợi gì từ chuyện đó. Trên thực tế, người khác thích mình hay không thì ta có được lợi gì nhiều đâu. Thông thường người đời vẫn thích người khác khen và không thích bị chê. Vậy vì sao ta thích người khác khen mình? Chuyện người khác khen mình là do người khác thích mình, mà người khác thích mình thì mình được lợi gì từ chuyện đó? Rõ ràng, ta đâu có được lợi gì từ chuyện đó. Ta thích được khen chỉ là do tâm bám chấp của mình mà thôi.
Bài kệ 96
Nếu người ấy vui thì ta vui
Nên làm thế trong mọi trường hợp
Vậy sao vui cho người khác nữa
Cũng khiến vui, ta lại không vui?
Có nghĩa là nếu chúng ta thích người khác khen mình, chúng ta lấy lý do là tại vì người khác được lợi nên mình vui. Cho nên những lúc người khác vui thì ta nên vui theo họ, tại sao lại ganh ghét họ? Trên thực tế, nếu người khác có được vui, ta lại ganh tị, đâu có thích chuyện người khác có được lợi lạc đâu, ta lại tức giận. Lấy ví dụ, nếu ta ghét ai thì người đó được lợi lạc hay được vui sướng gì thì ta lại không thích.
Đoạn trước kết hợp với đoạn sau như thế này: Chúng ta thích được khen. Vậy hỏi tại sao ta thích được khen? Vì người ta thích mình, người ta được lợi. Nếu người ta được lợi thì mình vui, như vậy người ta được bất cứ lợi gì thì mình cũng phải vui chứ. Đằng này tại sao đối với một người mình không thích, tại sao người ta được lợi, mình lại tức giận, không ưa, cho nên đó là điều vô lý.
Tổng kết lại, bài kệ 95 và 96 nói rằng chuyện chúng ta vẫn hay thích người khác khen mình. Ta viện lý do là là vì người khác thích mình, người khác có lợi nên mình cảm thấy vui, đó chỉ là viện cớ cho tâm bám chấp vào tiếng thơm của mình mà thôi. Nếu chúng ta nói rằng vì người khác được lợi nên mình vui thì bây giờ người đó có lợi bằng cách nào đi chăng nữa thì ta cũng phải vui theo họ. Giả sử trong một trường hợp chúng ta đâm ra ghét người đó, khi người đó được lợi, ta lại không thích chuyện người khác được lợi, đây là điều vô lý, mâu thuẫn trong tâm của mình. Đó là do tâm bám chấp vào tiếng thơm của mình mà ra. Đó là ý nghĩa của 2 bài kệ 95 và 96.
Bài kệ 97
Thế nên cho rằng: “Ta được khen”
Thì khiến bản thân được vui vẻ,
Tuy nhiên như thế chẳng hợp lý
Chỉ là hành vi của trẻ con.
Khi được khen, ta cảm thấy vui. Lúc đó ta viện cớ là tại vì người khác thích mình nên người khác được lợi, nên mình vui. Đó chỉ là ngụy biện thôi. Trên thực tế, do bản thân mình thích tiếng thơm, thích được khen, cho nên mình vui thôi. Hành vi đó giống như trẻ con, trẻ con thích được khen, không thích bị chê. Chúng ta cũng y hệt như vậy
Cho nên tâm bám chấp của mỗi người là khi người khác khen mình thì mình vui, còn người khác chê mình, thì mình buồn, mình giận. Kiểu suy nghĩ đó cũng giống như một đứa trẻ con. Nếu nghĩ như thế thì chúng ta cũng như trẻ con.
Bài kệ này đang nói đến cách nhìn và cách thực hành của một vị Bồ Tát như thế nào. Điểm khó nhất để thực hành của một vị Bồ Tát là làm sao để không xem bản thân mình là quan trọng. Đây cũng là điểm khó nhất và rất khó thực hành của một vị bồ tát, khó nhất trong tất cả các pháp hành.
Cách thực hành khó nhất của một vị bồ tát là làm sao phá bỏ được tâm chấp ngã của bản thân, tức làm sao đừng có xem trọng bản thân mình nữa. Nếu người khác khen mình, rồi mình vui. Lý do chính để ta vui trong trường hơp đó là do tâm chấp ngã thích người khác khen mình. Nếu ta có hành vi như thế thì cũng giống như một đứa trẻ con.
Trong tình huống như thế, chúng ta phải làm như thế nào? Bình thường nếu có người khác khen mình, đối với một vị Bồ Tát, nếu có người khác khen vị Bồ Tát đó thì vị Bồ Tát đó cảm thấy vui. Vậy việc vui khi người khác khen có lỗi hay không? Nếu chúng ta thực hành theo hạnh của một vị Bồ Tát, khi người khác khen mình thì điều đó có lỗi không? Nếu có lỗi, thì có cần phá bỏ điều đó không. Tức là có cần không vui khi người khác khen mình không?
Bây giờ nói về pháp hành của một vị Bồ Tát thì cần thực hành theo trình tự từ thấp lên cao. Ở những bước đầu tiên khi mới bắt đầu thực hành hạnh Bồ Tát, nếu ta làm việc tốt mà người khác khen mình thì đương nhiên ta cảm thấy vui. Lúc đó ta rất khó cảm thấy không vui khi người khác khen mình. Cho nên ở bước sơ cơ, nghĩa là những bước đầu khi ta bắt đầu thực hành hạnh Bồ Tát, nếu ta có thực hành đúng hạnh Bồ Tát và làm việc tốt được người khác khen mình thì lúc đó dĩ nhiên ta cũng sẽ vui vì mình được khen. Lúc đó cố gắng để không vui khi người khác khen mình là việc rất khó khăn. Nhưng từ mức đầu tiên thực hành hạnh Bồ Tát tiến dần lên mức 2, mức 3, tâm thế của mình chắc chắn thay đổi thì mới lên bậc được. Vậy thay đổi như thế nào và làm sao để thay đổi?
Cho nên bây giờ đang nói vị Bồ Tát ở trong những bước thực hành rất sơ cơ, nghĩa là mới bắt đầu thực hành hạnh Bồ Tát. Khi người khác khen mình thì đương nhiên ta sẽ vui, ta không cản được niềm vui đó, nhưng ít nhất là ta sẽ không bám chấp vào tiếng thơm, vào cái danh khi người khác khen mình.
Cảm giác vui của mình đến từ 2 nguyên nhân. Có 2 loại vui chúng ta có được. Một loại vui là do tâm chấp ngã của mình, ta được sướng, được thích cho bản thân mình, đó là loại vui vì bản thân. Còn có những loại vui không vì bản thân mình mà mình vui. Chuyện Bồ Tát ở những bước thực hành sơ cơ khi người khác khen mình vì mình làm việc tốt thì đó là loại vui không vì bản thân mình. Ta cần phân biệt 2 loại vui như thế. Ta phải phân biệt cảm giác vui và hoan hỷ của Bồ Tát khi thực hành Bồ Tát hạnh như thế nào và cần hiểu rõ cách không bám chấp vào lời khen như thế.
Niềm vui vì bản thân mình rồi mình được vui thì cái đó ai cũng có hết. Ví dụ, có một người khen mình tốt thì mình vui, chuyện này ai cũng trải nghiệm. Đối với một vị Bồ Tát, khi làm được việc tốt và được người khác khen vị đó thì vị đó vui, nhưng vị Bồ Tát không bám chấp vào lời khen đó. Nhưng thực hành như thế nào, theo trình tự nào để tâm không bám chấp vào lời khen như thế? Ta cần phải hiểu rằng ta cần thực hành tâm không bám chấp vào lời khen đó, ta nghĩ rằng mình vui vì chuyện mình làm mang lại lợi lạc cho người khác, chứ mình không phải vui vì người khác khen mình.
Nếu ta nghĩ chuyện mình làm có lợi cho người khác rồi mình vui, thì khi người khác chê mình, mình cũng không bị buồn. Nếu ta nghĩ rằng mình vui vì người khác khen mình thì khi người khác chê mình thì lập tức ta sẽ bị buồn ngay nên ta cần phải phân biệt được chỗ đó.
Tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh hướng dẫn chúng ta cách thực hành thay đổi tâm như thế nào, đó là phương pháp thực hành của một vị Bồ Tát.
Bây giờ mỗi người hãy nhắm mắt lại và nghĩ về 2 trường hợp như thế này. Trong quá khứ, những lúc bị người khác mắng chửi thậm tệ, nói xấu mình thì lúc đó ta cảm thấy thế nào? Trường hợp thứ 2 là trong quá khứ có những lúc ta nóng giận, la mắng người trong gia đình hoặc ta nói xấu bạn bè, người thân…, lúc đó ta cảm thấy thế nào? Ta hãy nhớ lại cảm giác của mình trong 2 trường hợp như thế.
Đối với một người thường, khi người khác chê mình, mắng mình thì đương nhiên người đó sẽ nổi giận. Còn với một vị Bồ Tát, khi có người khác mắng họ, lúc đó vị Bồ Tát nghĩ rằng “trong hoàn cảnh người khác mắng tôi thì lời la mắng đó sẽ phá tan tâm chấp ngã của tôi, khiến tôi không còn coi trọng bản thân mình nữa”. Cho nên chúng ta phải thấy đó là cơ hội để đánh tan tâm chấp ngã của mình nên ta phải vui vì người khác mắng mình, chứ không phải buồn vì người khác mắng mình. Đó là cách thực hành của vị Bồ Tát.
Cách thực hành và thiền như thế, quý vị có hiểu không? Hiểu nhưng mà thực hành sẽ khó chứ không dễ. Ở Tây Tạng có câu nói như thế này: thuốc hay, thuốc tốt chữa được bệnh thì không có ngon. Vì bệnh phải uống thuốc, nhưng thuốc tốt, thuốc hay để chữa dứt bệnh thì không bao giờ có vị ngon. Cho nên ta phải hiểu được rằng tất cả mọi phương pháp giúp ta đánh tan phiền não thì không bao giờ dễ thực hiện và cũng không có vui vẻ để thực hiện chút nào.
Từ xưa đến giờ nếu chúng ta đã từng bị người khác la mắng, nói xấu như thế nào thì những lúc đó ta vẫn thường hay tức giận và ghét người đó như thế nào. Bây giờ thực hành hạnh Bồ Tát, chúng ta hãy thay đổi suy nghĩ. Nếu có người nào đó mắng và nói xấu mình thì chúng ta hãy nghĩ rằng những lời mắng và hành động của người đó làm mình giảm bớt tâm chấp ngã, trực tiếp đánh vào trong cái tôi, phá vỡ tâm bám chấp vào cái tôi của mình, khiến mình không bám chấp vào cái tôi nhiều nữa. Đó là một cơ hội tốt giúp ta thực hành hạnh Bồ Tát và không có sinh tâm sân giận đối với người mắng mình. Chúng ta phải thực hành như vậy.
Ở trường hợp thứ 2, vì tức giận, chúng ta mắng chửi người khác, bây giờ chúng ta nhớ lại những hoàn cảnh như thế và nghĩ rằng trong hoàn cảnh như vây, người có lỗi chính là bản thân mình nên chúng ta hãy thực hành những phương pháp sám hối để tịnh hóa tất cả mọi tội lỗi đã gây ra. Cho nên có 2 điểm thực hành như thế. Quý vị có rõ về 2 điểm đó hay không?
Cái khó nhất của một vị Bồ Tát để thực hành là làm sao giảm bớt tâm chấp ngã, chỉ có qua thực hành thiền định thì mới giảm bớt tâm chấp ngã, nếu không làm gì thì sẽ không có giảm được tâm chấp ngã, ai cũng có tâm chấp ngã cả. 2 phần thiền mà tôi vừa hướng dẫn là bài tập về nhà của chúng ta trong tuần này. Trong tuần này quý vị hãy thực hành như vậy.
Khi nói về một vị Bồ Tát ở những bước sơ cơ thực hành, nếu có người khác khen việc tốt của mình thì ta không bám chấp vào lời khen đó. Đó là phần thực hành thứ nhất. Phần thực hành thứ 2 là tâm ta cảm thấy vui khi được người khác khen, tâm đó đến rất tự nhiên thì ai cũng có. Nên khi ta cảm thấy vui vì được người khác khen mình, ta cũng nghĩ rằng mình mong tất cả chúng sinh cũng được niềm vui giống như vậy. Chúng ta hãy phát tâm như thế những lúc mình vui khi được khen.
Trong trường hợp chúng ta đã thực hành hạnh Bồ Tát ở trong những bước rất sơ cơ, nhưng có người khác chê và la mắng mình, lúc đó mình sẽ bị buồn ngay lập tức. Chuyện đó là chuyện rất tự nhiên của mỗi người. Nhưng trong lúc chúng ta buồn như thế, hãy nghĩ là “vì tôi buồn, tôi đau khổ trong lúc này, tôi mong là nhờ tôi bị đau khổ, tôi sẽ chịu tất cả đau khổ giùm cho tất cả các chúng sinh khác”. Chúng ta hãy nghĩ như thế nếu có người khác chê mình.
Bài kệ 98
Ta bị phân tán bởi lời khen…
Từ đó mệt mỏi, bị hủy hoại
Ghen tức với những người đức hạnh
Và hủy hoại những điều tốt đẹp.
Khi người khác khen mình, ta cảm thấy thích quá, vui quá thì lúc đó ta bị mất đi định lực của mình, lúc đó ta đã bị phân tán. Chuyện ưa thích người khác khen mình sẽ khiến tâm mình bị phân tán, vậy bây giờ ta bị phân tán khỏi cái gì?
“Từ đó mệt mỏi, bị hủy hoại”: Bồ Tát mong muốn được giải thoát. Cái tâm chính yếu để giúp ta giải thoát là tâm buông xả, mong muốn thoát khỏi luân hồi, mà lời khen chính là cái bám chấp kéo ta ngược trở lại luân hồi. Khi ta thích được khen thì ta bị phân tán, làm tâm buông xả của mình bị suy yếu. Khi tâm buông xả bị suy yếu thì không còn mong muốn thoát khỏi luân hồi.
Tâm buông xả, tâm nhàm chán luân hồi có 2 mức độ. Khi ta thực hành hạnh Bồ Tát, thì cần có tâm nhàm chán luân hồi. Ở đây đang nói đến tâm nhàm nhán, tâm buông xả. Vậy nhàm chán cái gì, muốn buông xả khỏi cái gì? “Mệt mỏi” là tâm nhàm chán với luân hôi, “bị hủy hoại” nghĩa là tâm buông xả bị hủy hoại. Khi ta vui vì được người khác khen thì tâm buông xả của mình bị hủy hoại.
2 câu này nói rằng những lời khen của người khác sẽ hủy hoại tâm buông xả của mình. Vậy tại sao ta cần tâm buông xả và ta buông xả khỏi những điều gì? Nếu nói tâm buông xả là buông xả khỏi luân hồi, vậy nếu ta có tâm buông xả rồi thì ta có thoát khỏi luân hồi ngay lập tức được hay là không? Ta phải hiểu như thế nào là tâm buông xả luân hồi, tức là phải có tâm nhàm nhàn luân hồi, nói rõ hơn là phải có tâm muốn buông bỏ tất cả mọi bám chấp đối với luân hồi. Vậy như thế nào là bám chấp vào luân hồi?
Bám chấp vào luân hồi có nghĩa là hiện giờ giả sử ta đang có điều kiện rất thuận lợi tốt đẹp ở đời sống của mình, rồi nghĩ rằng đời sau mình vẫn sẽ có được điều kiện như thế hoặc muốn có điều kiện tốt hơn nữa. Tâm như thế là tâm bám chấp vào luân hồi. Nếu ta nghĩ là bây giờ mình tốt nhưng chưa chắc tương lai mình được tốt, có thể tương lai mình sẽ sinh vào chỗ ác, từ đó ta sợ, không muốn đi tái sinh nữa. Đó là tâm nhàm chán với luân hồi. Ta cần phải nghĩ đến những khả năng tiềm tàng ở đời sau khiến mình chịu khổ. Ta phải nghĩ đến những khả năng đó, từ đó phát tâm là ta sẽ không muốn chịu những nỗi khổ như thế ở đời sau, cho nên muốn từ bỏ luân hồi. Đầu tiên là ta sợ những khổ ở luân hồi, sau đó phát sinh tâm nhàm chán luân hồi, sau đó mới phát sinh tâm muốn từ bỏ luân hồi, dần dần mình sẽ phát sinh được tâm buông xả luân hồi. Đó là một thứ tự rất quan trọng. Phần thứ tự thực hành tâm buông xả như thế là rất quan trọng. Về phần tâm buông xả luân hồi, chúng ta phải thực hành như thế.
Tôi đang giải thích tâm buông xả, tâm nhàm chán luân hồi là loại tâm như thế nào và ở 2 câu đầu của bài kệ 98 ý nói lời khen danh lợi khiến tâm nhàm chán luân hồi bị suy yếu, từ đó mình không muốn thoát khỏi luân hồi.
“Ghen tức với những người đức hạnh/ Và hủy hoại những điều tốt đẹp”: Những lời khen đó khiến tâm buông xả của mình bị hủy hoại, sau đó nữa là ghen tức với những người đức hạnh làm hủy hoại những điều tốt đẹp. Vì tranh giành những lời khen tiếng tốt đó, ta lại ganh tức với những người thực sự tốt, những người có đức hạnh. Cho nên những chuyện ta ưa thích lời khen tiếng tốt sẽ khiến ta ganh tị với những người tốt hơn mình. Không chỉ ganh tị với người tốt hơn mình mà tâm ganh tị đó còn phá hủy những công đức mình có được trước đây. “Những điều tốt đẹp” là những công đức mà ta xưa giờ cố gắng tạo được.
Phần này đang hướng dẫn cách thực hành của vị Bồ Tát, chính là phần thiền mà tôi vừa hướng dẫn cho lớp mình. Chúng ta nên thực hành những phần thiền như vậy. Bây giờ để bắt đầu tập làm quen cách thiền như thế, tôi dành cho quý vị vài phút để ngồi thiền. Bây giờ quý vị hãy ngồi thiền theo như tôi hướng dẫn khi nãy. Quý vị có rõ phần thiền khi nãy tôi hướng dẫn không?
Phần thiền hôm nay sẽ khác với những phần thiền trong các bữa trước. Phần thiền hôm nay là chúng ta sẽ đặt bản thân mình trong hoàn cảnh bị người khác chê, mắng, hoặc chúng ta nhớ lại những hoàn cảnh trước đó và nghĩ rằng những lời chê, lời mắng không tổn hại bản thân mình mà sẽ trực tiếp phá tan chấp ngã, phá tan cái tôi của mình. Vì phá tan được tâm chấp ngã, cái tôi của mình nên ta phải sinh tâm hoan hỷ khi được người khác chê như vậy.
Tôi sẽ dành 5 phút để lớp mình thiền. Khi thiền xong, chúng ta hãy xem lúc bị người khác chê, mắng thì chúng ta vui được bao nhiêu? Tôi có một vài điểm quan trọng như thế này. Nãy giờ ngồi thiền, chúng ta nghĩ đến chuyện bị người khác mắng và chê mình và chúng ta cố gắng vui thì có được vui không? Nếu nãy giờ chúng ta không có cảm thấy vui được thì điều đó có nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là chúng ta đang rất ích kỷ. Nói một cách đơn giản là vì chúng ta ích kỷ nên không thể nào vui khi người khác chê mình.
Để thực hành như một vị Bồ Tát thì đầu tiên chúng ta phải hết ích kỷ đã. Nếu nãy giờ chúng ta thiền mà vẫn cảm thấy bình thường, không vui cũng không buồn thì điều đó có nghĩa là trên thực tế chúng ta đang không vui. Chúng ta so sánh pháp hành thực tế của vị Bồ Tát đối với những gì mình đọc trong sách thì rất khác. Trong sách đọc rất đơn giản, nhưng để ngồi xuống thực hành thì rất khó, không dễ. Bây giờ tôi nói một điều thế này. Nếu ai nói với mình là thôi ráng nghe mắng nghe chửi xíu đi rồi sẽ được trúng số, chắc chắn mình sẽ ráng nghe mắng nghe chửi vì một hồi nữa mình sẽ trúng số. Khi người khác chửi, chúng ta chỉ vui được trong lúc đó. Lúc đó tại sao chúng ta được vui? Vì biết là chịu nghe chửi một chút xíu thì chúng ta sẽ được trúng số. Đó cũng là tâm ích kỷ của mình thôi. Vì biết mình có được lợi nên chịu ngồi nghe chửi.
Để thực hành theo đúng pháp hành của vị Bồ Tát thì đầu tiên phải làm tất cả mọi việc mà không nhìn thấy lợi lạc của bản thân ở trong việc đó. Cho nên để thực hành, tôi đã từng có cầu nguyện với Ngài Quan Âm Bồ Tát là tôi hứa rằng trong cuộc đời của tôi, tôi sẽ không cầu nguyện với Ngài Quan Âm bất cứ điều gì cho bản thân mình.
Bây giờ quý vị hãy thử thực hành trong 2 tuần, quý vị hạ quyết tâm trong vòng 2 tuần, sẽ không cầu nguyện với Phật, Bồ Tát, không cầu nguyện bất cứ nơi nào khác để bản thân mình có được lợi lạc, của cải, tiền bạc, thành công hay may mắn. Quý vị có làm được như vậy không trong 2 tuần? Quý vị chỉ cần thử thực hành như vậy 2 tuần, không cần bắt chước tôi là phát nguyện như vậy cả đời. Chỉ thử trong 2 tuần, xem quý vị có làm được như vậy hay không?
Chúng ta phải suy nghĩ cho kỹ. Tại vì nếu chúng ta phát nguyện thực hành như vậy trong vòng 2 tuần, lỡ trong 2 tuần bị mắc Covid thì cũng không được nhờ ai cầu nguyện cho mình đâu. Nên hãy suy nghĩ cho kỹ. Khi tôi đặt ra tình huống là cố gắng không cầu nguyện bất cứ điều gì cho mình trong 2 tuần thì nãy giờ chúng ta có thấy bị sợ không. Chúng ta có sợ lỡ trong 2 tuần mình bị gì thì không ai giúp đỡ mình, nếu chúng ta có bị sợ thì có nghĩa là mình vẫn còn ích kỷ. Nếu thực hành hạnh Bồ Tát thì phải dẹp bỏ ích kỷ của mình trước đã, rồi mới thực hành hạnh Bồ Tát được. Điều đó là không dễ.
Hồi xưa chúng ta đọc rất nhiều sách vở nói là thực hành hạnh Bồ Tát thế này thế kia, nghe rất lay chuyển tâm mình, rất dễ hiểu. Nhưng khi dấn thân vào thực hành, đó là một chuyện cực kỳ khó, không phải ai cũng làm được.
Nếu thực hành hạnh Bồ tát dễ và đơn giản, ai cũng làm được thì cả thế giới này sẽ có rất nhiều Bồ Tát, có rất nhiều Phật, không phải giống như bây giờ. Nếu cả thế giới ai cũng thành Phật thì chán lắm. Vì nhìn bên trái cũng thấy Phật, bên phải cũng thấy Phật, nhìn trước mặt, sau lưng cũng thấy Phật, trên dưới cũng thấy Phật, chỗ nào cũng thấy Phật, thì chán lắm. Chúng ta hãy thử tưởng tượng trong một thế giới mình sống, mình ra ngoài cửa hàng thì ông chủ cửa hàng cũng là ông Phật, rồi đi ra ngoài, gặp ông tài xế taxi cũng là ông Phật, xong rồi đi vào văn phòng làm việc, ai cũng là Phật hết, gặp chỗ nào cũng thấy Phật, vì mình biết tất cả phật đều giống như nhau cả, lúc đó mình có bị chán không?
Cho nên bước đầu để thực hành hạnh Bồ Tát là ta phải dẹp bỏ tâm ích kỷ của bản thân. Để dẹp bỏ tâm ích kỷ của bản thân, chuyện đầu tiên mình phải nghĩ là đừng nghĩ mình thành Phật, mà nghĩ mình thực hành là để giúp người khác hết khổ. Đó là mục đích chính yếu, chứ không phải thực hành để bản thân thành Phật. Cho nên cần dẹp bỏ cách suy nghĩ cho bản thân trước. Khoảnh khắc, giây phút nào ta nghĩ được cho đau khổ của người khác, rồi nghĩ được rằng mình muốn giúp người khác hết đau khổ thì lúc đó mình biết mình đang thực hành đúng hạnh Bồ Tát. Lúc đó ta không cần phải cầu mong cho bản thân mình thành phật thì chắc chắn sự gia trì của Phật sẽ lớn mạnh và trỗi dậy trong chính con người mình.
Có người nói là sẽ thấy thế giới thật tuyệt vời nếu ai cũng thành Phật. Về chuyện này, tôi có 2 điều muốn nói. Lúc tất cả mọi người trên thế giới thành Phật thì thế giới sẽ rất chán. Đối với bản thân tôi, thế giới đang rất tuyệt vời. Nếu tất cả mọi người thành Phật hết thì quý vị nghĩ xem thế giới có còn điều gì thú vị không? Tôi lấy ví dụ thế này. Bây giờ thử tưởng tượng là chồng mình, hay vợ mình thành Phật, xong rồi con cái tự nhiên ngày nào đó cũng thành Phật, bố mẹ cũng thành Phật, xung quanh ai cũng là Phật hết thì mình sẽ cảm thấy thế giới sẽ thế nào? Để tôi cho quý vị nghe kinh nghiệm: Nếu chồng mình thành Phật thì ông chồng mình xem mình và vợ của ông hàng xóm là y chang nhau, không khác gì nhau, thì mình nghĩ cái đó là hay hay dở?
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không có nghĩ lợi lạc cho bản thân mình. Nếu chúng ta còn nghĩ mình vẫn muốn quả vị Phật cho bản thân thì chúng ta vẫn còn đang có tâm ích kỷ, chúng ta phải nghĩ tất cả mọi điều tốt cho những người khác, chứ không phải nghĩ mọi điều tốt cho bản thân mình. Để thực hành hạnh Bồ Tát, đầu tiên là phải dẹp bỏ tâm ích kỷ trước.
Tôi cho quý vị 2 lựa chọn. Một là quý vị thành Phật trước rồi, sau đó đi cứu hết tất cả mọi người khác. Hai là bây giờ tất cả mọi người thành Phật hết, còn bản thân mình trong địa ngục chịu khổ. Quý vị lựa chọn cái nào? Nếu quý vị lựa chọn thứ 2 là bản thân chịu khổ để tất cả mọi người thành Phật hết thì quý vị đang thực hành đúng hạnh Bồ Tát và mình đang đi đúng đường.
Chúng ta học và nghe lý thuyết thì lựa chọn thứ 2 là lựa chọn của một vị Bồ Tát thực thụ. Rất đơn giản để nói như vậy, ai cũng hiểu được, nhưng quý vị nghĩ lại xem trong thâm tâm mình có thực sự muốn điều đó hay là không. Nếu ai trả lời là số 2 thì bắt chước tôi là lập một nguyện cực kỳ lớn là cả đời này sẽ không cầu nguyện bất cứ điều gì cho bản thân mình, thậm chí sắp tới lỡ bị bệnh Covid sắp chết đi chăng nữa thì cũng không cầu nguyện bất kỳ sự giúp đỡ từ đức Phật. Nếu nghĩ như vậy thì hãy mạnh dạn chọn lựa chọn thứ 2.
Đặt bản thân trong hoàn cảnh như vậy, tự mình xem xét lại cảm giác của mình, biết rằng bản thân mình cũng còn ích kỷ rất nhiều. Cho nên cách suy nghĩ như thế là mức độ thực hành rất cao của các vị Bồ Tát. Cho nên khi mới bắt đầu thực hành hạnh Bồ Tát, chúng ta không cần phát nguyện lớn giống như vậy, mà chỉ cần nghĩ 2 ngày thôi. Lấy ví dụ trong 2 ngày tới chúng ta thử không cầu nguyện gì cho bản thân mình hết. Nếu 2 ngày chúng ta làm được rồi thì tăng thời gian lên trong 1 tuần không cầu nguyện gì cho bản thân mình hết.
Nếu chúng ta đã dần dần quen được cách suy nghĩ của vị Bồ Tát và thực hành giống một vị Bồ Tát thì lúc đó chúng ta chẳng còn mong muốn quả vị Phật cho mình nữa, mình cũng không còn mong muốn thành Phật nữa. Chúng ta có thành Phật hay không lúc đó đối với mình cũng không quan trọng nữa mà quan trọng là chúng ta có thể giúp người khác hết khổ, giúp cho người khác được lợi lạc.
Bây giờ tôi dành ra vài phút cho phần hỏi đáp. Thực hành hạnh Bồ Tát là một vấn đề mình thực hành và phải luôn quan sát trải nghiệm và cảm giác của tâm thức mình. Nếu không làm như vậy sẽ không dễ để thực hành.
Nếu quý vị không có câu hỏi nào thì tuần này, hãy thực hành 2 phần thiền khi nãy tôi đã hướng dẫn. Khi chúng ta học về hạnh Bồ Tát, học là hiểu trước, nhưng lúc dấn thân thực hành, chúng ta đừng mong mình có trải nghiệm y hệt như đã học trong khoảng thời gian ngắn. Chúng ta hãy bắt đầu từ từ những bước nhỏ, dần dần rồi sẽ có những trải nghiệm lớn hơn.
Tôi nói thêm một điều thế này: Nếu đọc kinh Phật mà cảm thấy không có hứng thú nữa thì lúc đó chúng ta nên làm gì? Chắc quý vị đều biết tôi thường trả lời như thế nào. Nếu lúc đó không thích nữa, thì đóng kinh Phật lại. Tôi vẫn thường hay nói như vậy. Nếu đọc kinh Phật mà cảm thấy không hứng nữa thì đóng lại không đọc nữa, lúc đó mình có một số chủng tử hơi điên điên, lúc đó sắp thành Phật (cười).
Khi chúng ta đọc kinh Phật hay làm gì cảm thấy không vui không hào hứng thì tốt nhất đừng có làm việc đó nữa. Nếu chúng ta làm được như vậy thì mình có chủng tử hơi điên điên trong người, lúc đó chúng ta mới thực hành giống vị Bồ Tát được. Tôi thường nói có 2 loại người thực hành pháp rất tốt là người thông minh và người điên.
Thỉnh thoảng tụng kinh mà có những bài kinh rất dài, tôi không có hứng đọc nên tôi cũng không đọc nữa. Lúc tôi còn nhỏ, trong tu viện thường hay nói là ngồi tụng kinh không ngay ngắn, không nghiêm túc thì bị ác nghiệp rất nhiều, vì ác nghiệp đó mai mốt sẽ chịu khổ dưới địa ngục. Còn nếu chúng ta thực hành đến chỗ không còn sợ chịu khổ ở địa ngục nữa, bây giờ có đọc kinh tiếp hay không đọc kinh tiếp thì có bị xuống địa ngục, cũng đâu có làm được gì mình đâu vì mình hết sợ địa ngục rồi. Tôi đang tụng kinh, nếu tôi ngưng giữa chừng mà sẽ khiến người khác bị ác nghiệp, thì lúc đó tôi sẽ tiếp tục đọc kinh, tôi sẽ không làm gì để hại người khác. Nếu đối với bản thân mình mà không thấy thích nữa thì nên ngừng việc đó lại. Nếu chuyện tụng kinh không làm mình hào hứng thì nên tạm ngưng lại, đừng làm nữa. Trong số quý vị, có ai dám làm như vậy giống tôi không thì cho tôi biết.
Hôm nay tôi sẽ dừng ở đây. Cảm ơn cả lớp và hẹn gặp lại.