15-03-2015
2015

Khangser Rinpoche trao đổi Phật Pháp: Nhân Quả - Thiện Nghiệp Và Ác Nghiệp tại chùa Thiên Niên.

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2015.

Nhân Quả, Thiện Nghiệp và Ác Nghiệp

Tôn sư Khangser Rinpoche

 

Chùa Thiên Niên – Hà Nội,

ngày 15 tháng 03 năm 2015

 

Trước tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị!

Hôm nay, đề tài của tôi là nghiệp và luật nhân quả. Nói chung, đây là một chủ đề rất thâm sâu và cũng là tư tưởng chính của Phật giáo. Luật nhân quả không những được nhìn nhận từ quan điểm của đạo Phật mà còn theo quan điểm của khoa học. Chúng ta có thể tiếp cận vấn đề này theo quan điểm của đạo Phật hoặc theo quan điểm của khoa học; tuy nhiên, đạo Phật nói về nhân quả sâu sắc hơn. Trước khi bắt đầu, chúng ta cần nhìn lại thời Đức Phật còn tại thế. Tôi nghĩ quý vị đều biết câu chuyện này. Có một con voi điên sắp tấn công Đức Phật. Khi con voi điên sắp tấn công Phật, tất cả đệ tử của Ngài, tất cả các vị tu sĩ đều sợ con voi điên đang lao về phía họ và họ đều bỏ chạy. Chỉ có một vị đệ tử không rời Đức Phật, vị ấy là thầy A-nan (Ananda). Lúc nào thầy A-nan cũng đi cùng với Phật. Tất cả những vị tu sĩ khác, kể cả vị đệ tử xuất sắc nhất của Phật là thầy Xá Lợi Phất (Shariputra), đều hoảng sợ và bỏ chạy. Sau khi Đức Phật đã thuần hóa được con voi điên, tất cả đệ tử của Phật đều tụ hội lại bên Ngài. Khi đó có một câu hỏi lớn hiện diện. Tất cả đệ tử của Đức Phật, những người hết mực phụng sự Ngài, đột ngột quên Phật khi thấy con voi điên lao đến họ. Chỉ có một vị đệ tử là thầy A-nan ở lại với Phật. Thầy A-nan không bỏ chạy mà vẫn ở lại với Ngài, thậm chí khi con voi điên đang tấn công. Các vị đệ tử hỏi Phật một câu hỏi lớn: “Chúng con đều hết mực phụng sự Thế Tôn! Chúng con đều rất kề cận Thế Tôn và luôn nhớ đến Ngài! Tuy nhiên, trong tình huống đáng sợ khi con voi điên tấn công, vì sao tất cả chúng con đều quên Thế Tôn và bỏ chạy, chỉ duy nhất thầy A-nan không bỏ chạy và vẫn ở lại với Ngài?” Lúc đó, Đức Phật kể một câu chuyện: “Thầy A-nan không chỉ phụng sự tôi trong đời này, mà thầy ấy đã luôn kề cận tôi trong rất nhiều đời quá khứ. Nhiều kiếp trước, tôi đã sinh ra làm một con thiên nga, và lúc đó thầy A-nan cũng đã ở cùng tôi. Có một nhóm thợ săn tấn công chúng tôi và tất cả những con thiên nga khác đều bỏ chạy, chỉ còn một con thiên nga ở lại với tôi. Lúc đó chúng tôi sinh ra làm những con thiên nga, thầy A-nan cũng sinh ra làm một con thiên nga. Khi thợ săn tấn công, những con thiên nga khác đều chạy; tuy nhiên, thầy A-nan vẫn ở lại cùng với tôi.”

Với mọi sự kiện, người ta thường hỏi “Tại sao chuyện này lại xảy ra? Tại sao chuyện kia lại xảy ra?...” Đức Phật thường kể nhiều câu chuyện tiền thân từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước để nói về luật nhân quả, và để trả lời những câu hỏi về nguyên nhân mà người khác hỏi Ngài. Bây giờ có câu hỏi nảy sinh. Khi Đức Phật dạy luật nhân quả, nhân là gì và quả là gì? [Rinpoche hỏi người phiên dịch “cause” và “effect” được dịch sang tiếng Việt như thế nào.] Mỗi khi quý vị nhìn vào một kết quả, có nguyên nhân đưa đến kết quả đó; và mỗi khi quý vị nhìn vào một nguyên nhân, có hệ quả đến từ nguyên nhân đó. Với một kết quả, có rất nhiều nguyên nhân đưa đến quả đó. Xác định tất cả những nguyên nhân đưa đến kết quả là điều bất khả thi.

Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm của tôi. Có một câu chuyện về một vị A-la-hán vĩ đại. Một dịp nọ, vị A-la-hán đang đi trên đường và ông ta trông thấy một sự việc rất lạ. Ông trông thấy một con quỷ đói. Ông hỏi con quỷ đói, “Tại sao ông bị sinh thành quỷ đói?” và con quỷ kể về tất cả ác nghiệp mà nó đã gây tạo trong quá khứ. Vì những ác nghiệp đó mà con quỷ đói không thể thọ dụng bất cứ đồ ăn thức uống nào, dù vị A-la-hán cũng đã bố thí thức ăn cho nó. Đây là câu chuyện về một vị A-la-hán đã xảy ra hàng ngàn năm trước.

Bây giờ đến câu chuyện tôi từng trải nghiệm. Tôi gặp hai người phụ nữ ở hai quốc gia khác nhau. Một người là một bà cụ khoảng 90-92 tuổi, người kia là một phụ nữ ngoài 30 tuổi. Bà cụ 90 tuổi khá khỏe mạnh. Bà ấy nói khá nhiều, ăn khỏe và còn trông coi bầy gia súc nữa. Người phụ nữa ngoài 30 đến gặp tôi và kể với tôi về khó khăn của cô ấy. Cô ấy mắc bệnh dạ dày nghiêm trọng. Cô ấy nói cô đến phòng tập thể hình mỗi ngày, và chỉ ăn thực phẩm sạch (organic food), và tập thể dục hàng ngày. Cô ấy hỏi tôi vì sao cô lại mắc bệnh như vậy. Tôi nghĩ bà cụ già có một bí quyết trường thọ nào đó. Tôi hỏi về chế độ ăn uống của bà cụ, và người ta nói với tôi bà là một người nghiện rượu và hút thuốc. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết bà ấy hút thuốc và uống rượu mà vẫn có thể sống khỏe ở độ tuổi 90-92. Người ta thường nói: “Người hút thuốc không bị lão hóa vì họ đều chết trẻ.” Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là lời nói sai [Rinpoche cười]. Ở đây có một câu hỏi nảy sinh. Người phụ nữ mới ngoài 30 tuổi, ăn thực phẩm sạch, đến phòng tập thể hình và tập thể dục mỗi ngày nhưng vẫn mắc bệnh dạ dày nghiêm trọng. Tuy nhiên, bà cụ hút thuốc và uống rượu lại sống khỏe ở độ tuổi 90-92. Chuyện gì đang diễn ra trong hai tình huống này? Câu hỏi đó nảy sinh trong suy nghĩ của tôi. Nếu quý vị đến bệnh viện và đặt câu hỏi này cho các bác sĩ, quý vị sẽ có một câu trả lời khác. Tuy nhiên, câu trả lời đúng hay sai, đó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Khi nhìn vào hai tình huống này, tôi đã có lời giải trong tâm. Đó chính là quy luật nhân quả. Đôi khi quy luật nghiệp và nhân quả vận hành theo cách rất buồn cười. Theo kinh nghiệm của tôi về thọ mạng của con người, vì sao người ta sống lâu, tôi đã nói chuyện với nhiều bác sĩ và cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Theo quan điểm khoa học, họ cho rằng thọ mạng liên quan đến gen. Cho đến nay, khoa học vẫn luôn cho rằng ăn chay và tập thể dục sẽ mang lại sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ. Tôi vẫn hay nói đùa rằng loài thỏ chỉ ăn thực vật, tập thể dục bằng cách nhảy nhót suốt ngày, nhưng chúng chỉ sống được khoảng năm năm mà thôi. Loài thỏ chết vào khoảng hơn năm tuổi. Loài rùa ngủ cả ngày và chẳng bao giờ tập thể dục, nhưng chúng sống đến hơn một trăm năm. Ở đây, điều rõ ràng là chúng ta cần thêm yếu tố khác để có đời sống khỏe mạnh, hoặc để kéo dài tuổi thọ. Chúng ta cần quan tâm đến một yếu tố khác, chứ không chỉ là chế độ ăn hay luyện tập thể chất. Chúng ta cần biết thêm một điều nữa. Đó là lý do Đức Phật đã dạy [trong Kinh Pháp Cú]:

Ác hạnh thế nào cũng không làm.

Thiện hạnh tròn đầy hành viên mãn.

Hoàn toàn điều phục tâm chính mình.

Đây là giáo pháp của Phật đà.

Khi nói về tuổi thọ của con người, tại sao có những người sống lâu nhưng những người khác lại có thọ mạng ngắn ngủi? Tại sao lại như vậy? Về điểm này, Đức Phật đã nói có rất nhiều nguyên nhân. Khi giảng về luật nhân quả, Đức Phật đã dạy năm điều đạo đức của con người; đó là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đức Phật đã dạy không sát sinh, điều đó có nghĩa là sát sinh là một ác nghiệp. Nó sẽ mang đến hệ quả tiêu cực và khiến chúng ta bị giảm thọ. Khi quý vị cứu mạng người khác, điều đó sẽ giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ. Bây giờ nảy sinh một câu hỏi lớn. Sát sinh sẽ làm chúng ta bị giảm thọ, sao lại như vậy? Chúng ta có minh chứng nào cho điều đó không? Chúng ta sẽ nhìn vào điểm này theo cách rất đơn giản. Khi giết động vật, quý vị làm giảm thọ mạng của chúng sinh khác. Bản thân việc làm chúng sinh khác giảm thọ chính là một hành động. Mọi hành động đều có một phản ứng cùng loại. Quý vị có biết định luật vật lý đó không? Mọi lực tác dụng đều có phản lực. Khi quý vị giết động vật, điều đó sẽ làm giảm tuổi thọ của chúng ta. Đây không phải là vấn đề về tôn giáo hay của riêng đạo Phật; đây là một định luật vật lý. Điều này được xem là một lý thuyết khoa học để chúng ta ứng dụng. Mọi hành động đều có một phản ứng cùng loại. Chính vì vậy, tôi rất ngưỡng mộ truyền thống văn hóa phóng sinh cá và các loài động vật của người Việt Nam. Đó là một nét văn hóa truyền thống rất tốt. Quy luật về nghiệp nói rằng nếu quý vị giết hại và làm người khác giảm thọ, tuổi thọ của chúng ta sẽ bị giảm thiểu. Quy luật đó không phải do Đức Phật ấn định, mà đó là một quy luật tự nhiên. Nếu nhìn vào thế giới và vũ trụ này, có rất nhiều quy luật tự nhiên không được ấn định bởi bất cứ người nào. Nếu quý vị nhìn vào lực vạn vật hấp dẫn, đó là một quy luật tự nhiên, không được ấn định bởi bất cứ ai. Khi thế giới này được khởi tạo, quả địa cầu tự nhiên có lực hấp dẫn. Quy luật về nghiệp có trước thời Đức Phật. Quý vị đừng nghĩ rằng quy luật về nghiệp bắt đầu sau khi Đức Phật thuyết Pháp.

Trong luật nhân quả, có hai loại nguyên nhân mà quý vị phải phân biệt: nhân tốt và nhân xấu. Thế nào là nhân tốt và thế nào là nhân xấu? Đức Phật dạy năm ác hạnh là những nhân xấu: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Quý vị đều đã biết về năm điều này phải không? Tôi nghĩ quý vị biết rõ hơn tôi, vì quý vị nghe giảng nhiều hơn tôi [Rinpoche cười].

Quý vị nên có sự thay đổi sau khi tham dự buổi học này! Tôi còn nhớ một người ở thành phố Hồ Chí Minh đã hỏi tôi một câu. Anh ấy hỏi một câu hỏi rất hay, tôi rất thích câu hỏi này và đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Anh ấy nói mẹ của anh thường đến chùa. Tôi nghĩ anh ta không tin vào tôn giáo nào cả. Anh hỏi mẹ anh một câu, “Vì sao mẹ lại đến chùa nghe giảng? Đến chùa nghe giảng Pháp có ích lợi gì? Phật pháp giúp ích như thế nào trong cuộc sống?” Anh ấy nói mẹ của anh đã giải thích nhưng anh không thỏa mãn. Khi nghe Pháp, quý vị phải áp dụng Pháp vào thực tế cuộc sống và thay đổi bản thân, chỉ khi đó Phật Pháp mới giúp ích cho chúng ta. Nghe Pháp, chỉ nghe, nghe và nghe; điều đó giống như việc chỉ thu gom thông tin, không có lợi ích gì. Quý vị có thể thu thập nhiều thông tin hơn tôi bằng cách tìm trên Google; tuy nhiên, Google không hướng dẫn quý vị cách áp dụng thông tin vào đời sống hàng ngày. Sau buổi học này, khi về nhà, tôi muốn có vài thay đổi nơi quý vị. Rồi quý vị cũng nên chia sẻ với gia đình mình Phật pháp đã thay đổi quý vị ra sao, làm lợi lạc cho bản thân quý vị như thế nào. Đó là điều tôi muốn. Rõ không ạ? Các bạn rõ không ạ? [Rinpoche hỏi bằng tiếng Việt và thầy cười, đại chúng vỗ tay]

Quý vị đã biết về năm ác nghiệp, giờ đây quý vị phải suy nghĩ xem mình có thể từ bỏ ác nghiệp nào trong năm ác nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và uống rượu. Khi tôi nói không nói dối, quý vị có thể nghĩ rằng bản thân không hề nói dối. Tuy nhiên, nếu nhìn lại bản thân kỹ lưỡng, tôi nghĩ quý vị đã nói dối nhiều lần trong đời mình. Tối hôm qua, trong bữa cơm tối, tôi nói chuyện với một người đàn ông ngồi trước mặt tôi. Anh ta nói với tôi là có nhiều người nói anh ta trông trẻ hơn tuổi thật. Lúc đó, tôi nghĩ mọi người đều nói thật vì thật sự trông anh ta rất trẻ. Tuy nhiên, thông thường thì mọi người luôn nói dối. Để làm hài lòng người khác, quý vị luôn dùng những ngôn từ ngọt ngào. Tối qua tôi đã nghĩ “Lần này mọi người đã nói thật với anh ta.” [Rinpoche cười]. Để làm vui lòng người khác, quý vị đã rất nhiều lần nói dối vô hại. Dù quý vị không cảm thấy người khác đẹp, quý vị vẫn khen họ đẹp; dù quý vị không nghĩ người khác trẻ, quý vị vẫn khen họ trẻ. Quý vị có nói như vậy không? Hãy tự hỏi bản thân! Bây giờ, đã đến lúc quý vị phải thay đổi. Đức Phật đã dạy: “Ác hạnh thế nào cũng không làm.” Nếu quý vị có thể từ bỏ ác hạnh thì rất tốt. Nếu không thể nhanh chóng từ bỏ ác hạnh thì ít nhất quý vị phải giảm thiểu chúng. Tôi nghĩ quý vị đều biết nói như vậy là nói dối, và đó là ác hạnh. Đức Phật đã dạy: “Ác hạnh thế nào cũng không làm.” Tôi có một kinh nghiệm. Khá lâu về trước, khoảng 4-5 năm, tôi đã gặp một phụ nữ người Mỹ. Sau đó, khi chúng tôi gặp lại nhau, cô ấy nói, “Ồ Rinpoche! Lần này trông Ngài trẻ hơn.” Tận đáy lòng, tôi nghĩ cô ấy đang nói dối. Làm sao tôi lại có thể trẻ hơn sau 4-5 năm? Tôi đang già hơn! Khi quý vị nói dối vô hại để làm vui lòng người khác, có thể họ cũng biết quý vị đang nói dối; tuy nhiên, quý vị vẫn tiếp tục nói dối với họ.

Đặc biệt trong gia đình, mọi người vẫn hay nói dối. Khi nói dối, quý vị sẽ hủy hoại niềm tin trong gia đình. Đây là điều rất quan trọng mà quý vị cần phải suy xét. Nếu quý vị muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc, điều quan trọng nhất là lòng tin. Nếu quý vị đánh mất lòng tin trong gia đình, quý vị sẽ mất tất cả, thậm chí Phật pháp cũng không giúp quý vị được. Nếu quý vị đang nói dối thì từ hôm nay trở đi, quý vị phải nghĩ rằng mình sẽ không nói dối, mình sẽ từ bỏ nói dối. Nếu quý vị còn nói dối vô hại thì từ hôm nay trở về sau, hãy cố nghĩ rằng quý vị sẽ giảm thiểu việc nói dối vô hại. Có một người đàn ông nói với tôi một điều. Anh ta nói việc từ bỏ nói dối rất khó. Mỗi khi anh ta đi làm về nhà, vợ anh nấu thức ăn rất dở nhưng anh vẫn phải nói thức ăn rất ngon! Tôi nghĩ quý vị không giống vậy, có vẻ như quý vị nấu ăn rất ngon. Có một điều quý vị cần biết. Nói dối mà bị phát hiện thì nó sẽ làm người khác tổn thương nặng nề. Quý vị hãy nghĩ xem chúng ta thường nói dối những ai? Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nói dối những người quan tâm đến chúng ta nhiều nhất! Đó là một điều rất tồi tệ. Sau buổi học này, từ bây giờ trở đi, quý vị phải tư duy rằng điều đầu tiên mình phải thay đổi là từ bỏ hoặc giảm thiểu nói dối. Nói dối là một ác nghiệp.

Điều thứ hai là từ bỏ uống rượu. Tôi có nghe về một sự việc. Vào năm 2008-2009, khi thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, có hai ngành lớn vẫn phát triển tốt. Đó là ngành y tế và ngành kinh doanh rượu. Khi buồn, quý vị muốn uống rượu; rồi khi vui quý vị cũng muốn uống rượu. Khi người ta buồn rầu, họ cần rượu để giải sầu. Khi người ta quá vui, họ cũng cần rượu để ăn mừng. Bây giờ, quý vị cần biết rằng Đức Phật đã dạy phải từ bỏ uống rượu. Theo quan điểm của y học, rượu cũng ảnh hưởng đến cơ thể và gây tổn hại đến sức khỏe của chúng ta. Chính vì vậy, như tôi đã nói, Đức Phật dạy “Ác hạnh thế nào cũng không làm.” có nghĩa là Ngài dạy không được phạm ác hạnh, Ngài yêu cầu đệ tử phải từ bỏ năm điều: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và uống rượu. Điểm thứ hai là từ bỏ uống rượu. Nếu quý vị hiện đang uống rượu, hãy cố gắng tư duy và giảm thiểu uống rượu. Nếu quý vị không uống rượu thì rất tốt. Đặc biệt, tôi thấy giới trẻ phải học hành, do đó không uống rượu là điều rất quan trọng.

Có lẽ khoảng hai tháng trước, có người đến gặp tôi. Tôi đã nghe một chuyện rất buồn. Một bác sĩ và một bệnh nhân đến gặp tôi. Thật ra, ông bác sĩ đó dẫn bệnh nhân đến gặp tôi. Bác sĩ nói mới sáng hôm đó, bệnh nhân của ông vừa xét nghiệm và phát hiện mắc bệnh ung thư gan giai đoạn ba. Ngay lập tức một câu hỏi nảy sinh trong tâm tôi. Tôi hỏi, “Anh có uống rượu không?” Anh ta nói trước kia uống rất nhiều rượu. Quá trễ! Đã quá trễ rồi! Bấy giờ, tình huống đáng buồn đó không thể nào được cứu vãn bằng cách ngừng uống rượu. Trong cuộc đời tôi, tôi đã đi rất nhiều nơi để thuyết giảng. Đôi lúc tôi cũng giảng ở bệnh viện. Trong bệnh viện, điều tôi quan sát thấy là tình trạng sức khỏe của bệnh nhân không chỉ tác động xấu đến bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng xấu đến những thành viên trong gia đình họ. Chính vì vậy, nếu quý vị có vấn đề gì về sức khỏe, việc đó sẽ ảnh hưởng đến gia đình của quý vị. Do đó, sống lành mạnh là điều rất quan trọng. Để sống lành mạnh thì quý vị cần làm theo những bước nào? Tôi nghĩ trong vấn đề này, các bác sĩ sẽ đồng tình với tôi: từ bỏ uống rượu. Tôi nói đúng không? [Đại chúng vỗ tay] Nếu quý vị nghĩ uống rượu tốt cho sức khỏe thì hãy tận hưởng uống rượu [Rinpoche cười]. Khi tôi nói hãy từ bỏ uống rượu, có một người phụ nữ Trung Hoa nói với tôi cô ấy có thể bỏ rượu nhưng mỗi tuần cô ta phải uống ít nhất hai ly rượu, vì nó tốt cho tim! Cô ấy nói với tôi như vậy [Rinpoche cười]. Tôi đã hỏi bác sĩ về vấn đề này, và các bác sĩ đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Nếu quý vị có thể bỏ rượu thì rất tốt; nếu không thể bỏ rượu thì ít nhất quý vị phải giảm thiểu uống rượu đến mức quý vị có thể. Đó là hai điều quý vị nên thay đổi.

Điều thứ ba là tà dâm. Quý vị phải hoàn toàn từ bỏ tà dâm. Tiếp theo là trộm cắp, cuối cùng là sát sinh. Trong năm điều này, nếu quý vị từ bỏ thì rất tốt; nếu không thể từ bỏ thì ít nhất quý vị phải cố gắng giảm thiểu. Sau buổi học hôm nay, khi về nhà, quý vị phải cố gắng thực hành như vậy. Dù quý vị thực hành bất cứ điều gì trong những điều này, nó sẽ thay đổi quý vị, giúp quý vị trở thành một người tốt hơn, trở thành một người hạnh phúc hơn. Thực hành Pháp là để giúp quý vị trở thành một người tốt hơn và hạnh phúc hơn. Đó chính là mục đích của việc thực hành Pháp. Tôi hy vọng quý vị sẽ thực hành những gì tôi đã nói. Nếu quý vị thực hành thì chính quý vị được lợi lạc chứ không phải tôi.

Có lẽ tôi dừng ở đây và dành thời gian cho phần hỏi đáp.

 

Hỏi: Kính thưa tất cả các bạn! Tôi nhất trí hoàn toàn với giải pháp của lạt ma. Nhưng tôi xin phép nêu một vài quy luật như thế này. Trước hết xin cảm ơn lạt ma. Thứ hai, tôi có vài suy nghĩ nhưng chưa chắc đúng. Tôi xin lạt ma cho chúng tôi lời khuyên. Chúng ta biết rằng trên thế giới này không có cái gì tuyệt đối cả, và quy luật nào cũng có loại trừ cả. Có những loại trừ rất cần thiết và quyết định sự thành công của công việc, cho nên tôi xin phép nêu một ví dụ. Trong đạo Phật có hai chủ trương lớn, một là luôn sống từ bi, và thứ hai là trí tuệ. Từ bi và trí tuệ luôn gắn chặt với nhau thành một hệ thống. Tôi lấy ví dụ, nếu chúng ta làm chuyện gì đó, mà cụ thể là việc lạt ma vừa mới nói đó là không được nói dối. Tôi xin phân tích phần lợi ích của nói dối. Việc nói dối này nằm trong lĩnh vực từ bi và trí tuệ, chứ không nằm trong lĩnh vực tội lỗi. Giả sử tôi là bác sĩ và tôi gặp một bệnh nhân đã ốm yếu lắm rồi. Tôi muốn chữa bệnh cho người đó thì tôi không thể nói chắc chắn bà sẽ chết, dù trong tâm tôi tôi biết chắc chắn bà sẽ chết. Nhưng nếu tôi nói khiêm tốn hơn, “không có nguy cơ lắm đâu, bà cứ cố gắng đi”, thế thì có thể là từ bi, mà từ bi này nằm trong trí tuệ và từ bi, chứ không phải nói dối tầm thường. Đó là trong một lĩnh vực cụ thể, còn rất nhiều cái nữa. Cái thứ hai, nói dối nhiều khi lại là từ bi. Ví dụ khi gặp một cô gái xấu, trong tâm mình biết là xấu rồi, và mình cư xử thể hiện ra mình đánh giá cô ấy xấu. Thế nhưng, mình hơi nói dối một tí, “cô cũng hấp dẫn lắm chứ không phải không đâu, cô cũng có nhiều cái hay lắm,” thế thì nói như vậy không phải là tôi có ý xấu, mà chỉ là động viên cô ấy để cô ấy làm đẹp lên. Đó là quy luật của tiềm thức, làm cho cô ấy tự cảm nhận mình đẹp thì sẽ đẹp hơn mãi. Và đó cũng là quy luật lớn của khoa học hiện đại, là chúng ta phải nâng cao tiềm thức tốt thì nó sẽ thúc đẩy hành động tốt, và từ đó làm cho cô ấy phấn đấu để đẹp hơn. Còn nhiều cái nữa! Như là Đức Phật chẳng hạn, trong lịch sử 500 kiếp trước Đức Phật là một thuyền trưởng dẫn 500 thủy thủ cùng đi biển. Khi gặp một tên tướng cướp, Đức Phật vẫn giết tên tướng cướp như thường, tức là vẫn vi phạm quy luật sát sinh, nhưng đó vẫn là từ bi, nếu không thì 500 thủy thủ dưới quyền của Đức Phật sẽ chết. Thế thì tôi nghĩ 5 điều răn của Đức Phật đối với một Phật tử rất đúng, tôi phấn đấu cố gắng hết sức để thực hiện, nhưng tôi nghĩ rằng về mặt lý luận mà nói thì vẫn còn rất nhiều vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Tôi lấy ví dụ có những ngành lớn trong xã hội hiện nay từ châu Âu, châu Á, châu Phi, tất cả phụ nữ trên thế giới, 90%, đều dùng mỹ phẩm. Đó không phải là sự thật, vì sự thật được che giấu, việc trang điểm che giấu sắc đẹp thật sự, che giấu trước con mắt của người thường. Vậy thì, họ làm như vậy họ có tội không, vì thật ra bất cứ sự trang điểm nào đều không thật, trong đó có yếu tố không thật, như vậy thì toàn thế giới này không thật. Nhưng nó lại có quy luật từ bi của nó, tức là người phụ nữ đẹp đến gặp chúng ta, chúng ta sẽ thấy vui vẻ hơn, thoải mái hơn, đó là từ bi, đem lại niềm vui cho nam giới, chứ người phụ nữ đó không có ý xấu. Và từ bi này giải quyết rất nhiều công việc, và đó là trí tuệ; và đó chính là Đạo Phật. Suy nghĩ của tôi là như vậy, tôi xin lạt ma giải thích tiếp ạ, tôi xin cảm ơn! [Đại chúng vỗ tay]

Rinpoche: Tôi thấy ở đây có hai câu hỏi. Về vấn đề mỹ phẩm, tôi có một kinh nghiệm. Tôi mặc y phục tu sĩ vào một khu mua sắm, có lẽ họ hơi ngạc nhiên và mời tôi vào một cửa hàng bán mỹ phẩm. Họ mời tôi ngồi và đặt một cái đầu dò lên mặt tôi. Sau đó, họ theo dõi trên máy tính và chỉ cho tôi thấy da mặt tôi có nhiều nếp nhăn. Họ nói với tôi họ phải bôi một loại kem lên mặt tôi. Sau đó tôi hỏi cô nhân viên bán hàng, “Tôi có thể dùng cái đầu dò đó không?” Tôi lấy cái đầu dò và đặt lên mặt cô ta, và máy tính cũng cho thấy rất nhiều nếp nhăn. Tôi nói, “Tại sao cô không dùng kem đó đi?” [Rinpoche cười] Dùng mỹ phẩm không phải là nói dối. Mọi phụ nữa đều có quyền chọn lựa họ trông đẹp hay xấu. Họ có quyền chọn lựa, chúng ta không thể xâm phạm ước muốn của họ. Nếu không vui với việc họ dùng mỹ phẩm thì quý vị đừng có nhìn [Rinpoche cười lớn, đại chúng vỗ tay]. Đó không phải là nói dối. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, đó là cuộc sống của họ. Câu hỏi đầu tiên của anh là về vấn đề bác sĩ và bệnh nhân, và việc nhìn cô gái xấu và khen cô ấy đẹp. Ở đây, chúng ta phải hiểu vài điểm. Không nói dối không có nghĩa là quý vị phải nói ra sự thật; không có nghĩa như vậy. Quý vị không nói dối, điều đó không có nghĩa là quý vị phải nói ra mọi sự thật. Về hành động giết tướng cướp của Đức Phật trong câu chuyện, có hai hành động mà quý vị cần xem xét. Khi Đức Phật là thuyền trưởng, Ngài muốn cứu mạng 500 thủy thủ. Đó là một thiện nghiệp rất rất lớn. Đức Phật đã giết một người với thiện nghiệp lớn lao đó. So với thiện nghiệp đó thì ác hạnh của việc giết tên cướp rất nhỏ. Hành động của Đức Phật mang lại lợi lạc cho người khác. Chúng ta thì lại đang phạm ác hạnh, chỉ làm lợi lạc cho bản thân. Đó là khác biệt lớn. Về vấn đề cô gái xấu, có thể anh thấy cô ấy xấu, nhưng người khác thấy cô ấy đẹp thì sao, ai mà biết được? [Rinpoche cười, đại chúng vỗ tay] Đẹp hay xấu, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những quan điểm khác nhau. Tuy nhìn thấy xấu nhưng quý vị không thể nói đó là xấu. Do đó, quý vị không cần bận tâm về điều đó [Đại chúng vỗ tay].

 

Hỏi: Thưa Rinpoche, trong ngũ giới có giới tà dâm. Xin Rinpoche giải thích rõ hơn về giới tà dâm ạ.

Rinpoche: Về giới tà dâm, tôi sẽ nói một điều rất đơn giản. Khoảng 15 năm trước, người ta đã tiến hành một nghiên cứu. Họ nghiên cứu về vấn đề ly hôn. Chín mươi phần trăm các trường hợp ly hôn là do ngoại tình. Về phía người chồng hoặc người vợ, quý vị có thể nghĩ việc ly hôn không có gì tồi tệ; tuy nhiên, họ không biết tác hại của ly hôn đến tâm lý của con cái. Tôi từng được mời đến nói chuyện ở một trường học. Sau buổi nói chuyện, thầy hiệu trưởng mời tôi vào phòng riêng và thầy muốn tôi khuyên giải 10 học sinh. Thầy hiệu trưởng nói với tôi đó là 10 học sinh tệ nhất trường. Sau đó thầy hiệu trưởng nói rằng cha mẹ của hầu hết 10 em học sinh đó đều đã ly hôn. Khi cha mẹ ly hôn, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý con cái. Khi những đứa trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý thì làm sao chúng có thể học tốt đây? Rất khó! Trong tu viện cũng có rất nhiều trẻ con. Tôi cũng tiến hành nghiên cứu về những đứa trẻ học hành không tốt. Tôi đến gia đình các em để tìm hiểu. Tôi phát hiện ra nhiều trường hợp liên quan đến việc ly hôn của cha mẹ. Hơn 90% trường hợp ly hôn có liên quan đến ngoại tình. Tôi thấy một mẩu quảng cáo ở châu Âu, hoặc ở một nơi khác mà tôi không nhớ, quảng cáo luật sư cho những trường hợp ly hôn. Mẫu quảng cáo ghi: “Cuộc đời rất ngắn! Hãy ly hôn!” Ly hôn thì rất dễ, nhưng họ không biết việc ly hôn ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ như thế nào. Tuy nhiên, tôi lại nói: Cuộc đời rất ngắn! Hãy sống hạnh phúc với nhau! Để làm được như vậy thì phải từ bỏ hành vi ngoại tình. Đó là tác hại của việc ngoại tình. Quý vị không biết rõ nó ảnh hưởng đến người khác ra sao. Đôi khi, có nhiều lý do của việc ly hôn. Bạn bè xấu cũng đưa đến nhiều tư tưởng xấu. Không biết Phật pháp và không thực hành Pháp đúng đắn cũng là một lý do. Nếu nhìn theo khía cạnh tôn giáo, mọi tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo…, mọi tôn giáo đều khuyên từ bỏ hành vi tà dâm. Nếu quý vị nhìn vào Kinh Thánh Cựu Ước, điều luật về vấn đề tà dâm rất khắt khe. Tà dâm gây ra rất nhiều vấn đề trong gia đình. Do đó, tôi nghĩ từ bỏ tà dâm là giải pháp tốt nhất để có một gia đình hạnh phúc.

 

Hỏi: Bạch giảng sư, con không biết nên muốn hỏi, trong pháp môn Tịnh Độ có nói 5 bộ kinh với 1 bộ luận, thì trong những bộ kinh đó, bộ kinh nào thuộc về Đại thừa. Con xin giảng sư giảng cho, A Di Đà Phật!

Rinpoche: Nói chung, có nhiều pháp tu tịnh độ. Tất cả chư Phật đều có cõi tịnh độ: cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm, cõi tịnh độ của Đức Văn Thù… Mọi vị Phật đều có cõi tịnh độ. Trước hết, quý vị phải chọn cõi tịnh độ mình muốn đến. Đặc biệt, nếu xem xét pháp tu về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, pháp tu này chủ yếu dựa vào việc tụng kinh và tụng chú A Di Đà. Điểm chính yếu là tụng chú A Di Đà. Tuy nhiên, có một điều là nếu quý vị được chọn lựa giữa cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà và thế giới này, tôi nghĩ hầu hết mọi người đều chọn thế giới này. Họ chọn ra sao? Tôi sẽ kể một câu chuyện.

Có một vị tu sĩ thực hành rất tinh tấn để được vãng sinh về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Một ngày nọ, ông ấy bệnh nặng và đến bệnh viện. Bác sĩ khuyên ông phải nghỉ ngơi suốt một tháng, và du lịch nghỉ dưỡng đến Thụy Sĩ chẳng hạn. Vị tu sĩ nói ông ấy không có thời gian để nghỉ ngơi hoặc để đi du lịch Thụy Sĩ dù chỉ trong một tuần, vì ông ấy phải thực hành tinh tấn để được vãng sinh về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Lúc đó bác sĩ nói, “Bây giờ ông có hai sự lựa chọn: Thụy Sĩ hoặc cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.” Vị tu sĩ nổi giận và rời khỏi phòng khám. Khoảng năm phút sau, vị tu sĩ quay trở lại và gõ cửa phòng bác sĩ. Vị tu sĩ nói, “Bây giờ tôi nghĩ tôi chọn đi Thụy Sĩ.” Nếu tôi là ông bác sĩ đó, tôi sẽ không khuyên đi Thụy Sĩ, mà tôi sẽ khuyên “Hãy đi Nha Trang hay Đà Nẵng, hoặc là đến cõi tịnh độ.” [Rinpoche cười]

Quý vị phải xem việc vãng sinh về cõi tịnh độ là ưu tiên thứ hai. Ưu tiên thứ nhất là chúng ta đang sống trong thế giới này, quý vị phải nghĩ cách làm cho cuộc sống của quý vị và cuộc sống của gia đình mình hạnh phúc hơn, và làm cho thế giới này hạnh phúc hơn. Đó là ưu tiên số một. Ưu tiên số hai là về cõi tịnh độ. Nếu chưa đến được cõi tịnh độ thì quý vị hãy cố gắng đưa tịnh độ vào cuộc sống của mình. Đó là điều quý vị có thể làm. Thay đổi đường lối tư duy và luyện tâm sẽ thật sự thay đổi cuộc sống của quý vị.

 

Hỏi: Bạch thầy, con xin hỏi một câu. Sinh ra trong vũ trụ có những loài ăn thịt và có những loài ăn thực vật. Vậy thì liệu có thể là những loài ăn thịt luôn tạo nghiệp ác và không thể gặp điều tốt lành. Có sự khác nhau nào giữa việc con hổ ăn thịt và con người chúng ta sát sinh và ăn mặn không ạ?

Rinpoche: Trước hết chúng ta phải so sánh sự khác nhau giữa việc hổ ăn thịt và người ăn thịt. Chúng ta xem xét theo cách rất đơn giản. Thứ nhất, đâu là điểm khác biệt về cấu tạo sinh học giữa người và hổ? Loài hổ có nanh sắc và vuốt sắc. Chúng ta không có nanh sắc và vuốt sắc. Điều đó có nghĩa là gì? Về cấu tạo sinh học, chúng ta không phải là loài ăn thịt. Về cấu tạo sinh học, hổ là loài ăn thịt, hãy nhìn vào nanh vuốt sắc nhọn của chúng. Bây giờ chúng ta hãy xét đến điểm thứ hai, thuyết tiến hóa của Darwin. Trước khi tiến hóa thành người, chúng ta là loài vượn người. Quý vị chấp nhận điểm này không? Dù quý vị chấp nhận hay không cũng không có khác biệt lớn. Đó là khoa học, và ngày nay thế giới đã thừa nhận điểm này. Chúng ta là con người, và nếu nhìn lại khởi thủy của loài người, chúng ta tiến hóa từ loài vượn người. Nếu nhìn vào thức ăn của loài vượn người, quý vị sẽ thấy chúng chỉ ăn thực vật. Về cấu tạo sinh học, chúng ta không phải là loài ăn thịt. Tuy nhiên, về cấu tạo sinh học thì hổ là loài ăn thịt. Chúng không có sự lựa chọn. Loài hổ không thể nào ăn cỏ. Hổ cũng không thể ăn chuối hoặc trái cây. Tôi chưa từng nghe nói có con hổ nào ăn chuối cả; tuy nhiên tôi biết và đã thấy rất nhiều người ăn chuối [Rinpoche cười]. Do đó, chúng ta có thể lựa chọn. Loài hổ không có sự lựa chọn nào cả. Loài hổ ăn thịt theo bản năng của chúng. Quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết rằng loài hổ không bao giờ ăn thịt loài khác khi nó đã no bụng. Chỉ khi nào đói bụng thì loài hổ mới săn loài thú khác để ăn thịt. Còn con người chúng ta khi no vẫn ăn, chúng ta ăn chỉ để xem món ăn có ngon hay không. Quý vị có làm như vậy không? Nếu quý vị cũng làm như vậy thì đó chính là khác biệt lớn nhất giữa người và hổ. Loài hổ giết hại loài khác vì chúng vô minh, vì theo bản năng khi đói bụng. Con người chúng ta vẫn giết hại dù chúng ta có nhiều lựa chọn. Chúng ta sát sinh chỉ để được ăn ngon. Khi ăn chúng ta thường thêm gia vị để thức ăn ngon hơn. Với con người, khi ăn thịt, chỉ có thịt thôi thì không đủ, quý vị cần nhiều gia vị để làm thịt ngon hơn. Chính vì vậy, hành vi sát sinh của loài người là ác nghiệp nặng hơn. Hành vi sát sinh của loài thú là một ác nghiệp rất nhẹ. Đó chính là điểm khác biệt nói chung.

 

Hỏi: Kính bạch Ngài, trong Đức Phật và Phật Pháp, trang 315 có câu: “Vô minh và ái dục là cội rễ của mọi tội ác.” Kính xin Ngài chỉ dạy cho chúng con pháp hành nào chúng con cần hành trì để diệt trừ gốc rễ mọi ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm, để vào lúc cận tử nghiệp không bị chúng dẫn dắt vào ác đạo!

Rinpoche: Làm thế nào để diệt trừ vô minh? Vô minh cũng giống như bóng tối. Quý vị làm thế nào để xua tan bóng tối? Chúng ta không thể đẩy bóng tối đi nơi khác, cũng không thể cầu xin bóng tối hãy đi nơi khác. Chỉ có một cách để xua tan bóng tối. Điều chúng ta cần là ngọn đèn. Khi ngọn đèn được thắp lên, bóng tối sẽ tự nhiên tan biến. Bóng tối chẳng là gì cả, nó chỉ là trạng thái thiếu vắng ánh sáng. Tương tự, nếu muốn diệt trừ vô minh thì quý vị cần trí tuệ. Có sự khác biệt giữa kiến thức và trí tuệ. Giữa hai điều này có khác biệt lớn. Quý vị có thể trau dồi kiến thức từ thông tin. Khi tiếp nhận nhiều thông tin hơn, quý vị sẽ có kiến thức rộng hơn; tuy nhiên đó không phải là trí tuệ. Trí tuệ sẽ diệt trừ vô minh. Khi thiếu trí tuệ thì quý vị sẽ càng vô minh hơn nữa. Có rất nhiều tầng mức của trí tuệ. Mức độ thâm sâu nhất là trí tuệ thực chứng tánh không. Chúng ta sẽ có buổi học Bát Nhã Tâm Kinh. Quý vị chỉ có thể đạt đến trí tuệ ở mức độ cao nhất khi thực chứng tánh không. Tánh không được diễn giải trong Bát Nhã Tâm Kinh. Phần chú giải Bát Nhã Tâm Kinh sẽ đến vào một buổi sau, khi đó tôi sẽ hướng dẫn.

 

Hỏi: Trước đây thầy có khen việc phóng sinh là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mình. Chúng tôi là người rất thích đi phóng sinh. Tuy nhiên, mình có nhu cầu phóng sinh thì sẽ có những người bắt những loài vật để chúng tôi phóng sinh. Như vậy chúng tôi được phước cho chúng tôi thì lại tạo nghiệp cho những người bắt những loài cho chúng tôi phóng sinh. Tôi làm phước nhưng tôi lại khiến người khác tạo nghiệp. Điều đó có đúng không?

Rinpoche: Nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này. Tôi thường nói nửa đùa nửa thật. Khi chúng ta phóng sinh các con vật thì cũng sẽ có người bắt chúng lại. Điểm tốt ở đây là chúng ta đang tạo công ăn việc làm cho họ [đại chúng cười]. Ít nhất những người đó cũng không giết các con vật, mà họ sẽ bán trở lại cho người khác. Một điểm khác nữa là khi chúng ta làm việc tốt, hành động đó sẽ mang lại nhiều hệ quả khác nhau. Đôi khi rất khó kiểm soát tất cả hệ quả. Khi quý vị nhìn vào việc phóng sinh, bản thân việc phóng sinh là một hành động rất tốt. Tôi thật lòng ngưỡng một nét văn hóa này của người Việt. Tôi chắc chắn về một điều, có lẽ những con cá sinh ra ở châu Âu, châu Mỹ hay những nơi khác đang cầu nguyện để đời sau được sinh ra làm cá ở Việt Nam [Rinpoche cười, đại chúng vỗ tay].

 

Hỏi: Liên quan đến chuyện sát sinh, con muốn hỏi thầy liệu con vật có số phận hay không? Nếu con vật có số phận thì nó cũng sẽ sinh ra, tồn tại và chết để luân hồi. Đúng không ạ? Sát sinh sẽ làm cho con vật đó chuyển sang kiếp tốt hơn thì sao? Vậy thì tại sao người sát sinh lại mang nghiệp, nếu như thời điểm đó con vật phải chết? Cũng như thầy vừa nói là chúng tôi muốn phóng sinh thì có nhu cầu cho người đi bắt, rõ ràng là khi giết con vật như vậy để phát triển ngành chăn nuôi, ví dụ, để phát triển kinh tế xã hội, như vậy sát sinh đó có mang tội hay không?

Rinpoche: Một câu hỏi rất hay! Câu hỏi này nghe như một câu hỏi triết học [Rinpoche cười]. Chúng ta phải nhìn vào điểm này từ góc nhìn rộng hơn. Có một câu nói của Đức Phật: “Nếu hiểu Phật pháp thì dù đang làm việc xấu, bạn có thể tịnh hóa và giảm thiểu ác nghiệp. Nếu không hiểu Phật pháp thì dù chỉ làm một việc xấu nhỏ bé, ác hạnh đó sẽ trở nên to lớn.” Như tôi từng nói, đôi khi quý vị sát sinh vì hạnh phúc của bản thân, có khi vì lợi ích của nhiều người khác. Khi quý vị sát sinh vì lợi lạc của tất cả mọi người, dù ác hạnh hiện hữu nhưng vẫn có lợi lạc. Hành động là thiện hay ác tùy thuộc vào hệ quả mà nó mang lại. Khi một hành động mang đến khổ đa