Chủ đề: Cẩm Nang Phật Pháp Căn Bản.
TÔN SƯ KHANGSER RINPOCHE
CẨM NANG PHẬT PHÁP CĂN BẢN
MƯỜI PHẨM TÍNH CỦA MỘT ĐẠO SƯ ĐẠI THỪA
Có rất nhiều bậc đạo sư mà đôi khi một vài trong số họ không phải là đạo sư chân chính thì bạn phải làm gì? Điều quan trọng nhất, như tôi đã từng nói, để biết một bậc thầy đúng đắn hay lầm lỗi, bạn phải xem xét những phẩm tính của thầy, nhìn xem thầy có hành xử đúng theo Phật pháp hay không. Đó chính là cách bạn nhận biết một vị thầy đúng đắn hay lầm lỗi.
1. Phẩm tính thứ nhất: Đạo Sư phải làm chủ bản thân rất tốt, có nghĩa là, như tôi từng nói, vị ấy phải nghiêm trì giới luật tỳ kheo hoặc tỳ kheo ni.
2. Phẩm tính thứ hai: Đạo Sư phải rất tĩnh lặng. Tinh thần tĩnh lặng có nghĩa là Đạo Sư phải có năng lực định tâm rất tốt.
3. Phẩm tính thứ ba: Đạo Sư phải có trí tuệ. Nếu Đạo Sư không có trí tuệ thì khi đại chúng đặt câu hỏi, vị ấy sẽ bối rối. Ở tu viện, trong hệ thống Phật giáo mà chúng tôi theo học, nhiều lúc họ hỏi những câu hỏi rất hóc búa, mà bạn phải trả lời mọi câu hỏi để vượt qua giai đoạn cuối cùng của bậc học Phật pháp.
4. Phẩm tính thứ tư: Đạo Sư phải rất uyên thâm về Phật pháp. Nếu không uyên thâm về Phật pháp thì bạn không thể định nghĩa thế nào là Phật giáo và thế nào không phải là Phật giáo.
5. Phẩm tính thứ năm: Đạo Sư phải rất nỗ lực trong việc giảng Pháp cho đệ tử. Khi có người thỉnh Pháp, Đạo Sư Đại Thừa không được cảm thấy lười biếng hoặc cảm thấy mệt mỏi khi phải thuyết Pháp. Đạo Sư Đại Thừa phải nỗ lực hết mình để thuyết Pháp.
6. Phẩm tính thứ sáu: Đạo Sư phải nắm vững phần chánh văn trong kinh điển của mọi giáo huấn. Vị Thầy phải có kiến thức vững vàng về kinh điển Phật thuyết, hoặc biết rõ Phật đã thuyết những giáo huấn ở bài kinh nào. Vị ấy phải nắm vững toàn bộ kinh điển Phật thuyết.
7. Phẩm tính thứ bảy: Đạo Sư phải có kiến thức uyên bác về Tánh Không. Để thành Đạo Sư Đại Thừa thì vị thầy phải có kiến thức uyên thâm về tánh không. Để được như vậy thì vị thầy phải hiểu quan điểm của bốn trường phái tư tưởng khác nhau. Mọi trường phái tư tưởng Phật giáo đều nói về tánh không, vị thầy phải hiểu quan điểm về tánh không của mỗi trường phái. Nếu vị thầy không hiểu quan điểm về tánh không của bốn trường phái tư tưởng thì vị ấy không hề có kiến thức gì về tánh không.
8. Phẩm tính thứ tám: Đạo Sư phải có phương pháp diễn thuyết rất tốt. Nếu vị thầy không diễn đạt tốt thì đệ tử không thể nào hiểu ý của vị ấy. Phẩm tính này nói về cách vị thầy diễn đạt ý của mình, vị ấy phải rất khéo léo.
9. Phẩm tính thứ chín: Đạo Sư phải có tâm đại bi.
10. Phẩm tính thứ mười: Đạo Sư không được cảm thấy mệt mỏi khi ban giáo huấn.
(Trích nguồn: http://dipkar.com/vi/teachings/view/126/giai-thoat-trong-long-tay-24022013)
Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam hiệu đính @15/10/2015.
Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.