02-06-2024
Lamrim 2024
Download MP3

Tóm tắt bài giảng - Cách thực thụ nghe pháp

Chúng ta phải học pháp, nghe pháp như thế nào? phần này trang 151 trong sách quyển số 1 đề cập cách thức để giảng dạy và lắng nghe, chúng ta học cách lắng nghe pháp, chấp nhận giáo pháp để thực hành như thế nào? và khiến cho Phật pháp tạo được lợi lạc thì cần phải đi qua 3 bước theo trình tự.

Thứ nhất là học, thứ hai là tư duy về giáo pháp và thứ 3 là thực hành, đây chính là Văn- Tư- Tu.

Nếu học mà không có hiệu quả, có nghĩa là học sai cách. Nếu học pháp mà chỉ được hướng dẫn và cho rằng thực hành Phật pháp chỉ cần có niềm tin, tụng một vài bộ kinh là đủ thực hành, thì đó là cách hướng dẫn pháp chưa có đúng lắm. Phật pháp là những chỉ dẫn từ Đức Phật, Ngài đã chỉ dẫn như thế nào thì cần cố gắng hiểu được Ngài chỉ dẫn gì và làm gì, đó mới là cách học. Để bước đầu hiểu được những chỉ dẫn của Đức Phật một cách đúng đắn thì phải học, nhờ học thì mới hiểu đúng được. Muốn tiếp cận và thực hành Phật pháp, thì học tập rất là quan trọng, học xong mới hiểu, sau đó tư duy thì mới có thể áp dụng và thực hành được.

Đức Phật đã chỉ dẫn rất là nhiều loại, cách thức thực hành, nên để có thể xử lý được hết tất cả mọi vấn đề của mình, cần phải biết toàn diện tất cả những chỉ dẫn của Đức Phật. Do đó, cần phải học nhiều phương pháp khác nhau, nếu như mà đến với Phật pháp chưa hiểu gì hết mà biết được một vài cách thiền, ngồi xuống thiền ngay thì lúc đó khó có thể nào mang đến hiệu quả cho mình. Càng học, càng hiểu nhiều thì càng thông minh, nhạy bén hơn, cho nên học Phật pháp nhiều và biết nhiều phương pháp thực hành thì sẽ biết được nhiều loại phiền não, và cách diệt trừ các phiền não đó, diệt trừ xong phiền não thì sẽ phát sinh được trí tuệ. Nên cách lắng nghe Phật pháp là phải quan sát những lợi lạc của việc học pháp, ở đây nói về khái niệm của cái bình chứa (chứa đựng được những hạt giống của Phật pháp) và việc cần tránh 3 lỗi là bình chứa lật úp, bình chứa rò rỉ và bình chứa hôi hám - trang 162.

Bình chứa bị rò rỉ: bỏ cái gì vô cũng sẽ bị chảy ra, rỉ ra, cũng giống như vậy khi mà mình học học Phật pháp thì không nên như là một cái bình bị rò rỉ, học điều gì thì hãy ghi nhớ giữ trong tâm mình để thực hành và khiến nó có lợi lạc. Học được điều gì thì hãy cố gắng ghi nhớ và sau đó suy nghĩ và thực hành điều đó thường xuyên, lặp đi lặp lại. Dần dần nó sẽ được giữ mãi ở trong tâm trí mình.

Lỗi thứ 2 là bình chứa bị lật úp. Bình bị lật úp rồi thì sẽ không có chứa đựng được gì ở trong. Giống như vậy, ngồi nghe pháp mà tâm mình lơ đãng , không tập trung để cho những lời đó đi ra khỏi tâm trí của mình, không giữ được điều gì ở trong tâm. Vì vậy, khi nghe pháp thì cần sự tập trung, nhờ tập trung mới có thể nghe và ghi nhớ được những lời dạy. Trong quá trình học và thực hành pháp, xây dựng khả năng tập trung tốt cũng là một cách thực hành để giúp phát triển kỹ năng thực hành. Một trong những cách xây dựng khả năng tập trung, Thầy hướng dẫn mình nhắm mắt lại và đếm ngược 100,99, 98 ,97 … đếm từ từ xuống 1, đây giống như một bài tập thực hành cho tâm trí của mình.

Lỗi thứ 3 đó là giống như một bình chứa hôi hám. Bình chứa hôi hám là trong bình có chất dơ, nên khi nghe pháp mà tâm mình lại có những thành kiến, những chỉ trích… là tâm đang chứa những suy nghĩ tiêu cực sẵn rồi, từ đó sẽ khiến cho những lời dạy nó bị tiêu cực theo, không phát huy được tác dụng tích cực. Cho nên lúc mà nghe pháp, không nên giữ những suy nghĩ tiêu cực và thành kiến ở trong tâm, nó sẽ khiến cho mình hiểu sai. Hãy để tâm trống vắng trước, sau đó học Phật pháp, sẽ giúp hiểu đúng ý nghĩa thật sự của những lời dạy đó. Cái hiểu biết đúng đắn về lời dạy Phật pháp đó là điều rất là quan trọng.

Để từ bỏ 3 lỗi như trên thì cần đào luyện 6 thái độ khi nghe pháp. Sáu thái độ này hướng dẫn ta thấy được vai trò của Phật pháp và giá trị thế nào đối với bản thân mình.

Đa số mọi người nói đến Phật pháp như cái gì đó rất là linh thiêng, đó là một thái độ rất sai lầm. Đức Phật luôn dạy hãy xem Phật pháp như là dược liệu, như là phương thuốc để chữa bệnh, thuốc chữa bệnh và linh thiêng là 2 thứ hoàn toàn khác nhau.

Khi nào mình cần thuốc? khi mình mắc bệnh mình cần thuốc để chữa khỏi bệnh, khi mình hết bệnh rồi thì mình không cần phải uống thuốc nữa. Phật pháp cũng giống như vậy. Khi có bệnh, có phiền não thì cần pháp để giúp hết phiền não, khi hết phiền não được an lạc rồi thì lúc đó có thể không cần pháp nữa.

Thứ hai là khởi tâm xem diệu pháp như là thuốc, có khả năng chữa bệnh. Thế mình có bị mắc bệnh không? Đây là câu hỏi rất là quan trọng, bây giờ để trả lời câu hỏi này, bản thân mình có bệnh không ? bệnh đang nói về những căn bệnh trong tâm.

Khi thấy có sự yếu đuối trong tâm thức, có nghĩa là đang có tâm bệnh. Hãy xem mình là người bệnh và Phật pháp như là thuốc có khả năng chữa được căn bệnh của mình. Đức Phật đã dạy phải xem Phật pháp như là thuốc chữa bệnh; hãy xem vị Thầy giảng pháp như là bác sĩ. Bác sĩ kê toa và hướng dẫn cho mình thực hành cái gì, nếu mà mình thực hành không hiệu quả thì người gánh vác trách nhiệm sẽ là người Thầy.

Cho nên: thái độ thứ nhất đó là khởi tâm xem như là mình là người bệnh, thái độ thứ hai là xem pháp như là thuốc, thái độ thứ ba là xem Thầy như là bác sĩ, thái độ thứ tư là xem việc thực hành pháp giống như là cái việc uống thuốc chữa bệnh.

Phật pháp cũng giống như là thuốc chữa bệnh, nên cần uống thuốc đúng liều, đúng giờ mới có thể hết bệnh. Nếu uống thuốc đúng liều, đúng giờ mà vẫn không hết bệnh thì trách nhiệm đó là do của bác sĩ. Nói về trách nhiệm, thì cả bác sĩ và cả bệnh nhân đều phải có trách nhiệm và hợp tác cùng với nhau mới chữa dứt được căn bệnh.

Bài tập tuần này là chúng ta dành thời gian thiền và rèn luyện các thái độ. Hãy xem mình như người có tâm bệnh và Phật pháp như là thuốc, học Phật pháp giống như mình uống thuốc để chữa bệnh, Phật pháp có khả năng chữa dứt hết căn bệnh của mình. Hãy rèn cái luyện thái độ đó, Thầy nói rằng chúng ta nếu mà mình không nhớ hết thì có thể nghe đi nghe lại bài giảng để nhớ và cần phải tập trung để mà học ,để mà hiểu Phật pháp sau đó mới có thể thực hành được. Nếu không chịu học mà cứ tụng kinh, tụng chú cũng không có giúp được gì nhiều cho tâm thức của mình, chỉ có thực hành Phật pháp mới giúp chữa được phiền não, căn bệnh của tâm.