29-05-2024
Lamrim 2023
Download MP3

Tóm tắt bài giảng - Nỗi khổ trong cõi luân hồi - Phạm vi trung bình

Khi hướng dẫn các loại Khổ chung trong cõi luân hồi, Thầy có nói sơ lược về thực hành Tánh Không để tận diệt đau khổ, và bây giờ Thầy sẽ tiếp tục từ chỗ này.

Lớp mình vừa có một số thành viên trở về từ chuyến hành hương sang Ấn Độ, một số thành viên chưa thể đi trong dịp này. Với những người đã có dịp đến Ấn Độ vừa rồi, Thầy chúc các thành viên của lớp mình tiếp tục có 1 tháng thật là cát tường.

- Nỗi khổ thứ 5: chúng sanh trong cõi luân hồi bị đoạ xuống cõi thấp, rồi tái sinh lên cõi cao, tới lui nhiều lần, cứ mỗi lần tái sinh, có lúc đoạ xuống cõi thấp, có lúc được tái sinh lên cõi cao, và cái vòng lẩn quẩn đó lặp lại nhiều lần.

- Nỗi khổ thứ 6: không có ai đồng hành trong quá trình sinh tử, một phần là vì tính vô thường của cuộc đời, không có người nào bền vững đồng hành với mình trong quá trình trôi lăn trong sinh tử.

- 6 nỗi khổ này là 6 nỗi khổ căn bản trong cõi luân hồi. Nói chung, đạo Phật nói khá nhiều về đau khổ. Tuy nhiên, cần hiểu 1 điều rằng đạo Phật nói về đau khổ vì 2 nguyên nhân chính:

· Hiển bày mặt kia của cuộc sống này, cuộc sống này như đồng xu có hai mặt: mặt tốt và mặt không tốt. Đạo Phật nói về đau khổ để ta nhìn nhận cuộc sống trên cả hai phương diện đối lập.

· Khi đã học và hiểu hết sự hiện diện của nhiều nỗi khổ khác nhau của cõi luân hồi nói chung và trong cõi người nói riêng, thì chúng ta bắt đầu nhận ra được bản thân mình may mắn tới mức độ nào, không phải đồng loạt chịu đựng tất cả nỗi khổ đó. Ví dụ, mình hãy nhìn vào 6 nỗi khổ chung trong cõi luân hồi, thì hiện tại mình không phải chịu đựng hết 6 nỗi khổ này đâu, chỉ có một vài mà thôi.

Ta có bạn thân không? Mình có người đồng hành tốt hoặc thân thiết với mình không? Nếu có thì mình có lý do để hạnh phúc rồi. Trong sách nói rằng không có người đồng hành là một nỗi khổ, bây giờ có người đồng hành cho nên đang là người hạnh phúc. Nhiều người trong lớp mình tham dự chuyến hành hương, chúng ta đã cùng nhau trải qua rất nhiều sự kiện, làm được rất nhiều điều cùng nhau nên chúng ta đã có thời gian hạnh phúc cùng nhau. Ngay sau khi phái đoàn các nước đã về nước trở lại, thì Thầy bắt đầu tận hưởng vài ngày nghỉ ngơi một mình, không vướng bận điều gì. Khi phái đoàn gần 450 người đến Ấn Độ cùng một lúc, trong đó có nhiều người nói nhiều ngôn ngữ, suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau, nhiều văn hoá khác nhau, thì Thầy thực sự khá là đau đầu, vừa phải đi giảng Pháp, vừa phải quán xuyến để mọi thứ trở nên suôn sẻ, nhưng đó thực sự là những trải nghiệm Thầy cảm thấy rất thích thú. Thầy cũng cảm thấy rất thích thú khi tất cả các đoàn về nước, vì Thầy không còn bận bịu gì cả, có thể uống trà và nghỉ ngơi. Khi các phái đoàn hành hương về nước, Thầy cùng một phái đoàn nhỏ (4-5 người) cùng nhau di chuyển qua một thành phố khác ở Ấn. Phái đoàn chỉ có 4-5 người thì vô cùng dễ dàng, còn trước đó là phải quán xuyến một lúc gần 450 người. Trong một quyển Kinh ghi rằng: không có người đồng hành là một dạng đau khổ, tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận. mình có thể thấy rằng có người đồng hành cũng là điều để mình hạnh phúc, cũng như khi không còn người đồng hành thì cũng có thể khiến ta hạnh phúc, tùy vào cách mình nhìn nhận.

- Trong sách Giải Thoát Trong lòng tay, đề cập đến nỗi khổ trong luân hồi. Tuy nhiên, Thầy đã từng nói với học viên Thầy không thích giảng nhiều về nỗi khổ trong luân hồi, vì trong tâm Thầy không cảm thấy luân hồi này là đau khổ, Thầy đang thấy coi luân hồi này là hạnh phúc và tận hưởng những gì đang xảy ra trong cõi luân hồi. những ai nói nhiều về đau khổ trong luân hồi, có lẽ có 2 nguyên nhân: (1) người đó không có hạnh phúc, bởi vì nếu một người không có hạnh phúc thì có khuynh hướng nói nhiều về đau khổ trong cõi mình đang sống. ví dụ có một vị Thầy, người ấy có hạnh phúc nhưng thuyết về quá nhiều nỗi khổ trong luân hồi, thì có thể người đó đang nói dối.

- Sau khi đề cập tới 6 nỗi khổ chung trong cõi luân hồi thì theo Giải thoát trong lòng tay nói đến những nỗi khổ đặc biệt trong cõi người. Ở đây, ta cần nhìn nhận đúng đắn khi học về đau khổ, bởi vì học về đau khổ mà mình không hiểu đúng thì mình có thể nhìn nhận cuộc đời này một cách rất là sai lầm.

- Tiếp theo, Giải thoát trong lòng tay nói đến những nỗi khổ đặc biệt trong từng cõi trong luân hồi, ví dụ như nỗi khổ ở cõi súc sinh, cõi người, vv…. Khi chúng ta học về tất cả những nỗi khổ này, nếu cách nghĩ chúng ta không đúng với giáo pháp, thì ta sẽ bắt đầu thấy cuộc sống này đầy rẫy nỗi khổ xung quanh mình. Có một câu nói của Sigmen Pray, nhà tâm lý học: “Tâm con người không có khả năng có hạnh phúc”. Ông này đưa ra lý do là vì cho dù hoàn cảnh mọi thứ diễn ra thuận lợi đi nữa thì tâm con người luôn có cảm giác gì đó thiếu thiếu, và luôn muốn tìm mảnh ghép thiếu còn lại đó. Chính vì suy nghĩ mình còn thiếu cái gì đó và tôi muốn đi kiếm chính mảnh ghép còn thiếu đó khiến mình không cảm nhận được niềm hạnh phúc trong cuộc đời. sau khi mình đã đi qua hết giáo lý về các nỗi khổ khác nhau rồi, ở điểm này, pháp thực hành thiền quán chính của mình là thiền quán về nỗi khổ của tất cả những chúng sanh khác, của những người khác. Khi mình thấu hiểu được nỗi khổ của những người khác, họ đã trải qua nỗi khổ gì ở hiện tại, thì chúng ta sẽ dễ dàng phát triển được lòng từ bi. Đồng thời, mình cảm thấy được bản thân mình may mắn đến nhường nào. Khi thực hành thiền quán về nỗi khổ, thì ta tập trung vào nỗi khổ của những người khác. Ngay điểm này, trong sách đang bàn về nỗi khổ của các cõi thấp và ở cõi người. khi mình học xong rồi thì mình cần thiền quán về đau khổ của những người khác xung quanh mình.

- Ngày 15 trong Giải thoát trong lòng tay, bắt đầu nói về NHÂN của KHỔ. Nhân của Khổ ở đây chính là ÁC NGHIỆP, và Nhân của ác nghiệp chính là PHIỀN NÃO. Bàn đến 6 phiền não căn bản, bởi vì tâm mình bị chất chứa phiền não, và những phiền não này thúc đẩy mình tạo nghiệp, tạo nghiệp rồi thì phải lãnh quả, và quả đó chính là quả đau khổ. Cho nên mình cần hiểu rõ các loại phiền não phát sinh trong tâm mình: 6 phiền não căn bản ở Ngày thứ 15, trang 63, của quyển 2.

1. Phiền não căn bản 1: THAM: người học pháp rất dễ nhầm lẫn tâm luyến ái và tình thương của người khác, nhiều khi mình nhầm tưởng tâm tham và tâm luyến ái với tình thương, Đức Phật đã dạy rằng tất cả chúng ta phải thương yêu chúng sanh khác nhưng không được luyến ái bám chấp vô đối tượng đó. Đôi lúc mình cũng gọi phiền não này là bám chấp, tâm tham hoặc tâm bám chấp khiến mình không có nhiều lựa chọn trong cuộc đời này. Ví dụ một người tham tiền và bám chấp vô tiền, và nghĩ rằng tiền là cách duy nhất có được hạnh phúc, và không có tiền thì không có được hạnh phúc. Tương tự, một người nghiện rượu và chỉ nghĩ rằng chỉ có rượu mới có hạnh phúc, không có rượu thì không có hạnh phúc, cho nên tâm tham hoặc tâm bám chấp giới hạn lựa chọn của mình trong cuộc sống. nếu ta thích ăn pizza và ta không bám chấp vào món ăn đó thì mình vẫn có thể tận hưởng món ăn khác khi mình không có pizza để ăn, tuy nhiên, nếu ta vừa thích ăn pizza và vừa bám chấp vô món pizza đó, nếu không có món khác ngoài món pizza này thì mình không thấy ngon miệng. chúng ta vừa học về tâm bám chấp, hay tâm tham, hai loại này là phiền não căn bản thứ 1, sẽ thôi thúc chúng ta tạo ác nghiệp, từ đó dẫn đến đau khổ. Công việc sắp tới của ta là giảm bớt bám chấp, thậm chí là diệt trừ bám chấp. khía cạnh thứ hai của bám chấp là khiến chúng ta cảm thấy ích kỷ, tại vì tâm bám chấp sẽ làm phát sinh tâm muốn sở hữu, mình muốn sở hữu gì đó cho riêng mình thì từ đó cái suy nghĩ ích kỷ dần dần phát sinh và tăng trưởng. Thầy giúp phân biệt tâm thương yêu và tâm bám chấp: nếu thích hoặc thương một bông hoa và bám chấp vào bông hoa thì hai điều đó khác nhau như thế nào. Nếu như thương một bông hoa, và không bám chấp vào đóa hoa đó thì mình tìm cách tưới hoa trên cây và làm mọi cách để bông hoa đó phát triển tốt nhất trên cây hoa. Tuy nhiên, nếu mình có tâm bám chấp vào đóa hoa đó thì mình muốn cắt đóa hoa đó đem về nhà, để giữ làm của riêng cho mình, mặc dù mình biết rằng cắt hoa về thì vài ngày sau hoa sẽ chết. Đó là sự khác biệt giữa lòng thương không bám chấp và tâm bám chấp.

2. Phiền não căn bản thứ hai: SÂN: có lẽ Thầy không cần nói nhiều về tâm SÂN, vì chúng ta nổi sân đã rất nhiều lần rồi.

Thầy muốn hỏi lớp những ai đã đến Ấn Độ rồi, chúng ta có tận hưởng cảnh của chuyến đi hay không? Trước khi chuyến đi diễn ra, Thầy không mong chờ mọi thứ diễn ra giống chuyến đi vừa rồi, hết sự việc này, sự việc khác diễn ra, Thầy nghĩ lại thì thấy giống như xem một bộ phim vậy. Những ai chưa có dịp đến Ấn Độ lần này, Thầy chờ xem có thể tổ chức một chuyến hành hương đến Ấn Độ vào vài tháng sau hay không? Và những ai đã đến Ấn Độ rồi thì đích đến tiếp theo của mình là tu viện của Thầy ở Nepal.

Đối với tâm Sân, phiền não căn bản thứ hai, có 2 điều quan trọng cần học và hành: (1) hiểu về sân giận, (2) biết cách đối trị lại sân giận.

(1) Học để nhận diện được sân giận: sân giận là tâm như thế nào? trước khi mình học thiền quán về sân giận thì Thầy muốn chia sẻ một bức hình với lớp mình. Cách đầu tiên để nhận biết được sân giận là mình hãy nhắm mắt lại và suy nghĩ 3-5 điều kích hoạt được tâm sân trong người mình. Ta nhắm mắt lại và suy nghĩ 3-5 điều kích hoạt tâm sân của mình, sau đó ghi xuống giấy. sau khi tìm được nguyên nhân kích hoạt tâm sân của mình rồi thì Thầy sẽ hướng dẫn mình đối trị lại sân giận, sau đó Thầy sẽ dạy mình cách đối trị với bám chấp. Mình học 6 phiền não căn bản này và học 6 biện pháp đối trị tương ứng.

o Bước 1: trong quá trình đối trị lại sân giận là phải phát hiện ra tâm sân đang xuất hiện trong tâm của mình.

o Bước 2: Ngay lúc mình phát hiện mình đang nổi giận, thì ngay lập tức ta hãy quay về tập trung vào hơi thở. Mình hít vào thở ra, đếm 1, hít vào thở ra đếm 2, vv.. khi mình phát hiện cơn giận đang phát sinh, đang bắt đầu, biết mình đang nổi giận, thì mình cần phải hít thở sâu và đếm hơi thở.

o Bước 3: Nếu mình nhìn vào tâm sân của mình, thì 80-90% thì mình nổi giận đối với người mình thương, quan tâm. Việc thứ 3 trong quá trình điều phục sân giận là ta phải luôn nhắc nhở bản thân rằng nếu mình nổi giận thì sẽ hủy hoại hạnh phúc của mình và của người mình thương yêu. Thầy sẽ lặp lại 3 bước đối trị sân giận.

Tóm lại:

Bước 1: phải luôn tỉnh giác để biết khi nào mình nổi giận,

Bước 2: khi phát hiện mình đang nổi giận thì ta phải tập trung vào hơi thở thật sâu, hít vào thở ra đếm 1, 2, vv…

Bước 3: liên tục nhắc nhở bản thân: nếu ta sân giận thì sẽ làm hủy hoại hạnh phúc của mình và của người xung quanh.

Trong 3 bước này, bước 1 là khó khăn nhất, vì nếu khả năng tỉnh giác còn yếu thì không kiểm soát được sân giận. có những người họ nổi sân xong rồi, la mắng chửi bới rồi, sau đó họ mới phát hiện ra họ vừa nổi sân.

Để có thể rèn luyện được tâm tỉnh giác, quán sát nội tâm thì phải tập thói quen luôn nhìn vào trong tâm mình, hỏi rằng tôi có đang nổi sân hay không, vv… mình phải luôn nhìn vào trong và tự hỏi như vậy. Ba bước này phải liên tục và diễn ra trong tâm thì mình mới có thể đối trị được sân giận và phải khiến 3 bước này ngấm vào máu thì mới có cơ hội phát hiện và đối trị lại sân giận kịp thời. Luyện tới mức 3 bước này thấm nhập vào tâm mình đến nỗi trong mơ mình nỗi giận thì mình cũng nhớ và áp dụng được 3 bước trong mơ. Nếu mình luyện tâm đến mức 3 bước này xuất hiện cả trong giấc mơ thì chắc chắn rằng ngay lập tức mình có thể giảm được 50% những lần nổi giận.

Thông thường, những gì mắt thấy tai nghe thì dễ đi vào tâm con người, ba bước thực hành đối trị này không phải là cái gì có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy được, cho nên để 3 bước này khắc sâu vào tâm mình thì chỉ có cách duy nhất là mình thiền quán hoặc mình nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần về 3 bước này, tới lui nhiều lần.

Bài tập thiền tuần này: hãy thực hành nhiều lần 3 bước này, thậm chí những lúc mình không nổi giận. khi mình thực hành thường xuyên như thế thì tại thời điểm mình nổi giận thì những bước đối trị tự động trở lại tâm mình và mình nhớ được pháp đối trị. Điều quan trọng, khi tâm mình phẳng lặng, thì mình vẫn phải liên tục nhìn vào trong tâm và tự hỏi xem bản thân mình có đang nổi giận hay không. Mình phải làm như vậy mới có thể tăng trưởng được khả năng tỉnh giác.

Vào phạm vi trung bình sẽ dần dần học được pháp đối trị nhắm vào từng loại phiền não trong tâm, hôm nay học về pháp đối trị sân giận, các hôm sau học pháp đối trị về bám chấp hoặc chấp ngã, vv …