09-08-2023
Lamrim 2023
Download MP3

Tóm Tắt LAMRIM23 Tuần 22 Ngày 09/08/2023

Ngày Thứ 8

Nương tựa bậc thầy

Trong ngày thứ 8, nói về các phẩm tính cần thiết để trở thành một vị Thầy giảng dạy giáo pháp. Để trở thành một vị đạo sư thì một người cần rất nhiều phẩm tính. Trong sách GTTLT có đề cập đến mười phẩm tính, dựa vào đó để biết được ai là người có đủ phẩm chất để trở thành đạo sư.

Phần tiếp theo là học cách chúng ta phải nhìn nhận (nương tựa) Thầy như thế nào?

Cần nhìn nhận (nương tựa) Thầy trong ý nghĩ cũng như trong hành động thật đúng.

Nương tựa bậc Thầy bằng ý nghĩ:

- Thứ nhất: phát sinh được tín tâm đối với Thầy.

- Thứ hai: phát sinh được lòng kính ngưỡng đối với Thầy.

- Thứ ba: phát sinh lòng biết ơn đối với Thầy.

Vậy làm sao để làm phát sinh tín tâm nơi vịThầy? Tín tâm bắt nguồn từ lòng tin, tín tâm lòng tin bắt đầu từ sự tin tưởng vào Thầy, chúng ta phải tin tưởng vào Thầy. Tuy nhiên khi thực hành gầy dựng sự tin tưởng nơi Thầy mình, thì không nhất thiết trong tất cả các tình huống trong cuộc sống, cần phải phát sinh sự tin tưởng ở Thầy trong các quan hệ học pháp và tất cả những điều gì liên quan đến giáo pháp, đến với thực hành giáo pháp.

Sau khi đã có được tín tâm nơi Thầy, tiếp theo nên làm phát sinh tâm kính ngưỡng hay lòng sùng mộ nơi vị Thầy. Để phát sinh tâm kính ngưỡng này chúng ta phải nhìn Thầy như là một vị Phật. Tuy nhiên, chúng ta không cần xem Thầy là một vị Phật khi chúng ta phát hiện ra vị Thầy làm những điều trái ngược với giáo pháp.

Nhiệm vụ của một vị thầy không phải nói những lời dễ nghe đối với học trò, mà phải nói cho học trò những điều gì là đúng, là sai so với lời Phật dạy.

Để xem Thầy như Phật, phải dựa trên nền tảng vị Thầy đó có làm đúng với lời Phật dạy, có tuân thủ giới luật dành cho tăng, ni hay không? nếu đúng như vậy thì cần xem vị ấy như là một vị Phật. Bằng cách xem thầy là một vị Phật chính là cách nương tựa bậc thầy trong ý nghĩ.

Đâu là lý do chính đáng để cần phải xem thầy là 1 vị Phật?

Đức Phật đã nhập diệt hơn 2500 năm trước, ta không có cơ hội diện kiến hoặc nhận giáo pháp trực tiếp từ Ngài. Vị thầy là người trực tiếp truyền tải và trao truyền giáo pháp của Đức Phật cho chúng ta. Đó là lý do chính đáng, xem thầy như một vị Phật, như một sự biết ơn.

Một vị tu sĩ, một vị tỳ kheo khi đã nhận giới tỳ kheo rồi thì cần phải tuân thủ 253 giới. Nên khi quán sát vị Thầy xem vị ấy có giữ giới thì cần phải xem vị ấy có thực hành đúng 253 giới hay không? Vị Thầy không giữ giới thì không cần xem vị ấy như một vị Phật. Tuy nhiên, khi đã xác nhận vị Thầy nghiêm trì giới luật, thì nhất định phải xem vị Thầy như là một vị Phật, bởi vì đã không được Đức Phật trực tiếp truyền trao giáo pháp, chỉ có vị Thầy là người trực tiếp truyền trao giáo pháp cho, nên ta cần phải xem Thầy như là Phật.

Nương tựa bậc Thầy bằng hành động:

Khi nương tựa một vị Thầy, nếu Thầy bảo làm một điều gì thì phải nỗ lực làm theo, nếu vì lý do nào đó không thực hành theo được lời Thầy thì cần phải báo với Thầy biết là không làm theo được. Điều đó đảm bảo tính minh bạch trong cách chúng ta truyền thông với vị Thầy, nếu như không làm được, chỉ lẳng lặng không làm thì đó không phải là cách đúng để nương tựa vào vị Thầy bằng hành động.

Thầy truyền khẩu cấu chú của Ngài Quán Thế Âm và Ngài Văn Thù

Trì tụng câu chú Ngài Văn Thù và cầu nguyện Ngài gia trì để chúng ta có thêm trí tuệ. Trì tụng ít nhất 3 lần mỗi ngày.