18-06-2022
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 8 - NGÀY 18/06/2022

CHỦ ĐỀ: NƯƠNG TỰA BẬC THẦY (do Thầy Thabkhe Lodre hướng dẫn)

- Quyển Giải Thoát Trong Lòng Tay đề cập những lợi lạc khi nương tựa vào một vị thầy chân chính và những lỗi lầm nếu không nương tựa vào vị thầy chân chính. Vậy có phải tất cả các vị giảng pháp đều là vị thầy chân chính hay không? Câu trả lời là không. Chỉ mỗi việc nói pháp thôi thì chưa phải có đủ đức hạnh chân chính để ta nương tựa vào.

- Theo kinh điển của đức Phật, vị thầy chân chính được chia làm 3 loại: vị thầy xuất sắc, vị thầy bậc trung và vị thầy tối thiểu. Tùy theo nhân duyên của mỗi người mà ta gặp được những vị thầy rất xuất sắc. Các vị thầy khác dù không có đầy đủ các phẩm tính để trở thành một vị thầy xuất sắc nhưng vẫn có được những phẩm tính đủ để ta nương tựa học Phật pháp.

- Trong bản luận Trang Nghiêm Kinh của Ngài Di Lặc, Ngài Di Lặc nói rằng vị thầy xuất sắc cần 10 đức hạnh như sau:

(1, 2, 3) Dòng tâm thức của một bậc thầy phải được điều phục nhờ giới. Tâm tán loạn của một bậc thầy phải rất an lạc nhờ tịnh chỉ nhất tâm. Sự chấp thủ bản ngã nơi bậc thầy phải rất tịnh nhờ trí tuệ. Ba điều này được gom gọn trong Giới - Định - Tuệ. "Giới"là vị thầy phải có đạo đức, có những nguyên tắc cần phải tuân thủ để không phạm lỗi lầm. "Định" là vị thầy phải có sự tập trung chuyên nhất mới chuyển tải được kiến thức cho học trò. "Tuệ" là vị thầy không có tâm ngã mạn cao, phải điều phục được bản ngã của mình. Đây là 3 đức tính đầu tiên cần phải có ở một vị thầy chân chính.

(4) Vị thầy phải là người có nhiều đức hạnh hơn mình: Ta phải nương tựa vào những người có đức hạnh cao hơn mình thì nhờ đó đức hạnh của ta mới tăng trưởng được.

(5) Bậc thầy phải có tính kiên trì để hướng dẫn cho đệ tử.

(6) Một kho tàng kinh điển (trang 404): Vị thầy phải thông thạo kinh điển, vì khi hướng dẫn một điều nào đó về Phật pháp, ít nhất phải được biết Phật đã nói điều đó trong kinh nào để dẫn chứng điều mình nói chính là lời Phật dạy.

(7) Thật kiến chân như: Vị thầy phải có thực hành và có trải nghiệm những điều mà mình dạy cho học trò.

(8) Có tài biện thuyết: Bậc thầy có những kỹ năng khéo léo, có khả năng nói cho học trò hiểu được lời dạy của đức Phật.

(9, 10) Hai đức tính cuối cùng rất quan trọng là từ bi và từ bỏ sự thất vọng về cung cách của đệ tử.

+ Từ bi: Một vị thầy hướng dẫn giáo pháp cho đệ tử không phải vì của cải vật chất mà đệ tử mang đến cúng dường. Động cơ cốt lõi để vị thầy dạy giáo pháp cho đệ tử là vì lòng từ bi, mong muốn đệ tử học được những điều hay từ giáo pháp của đức Phật, giúp đệ tử tăng trưởng được đức hạnh.

+ Từ bỏ sự thất vọng về cung cách của đệ tử: Khi đệ tử không nghe lời, hoặc lười biếng…, vị thầy phải vượt qua sự thất vọng đó để kiên trì dạy cho đệ tử.

- 10 đức tính trên là những đức tính cần phải có ở một vị thầy xuất sắc. Nếu không tìm được một vị thầy xuất sắc thì ta cần tìm một vị thầy giỏi (vị thầy bậc trung): một vị thầy giỏi phải có đủ 5 đức tính gồm Giới - Định - Tuệ, có tâm từ bi mong muốn làm lợi lạc cho đệ tử và có tính kiên trì để dạy Phật pháp cho đệ tử.

- Nếu không tìm được vị thầy bậc trung có đủ 5 đức tính (Giới - Định - Tuệ - Từ bi - Kiên trì) thì ít nhất phải tìm một vị thầy tối thiểu. Vị thầy tối thiểu cần có 3 đức tính: Một là vị thầy ít lỗi, vị thầy càng ít lỗi càng xứng đáng nương tựa hơn. Hai là vị thầy ít ra phải biết nghĩ đến chuyện làm lợi lạc cho người khác nhiều hơn là làm lợi lạc cho bản thân. Ba là vị thầy phải hiểu biết về nhân quả, nghĩa là ít nhất cũng phải biết nghĩ đến làm việc tốt để có được kết quả lợi lạc ở tương lai. Nếu ngay cả 3 đức tính này mà không có đủ thì không xứng đáng để ta nương tựa học giáo pháp từ vị thầy đó.

-. Đã có những câu chuyện đi tìm vị thầy có đủ phẩm hạnh chân chính để nương tựa vào như câu chuyện Ngài Milarepa đi tìm thầy. Từ những câu chuyện đó mới thấy để tìm được một vị thầy chân chính không hề dễ dàng. Một khi đã tìm được vị thầy chân chính rồi, ta hãy phát tâm nương tựa vào thầy. Nhờ nương tựa vào vị thầy chân chính mà ta sẽ có thể hiểu biết và thực hành được những pháp chân chính. Cùng với nỗ lực của bản thân, ta sẽ có khả năng chứng ngộ nhiều điều chân chính, dẹp bỏ được những lỗi lầm, từ đó có những trải nghiệm như các bậc giác ngộ.

- Nếu đã thấy được những phẩm tính và đức hạnh nơi vị thầy chân chính và quyết định nương tựa vào vị thầy đó thì từ lúc quyết định nương tựa, ta phải nghĩ đến chuyện nương tựa như thế nào và thực hành chuyện nương tựa đó như thế nào.

+ Ta phải nương tựa trong suy nghĩ như thế nào? Chuyện nương tựa trong suy nghĩ có 2 điểm là kính trọng thầy và nghe lời thầy. Nghe lời ở đây nghĩa là ta phải thực hành theo những lời thầy dạy. Rất nhiều người nghĩ rằng quỳ lạy thầy, cung kính cúng dường thầy v.v… là nương tựa thầy. Thực ra đó chỉ là hình tướng bên ngoài. Cốt lõi của việc nương tựa thầy là phải kính trọng thầy và nương theo lời thầy khuyên bảo để có được thành tựu trong việc thực hành của mình.

+ Tiểu sử của Ngài Milarepa đã cho thấy một cuộc đời kính trọng vị thầy và nương tựa vị thầy đúng nghĩa, nhờ đó đã có được thành tựu Phật pháp rất to lớn. Ngài Milarepa nói với vị thầy của mình là Ngài Mapa rằng “con là một kẻ ăn xin không có gì cúng dường lên thầy, những gì con có thể cúng dường lên thầy là niềm tin và sự kính trọng của con. Bên cạnh đó là nỗ lực của con để làm lợi lạc cho tất cả mọi người xung quanh.

+ Khi nương tựa một vị thầy, điều quan trọng nhất là nghe lời thầy và thực hành theo lời dạy của thầy để có được hiệu quả từ việc thực hành Phật pháp. Cúng dường của cải vật chất hay lễ lạy không phải là việc chính khi nương tựa vị thầy. Món cúng dường tốt nhất để dâng lên bậc thầy là việc ta nỗ lực thực hành theo lời thầy dạy để thành tựu được điều đó và mang lợi lạc đến cho những người xung quanh.

- Vậy vị thầy đối với học trò như thế nào? Thông thường chúng ta hay thỉnh các vị thầy làm lễ hoặc thỉnh thầy cầu nguyện thế này thế kia. Đó là do lòng tử tế, từ bi của những vị thầy nên mới làm điều đó cho mình. Thực ra, ân phước lớn nhất mà một vị thầy mang đến cho ta là những lời dạy. Bởi vì những lời dạy của vị thầy chỉ ta con đường đúng đắn phải đi, hướng dẫn ta phải hoàn thiện bản thân như thế nào theo lời Phật dạy để có được thành tựu giác ngộ.

- Đức Phật nói rằng “Như Lai không thể nào dùng nước để rửa sạch ác nghiệp của chúng sinh. Như Lai không thể nào dùng tay xua hết đau khổ của chúng sinh. Như Lai không thể nào đem trải nghiệm chứng ngộ của mình để trao cho chúng sinh. Điều Như Lai có thể làm là dạy pháp cho chúng sinh để chúng sinh có thể thực hành và trải nghiệm chứng ngộ đó từ chính bản thân mỗi người”. Do đó, điều cốt lõi mà ta có thể nương tựa một vị thầy đúng nghĩa là nghe lời thầy dạy và áp dụng thực hành cho bản thân mình. Đó là ân phước lớn nhất ta có thể nhận được từ một vị thầy.

- Một điều quan trọng nữa trong việc nương tựa một vị thầy là ta phải quan sát xem những lời vị thầy giảng có đúng theo những điều Phật đã dạy trong kinh điển và có hướng dẫn cách áp dụng tốt hay không. Trong các bộ luật của đức Phật luôn đề cao vai trò của bậc thầy. Bên cạnh đó, đức Phật cũng nói rằng nếu vị thầy có dạy những gì không đúng với giáo pháp và nếu bản thân chúng ta quan sát thấy lời dạy của vị thầy đó có vài điểm không đúng với giáo pháp thì ta có quyền không thực hành theo. Do đó, việc học rất quan trọng vì giúp cho ta có trí tuệ để phân biệt đúng sai. Trí tuệ phân tích là một trong những phẩm tính mà người đệ tử cần phải có.