20-01-2024
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 64 – NGÀY 20/01/2024

CHỦ ĐỀ: TÁNH KHÔNG

- Thông thường, khi nói về tánh không, người ta nghĩ tánh không rất đơn giản, nhưng thực tế tánh không không đơn giản như mình nghĩ. Để hiểu được tánh không, có 4 điểm then chốt cần phải biết (trang 314, quyển 2):

1/ Xác định đối tượng cần bác bỏ

2/ Xác định toàn bộ những khả tính

3/ Xác định ngã và uẩn không phải là một

4/ Xác định ngã và uẩn không thực sự là khác

- Xác định đối tượng cần bác bỏ: Ta cần phải biết mình đang bác bỏ cái gì, đang phủ định cái gì. Để tìm hiểu xem mình đang bác bỏ điều gì thì cần phải tự quán chiếu vào bên trong của mình.

- Tánh không hay còn nói là vô ngã, nghĩa là ta đang bác bỏ cái ngã/cái tôi. Trước tiên, ta phải biết mình đang nắm bắt cái tôi như thế nào thì mới có thể bác bỏ được cái tôi đó. Cần nhìn vào sâu bên trong, tìm hiểu xem mình đang nghĩ cái tôi như thế nào bằng cách đặt câu hỏi tôi là ai, tôi như thế nào, tìm hiểu xem ta đang bám chấp vào một cái tôi như thế nào, tìm xem cái tôi có phải là cơ thể này hay không, cái tôi đó có phải là tâm thức hay không.

- Thông thường ta vẫn nghĩ cái tôi đó có thực nên bây giờ ta đi tìm xem cái tôi đó có thật không. Đầu tiên, ta tìm cái tôi đó, xem mình đang cảm nhận cái tôi đó tồn tại như thế nào. Sau khi xác định được cái tôi mình đang nắm bắt như thế rồi thì bắt đầu lập luận, tư duy xem cái tôi đó có phải là thân hay không và tìm lý do chứng minh cái tôi không phải là thân, sau đó tiếp tục xem cái tôi có phải là tâm hay không rồi tìm lý do chứng minh cái tôi đó không phải là thân. Cứ lặp đi lặp lại cách lập luận như vậy. Ví dụ, ta lập luận rằng tâm thức không có cảm giác nóng lạnh, nhưng cái tôi có cảm giác nóng lạnh nên tôi không thể là tâm. Sau đó, lập luận tiếp rằng cái tôi không thể là thân vì sau khi chết đi, cơ thể này bị đốt nhưng cái tôi không có mất, mà đi tái sinh đời kế tiếp. Như vậy, cái tôi không thể là thân, cũng không thể là tâm. Chúng ta hãy thiền như vậy.

- Khi học thiền về tánh không, chỉ có học lý thuyết thôi thì sẽ không giúp cho ta hiểu được tánh không mà phải thiền, tự tư duy và lập luận thì mới hiểu được. Thiền ở đây là thiền phân tích, thiền quán, tức dùng lập luận lý lẽ chứng minh điều mình đang đi tìm hiểu để từ đó phát sinh trải nghiệm hiểu biết về điều mình đang đi tìm hiểu.

- Ở phần thiền này, cái mà ta phải để ý là những trải nghiệm và cảm giác của mình. Ví dụ về việc chứng minh cái tôi không phải là tâm thức, ta thấy rằng tâm thức chỉ biết suy nghĩ chứ không biết cảm giác nóng lạnh vì nóng lạnh là các cảm giác trên cơ thể, chứ không phải của tâm. Tâm thức không có biết lạnh nhưng cái tôi lại biết lạnh. Trải qua phân tích như vậy, ta sẽ phát sinh trải nghiệm là “ồ, cái tôi không thể là tâm thức được”.

- Ta phải phát triển được cảm giác mình cảm nhận như thế nào về cái tôi của mình vì bình thường trong suy nghĩ của mình, ta vẫn thường nghĩ rằng tôi thế này, tôi thế kia. Ta cần phải quán chiếu lại xem mình đang cảm nhận thế nào về cái tôi của mình. Cho nên trong lúc thiền khám phá mình đang cảm nhận về cái tôi như thế nào, sẽ có lúc ta cảm nhận cái tôi đó chính là cơ thể này. Lúc đó dùng lý do để chứng minh cái tôi không phải là cơ thể. Có lúc ta cảm nhận cái tôi đó là tâm thức thì dùng lý do để chứng minh cái tôi đó không phải là tâm thức.

- Ở phần thiền này cần trải qua 2 giai đoạn: cần có được cảm nhận nào đó về cái tôi của mình, sau đó thiền tiếp thì đến lúc nào đó ta cảm nhận rằng cái tôi mà mình nhận diện khi nãy, sau quá trình phân tích thì thấy cái tôi đó là không có. Đây là 2 giai đoạn cần trải qua: thứ nhất là khi tìm cái tôi, ta có thể tìm ra cái tôi thế này, thế kia, có thể cảm nhận rằng cái tôi có thể là thân, hoặc cảm nhận rằng cái tôi có thể là tâm của mình. Mỗi một lúc tìm, ta có thể có cảm nhận khác nhau. Sau khi nhận diện được cái tôi rồi thì ta dùng lập luận chứng mình ngược lại. Nếu cảm nhận cái tôi đó là thân thì chứng minh nó không phải là thân, cảm nhận cái tôi đó là tâm thì chứng minh nó không phải là tâm. Đến một giai đoạn ta cảm nhận rằng cái tôi không phải là thân, cũng không phải là tâm, dường như nó không có tồn tại, nó không có.

- Tóm lại, để có thể hiểu được vô ngã, cần phải biết được ngã là gì trước. Xưa nay ta vẫn nghĩ đến một cái tôi sai lầm, nghĩ rằng cái tôi của mình là thế này thế kia, đó là những suy nghĩ sai lầm, cho nên ta phải đi tìm mình đang suy nghĩ như thế nào về tôi, nhận diện những suy nghĩ sai lầm đó, sau đó dùng lập luận để chứng minh cách nghĩ cái tôi sai lầm đó là không đúng. Trải qua phủ định hết tất cả những sai lầm thì dần dần đưa đến một trải nghiệm rằng cái tôi sai lầm đó không có thật, không tồn tại, từ đó mới phủ định được tất cả những suy nghĩ sai lầm về tôi, lúc đó mới hiểu được vô ngã là như thế nào. Ta cần lặp đi lặp lại phần thiền về vô ngã, tánh không để có được những trải nghiệm như vậy. Cần biết rằng thiền về tánh không chỉ có thể hiểu được thông qua các trải nghiệm và thiền định thôi.

- Bài tập trong tuần: Thực hành thiền về tánh không theo 2 bước:

1/ Cần xác định ta đang nắm bắt cái tôi như thế nào.

2/ Trong quá trình đi tìm cái tôi, đôi khi ta cảm nhận cái tôi chính là cơ thể của mình, đôi khi cảm nhận cái tôi chính là tâm thức của mình. Nếu cảm nhận cái tôi chính là thân thì ta dùng lập luận để chứng minh cái tôi không thực sự là thân. Nếu cảm nhận cái tôi chính là tâm thì ta dùng lập luận để chứng mình cái tôi không thực sự là tâm.