04-06-2022
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 6 – NGÀY 04/06/2022

CHỦ ĐỀ: 6 pháp chuẩn bị (Thầy Thabkhe Lodroe hướng dẫn)

- Khi học Phật pháp, quan trọng nhất là động cơ khi bắt đầu buổi học và cầu nguyện khi kết thúc. Cho nên chúng ta hãy bắt đầu khởi động cơ tốt trong buổi học này.

- Trước mỗi buổi giảng, có phần đọc kinh. Mở đầu của phần đọc tụng này là bài kệ quy y và phát tâm bồ đề: “Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng/ Cho đến ngày đạt được giác ngộ/ Với công đức có được nhờ bố thí v.v…/ Nguyện đắc Phật quả vì lợi lạc chúng sinh”. Chúng ta hãy dành 1 phút nghĩ đến chuyện quy y và phát tâm bồ đề như thế và mong rằng những công đức có được từ buổi học Phật pháp này không chỉ giúp cho bản thân mình mà còn giúp ích được cho những người xung quanh, bạn bè, người thân, xã hội.

- Thầy Thabkhe Lodre tiếp tục hướng dẫn 6 pháp chuẩn bị:

1/ Lau nhà sạch sẽ và bày biện những biểu tượng thân khẩu ý giác ngộ

2/ Kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt

3/ Ngồi theo tư thế (gồm 8 sắc thái) của Phật Tỳ Lô Giá Na

4/ Khẩn cầu ruộng phước

5/ Dâng lời cầu nguyện 7 phần:

(1) Kính lễ

(2) Cúng dường

(3) Sám hối ác nghiệp

(4) Hoan hỷ

+ Hoan hỷ có nghĩa là vui với những việc thiện của người khác. Việc hoan hỷ này sẽ giúp ta đối trị được tâm ganh tị, đố kỵ của bản thân.

+ Thông thường, chúng ta ít khi nào vui với việc tốt của người khác mà lại ganh tị, đố kỵ với những gì tốt người khác có. Tâm ganh tị và đố kỵ khiến cho ta bị phiền não trong tâm, làm ta mất đi công đức, bị ác nghiệp và phải chịu kết quả xấu. Do đó, ta cần phải tìm cách dẹp bỏ những phiền não do tâm đố kỵ quấy nhiễu.

+ Thay vì ganh tị, đố kị với người khác, bây giờ khi thấy việc làm tốt của người khác dù nhỏ hay lớn, ta hãy phát tâm hoan hỷ với người đó. Việc hoan hỷ không chỉ giúp ta có được sự an lạc trong tâm mà ta cũng có được công đức ngang bằng với người làm việc thiện đó.

+ Tổ Tsongkhaba nói rằng, một việc thiện nhỏ hay lớn có làm được hay không thì không quan trọng bằng việc khi thấy người khác làm được một việc tốt mà ta phát tâm hoan hỷ thì ta sẽ có được công đức ngang bằng với người làm việc thiện đó.

+ Hoan hỷ có 2 phần: hoan hỷ với việc tốt của người khác và hoan hỷ với những việc tốt mình đã làm được. Nếu ta biết cách hoan hỷ như thế, thì công đức có được từ những việc thiện mình đã làm sẽ ngày càng tăng trưởng.

(5) Thỉnh Phật chuyển pháp luân: nghĩa là thỉnh Phật giảng pháp.

+ Khi đức Phật xuất hiện trên thế gian này và giảng pháp cho chúng sinh, thì những ý nghĩa sâu sắc từ lời Phật giảng giúp cho người thế gian noi theo thực hành để thoát khỏi tất cả đau khổ, phiền não. Cho nên, bây giờ ta mong Phật giảng pháp để tất cả mọi người có thể hiểu biết giáo pháp và thực hành theo lời Phật dạy, từ đó thoát khổ.

+ Chuyện thỉnh Phật giảng pháp còn có một ý nghĩa nữa là ta có thể tự học kinh điển và mang ý nghĩa từ giáo pháp của đức Phật đến cho mọi người.

(6) Thỉnh Phật đừng nhập Niết Bàn

+ Chúng ta Thỉnh Phật sống lại trên thế gian, đừng nhập Niết bàn với ý nghĩa mong Phật tiếp tục giảng pháp để làm lợi lạc cho nhiều người. Thời xưa các đệ tử của Phật đã thỉnh Phật sống hoài trên thế gian và đừng nhập Niết Bàn như thế nào thì bây giờ chúng ta cũng nghĩ đến vị thầy của mình và tất cả các vị thầy đang giảng pháp, mong các thầy trụ thế để giảng pháp, mang lợi lạc cho nhiều người. Việc thỉnh Phật đừng nhập Niết Bàn là việc làm có nhiều công đức.

+ Chúng ta hãy nghĩ đến Ruộng Phước theo như Thầy Thabkhe Lodroe đã hướng dẫn trong buổi học trước và bắt đầu thực hành lời cầu nguyện 7 phần này. Đầu tiên, nghĩ đến Ruộng Phước rồi tiến hành kính lễ qua thân, khẩu, ý. Kế nữa là thực hành cúng dường lên Ruộng Phước. Tiếp đến, với Ruộng Phước ở trước mặt, gồm tất cả các Phật và Bồ Tát chứng minh cho việc thực hành sám hối của mình, chúng ta hãy nghĩ đến những lỗi lầm đã phạm và phát tâm ăn năn, hứa sẽ không tái phạm những lỗi lầm đó, từ đó tịnh hóa các ác nghiệp của mình. Kế đến, chúng ta hãy hoan hỷ với thiện hạnh của người khác. Tiếp theo là thỉnh Phật chuyển pháp luân và thỉnh Phật đừng nhập Niết Bàn để tiếp tục làm lợi lạc cho nhiều người. Chúng ta hãy nghĩ rằng các đức Phật và Bồ Tát trên Ruộng Phước đã hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu của chúng ta.

(7) Hồi hướng

+ Mục đích chính yếu của hồi hướng là để gìn giữ được công đức. Khi ta sân giận hoặc rơi vào hoàn cảnh khó khăn khiến ta không kiểm soát được bản thân mà phạm phải ác nghiệp thì những việc đó sẽ phá hủy công đức của việc thiện trước đó tạo ra. Cho nên ta hãy hồi hướng sau mỗi lần làm việc thiện để giúp ta gìn giữ được công đức.

+ Hồi hướng càng rộng lớn bao nhiêu thì công đức giữ được sẽ càng rộng lớn bấy nhiêu. Cho dù chỉ làm một việc nhỏ như cúng dường một ngọn đèn lên đức Phật, chúng ta hãy hồi hướng để công đức đó mang được lợi lạc lớn cho bản thân và cho tất cả mọi chúng sinh hoặc hồi hướng để mình thành Phật vì lợi lạc cho chúng sinh. Hãy nghĩ rằng thời xưa các vị Bồ Tát như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền hồi hướng như thế nào thì con cũng xin hồi hướng công đức của con theo cách giống như vậy.

+ Nếu ta thực hành lời cầu nguyện 7 phần này trước chánh điện, trước những nơi linh thiêng, có các biểu tượng tượng trưng cho sự giác ngộ của đức Phật, thì ta sẽ tích góp được vô lượng công đức.

- Sau khi thực hành lời cầu nguyện 7 phần, hãy nghĩ rằng từ Ruộng Phước có ánh sáng hào quang chiếu đến thân của ta và ta nhận được hoàn toàn năng lực gia trì của các Phật và Bồ Tát trên Ruộng Phước, giúp ta thanh tịnh cả thân và tâm.

- Phương pháp chuyển hóa tâm thức và đối trị với ác nghiệp, phiền não bằng cách thực hành lời cầu nguyện 7 phần:

+ Một là kính lễ: Kính lễ có 2 ý nghĩa. Đầu tiên là tỏ niềm tôn kính trước đức Phật. Hai là giúp ta dẹp bỏ tính ngã mạn.

+ Hai là cúng dường: Cốt lõi của việc cúng dường không phải là cúng nhiều hay ít mà là để điều phục, đối trị với tâm ích kỷ, tức tính bỏn xẻn, keo kiệt, vì ít khi nào ta chịu chia sẻ những gì mình có cho người khác hoặc bỏ những gì lớn lao để giúp đỡ người khác.

+ Ba là sám hối ác nghiệp: Sám hối là cách đối trị với những phiền não, dằn vặt trong tâm khi làm việc sai trái đối với người khác.

+ Bốn là hoan hỷ: Đây là một cách để đối trị với tâm ganh tị, đố kỵ với việc làm tốt của người khác.

+ Năm là thỉnh Phật chuyển pháp luân: Mục đích là để đối trị với việc xem thường giáo pháp. Điều này thể hiện qua việc ta nghĩ thầy của mình là tốt và chê bài thầy của người khác. Nếu ta coi thường giáo pháp của vị thầy kia, tức là ta đang coi thường giáo pháp của đức Phật. Việc xem thường giáo pháp sẽ tạo ác nghiệp rất lớn, khiến ta không được thuận duyên để học hỏi giáo pháp của đức Phật.

+ Sáu là thỉnh cầu Ruộng Phước đừng nhập Niết Bàn. Có nghĩa là ta mong muốn tất cả các Phật vẫn tiếp tục ở lại thế gian để tiếp tục giảng pháp và làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

+ Bảy là hồi hướng: Đây là một phương pháp gìn giữ công đức, để những việc làm tốt của ta không bị phá hủy bởi những ác nghiệp và sân giận trong tương lai.

* Lời cầu nguyện 7 phần là những phần thực hành cốt yếu giúp ta tích phước và tịnh hóa ác nghiệp. Cốt lõi của việc tịnh hóa ác nghiệp là tịnh hóa và điều phục, thay đổi tâm để tâm trở nên tốt đẹp hơn. Đức Phật đã dạy rằng cốt yếu của việc thực hành giáo pháp là hoàn toàn điều phục tâm chính mình.

* Nếu chúng ta thiền được về lời cầu nguyện 7 phần thì rất tốt. Nếu không có điều kiện để thiền thì thỉnh thoảng chúng ta dành ít thời gian để đọc đi đọc lại, ghi nhớ trong tâm về 7 phần này vì đó là những phương pháp để chuyển hóa tâm thức và đối trị với phiền não trong tâm.

* Sau khi xong phần 6 nghi lễ chuẩn bị là đến phần chính. Phần này chỉ ta làm thế nào tìm được vị thầy chân chính, có thể hướng dẫn ta thực hành giáo pháp đúng và nêu rõ những phẩm hạnh nào ở vị thầy giúp ta xác định đó là một vị thầy chân chính.