28-10-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 59 – NGÀY 28/10/2023

CHỦ ĐỀ: CHÍN TRẠNG THÁI TÂM

- Khi cố gắng tập trung vào đối tượng thiền, chúng ta khó duy trì lâu dài sự tập trung đó. Lúc ấy, chúng ta đã bị phân tâm.

- Phân tâm có 2 mức độ: thô và vi tế. Phân tâm còn gọi là trạo cử. Chẳng hạn, khi ta đang tập trung vào hình ảnh phật Thích Ca, mà tâm cứ chạy ra ngoài, nghĩ hẳn sang một đối tượng khác, không còn tập trung vào hình ảnh Phật Thích Ca thì gọi là trạo cử. Khi khó giữ tâm ở yên một chỗ, có một cách là tưởng tượng ảnh tượng Phật phóng to và nhìn to hơn vào mặt của Phật, như vậy sẽ giúp ta dễ thiền hơn.

- Nếu có thể thiền được từ 3 phút trở lên mà không bị phân tâm thì ta đã vượt qua được trạng thái tâm 3. Lưu ý là chúng ta cần phải giữ tính liên tục của việc thiền, cố gắng thực hành thiền mỗi ngày.

- Khi đang thiền về hình ảnh tượng Phật, hình ảnh có hiện lên nhưng không được rõ ràng, mà dần dần mờ đi, không rõ nét các chi tiết thì chướng ngại đó gọi là hôn trầm. Khi hình ảnh hiện lên mờ dần, rồi tối đen, lúc đó cơ thể mình cảm thấy rất thoải mái, thư giãn, lúc đó mình chuẩn bị buồn ngủ. Khi thiền mà rơi vào trạng thái như vậy, đó là một trạng thái nguy hiểm của thiền.

- Khi vượt qua được trạng thái tâm 4 thì ở trạng thái tâm 5 và 6 các chướng ngại vi tế sẽ xuất hiện, lúc đó chúng ta phải đối mặt với hôn trầm vi tế và trạo cử vi tế (đọc thêm sách Giải Thoát Trong Lòng Tay). Trong lúc đang thiền về hình ảnh đức Phật thì một nửa tâm mình đang nghĩ về hình ảnh đức Phật, một nửa tâm đang nghĩ về đối tượng khác, đó chính là trạo cử vi tế. Nếu thực sự muốn cải thiện trình độ thiền của mình thì cần phải vượt qua được chướng ngại này. Đối với những người đã tập trung liên tục được từ 3 phút trở lên mà không còn bị phân tâm thì phải nghiêm túc loại bỏ trạo cử vi tế, tức tình trạng nửa tập trung vào đối tượng thiền, một nửa bị phân tâm. Còn những ai chưa vượt qua được 3 phút thì không cần loại bỏ điều này.

- Bài tập thực hành:

+ Hãy đếm số lần bị phân tâm trong thời thiền. Chúng ta có thể tùy chọn đối tượng thiền theo ý thích và tập trung vào đối tượng đó. Khi nào mất tập trung thì đếm là 1 và cố gắng tập trung trở lại. Sau đó, nếu bị mất tập trung một lần nữa thì đếm thêm lần nữa và cố gắng tập trung trở lại. Trong 1 ngày chúng ta làm rất nhiều việc cùng lúc mà không tập trung một chỗ, tâm thức của mình nghĩ nhiều thứ cùng một lúc, điều đó rất nguy hiểm, không có ích cho tâm mình. Nếu muốn tâm thức có được an lạc, nhẹ nhàng thì đầu tiên chúng ta phải học cách chỉ tập trung vào một đối tượng và gạt bỏ các điều khác ra. Để làm được điều đó, cần phải xây dựng được khả năng tập trung.

+ Nếu trong 5 phút thực hành thiền mà bị phân tâm hơn 10 lần thì chúng ta phải cải thiện khả năng tập trung nhiều hơn.

+ Có rất nhiều người thiền, nhắm mắt lại, nghĩ là mình đang thiền nhưng thực sự tâm mình đang nghĩ đến chuyện khác. Thực ra mình đang bị phân tâm mà không biết. Muốn biết lúc nào bị phân tâm thì cần có năng lực tỉnh giác, tỉnh giác càng nhiều thì sẽ biết được lúc nào bị phân tâm. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là phải xây dựng năng lực tỉnh giác thì mới có công cụ đối trị lại trong thiền. Ở phần thiền này, ta cần xây dựng năng lực tỉnh giác, khi nào mình bị mất tập trung thì phải phát hiện ngay.

HỎI & ĐÁP:

Câu hỏi 1: Thưa Thầy, nếu trong lúc quán tưởng đức Phật, con có nhiều suy nghĩ như nên thiền hay quán tưởng thế nào thì có phải là trạo cử hay không?

Rinpoche trả lời: Đó chính là trạo cử vi tế. Nếu đang thiền về hình ảnh đức Phật mà mình liên tục có suy nghĩ “ồ, mình phải thiền về đức Phật, không được thiền về đối tượng khác”, chính suy nghĩ đó là một loại phân tâm. Nếu đã đặt đối tượng thiền của mình là hình ảnh đức Phật thì lúc thiền tập trung vào hình ảnh đức Phật, chỉ có mỗi hình ảnh đó ở trong tâm thức của mình thôi, hoàn toàn không còn bất kỳ điều gì khác. Đó mới gọi là tập trung.

Câu hỏi 2: Thưa Thầy, khi thiền, con nên mở mắt hay nhắm mắt?

Rinpoche trả lời: Về phần thiền này, chúng ta nên nhắm mắt sẽ tốt hơn, không nên mở mắt.

Trong một số kinh điển có hướng dẫn chúng ta nửa nhắm nửa mở, mắt khép hờ, nhưng cách đó rất khó có thể tập trung nên tôi hay khuyên chúng ta nên nhắm mắt, sẽ dễ thiền hơn.

Câu hỏi 3: Con xin hỏi Thầy con thiền một lúc thì con không thể nhớ hình ảnh của đức Phật, nên phải mở mắt ra xem lại. Làm sao con có thể tăng cường trí nhớ của mình?

Rinpoche trả lời: Ở đây phải chia ra trường hợp là chúng ta đang đạt đến giai đoạn nào. Nếu tập trung liên tục chưa được 1 phút thì lúc đó mình xác định nguyên nhân là do trí nhớ của mình chưa nhớ đúng, cứ thiền một tí là quên hình ảnh thì mình mở mắt ra nhìn ảnh. Ở giai đoạn này, cách làm này vẫn ổn. Nhưng nếu đã thiền hết giai đoạn 3, nghĩa là thiền được 3 phút trở lên mà thấy hình ảnh bắt đầu mờ mờ, không đủ chi tiết là do tâm mình lúc mà tập trung không rõ ràng được đối tượng. Lúc này chúng ta cần phải tăng trưởng khả năng tập trung cho rõ ràng, chứ không mở mắt ra để xem ảnh.

Câu hỏi 4: Khi quán tưởng đức Phật, con không thấy được hình ảnh đức Phật, có thấy được cũng rất mờ, chỉ thấy một màu trắng. Làm cách nào con có thể cải thiện ạ?

Rinpoche trả lời: Phương pháp đối trị duy nhất là mở mắt ra nhìn ảnh, cố gắng ghi nhớ và nghĩ đến ảnh ở trước mặt hình. Vấn đề này chỉ xuất hiện khi chúng ta mới bắt đầu tập thiền. Trường hợp này gọi là mất hoàn toàn đối tượng thiền. Cách duy nhất là mở mắt ra xem lại và ghi nhớ.

Câu hỏi 5: Khi con không giữ chắc hình ảnh, con đọc chú đức Phật trong tâm thì con giữ được. như vậy có được không ạ? Thường sau 3 phút con mới bị thế.

Rinpoche trả lời: Trường hợp này ta đã thiền được liên tục 3 phút, từ sau 3 phút thì mới xảy ra tình trạng không giữ chắc được hình ảnh. Lúc này ta cố gắng tăng trường độ sắc nét, độ rõ ràng của hình ảnh trước mặt mình. Còn việc đọc chú để giữ hình ảnh thì vẫn được.

Câu hỏi 6: Khi thiền, con thấy hình ảnh đức Phật lúc to lúc nhỏ, vậy con phải làm sao?

Rinpoche trả lời: Trường hợp này, khi còn thấy được hình ảnh trước mặt mình thì vẫn ổn. Giống như ta thấy hình ảnh quả táo lúc to lúc nhỏ, miễn sao còn thấy quả táo nghĩa là mình vẫn còn đang tập trung. Đối với hình ảnh Phật cũng vậy.

Câu hỏi 7: Thưa Thầy, con chỉ thấy hình ảnh tổng quát thôi, chứ không thấy thấy rõ từng đường nét thì có được không?

Rinpoche trả lời: Ở trong những giai đoạn đầu, chỉ cần thấy hình ảnh tổng quát là được. Sau khi đạt trạng thái tâm 3, từ trạng thái tâm 3 sang trạng thái tâm 4 thì cần làm rõ nét hình ảnh.

- Ở thời đức Phật, khi tính thời gian thì không đo lường thời gian theo phút mà đo bằng hơi thở, nếu hít vào thở ra được 21 lần thì tính là qua được giai đoạn 1. Vì khoảng thời gian hít vào thở ra 21 lần tương đương với 1 phút nên bây giờ dùng phút để đo lường thời gian tập trung. Qua khoảng thời gian đó được tính là đạt trạng thái tâm 1.

- Bài tập trong tuần:

+ Trong tuần này, chúng ta tiếp tục thực hành thiền chỉ nhằm tăng cường khả năng tập trung. Mục tiêu là cố gắng hoàn thành xong trạng thái tâm 3, tức thiền liên tục trong 3 phút mà không bị phân tâm. Một ngày chúng ta có thể chia 2-3 lần thiền, mỗi lần chỉ cần thiền 2-3 phút thôi. Cứ làm liên tục, ngày nào cũng đều thực hành. Thiền hơi thở không đủ phức tạp để giúp mình cải thiện khả năng tập trung. Muốn cải thiện khả năng tập trung thì phải thiền về hình ảnh, như thiền về hình ảnh đức Phật.

+ Trong tuần này, ở Nepal có nghi lễ của một tôn giáo khác không phải đạo Phật, họ sẽ giết các con thú để hiến tế. Chúng ta hãy cầu nguyện và hồi hướng cho các con thú trong buổi lễ hiến tế đó.