19-08-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2023

TUẦN 51 – NGÀY 19/08/2023

CHỦ ĐỀ: SÁU BA LA MẬT (NGÀY 20)

1/ BỐ THÍ BA LA MẬT

2/ TRÌ GIỚI BA LA MẬT

3/ NHẪN NHỤC BA LA MẬT

4/ TINH TẤN BA LA MẬT

- Tinh tấn là hoan hỷ với các pháp thiện, siêng năng, chuyên cần thực hành các pháp thiện.

- Ta biết rằng ta có thân người quý báu, là một điều kiện may mắn nhưng ta có giữ được thân người quý báu mãi mãi hay không? Câu trả là không. Vì chết và vô thường sẽ xảy ra. Khi chết, ta không chắc lại có được thân người phù hợp để thực hành giáo pháp, nên ta cần phải tận dụng thân này thực hành pháp để có được kết quả thiện lớn lao. Cho nên thiền quán về chết và vô thường là nhân tốt nhất để phát sinh được tinh tấn lớn lao.

- Tinh tấn là để đối trị với lười biếng.

- Có 3 loại lười biếng (xem trang 256, quyển 2 Giải thoát trong lòng tay):

+ Lười biếng do thiếu hăng hái: Loại lười biếng này còn gọi là trì hoãn, do ta nghĩ rằng mình còn nhiều thời gian, công việc đó không cần phải làm gấp rút trong hôm nay, để ngày mai làm cũng được. Nhưng nếu cứ trì hoãn lần lữa mãi thì chẳng bao giờ ngày mai đó đến cả, đến cuối cùng ta sẽ chẳng làm được gì cả. Đức Phật đã dạy nhiều phương pháp để đối trị với loại lười biếng này. Đó là chúng ta hãy nghĩ đến vô thường. Sau khi đức Phật giác ngộ, Ngài giảng pháp cho học trò, thì Ngài dạy rất nhiều về vô thường. Trong suốt quá trình giảng pháp, Ngài cũng dạy về vô thường. Đến cuối đời, trước khi Ngài nhập diệt, Ngài cũng nhắc học trò thiền quán về vô thường, vì vô thường là phương pháp tốt nhất để đối trị với lười biếng. Lúc đó ta nghĩ rằng mình không còn nhiều thời gian nữa nên sẽ siêng năng tinh tấn thực hành pháp.

+ Lười biếng do khao khát những tầm cầu xấu xa: Nghĩa là lười biếng bám chấp những việc xấu/việc vô nghĩa. Việc vô nghĩa là những việc không mang đến điều gì tốt đẹp cả nhưng theo thói quen, ý thích mà mình vẫn cuốn vào những công việc ấy, ví dụ như xem tin tức trên mạng. Càng ngày thời gian mình mất đi mà mình không tận dụng để làm các việc tốt, có kết quả tốt đẹp. Để đối trị, ta nên nghĩ rằng ta có những mục tiêu lớn nào trong cuộc sống và cần phải đạt được những mục tiêu như thế nào, từ đó mới nghĩ rằng những mục tiêu đó mình vẫn không đủ thời gian để hoàn thành, nếu bây giờ cứ để thời gian trôi mất đi. Do nghĩ như thế, ta sẽ có phương pháp để đối trị với loại lười biếng thứ 2.

+ Lười biếng vì chủ bại: Còn gọi là tự ti, tức xem thường bản thân mình. Ví dụ nghĩ rằng “tôi ngu quá không học được Phật pháp”, hoặc nghĩ rằng “tôi già rồi, trí tuệ không tinh tường, học cứ quên hoài nên không học được đâu”. Chúng ta tự xem thường bản thân, nghĩ rằng chuyện đó mình không có khả năng làm được đâu. Đây là loại lười biếng rất tồi tệ, là rào cản khiến ta không làm được gì cả. Ngay cả việc dấn thân, ta cũng không làm thì nói gì đến chuyện đạt được kết quả từ việc đó.

- Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của Ngài Tịch Thiên nói rằng các loài ong, kiến… vì để mưu sinh cũng cần cù siêng năng vượt quá khó khăn. Loại người có trí thông minh, biết suy nghĩ, biết tư duy thì tại sao không chịu tinh tấn, siêng năng. Có câu “Kiến tha lâu về tổ”, cho dù làm những việc nho nhỏ nhưng ta cần cù siêng năng thì dần dần sẽ góp được thành quả lớn lao. Nếu không dấn thân thì ta sẽ không làm thành công được một việc gì cả.

- Khi đã hiểu được 3 loại lười biếng thì ta sẽ dễ dàng hiểu được tinh tấn, vì tinh tấn là pháp đối trị với lười biếng. Định nghĩa của tinh tấn trong kinh điển là hào hứng đối với thiện, nghĩa là luôn có niềm hứng khởi dấn thân làm các việc thiện.

- Trong tác phẩm Nhập Trung Luận của Ngài Nguyệt Xứng có nói rằng tất cả mọi phẩm hạnh đều nhờ tinh tấn. Nhờ tâm hào hứng đó, ta làm các thiện hạnh thì mới có được đức hạnh. Nếu không hào hứng làm việc thiện thì sẽ chẳng làm được việc gì và sẽ chẳng có đức hạnh gì cả.

- So sánh giữa tinh tấn và trí tuệ thì tinh tấn quan trọng hơn. Một người ít thông minh nhưng cần cù, tinh tấn thì từ từ tích góp sẽ có được kết quả lớn lao. Còn một người có trí tuệ mà không làm gì cả, không cần cù, siêng năng thì cũng không có thành quả nào. Có tinh tấn thì có được tất cả, không có tinh tấn thì gần như không đạt được gì cả.

- Tinh tấn có 3 loại:

+ Tinh tấn như áo giáp: Thời xưa đức Phật lúc chưa thành Phật thì cũng nhờ tinh tấn mới đạt được quả vị lớn lao, nghĩa là lúc Ngài gặp khó khăn, gian khổ trên đường đạo thì cũng không nản chí và luôn có sức mạnh tinh thần lớn để vượt qua khó khăn. Các vị tổ như Ngài Milarepa cũng vậy, sức mạnh tinh thần luôn thúc giục ta phấn đấu vượt qua khó khăn. Đó gọi là tinh tấn như áo giáp, giúp ta vượt qua khó khăn, gian khổ. Trên thế giới, có nhiều người rất thông minh đạt được những thành quả lớn lao. Chúng ta chỉ thấy được thành công lớn và trí thông minh lớn của họ mà không thấy được quãng đường họ vượt qua gian khổ, phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt được thành quả đó.

+ Tinh tấn tích lũy thiện hành: Là loại tinh tấn siêng năng làm tất cả mọi việc thiện như thanh lọc bản thân, cúng dường v.v… Bất kể lúc nào ta nghĩ đến một việc thiện và dấn thân siêng năng thực hiện việc thiện đó đều gọi là tinh tấn tích lũy thiện hành.

+ Tinh tấn làm việc cho tất cả hữu tình: Khi gặp bất kỳ chúng sinh nào đang khó khăn, ta luôn cần cù siêng năng làm công việc có lợi cho chúng sinh đó.

- Khi thực hành tinh tấn, ta cần có thái độ như thế nào để tinh tấn có hiệu quả? Ta phải nghĩ rằng việc mình phải làm rất khẩn cấp, không thể trì hoãn được nữa, nếu không làm thì có tác hại rất lớn. Trong việc thực hành pháp, ta phải nghĩ rằng tinh tấn thực hành pháp mới giúp ta đạt được giải thoát, nếu không khi cái chết ập đến thì đau khổ lớn sẽ đến.

- Chúng ta thường thấy những người có năng khiếu và có đam mê đối với một công việc gì đó thì họ làm công việc đó rất tốt. Người không có đam mê và không có năng khiếu thì làm công việc không tốt. Nhưng không có nghĩa ta chỉ chăm chăm làm những gì mình có năng khiếu và đam mê, còn những gì không đam mê thì lại bỏ. Ta cần hiểu rằng đam mê đến từ việc ta làm công việc đó tốt và cảm thấy có kết quả tốt. Do đó, đối với những việc mình không có làm tốt, ta phải nghĩ đến lợi lạc của công việc đó để tạo động lực cố gắng vượt qua khó khăn. Ta hãy nghĩ rằng nếu thành công việc đó thì sẽ có được những lợi lạc như thế nào. Khi nghĩ đến lợi lạc của công việc đó, ta sẽ cố gắng tập làm quen với công việc đó. Khi công việc đó trở nên dễ dàng hơn, ta sẽ thích và phát sinh đam mê, từ đó làm công việc đó tốt hơn.