10-06-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 44 – NGÀY 10/06/2023

CHỦ ĐỀ: BẢY ĐIỂM LUYỆN TÂM (TIẾP THEO)

1/ Pháp hành sơ khởi: đầu tiên thực hành các pháp sơ khởi

2/ Pháp hành chính yếu: Luyện tâm bồ đề

3/ Chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ

Khi thế gian tràn đầy lầm lỗi,

Chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ

Hãy trách cứ một điều duy nhất

Thiền quán tri ân đến tất cả

Mọi ảo hiện quán thành bốn thân

Giữ vững tánh không, không gì hơn

Cách tốt nhất với bốn pháp hành

Gặp việc thế nào cũng thiền quán

- Chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ là chuyển hóa mọi khó khăn, thử thách của mình thành tố chất thực hành cho con đường giác ngộ.

- Bất cứ lúc nào gặp khó khăn trong cuộc sống, hãy nghĩ rằng ta đang phải đương đầu với khó khăn đó là do ta chấp nhận chịu khó khăn đó thay cho chúng sinh. Cách nghĩ vậy sẽ giúp cho chúng ta có nhiều động lực vượt qua khó khăn của bản thân hơn. Ví dụ, khi ta bị đau đầu thì nghĩ rằng cầu nguyện tất cả mọi cơn đau đầu trên thế gian sẽ rơi xuống mình và mình gánh chịu hết mọi cơn đau đầu đó thay cho chúng sinh để tất cả mọi chúng sinh trên thế gian này không còn bị đau đầu nữa.

- “Hãy trách cứ một điều duy nhất”: Tất cả mọi khó khăn nào mà ta đang phải đương đầu thì bây giờ đổ lỗi cho ai? Ta chỉ đổ lỗi cho một điều duy nhất là tâm chấp ngã của mình. Bởi vì chấp ngã nên xưa giờ ta đã làm nhiều chuyện xấu để bây giờ bản thân phải chịu rất nhiều khó khăn. Cho nên chỉ có thể đổ lỗi những khó khăn mà ta gặp là do tâm chấp ngã của mình mà thôi.

- “Thiền quán tri ân đến tất cả”: Đây là điểm thiền rất quan trọng, nghĩa là giữ tâm tử tế và biết ơn đến tất cả mọi người.

- Bài tập trong tuần:

+ Bước 1: Nghĩ đến tất cả những khó khăn, thử thách mà bản thân đang phải đối mặt, sau đó nghĩ tất cả khó khăn như vậy của tất cả mọi chúng sinh sẽ rơi xuống mình và mình gánh chịu mọi khó khăn đó thay cho chúng sinh để tất cả mọi chúng sinh không phải chịu những khó khăn như vậy nữa.

+ Bước 2: Hướng tâm đến mọi chúng sinh, bày tỏ biết ơn đến tất cả mọi chúng sinh và đối xử tử tế với họ.

- “Mọi ảo hiện quán thành bốn thân/ Giữ vững tánh không, không gì hơn”: ở đây nói rằng cách thực hành tốt nhất để luyện tâm và biến chuyển mọi hoàn cảnh là thiền quán về tánh không.

- “Cách tốt nhất với bốn pháp hành/ Gặp việc thế nào cũng thiền quán”:

+ Chúng ta hãy học thuộc “Gặp việc thế nào cũng thiền quán” vì đây là câu rất quan trọng.

+ Vậy thời điểm nào là thời điểm tốt nhất để thiền? Văn bản luyện tâm này nói rằng “Gặp việc thế nào cũng thiền quán”, nghĩa là khi gặp đúng hoàn cảnh khó khăn khiến tâm mình tán loạn thì đó chính là lúc chúng ta thiền quán, vận dụng các phương pháp luyện tâm. Chữ “Việc” ở đây có nghĩa là những nghịch cảnh của mình, tức gặp khó khăn thì ta hãy lập tức áp dụng thiền quán.

- Ở điểm luyện tâm thứ 3 “chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ’”, có một công cụ khá quan trọng là tỉnh thức, tức biết rằng tâm mình đang tích cực, hay tiêu cực, hay đang gặp khó khăn. Khi nhận thấy tâm đang tiêu cực, đang gặp khó khăn thì áp dụng ngay các phương pháp thiền quán để đối trị với những suy nghĩ tiêu cực đó.

- Trong tuần này, chúng ta hãy áp dụng thêm bài tập là thực hành tỉnh thức, cụ thể là quan sát tâm mình xem lúc nào tâm đang có suy nghĩ tiêu cực, đến cuối ngày đếm xem tâm mình có bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực. Và bất cứ lúc nào thấy có suy nghĩ tiêu cực trong tâm thì lập tức áp dụng phương pháp luyện tâm để điều phục ngay suy nghĩ tiêu cực đó.

- Cách mà chúng ta thường hay làm trong cuộc sống là khi gặp khó khăn hay buồn bực, chúng ta thường giải tỏa bằng cách thả hết bực bội đó lên người khác, làm tổn thương người khác. Khi làm tổn thương người khác thì ta cũng chẳng có vui vẻ gì. Vì thế, cách luyện tâm ở đây là bất cứ lúc nào gặp hoàn cảnh khó khăn thì đừng đẩy hoàn cảnh khó khăn cho người khác, mà giải tỏa hoàn cảnh khó khăn đó bằng cách áp dụng các phương pháp luyện tâm và thiền quán để đối trị với những khó khăn và điều phục những suy nghĩ tiêu cực trong tâm. Khi bắt đầu các phương pháp thực hành để luyện tâm, chúng ta cần phải cẩn thận quan sát những tiêu cực trong tâm mình.

4/ Một pháp thực hành suốt đời:

Tóm lược tinh túy của giáo huấn

Là năm lực, hãy nên áp dụng.

Pháp Đại Thừa Chuyển Di cũng dạy.

Năm lực ấy, hãy trọng thực hành

- Xem thêm phần Năm lực ở trang 211, quyển 2 Giải Thoát Trong Lòng Tay.

- Năm lực gồm:

(1) Năng lực hạt giống trắng:

+ Tại sao những suy nghĩ tiêu cực lại phát sinh trong tâm mình? Một trong những nguyên nhân là trong tâm ta đã có hạt giống của những điều tiêu cực, nên từ hạt giống đó nảy nở những suy nghĩ tiêu cực. Khi nghĩ tiêu cực quá nhiều, những suy nghĩ tiêu cực đó lại tác động ngược vào tâm mình, lại tạo ra các hạt giống tiêu cực mới, từ đó lại phát sinh ra các suy nghĩ tiêu cực mới, mối quan hệ ở đây giống như con gà - quả trứng.

+ Năng lực hạt giống trắng ở đây là khi đã hiểu được cơ chế này, chúng ta hãy cố gắng gieo trồng hạt giống thiện, hạt giống tích cực để từ đó phát sinh những suy nghĩ thiện, suy nghĩ tích cực trong tâm. Từ hạt giống thiện đó tác động ngược vào tâm mình, gieo trồng các hạt giống thiện nữa, tự nhiên hạt giống mới sẽ phát sinh ra những suy nghĩ thiện, suy nghĩ tích cực mới nữa.

(2) Năng lực của tập quán:

+ Khi chúng ta làm việc nào nhiều lần, lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen của mình. Một khi trở thành thói quen xấu và không ý thức được thói quen xấu đó thì rất khó bỏ. Ví dụ như thói quen uống rượu rồi trở nên nghiện rượu, hoặc khi ta có việc gì khó khăn, bực bội thì lại la mắng người khác, đó cũng là một thói quen xấu. Do đó, điều quan trọng là quan sát chính bản thân mình để xem mình có những thói quen xấu nào, đừng để các việc làm xấu của mình trở thành thói quen xấu khó bỏ.

+ Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay có hướng dẫn hãy để ý đến những bạn xấu, tức những người bạn có thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến mình. Chúng ta cần giữ khoảng cách với những người có thói quen xấu như thế.

+ Nếu có thói quen xấu mà ta còn lặp đi lặp lại nhiều lần thì thói quen xấu sẽ ngày càng trở nên rất mãnh liệt. Một khi trở nên mãnh liệt rồi thì rất khó thay đổi và sửa chữa thói quen đó. Do đó ta phải áp dụng năng lực của hạt giống tốt để kiềm chế, thay đổi năng lực của hạt giống xấu. Nghĩa là chúng ta phải làm nhiều việc thiện hơn, khi nó trở thành thói quen thì sẽ lấn át được các thói quen xấu.

+ Trong tuần này, chúng ta hãy suy nghĩ về 3 thói quen xấu của bản thân. Để thay đổi thói quen xấu thì tạo thói quen tốt để đối nghịch với nó. Cho nên, chúng ta hãy tìm thêm 3 thói quen tốt của bản thân, xem thói quen tốt nhiều hơn hay thói quen xấu nhiều hơn. Khi thói quen tốt nhiều hơn thì sẽ lấn át được thói quen xấu của mình.

(3) Năng lực quyết định: nghĩa là quyết tâm, tức động cơ của mình. Chúng ta hãy đặt động cơ cho việc làm của mình như “tôi phải thực hành Phật pháp để thay đổi bản thân, để rèn luyện tâm…”

(4) Năng lực của sự từ bỏ: một khi nhận diện được thói quen xấu của mình thì hãy xác định “tôi sẽ không làm những điều đó nữa, tôi quyết định từ bỏ những thói quen xấu đó”.

(5) Năng lực của cầu nguyện: bất cứ lúc nào gặp khó khăn, thử thách quá sức của mình thì nghĩ đến Ruộng Phước, Tam Bảo, cầu nguyện Ruộng Phước gia trì để giúp ta vượt qua các hoàn cảnh khó khăn đó.

+ Trong tuần này, hãy tìm 3 thói quen xấu và 3 thói quen tốt của mình. Nếu thói quen tốt ít hơn thói quen xấu thì tìm cách tạo thêm thói quen tốt cho mình và hãy thực hành năng lực cầu nguyện. Cụ thể là cầu nguyện với Ruộng Phước để giúp ta nhận diện được thói quen xấu và từ bỏ được thói quen xấu.