03-06-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 43 – NGÀY 03/06/2023

CHỦ ĐỀ: LUYỆN TÂM BỒ ĐỀ THEO PHƯƠNG PHÁP HOÁN ĐỔI NGÃ THA (tiếp theo)

- Luyện tâm bồ đề theo 2 phương pháp: Bảy lớp nhân quả và hoán đổi ngã tha.

- Phương pháp hoán đổi ngã tha là tự nguyện nhận lãnh đau khổ của người khác và đem hạnh phúc, yên vui của mình trao tặng cho người khác. Đặt phương pháp này lên hơi thở như sau: Nhắm mắt lại và nghĩ ở phía trước mặt mình có tất cả mọi chúng sinh. Khi hít vào, nghĩ rằng tất cả mọi đau khổ của chúng sinh theo làn hơi của mình hít vào và mình nhận lấy mọi đau khổ của chúng sinh. Khi thở ra thì nghĩ theo làn hơi thở ra mang tất cả mọi yên vui, hạnh phúc của mình trao tặng cho chúng sinh. Nếu tâm tình nguyện nhận lấy đau khổ của tất cả mọi chúng sinh chưa đủ mạnh thì đầu tiên, thay vì nghĩ trước mặt là tất cả chúng sinh, chúng ta nghĩ đó là những người thân yêu nhất mà mình muốn giúp đỡ và áp dụng phương pháp thực hành cho nhận như trên.

- Luyện tâm bồ đề bằng phương pháp hoán đổi ngã tha có tác dụng gì? Khi hít vào, chúng ta nghĩ nhận lấy hết mọi đau khổ của chúng sinh thì sẽ làm cho tâm chấp ngã, ái ngã của mình dần dần giảm xuống.

- Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể áp dụng cách thiền như vậy. Ví dụ, khi bị đau đầu, chúng ta nghĩ rằng cơn đau đầu của tất cả chúng sinh sẽ rơi xuống mình và mình sẽ nhận lấy tất cả đau khổ của mọi chúng sinh và cầu nguyện tất cả chúng sinh sẽ không còn bị đau đầu như mình đang bị. Hoặc khi gặp những điều không như ý muốn hoặc bị đau buồn, v.v... thì chúng ta nghĩ rằng mình sẽ nhận tất cả nỗi đau buồn của tất cả mọi chúng sinh và cầu nguyện cho tất cả chúng sinh không còn bị đau buồn nữa. Hãy cầu nguyện như thế khi chúng ta gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt 1 ngày, bất kỳ gặp hoàn cảnh nào, chúng ta đều có thể thiền phát tâm bồ đề bằng phương pháp cho nhận như vậy, tức nhận đau khổ của người khác và cho đi hạnh phúc của chính bản thân mình.

- Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay hướng dẫn phương pháp hoán đổi ngã tha dựa trên văn bản Bảy điểm luyện tâm, gồm 7 bước chính để luyện tâm:

1/ Pháp hành sơ khởi: đầu tiên thực hành các pháp sơ khởi.

Bước 1: Nghĩ về thân người khó được: Nghĩ về những điều kiện khó khăn để có được thân người quý giá. Hơn thế nữa nghĩ rằng chúng ta đã rất may mắn khi gặp được Phật pháp, có cơ hội học pháp và thực hành lời dạy của đức Phật để có được những điều kiện tốt đẹp nữa cho đời sau.

Bước 2: Nghĩ về chết và vô thường: Nghĩ rằng tất cả mọi điều đều thay đổi, không có gì tồn tại mãi mãi.

Bước 3: Nghĩ về những nhược điểm của luân hồi

+ Trong cuộc sống, chúng ta hay phàn nàn, than vãn đủ điều. Điều đó sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ. Nếu nghĩ thân người khó được, nghĩ mình may mắn thế nào thì sẽ khiến cuộc sống dễ dàng hơn, cảm thấy có nhiều niềm vui hơn. Cuộc sống của chúng ta có may mắn hay không hoàn toàn phụ thuộc cách suy nghĩ của chính chúng ta. Nếu ta cảm thấy cuộc sống mình may mắn có nghĩa là ta đang may mắn và ngược lại.

- Trong tuần này, chúng ta hãy thực hành thiền theo 3 điểm

Một là nghĩ về thân người khó được

Hai là nghĩ về cái chết và vô thường

Ba là nghĩ về tâm bồ đề. Cụ thể là luyện tâm bồ đề tương đối theo phương pháp cho nhận. Nghĩ đến người thân yêu trước mặt mình và thực hành phương pháp cho nhận: nghĩ rằng chúng ta gánh hết đau khổ của người thân và trao tặng cho họ hạnh phúc của mình. Thực hành như thế sẽ giúp chúng ta luyện tâm và tăng trưởng nhiều thiện hạnh. Trong tuần này nếu có đau buồn hoặc bất an, hãy nghĩ mình chịu khó khăn đó giùm cho chúng sinh để chúng sinh không phải chịu khó khăn như vậy nữa.

2/ Pháp hành chính yếu: Luyện tâm bồ đề

+ Nghĩ đến các pháp như giấc mộng

+ Quán bản chất sáng suốt bất sinh

Pháp đối trị cùng tự giải thoát

Hòa vào bản chất của tàng thức

Giữa thời, làm chúng sinh huyễn ảo

+ Hai pháp cho - nhận, hành xen kẽ. Hai pháp này, đặt lên hơi thở

+ Ba nơi, ba độc, ba thiện căn

+ Tất cả việc, luyện qua lời nói

+ Trình tự tu, bắt đầu từ mình

  • Luyện tâm bồ đề có 2 phần: Luyện tâm bồ đề tuyệt đối và luyện tâm bồ đề tương đối. Tâm bồ đề tuyệt đối là tánh không. Tâm bồ đề tương đối là tâm mong muốn thành Phật vì lợi lạc của chúng sinh. Ở đây, chúng ta đang thực hành luyện tâm bồ đề tương đối.
  • “Hai pháp cho nhận, hành xen kẽ”: Ở đây, “hành xen kẽ” nghĩa là hít vào xong thì thở ra, xong rồi lại hít vào thở ra, xen kẽ giữa cho và nhận. “Hai pháp này đặt lên hơi thở” nghĩa là lúc hít vào thì nghĩ rằng chúng ta nhận hết đau khổ của chúng sinh và khi thở ra thì nghĩ rằng chúng ta đem bình an, hạnh phúc của mình cho tất cả mọi chúng sinh.
  • “Trình tự tu bắt đầu từ mình”: Nếu nghĩ nhận lấy đau khổ của người khác là quá sức đối với mình thì chúng ta nhắm mắt lại và nghĩ rằng có bản sao của mình ở phía trước mặt. Khi hít vào, chúng ta nghĩ nhận lấy đau khổ của chính bản thân mình và khi thở ra thì nghĩ rằng chúng ta đem hạnh phúc của mình cho chính bản thân mình. Ở bước đầu, chúng ta thực hành như thế. Sau đó, năng lực tình nguyện chấp nhận đau khổ nhiều hơn thì hãy nghĩ đến bố mẹ, người thân, bạn bè, những người xung quanh, dần đần phát tâm tình nguyện gánh vác đau khổ của họ và mang bình yên của mình cho họ bằng phương pháp cho nhận.
  • Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng thay vì nhận đau khổ của người khác thì nghĩ có người thân ở trước mặt mình, sau đó nghĩ rằng người thân có lỗi lầm, khiếm khuyết gì thì chúng ta đều chấp nhận những khiếm khuyết đó và mang bình yên hạnh phúc của mình trao tặng cho người thân đó. Hoặc chúng ta nghĩ về những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác và nghĩ mình chấp nhận những lỗi lầm đó và trao tặng bình yên của mình cho họ.

PHẦN HỎI ĐÁP

1/ Khi thiền về tâm từ bi, chúng ta có nên phát tâm từ bi với cây cối, hoa không?

Trả lời: Câu trả lời là không. Vì các loại cây và hoa không phải là chúng sinh hữu tình. Theo quan điểm của đạo Phật, các loài cây, hoa không có tâm thức nên không phải là chúng sinh hữu tình.

2/ Khi chúng ta cầu nguyện cho 1 con chó hay 1 con muỗi thì lời cầu nguyện của mình sẽ giúp ích tác động đến con chó và con muỗi là ngang nhau, có tác động nào nhiều hơn không?

Trả lời: Đối với câu hỏi này, cần có nghiên cứu để đưa ra câu trả lời chính xác.

3/ Khi thực hành phương pháp cho nhận, khi hít vào, nghĩ rằng ta nhận lấy đau khổ của người khác vào thân mình, thì có thực sự nhận lấy đau khổ của người khác hay không?

Trả lời: Trường hợp này, các học giả thời xưa có rất nhiều tranh luận. Có học giả đưa ra lập luận: khi thực hành phương pháp cho nhận này, nếu không lấy được một phần nhỏ nào đau khổ của người khác thì chúng ta đâu có giúp được người khác? Nếu không giúp được người khác thì phương pháp thiền cho nhận như vậy có ích lợi gì đâu, vậy thiền để làm gì?

Một học giả khác thì lập luận: tâm tình nguyện gánh vác đau khổ giùm người khác là tâm rất thiện lành, do đó sẽ phát sinh công đức rất lớn. Nhờ phát sinh công đức lớn đó, khi thực hành thiền như thế, công đức lớn đó giúp chúng ta vượt qua các trở ngại và đau khổ. Theo lập luận của vị học giả này, thực hành phương pháp cho nhận mà có nhiều công đức như thế thì làm sao có thể bị đau khổ vì phương pháp đó được? Do đó, theo vị này, thực hành phương pháp cho nhận sẽ không khiến mình chịu đau khổ của người khác.

Theo quan điểm của Thầy, khi nghĩ rằng mình nhận lấy đau khổ của người khác thì trên thực tế đau khổ của người khác không có chạy qua mình được. Cũng giống như khi người khác đang vui và mình nghĩ rằng mình muốn lấy niềm vui của người khác thì niềm vui của họ cũng không có chạy qua mình được. Do đó, chúng ta hãy thiền cho nhận vì thiền như thế đó sẽ giúp chúng ta luyện tâm và tăng trưởng được nhiều thiện hạnh, mang đến rất nhiều lợi lạc cho mình.