25-03-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 35 – NGÀY 25/03/2023

CHỦ ĐỀ: 12 CHI PHẦN NHÂN DUYÊN (trang 89, quyển 2)

- 12 chi phần nhân duyên nói về việc chúng ta liên tục sinh ra rồi chết đi trong luân hồi như thế nào.

- Hãy nhìn bức ảnh bánh xe luân hồi. Bức ảnh này tượng trưng cho luân hồi:

+ Ở phần trung tâm bức ảnh, ta thấy con heo, con rắn, con chim. 3 con vật này tượng trung cho tam độc là tham, sân, si. Con heo tượng trưng cho si mê, con rắn tượng trưng cho sân giận, con chim tượng trưng cho tham lam.

+ Vòng tròn chia làm 6 mảnh, tượng trưng cho 6 cõi trong luân hồi. 3 mảnh ở phía dưới là cõi ác, nhìn từ bên phải qua, đầu tiên có các con thú là cõi súc sinh, mảnh ở giữa là cõi địa ngục, mảnh bên trái là cõi ngạ quỷ. Sang đến 3 mảnh phía trên là cõi lành. Cõi lành có 3 cõi, bên trái là cõi người, ở giữa là cõi thiên, bên tay phải là cõi A-tu-la. 6 mảnh tượng trưng cho 6 cõi được xếp xung quanh phần chính giữa trung tâm là tam độc tham, sân, si, với ý nghĩa 3 phiền não tham, sân, si là gốc rễ sinh ra 6 cõi trong luân hồi, là nguyên nhân chính yếu khiến chúng ta vướng mắc vào luân hồi.

+ Các cõi này nằm trong bánh xe hình tròn. Bánh xe này nằm trong miệng của con quái thú đang ngậm bánh xe. Con quái thú tượng trưng cho thần chết. Cái chết tượng trương cho vô thường. Khi còn trong luân hồi thì cứ mỗi giây khắc trôi qua, chúng ta đến gần hơn với cái chết.

+ Phía góc trên bên trái của bức ảnh có mặt trăng, tượng trưng cho giải thoát. Phía góc trên bên phải có đức Phật đang chỉ tay về phía mặt trăng. Đức phật đang đứng ngoài vòng luân hồi, tức đức Phật đã thoát khỏi luân hồi và chỉ tay về phía giải thoát, tức chỉ cho ta con đường để đạt được giải thoát.

+ Quay trở lại trung tâm của bức ảnh là 3 con thú gồm con heo, con rắn, con chim tượng trưng cho tham, sân, si, đó là những phiền não căn bản gốc rễ khiến ta vẫn phải ở trong luân hồi. Kế nữa là vành kế bên chia nửa bên trắng và nửa bên đen. Nửa bên đen tượng trưng cho 3 cõi ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) và nửa bên trắng tượng trưng cho 3 cõi lành (trời, người, A-tu-la).

- Chúng ta chết đi và tái sinh ở cõi luân hồi như thế nào thì được diễn tả qua 12 chi phần nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, già chết)

1/ Vô minh: Vô minh được hiểu là chấp ngã của mình. Vô minh là không hiểu rõ bản chất các sự việc nên tạo ra nghiệp. Kết quả của nghiệp chứa đựng trong tâm thức của mình.

2/ Hành: Được hiểu là nghiệp của mình

3/ Thức:

+ Ta bị sinh ra trong luân hồi là do nghiệp. Ta tạo nghiệp là do vô minh. Bản chất của vô minh là chấp ngã. Chính do vô minh chấp ngã nên ta tạo ra nghiệp. Vì nghiệp đó nên ta luôn bị sinh đi sinh lại trong luân hồi.

+ Trong bánh xe luân hồi, ta thấy hình có ông cụ mặc áo đỏ chống gậy, ông lão đó bị mù tượng trưng cho vô minh, không thấy rõ bản chất của sự việc. Hình thứ 2 có người mặc áo đỏ đang nặn bình đất tượng trương cho nghiệp. Do vô minh chấp ngã, thỉnh thoảng ta tạo ra nghiệp tốt, khiến ta có kết quả tốt. Và cũng do vô minh chấp ngã, ta tạo nghiệp xấu nên có kết quả đau khổ. Hình 2 là chi phần thứ 2, tức là nghiệp. Trong ô ảnh của chi phần thứ 3, ta thấy hình con khỉ, con khỉ tượng trưng cho ý thức của mình. Cho nên do vô minh chấp ngã, ta tạo ra nghiệp, nghiệp đó có thể là nghiệp tốt hoặc nghiệp xấu. Sau một thời gian, nghiệp đó được chứa trong tâm thức của ta.

+ Ví dụ, một người phạm một hành động sát sinh là giết con thú. Sau khi giết con thú, hành động giết đó là nghiệp. Sau một thời gian, nghiệp đó sẽ chuyển thành một hạt giống và hạt giống đó sẽ được chứa đựng trong tâm thức của mình. Do vô minh chấp ngã nên ta có thể tạo nghiệp tốt, hoặc tạo nghiệp xấu. Tạo nghiệp tốt là làm việc thiện, tạo nghiệp xấu là làm việc ác. Nếu làm việc thiện thì sau khi tạo nghiệp đó rồi, nghiệp đó sẽ chuyển thành hạt giống, hạt giống đó được chứa đựng trong ý thức của mình. Nhờ hạt giống tốt này, sau khi hạt giống sinh sôi nảy nở chín muồi sẽ khiến ta có được kết quả hạnh phúc ở cõi cao. Nếu làm việc xấu thì thành hạt giống xấu, sẽ khiến ta chịu đau khổ ở tương lai khi rơi vào các cõi ác như địa ngục hoặc ngạ quỷ.

- Cách thành tựu trung ấm

+ Hãy xem trang 86, ở trước 12 chi phần nhân duyên là cách thành tựu thân trung ấm. Một chúng sinh sau khi chết rồi tái sinh ở đời sau thì khoảng giữa có trạng thái trung gian gọi là thân trung ấm.

+ Sau khi chết và trước khi sinh ở một đời kế tiếp thì ta sinh vào trạng thái trung ấm. Một đời trung ấm có 7 ngày, vì có 7 thân trung ấm nên có tối đa là 49 ngày. Ví dụ, một người vừa mới chết đi sẽ sinh ở trạng thái trung gian là thân trung ấm, thân trung ấm này sống được 7 ngày. Trong thời gian 7 ngày đó, thân trung ấm này sẽ đi tìm đời tái sinh kế. Nếu tìm được đời tái sinh kế thì đi tái sinh. Nếu không tìm được tái sinh thì hết 7 ngày đó, chúng sinh đó sẽ chết và sinh lại một đời trung ấm kế tiếp. Cứ lặp đi lặp lại như thế suốt 7 lần, tức 49 ngày. Cho nên cứ cách 1 tuần, nếu không tìm được tái sinh thì sẽ chết và sinh lại thân trung ấm kế nữa. Đó là lý do vì sao ta hay cúng thất cho người mới chết, tức cứ 7 ngày cúng 1 lần. Đúng thời gian thân trung ấm nếu không tìm được đời tái sinh thì sẽ sinh lại thân trung ấm kế tiếp, ta cầu nguyện ngay lúc đó để hồi hướng cho người chết có được thuận duyên để tìm được đời tái sinh tiếp theo.

+ Thân trung ấm này có đủ các giác quan, có thể hiểu được tâm ý của người khác, có thần thông có thể di chuyển không bị cản trở v.v… nghĩa là thân trung ấm có rất nhiều khả năng.

+ Một câu hỏi đặt ra là khi người chết sinh vào trung ấm rồi, ta cầu nguyện thế nào để giúp họ? Khó khăn lớn nhất của một thân trung ấm là khi sinh vào thân trung ấm, họ có rất nhiều ảo giác. Do các nghiệp đã từng tạo nên họ thấy rất nhiều cảnh tượng kinh hãi, vì những cảnh tượng kinh hãi nên họ rất sợ trong thân trung ấm. Vì tâm sợ hãi đó nên họ không vượt qua được chướng ngại, nếu không vượt qua được chướng ngại thì không thể sinh vào cõi tốt lành được. Cho nên ta cầu nguyện hồi hướng công đức cho người đó, nhờ có thêm công đức sẽ dễ dàng cho họ có được đời tái sinh tốt.

+ Ví dụ, ta đang cầu nguyện cho người nào đó đã qua đời cách đây 2 năm. Giả sử người đã qua đời cách đây 2 năm đó tái sinh ở cõi súc sinh và ta đang cầu nguyện cho họ thì lời cầu nguyện của ta có giúp cho chúng sinh đang ở cõi súc sinh kia không, nếu có thì sẽ giúp được như thế nào? Câu hỏi này rất quan trọng, vì ta hay cầu nguyện cho người thân của mình đã mất cách đây rất lâu, như 5 năm, 10 năm. Câu trả lời là có. Ví dụ, ta cầu nguyện cho một con thú thì lời cầu nguyện của ta sẽ giúp cho con thú có thêm một phần công đức, một phần nghiệp tốt trong tâm thức của con thú đó. Lời cầu nguyện đó sẽ giúp chúng sinh đó có một phần công đức tốt. Công đức tốt này sẽ giúp để lần sau chúng sinh đó có đi tái sinh sẽ có được đời tái sinh tốt hơn. Đây là cách lời cầu nguyện của chúng ta có thể giúp được người khác.

HỎI – ĐÁP:

Câu hỏi 1: Sau 49 ngày có còn đi tái sinh nữa hãy không?

Chắc chắn phải đi tái sinh, không có chúng sinh nào sau 49 ngày mà không đi tái sinh.

Câu hỏi 2: Thân trung ấm có cần thức ăn không?

Trung ấm còn một tên gọi khác là hương linh. Trung ấm không cần thức ăn. Thức ăn của trung ấm là mùi hương. Không giống con người cần thức ăn, trung ấm chỉ cần ngửi mùi hương là đã no rồi.

Câu hỏi 3: Tại sao sau khi tái sinh, ta không nhớ về đời trước?

Khi tái sinh rồi ta sẽ quên hết tất cả những gì ở đời trước. Đó là sự cân bằng tự nhiên. Cũng giống như chuyện tại sao người ta lại thích uống rượu? Là để quên đi quá khứ. Nếu một người có quá khứ không mấy tốt đẹp, hoặc có quá khứ rất tồi tệ, hãy tưởng tượng nếu họ mang tất cả ký ức của đời trước sang đời này, chắc chắn họ sẽ không thể có một đời sống mới tốt đẹp, vui vẻ được. Cho nên ta cần bắt đầu một đời sống tái sinh mới hoàn toàn mới, bắt đầu lại từ đầu. Việc quên đi đời trước là sự cân bằng tự nhiên rất hay.

Câu hỏi 4: Sau 49 ngày không đi tái sinh thì sẽ đi đâu?

Trong vòng tối đa 49 ngày phải đi tái sinh, không có trường hợp ngoại lệ.

Câu hỏi 5: Tại sao khi tái sinh, có những đứa trẻ nhớ được kiếp trước, có những người không?

Ta không nên đặt câu hỏi là tại sao mà phải đặt câu hỏi là những đứa trẻ nhớ được kiếp trước thì nhớ lại bằng cách nào? Tâm thức đi tái sinh thỉnh thoảng có mang theo ký ức, có lúc mang theo, có lúc không mang theo. Trong trường hợp có mang theo thì thỉnh thoảng đứa trẻ ở đời tái sinh đó có thể nhớ đôi chút về đời trước của nó. Trường hợp này xảy ra rất hiếm, trong 1.000 trường hợp tái sinh thì có thể chỉ xảy ra 1 mà thôi.

Câu hỏi 6: Nếu người chết chưa đủ 8 giờ mà lau người thay quần áo cho họ có làm họ đau và nổi giận không?

Tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình. Nếu chúng ta có thể để cho người chết yên trong 8 tiếng thì cứ để yên, nếu buộc phải đụng chạm thì cố gắng làm nhẹ nhàng.

Câu hỏi 7: Vậy việc cúng ông bà tổ tiên theo truyền thống Việt Nam sẽ không có ý nghĩa gì phải không?

Khi cúng thực phẩm cho tổ tiên ông bà thì họ có thể ngửi được, vì họ ăn mùi hương. Chuyện cúng kiếng cho ông bà không quan trọng ở việc cúng thức ăn mà quan trọng hơn là chúng ta làm nhiều việc thiện hồi hướng công đức cho người đã mất thì sẽ giúp cho người đã mất chọn được đời tái sinh tốt hơn. Do đó, khi cúng kiếng cho tổ tiên, có 2 yếu tố cần để ý. Một là khi cúng thức ăn cho người thân đã mất, đặc biệt khi người đó vừa mới mất, đang còn ở thân trung ấm thì lúc cúng thức ăn, tâm phải nghĩ là ta đang cúng thức ăn cho người thân thì người thân mới nhận được. Hai là cần làm việc thiện hồi hướng công đức cho người thân thì công đức đó sẽ giúp cho người thân có được đời tái sinh tốt đẹp hơn.