11-03-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 33 – NGÀY 11/03/2023

Chủ đề: Các giai đoạn phát triển của phiền não (Ngày thứ 15 - tiếp theo)

A. 6 CĂN BẢN PHIỀN NÃO:

1/ Tham

2/ Giận dữ

3/ Tâm kiêu mạn

4/ Vô minh

5/ Tâm nghi

6/ Kiến chấp sai lầm (xem trang 67, quyển 2): Có 5 loại kiến chấp sai lầm

a/ Thân kiến (hoại kiến):

+ Đây là loại quan điểm sai lầm nghĩ về cái tôi, bám chấp rất nhiều vào tôi. Tâm chấp ngã có thể gọi là thân kiến hoặc hoại kiến.

+ Ví dụ, khi xem một tấm hình chụp ảnh nhóm, người đầu tiên mà ta tìm trong bức ảnh là chính mình, nghĩa là chúng ta có cái tôi rất lớn, lúc nào cũng chú trọng bản thân mình đầu tiên.

+ Bản ngã là nguyên nhân gốc rễ của tất cả mọi phiền não khác như tức giận, bám chấp, ganh tị, đố kỵ….

b/ Biên kiến:

+ Biên kiến là những quan điểm cực đoan. Nghĩa là bám chấp vào một bên.

+ Ví dụ, ta nghĩ rằng “tôi sẽ sống hoài không chết, tôi sẽ không bệnh”. Những ý nghĩ như vậy là biên kiến. Tin rằng tôi là thường hằng chính là biên kiến. Khi nghĩ tôi và của tôi là thường hằng, thì nếu có sự thay đổi nào xảy ra cho tôi và của tôi thì mình sẽ rất buồn, không kiểm soát được phiền não phát sinh.

c/ Kiến thủ:

+ Kiến thủ là bám chấp vào quan điểm, cho rằng quan điểm của mình là tối thượng, là đúng nhất. Cái tâm mà luôn cho mình đúng là kiến thủ.

d/ Giới cấm thủ:

+ Giới cấm thủ là bám chấp vào giới cấm, nghĩa là bám chấp vào nguyên tắc luật lệ, cho rằng nguyên tắc của bản thân là tối thượng.

+ Vào thời của đức Phật có các tông phái ngoại đạo nghĩ rằng các phương pháp thực hành như chịu nóng, đứng một chân, nhảy qua chĩa ba… sẽ đưa đến giải thoát. Ngoại đạo đưa ra các phương pháp thực hành tuân thủ theo những nguyên tắc mà họ nghĩ sẽ đưa đến giải thoát và họ cho đó là tối thượng nhưng trên thực tế đó các nguyên tắc đó không phải là tối thượng, không đưa đến giải thoát. Việc tin vào các nguyên tắc như vậy gọi là giới cấm thủ.

e/ Tà kiến:

+ Tà kiến là những quan điểm sai lầm như cho rằng Tam Bảo là không có, nhân quả là không có... Tà kiến chính là nguyên nhân khiến ta phạm phải rất nhiều ác nghiệp.

Bài tập về nhà: Hãy đọc thêm sách “Giải thoát trong lòng tay” phần liệt kê những phiền não căn bản. Chúng ta vừa đọc vừa xem mình có những phiền não nào. Khi thực hành mà loại trừ thành công 6 phiền não căn bản này thì ta đã đạt được giải thoát.

B. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA PHIỀN NÃO: Có 6 nguyên nhân phát sinh ra các phiền não (xem trang 73, quyển 2)

1/ Nền tảng của phiền não:

- Nền tảng này gồm những các hạt giống, là khả năng tiềm tàng của phiền não. Khả năng tiềm tàng hạt giống này từ đâu mà có? Từ những đời trước trong quá khứ, ta đã quen với chuyện phát sinh các phiền não. Thói quen đó giống như hạt giống tiềm tàng trong tâm thức của ta và ta mang hạt giống đó từ đời này sang đời khác. Đến bây giờ nếu ta vẫn chưa loại trừ hết phiền não thì ta vẫn còn hạt giống của phiền não đó.

- Tại sao phát sinh ra những cơn tức giận? Đó là do có hạt giống tức giận. Hạt giống là khả năng tiềm tàng của cơn giận có sẵn ở đó. Hạt giống đó từ đâu mà có? Từ những đời trước đã quen với những cơn tức giận đó rồi, hạt giống đó đã được mang từ đời này sang đời khác. Từ hạt giống của tức giận bây giờ mới phát triển sinh sôi ra cơn tức giận thực sự.

- Hạt giống tức giận và một cơn tức giận thực sự giống như quan hệ con gà - quả trứng. Hạt giống gặp điều kiện sẽ phát sinh ra cơn tức giận thực sự. Sau 1-2 phút cơn tức giận nguôi ngoai rồi nhưng thực sự chưa hết mà trong lúc cơn tức giận hình thành đã để lại thói quen tức giận, một hạt giống tiềm tàng trong tâm thức của mình. Từ hạt giống tiềm tàng đó sau này gặp điều kiện sẽ phát sinh ra một cơn tức giận khác nữa.

2/ Đối tượng của phiền não: Hạt giống phiền não gặp đối tượng dễ chịu thì sẽ phát sinh bám chấp nhiều hơn, còn hạt giống gặp đối tượng khó chịu sẽ phát sinh tức giận nhiều hơn. Đó là cơ chế phát sinh các phiền não. Nếu ta đã giải thoát giống các vị A-la-hán thì trong tâm sẽ không còn hạt giống của phiền não nữa nên gặp đối tượng nào, ta cũng không bám chấp, không tức giận.

3/ Xã hội (hội họp/tụ họp): Ta gặp bạn bè nói những câu chuyện thế nào thì câu chuyện ấy sẽ kích hoạt hạt giống phiền não thuộc loại đó để phát sinh ra những phiền não thực sự. Nguyên nhân xã hội là do sự tụ họp, ta gặp gỡ nhiều bạn xấu. Khi kết giao với bạn xấu, những việc mà người bạn xấu làm sẽ ảnh hưởng đến ta, sẽ kích hoạt hạt giống phiền não đúng loại đó, từ đó sẽ phát sinh ra những phiền não đúng loại đó. Do đó, điều quan trọng là ta cần phải kết giao với bạn tốt.

4/ Thảo luận: Nghĩa là nói chuyện qua lại. Thảo luận gồm cả việc đọc sách, bàn tán với bạn bè về những chuyện xấu/không cần thiết, hoặc đọc sách không bổ ích hoặc xem phim ảnh viễn vông hoặc nói các câu chuyện phù phiếm trên mạng xã hội... Những việc đó sẽ khiến cho ta có nhiều tật xấu, từ đó phát sinh nhiều phiền não hơn.

5/ Tập quán: Nghĩa là thói quen. Ví dụ, tức giận điều gì đó thì cứ nghĩ đến nó hoài. Nghĩ đến nó lại tức giận một lần nữa, cơn giận thứ 2 sẽ nhiều hơn cơn giận đầu tiên. Cứ như vậy sẽ tạo thói quen tức giận khi nghĩ về đối tượng đó. Cho nên thói quen là một yếu tố phát sinh ra phiền não

6/ Suy nghĩ không thực tế: Nghĩa là có những suy nghĩ phóng đại hơn so với thực tế. Ví dụ, có một người chỉ có khuyết điểm nho nhỏ đối với mình thôi nhưng ta cứ nghĩ về khuyết điểm đó. Từ một lỗi nhỏ, ta phóng đại tâm mình thành con người đó thật xấu xa nên đâm ra ghét người đó thật nhiều. Đó là suy nghĩ không thực tế, đã bị khuếch đại.

BÀI TẬP TRONG TUẦN: Hãy đọc lại sách “Giải thoát trong lòng tay” về nguyên nhân của phiền não (vọng tưởng) ở trang 73, quyển 2. Và tiếp tục thực hành đối trị với loại phiền não nào mình có nhiều nhất trong 6 loại phiền não căn bản.

PHẦN HỎI - ĐÁP

Câu hỏi 1: Tại sao có những vị tu sĩ Mật tông không cạo tóc?

Đầu tiên nên hiểu về giới luật do đức Phật đặt ra. Đức Phật nói rõ trong các bộ luật là tu sĩ phải cạo đầu nhưng còn nói thêm là các tu sĩ khi nào nên cạo đầu và tóc ở trên đầu được để dài bao nhiêu. Đức Phật đặt ra luật là đối với các tu sĩ sống trong tu viện, tóc có thể được để dài không quá 2 ngón tay. Những tu sĩ nào không sống trong tu viện thì chỉ được để tóc dài 1,5 ngón tay (thời của đức Phật không có các đơn vị đo như inch, feet).

Câu hỏi 2: Làm thế nào diệt chấp ngã?

Đây là câu hỏi rất khó. Ta cần phải hiểu về tánh không, hiểu được tánh không mới giảm được cái tôi và ngã mạn.

Câu hỏi 3: Việc thực hành Ngondro có bắt buộc không?

Nói đến thực hành Kim Cang Thừa thì cần phải biết mấu chốt, nguyên lý thực hành Kim Cang Thừa là gì thì mới hiểu mình cần phải làm gì. Cho nên đầu tiên phải hiểu trước, sau đó mới thực hành được. Nói đến thực hành nghĩa là cần phải thay đổi tư duy, chứ không phải thực hành là ngồi đọc tụng. Ta cần suy nghĩ, hiểu rồi mới thiền quán thì mới đúng là thực hành.

Câu hỏi 4: Con hiện tại cứ mãi tiếc nuối về những chuyện đã qua, lo lắng quá nhiều cho những chuyện chưa xảy ra. Mong Thầy hướng dẫn con cách có thể định tâm lại?

Hãy thực hành thiền tập trung vào hơi thở. Khi nào có những suy nghĩ không cần thiết, phát sinh suy nghĩ về quá khứ hay lo âu về tương lai thì hãy ngưng và tập trung trở lại vào hơi thở.

Câu hỏi 5: Con biết người đó xấu nhưng lại không thể nghỉ chơi được với người đó thì phải làm sao?

Trong tình huống này, hãy cố gắng ảnh hưởng tốt đến người đó, đừng bị lây tật xấu của họ và cố gắng khuyên bảo để người đó tốt hơn, khuyên họ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Câu hỏi 6: Làm sao có thể tách rời tình thương và sự bám chấp?

Có sự khác nhau giữa tình thương và bám chấp. Bám chấp xuất phát từ tâm ích kỷ của mình nhiều hơn, còn tình thương xuất phát từ tâm lợi tha, tức nghĩ về lợi ích cho người khác nhiều hơn. Hãy nhớ một điều quan trọng thế này: khi ta yêu thương một bông hoa thì ta sẽ làm gì? Ta sẽ tưới nước, chăm bón cho hoa phát triển đẹp hơn. Còn khi ta bám chấp vào hoa, muốn giữ cho riêng mình thì sẽ cắt hoa đem về nhà, vài ngày nữa hoa sẽ chết.