Tóm tắt bài giảng – Tuần 94 Ngày 29/04/2023
Ngày Thứ 21
b. Đặc biệt về cách luyện 2 ba-la-mật sau cùng
1. Điều kiện tiên quyết để đạt tâm tịnh chỉ
2. Cách thực thụ để đạt tâm tịnh chỉ
3. Từ căn bản này làm thế nào để đạt được 9 trạng thái tâm.
Xem thêm sách trang 292 – quyển 2
Để tập trung vào một đối tượng trong một thời gian dài không có chướng ngại, cần phải luyện tập qua chín trạng thái tâm, cần phải hiểu lợi ích của việc tập trung vào một đối tượng trong một khoảng thời gian dài. Khi Tâm chưa đủ tập trung tới mức độ cao, sẽ nhảy từ đối tượng này đến đối tượng khác. Giống khi làm việc trong một thời gian dài cơ thể sẽ bị mệt và phải nghỉ ngơi, khi được nghỉ ngơi thì sẽ có cảm giác rất thoải mái. Thiền định cũng vậy, khi tập trung về bất kỳ về một đối tượng nào thì trong khoảng thời gian dài thì tâm sẽ bị mỏi mệt. Nếu có thể giữ được đối tượng trong khoảng thời gian dài mà không có trở ngại gì hết, thì sẽ có được những trải nghiệm phát sinh từ đối tượng thiền đấy rất nhiều. Để có thể thành tựu được tịnh chỉ, quan trọng nhất đó chính là có được sự tập trung nhất tâm chuyên nhất lên đối tượng mà không có trở ngại, điều đó có sự lợi lạc lớn trong bất kỳ loại thiền định nào.
Trong Phật giáo có nhiều loại thiền, lựa chọn đối tượng và cách thiền sẽ cho sự thoải mái khác nhau. Tuy nhiên, sự thoải mái ở trong tịnh chỉ là sự thoải mái của việc tập trung vào đối tượng mà không có chướng ngại, cần có loại thoải mái như vậy. Cho nên, nếu có thể luyện tập thiền chỉ, trải qua chín giai đoạn của tâm, chín trạng thái tâm này được luyện tập mỗi ngày sẽ có được năng lực tâp trung nhất định của tâm thức. Khi có được năng lực tập trung cao vào đối tượng, sẽ không bị các chướng ngại khiến tâm phân tán, khiến bị loạn tâm. Khi tâm không bị động loạn, khi có việc nào đó xảy ra bất ngờ, ta không bị phân tâm, không hoảng loạn, không sợ hãi. Đó là điều lợi lạc rất lớn của thiền chỉ.
Đầu tiên, khi thiền chỉ nên lựa chọn một nơi chốn phù hợp, nợi yên tĩnh để có thể tập trung được tốt. Khi thiền dù 10 ,15 hay 20 phút, cũng nên giữ liên tục và tập trung hoàn toàn
Thứ hai, xác định một đối tượng thiền. Đối tượng thiền ở đây có thể là một hình ảnh, hình Phật hay đối tượng nào đó. Nên chọn ảnh của một tượng phật nào đó mà mình yêu thích và ghi nhớ các chi tiết và đặc điểm của tượng đó. Nghĩ ảnh tượng đó ở phía trước mặt mình, kích thước cỡ gang tay. Khi đã xác định được đối tượng thiền rồi thì trong suốt quá trình từ trạng thái tâm số 1 đến số 9, chỉ tập trung vào loại đối tượng đó mà thôi.
Trong những lần đầu tiên thiền thì nên thiền trong vòng chừng vài phút, 4 hoặc 5 phút thôi xong rồi nghỉ, xong rồi sau đó mình lại thiền tiếp tục trong 4 hoặc 5 phút rồi nghỉ. Thực hiện nhiều lần những thời thiền ngắn như vậy sẽ tốt hơn. Không cần phải gắng sức quá để hiện rõ được đối tượng. Hãy để tâm mình ở trong trạng thái nhẹ nhàng và thoải mái, và ở trong trạng thái nhẹ nhàng đó dần dần nghĩ đến đối tượng càng ngày càng rõ hơn.
Có thể sẽ có những trải nghiệm: đối tượng thiền bị mờ, hoặc đối tượng dần dần mờ và mất luôn, tức đang tập trung vào đối tượng thiền thì tâm bỗng nhảy sang một đối tượng khác. Có hai tiêu chí phải giữ:
Thứ nhất: Ổn định nghĩa là phải giữ đối tượng liên tục, không bị mất,
Thứ hai: rõ ràng, các chi tiết phải rõ ràng. Khi thấy đối tượng thiền không còn rõ ràng, cố gắng làm rõ. Tuy nhiên, trong những bước đầu thiền thì sự cố gắng đó là không cần thiết, bởi vì mức độ ổn định đã không có, thì đối tượng thiền ấy không thể rõ. Nên đầu tiên, cần giữ được đối tượng thiền liên tục, sau khi đối tượng thiền đươc ổn định, đã giữ được trong khoảng một thời gian dài rồi, thì mới bắt đầu cố gắng làm rõ.
Để đạt được sự ổn định đó cần phải có chánh niệm, chánh niệm giúp nhớ hình dáng, đặc điểm đối tượng. Vận dụng lực chánh niệm để khiến cho đối tượng đó hiện lên trước tâm thức ổn định, dùng chánh niệm chủ động gợi nhớ đối tượng.
3.1 – Trạng thái tâm thứ 1 - Sự tập trung gượng ép
- Đối với học viên mới bắt đầu, cố gắng tập trung chuyên nhất vào một đối tượng, có thể bị đánh mất đối tượng và thấy đối tượng đó không được rõ ràng, đó chính là những trở ngại trong thiền trong giai đoạn này.
Trạng thái tâm thứ nhất gọi là sự tập trung gượng ép, tiếng Hán gọi là Nội trụ. Ở trạng thái này, hoàn toàn không giữ được đối tượng, đối tượng hiện lên rồi mất, như thế liên tục. Mục tiêu của trạng thái tâm thứ nhất này là cố gắng nghĩ tới đối tượng và giữ được đối tượng liên tục trong vài phút và khiến cho đối tượng đó ổn định trước tâm thức. Mục tiêu ở giai đoạn này không phải là làm rõ đối tượng.
- Thứ hai: đối với học viên đã làm theo trình tự rồi và đang cố gắng giữ đối tượng của mình ổn định và liên tục. Nếu hấp tấp, vội vả để cho ổn định và liên tục gồng sức để cố gắng thì cũng sẽ không thành công. Nên cần phải giữ tâm ở trạng thái thoải mái và nhẹ nhàng, giữ đối tượng đó từng chút một , sẽ dễ dàng thành công hơn. Vậy nên thực hành liên tục như vậy trong nhiều lần, nếu có thể giữ đối tượng trong khoảng 1 đến 5 phút thì xem như đã thành công được giai đoạn đầu tiên.
3.2 – Trạng thái tâm thứ 2 - Sự tập trung hơi liên tục
Trạng thái tâm thứ hai đó là sự tâp trung hơi liên tục. Nếu ở trạng thái tâm thứ nhất có thể giữ được đối tượng trong từ 1 đến 5 phút, ở trạng thái tâm thứ 2 có thể giữ liên tục nhưng có những lúc bị chướng ngại, đánh mất đối tượng. Có lúc đánh mất hẳn đối tượng mà không biết và ở trong trạng thái thiền không có đối tượng, khi phát hiện thì cố gắng quay về tập trụng vào đối tượng.
Lúc này cần phải vận dụng năng lực tỉnh giác để biết bị mất đối tượng để quay về đối tượng liền. Cứ như vậy hễ cứ lúc nào mất đối tượng là tập trung quay trở lại.
3.3 Trạng thái tâm thứ 3 - Sự tập trung có cách hở
Ở trạng thái tâm này cần phải vận dụng cái năng lực tỉnh giác để tập trung liên tục và khi vừa mất đối tượng là mình tập trung quay trở lại liền. Khi phát triển được năng lực đó thành công, cứ mất đối tượng thì tập trung trở lại được liền, lúc này đã lên được trạng thái tâm thứ ba.
Bắt đầu hôm nay chúng ta bắt đầu thiền, đầu tiên là lựa chọn đối tượng thiền và sau đó áp dụng lực chánh niệm, cố gắng khiến cho đối tượng hiện lên và giữ được đối tượng đó. Chọn một đối tượng thiền nào cho thật là chắc chắn cho bản thân để sau đó không phải thay đổi đối tượng nữa.
Có 1 điều quan trọng đối với phần thiền này, nếu muốn thực hành và thành tựu thiền chỉ thì cần giữ tính liên tục, mỗi ngày thiền một chút. Hãy xác định đối tượng thiền của mình, đã xác định rồi thì sau này sẽ không thay đổi nữa.