11-03-2023
Lamrim 2021
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2021

TUẦN 88 – NGÀY 11/03/2023

CHỦ ĐỀ: 6 BA LA MẬT (TIẾP THEO)

1/ BỐ THÍ

2/ TRÌ GIỚI

3/ NHẪN NHỤC

Có 3 loại nhẫn nhục:

a/ Loại nhẫn nhục thứ nhất là nại oán hại nhẫn, nghĩa là nhẫn nhục trước người hãm hại mình.

- Nếu ai làm tổn hại mình như đánh mình, nói xấu mình, khiến mình bị tổn thương, mà mình vẫn giữ được bình tĩnh, vẫn nhẫn nhục trước những hành động gây tổn hại như thế thì đó là nại oán hại nhẫn.

- Chúng ta hãy thực hành nại oán hại nhẫn bằng cách nghĩ về những người đã từng gây hại mình và mình thực hành nhẫn nhục đối với việc trong quá khứ từng bị hãm hại bởi người khác.

b/ Loại nhẫn nhục thứ 2 là kham thọ khổ nhẫn, nghĩa là nhẫn nhục trước những hoàn cảnh khó khăn, những khổ đau xảy ra cho mình (xem trang 251).

- Khi có đau khổ, thông thường ta sẽ khó nhẫn nại và điềm tĩnh để vượt qua khổ đau đó, nhưng ta cần phải thực hành chấp nhận đau khổ đó, biết chấp nhận đau khổ rồi thì mới có thể nhẫn nhục với khổ đau được.

- Khi gặp đau khổ, ta hãy nghĩ là bản thân mình gặp đau khổ thì các chúng sinh khác cũng có những đau khổ của họ. Nghĩ như vậy sẽ giúp mình dễ chấp nhận đau khổ.

- Loại nhẫn nhục thứ 2 sẽ khó hơn loại nhẫn nhục thứ nhất. Việc chấp nhận khổ đau và chịu đựng trải qua khổ đau đó sẽ khó hơn là nhẫn nhục trước người gây tổn thất cho mình.

- Chúng ta hãy thực hành kham thọ khổ nhẫn bằng cách liên tục nhắc nhở bản thân rằng “nếu tôi gặp khó khăn thì tôi sẽ nhẫn nhục với hoàn cảnh khó khăn đó”.

c/ Loại nhẫn nhục thứ 3 là pháp nhẫn, nghĩa là chịu khó để hiểu rõ về Phật pháp.

- Pháp nhẫn nghĩa là cố gắng không nản với việc học pháp. Khi không hiểu rõ, ta sẽ dễ bị nản, nên ta cần cố gắng vượt qua chán nản để tiếp tục suy nghĩ, hiểu rõ về pháp.

- Loại nhẫn nhục thứ 3 khó hơn, vì học pháp không hiểu thì rất dễ chán nản. Cho nên ta phải cố gắng suy nghĩ, tư duy về Phật pháp và phải liên tục suy nghĩ để hiểu rõ hơn về pháp. Có như vậy mới phát sinh trí tuệ tốt hơn.

- Chúng ta hãy thực hành pháp nhẫn bằng cách mỗi ngày dành 5 phút để học và suy nghĩ về Phật pháp. Sau đó tăng dần thời gian đó lên để học và suy nghĩ về Phật pháp.

4/ TINH TẤN

Tinh tấn là tâm hoan hỉ, hào hứng, hứng khởi khi làm việc thiện. Tinh tấn là để đối trị với lười biếng. Vậy trước tiên, ta phải biết về 3 loại lười biếng.

a/ 3 loại lười biếng:

- Loại lười biếng thứ nhất là trì hoãn (trang 256): ví dụ, hôm nay ta cần phải thực hành pháp mà cứ hẹn lần hẹn lữa để ngày mai hãy làm.

- Loại lười biếng thứ 2 là tự ti, tức tự xem thường bản thân, nghĩ rằng việc thực hành pháp đó khó quá, chắc mình không thực hành được đâu.

- Loại lười biếng thứ 3 là lười biếng bám giữ tà hạnh, nghĩa là quen làm các việc xấu như ăn trộm, ăn cắp…, không tìm cách khống chế, giảm bớt các việc xấu của mình lại mà cứ thả trôi theo các việc xấu, không chịu làm việc tốt.

+ Nếu học Phật pháp mà nghĩ rằng cứ lên lớp nghe thầy giảng rồi ghi chép, tự thực hành ở nhà thì không đủ, mà cần có những bạn tốt pháp để thực hành pháp (đạo hữu/pháp hữu). Nếu có bạn đồng tu thì chuyện thực hành pháp của mình sẽ tiến bộ nhiều hơn.

+ Trong thực hành pháp, tinh tấn là rất quan trọng. Tinh tấn là hứng khởi với việc làm thiện thì tinh tấn với pháp là phải có sự hứng khởi với thực hành pháp và cần có nỗ lực thực hành pháp.

b/ Đối trị với 3 loại lười biếng thì có 3 loại tinh tấn (trang 260):

- Loại tinh tấn thứ nhất là tinh tấn như áo giáp, tức hứng khởi với việc giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi đau khổ.

+ Trong khi ta đang cố gắng thực hành làm lợi lạc cho người khác thì ta gặp khó khăn. Khi gặp khó khăn, ta lại chán nản với việc làm lợi ích cho người khác. Nếu ta không vượt qua được sự chán nản đó thì ta không thể làm lợi lạc cho người khác. Đối trị với loại chán nản này là tinh tấn như áo giáp. Thực hành tinh tấn như áo giáp nghĩa là luôn hứng khởi với việc đối trị và loại bỏ những khó khăn gặp phải trong việc làm lợi lạc cho người khác. Lúc làm lợi lạc cho người khác thì sẽ có khó khăn nhưng ta luôn hứng khởi với việc đối mặt và vượt qua khó khăn đó, tạo cho mình niềm hứng khởi, đó là tinh tấn như áo giáp.

+ Để có tinh tấn, ta phải có nhẫn nhục. Nếu không biết nhẫn nhục qua khó khăn thì làm sao có tinh tấn được. Cho nên khi gặp khó khăn, dù lớn hay nhỏ thì điều đầu tiên, ta phải phát tâm chấp nhận khó khăn. Khi chấp nhận được khó khăn thì ta mới nhẫn nhục với khó khăn được, sau khi nhẫn nhục với khó khăn thì sau đó ta mới hứng khởi để vượt qua khó khăn đó. Nghĩa là phải có nhẫn nhục trước thì mới có tinh tấn sau.

- Loại tinh tấn thứ 2 là tinh tấn tích lũy thiện hành, nghĩa là luôn hứng khởi với việc làm tất cả mọi thiện hạnh để làm lợi lạc cho chúng sinh. Làm bất cứ việc thiện nào thì mình cũng hứng khởi với việc thiện đó.

- Loại tinh tấn thứ 3 là tinh tấn làm việc cho tất cả hữu tình (nhiêu ích hữu tình), nghĩa là luôn hứng khởi với việc giúp đỡ người khác. Một ví dụ về loại tinh tấn này là thực hành 4 nhiếp pháp, tức 4 hoạt động có thể làm lợi lạc cho đệ tử, gồm bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Tinh tấn làm việc cho tất cả hữu tình nghĩa là cố gắng nhiếp phục (thu phục) các đệ tử để đưa họ trở về con đường tốt. Chữ “đệ tử” ở đây ta cần nghĩ rộng ra là chúng sinh. Có 4 cách nhiếp phục, làm tốt cho người khác:

+ Ái ngữ: nói lời lẽ dễ nghe để thuyết phục người khác. Nói dễ nghe không phải là nói dối, ở đây là phải nói thật nhưng dùng cách nói êm tai, nói những điều tốt.

+ Bố thí: cho quà cáp cho người khác

+ Đồng sự: nói các điểm chung của 2 người. Ví dụ cả 2 người có điểm chung là thích uống cà phê thì nói về đề tài cà phê. Cả 2 người có điểm chung để nói thì sẽ dễ dàng trao đổi hơn. Nói điểm chung của 2 người không có nghĩa là nói nói, nói khoác để tâng bốc người khác, mà là tìm điểm tốt của người khác để nói về điểm tốt đó.

+ Lợi hành: đây là bước chính yếu trong con đường làm lợi lạc cho người khác. Nghĩa là sau khi nói điểm chung để 2 người đồng tình với nhau rồi thì ta nói các điểm lợi lạc của Phật pháp để làm lợi cho người khác.

- Trong tuần này ta hãy thực hành tinh tấn bằng cách nghĩ đến việc làm lợi lạc cho người khác. Khi giúp người khác, dù có gặp khó khăn bao nhiêu thì ta cũng hào hứng chấp nhận khó khăn và cố gắng đương đầu, vượt qua khó khăn đó để làm lợi cho người khác. Làm được như vậy, ta đã thực hành tinh tấn như áo giáp.

- Tâm ta rất kỳ lạ, nếu thấy lợi lạc cho bản thân mình thì chắc chắn dễ dàng vượt qua khó khăn, vì ta biết rằng vượt qua khó khăn sẽ được lợi cho bản thân mình. Ví dụ, nhận việc làm nào có lương thưởng cao thì việc đó dù khó khăn cỡ nào, ta cũng cố gắng làm tốt vì biết rằng cố gắng làm tốt thì tiền thưởng sẽ rất cao. Thấy lợi cho bản thân, nên ta cố gắng chịu cực chịu khổ để đạt được kết quả thì đó chỉ là chấp ngã vì ta đang muốn làm lợi lạc cho bản thân mình. Còn ta thấy việc khó khăn của chuyện làm lợi lạc cho người khác, mà vẫn cố gắng chấp nhận, hứng khởi đương đầu và vượt qua khó khăn đó thì thực hành như thế mới là tinh tấn như áo giáp.

- Trong tuần này, chúng ta hãy nhớ thực hành nhẫn nhục và tinh tấn. Và hãy đọc đi đọc lại về phần 6 ba la mật (ngày thứ 20)