07-01-2023
Lamrim 2021
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2021

TUẦN 85 - NGÀY 7/1/2023

CHỦ ĐỀ - HƯỚNG DẪN 7 ĐIỂM LUYỆN TÂM (TT)

ĐIỂM THỨ BẢY: 22 LỜI KHUYÊN LUYỆN TÂM

+ LỢI ÍCH CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM

Khi nói đến Luyện Tâm thì điểm chính yếu là nói về luyện Tâm Bồ Đề (TBĐ). Đây không phải là việc dễ dàng nên bạn cần phải luyện tập thường xuyên.để có được TBĐ ngày càng tăng trưởng và vững mạnh. Tuy nhiên trong quá trình đó đôi lúc bạn sẽ gặp khó khăn. Vậy làm thế nào để khắc phục và vượt qua các khó khăn khi luyện TBĐ?

Ngoài ra, bên cạnh những khó khăn thì không phải lúc nào bạn cũng có hứng khởi và sự tập trung để luyện TBĐ bởi bạn sẽ bị phân tâm bởi các việc khác trong cuộc sống của mình. Thỉnh thoảng, bạn còn có thể bị bệnh tật hoặc gặp các trở ngại cùng các sự bất an khác nữa.

Do đó, có tới 22 lời khuyên luyện tâm cho việc luyện TBĐ. Tại sao lại có rất nhiều lời khuyên luyện TBĐ như thế? Bởi trong tâm ta có rất nhiều phiền não khác nhau và ta cần những phương pháp riêng để đối trị với từng loại phiền não một, chứ không có 1 phương pháp đặc biệt nào có thể dùng chung để đối trị cho tất cả các loại phiền não. 22 lời khuyên luyện tâm sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn, biết cách luyện tâm và lấy lại được sự hứng khởi, tập trung trong việc luyện TBĐ và làm tăng trưởng TBĐ vững chãi.

Đối với những ai không tin vào Phật pháp thì sẽ không biết cách luyện tâm tốt; còn những người biết Phật pháp thì khi gặp trở ngại trong cuộc sống lại dễ bị nhụt chí và mất đi hứng khởi trong việc luyện tâm. Dù thế nào, các phương pháp luyện tâm này cũng đều có thể giúp ích cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, sẽ không đúng nếu bạn nghĩ rằng nếu biết luyện tâm rồi thì sẽ không còn gặp trở ngại nữa, mà bạn cần phải hiểu là khi biết luyện tâm rồi thì thỉnh thoảng bạn vẫn có thể gặp trở ngại trong cuộc sống để không vì vậy mà bị nhụt chí, mất đi hứng khởi trong việc luyện tâm.

Do đó, 22 lời khuyên sẽ mang lại cho bạn các phương cách khắc phục trong những tình huống cụ thể để tạm thời đảo ngược phiền não của bạn, giúp bạn tạo nguồn cảm hứng để tiếp tục giữ đà luyện TBĐ.

Ngoài ra, với 22 lời khuyên này thì bạn còn có thể giúp cho người khác rất cụ thể. Như thế nào? Nếu có người hỏi bạn, đạo Phật dạy gì thi bạn có thể chỉ cho họ về 22 lời khuyên luyện tâm để họ nếu áp dụng thực hành được các phương pháp tư duy suy nghĩ này thì nó có thể làm vơi đi phiền não, thay vì bạn cố gắng giảng giải dài dòng về Phật pháp thâm sâu với họ.

Bạn cần đọc, hiểu và áp dụng ngay phương pháp luyện tâm khi có phiền não trong tâm, không chỉ 1 lần duy nhất mà cần thực hiện 2, 3 lần và lặp đi lặp lại, liên tục và kiên trì thì các phương pháp này mới mang lại hiệu quả. Các phương pháp luyệt tâm này hữu hiệu với tất cả mọi người dù họ theo hay không theo đạo Phật.

Áp dụng đúng thời điểm các phương pháp này sẽ mang lại lợi lạc rất lớn cho bạn chẳng hạn như giải thoát khỏi luân hồi hay có an lạc ở đời sau; giúp bạn có thể phát được TBĐ và đạt được Phật quả. Do đó, bạn đừng chỉ nghĩ đây là những bài học nhỏ bé và đơn giản.

+ ÁP DỤNG THỰC HÀNH CÁC PHƯƠNG PHÁP LUYỆT TÂM (PPLT) THẾ NÀO?

[Sách GTTLBT có 22 lời khuyên luyện tâm. Văn bản gốc thì có tới 24 lời khuyên luyện tâm. Chúng ta đang học bản 22 lời khuyên luyện tâm].

  • PHÁT KHỞI ĐỘNG CƠ LỚN

Khi luyện tâm thì bạn cần nghĩ lợi ích cho người khác chứ không chỉ riêng cho bản thân. Xuất phát từ việc thực hành hoán đổi ngã tha - bạn nghĩ nhận lấy đau khổ từ người khác và mang lại an lạc cho người khác, từ đó phát sinh động lực làm lợi ích cho người khác Làm lợi lạc cho người khác là bắt nguồn của nhiều PPLT. Thay vì bạn nghĩ mang lại lợi lạc cho người khác khó quá thì bạn hãy nghĩ luyên tâm và thực hành pháp không khó quá

Làm gì cũng cần có động cơ. Động cơ sẽ quyết định toàn bộ chặng tiếp theo của mình và cả kết quả mình có được. Mỗi người phải tự xác định cho mình động cơ thực hành pháp là gì.

Động cơ lớn ở trong phần luyện TBĐ là bạn "muốn thành Phật và nhờ năng lực sau khi thành Phật thì có thể giúp được cho người khác có được lợi lạc". Động cơ này thường được gọi là TBĐ.

Đối với người bình thường, ăn là để sống do đó họ thường tìm ăn món này, món kia. Đối với một người đang thực hành TBĐ thì khi ăn thì người đó cần nghĩ thế nào? Cần có động cơ chứ không phải chỉ ăn là xong. Bởi vì khi thực hành TBĐ thì vì động lực mang lại lợi ích cho người khác nên khi chúng sinh cần cái thân này thì ta cũng đem cho cái thân này của mình luôn. Do đó, khi bạn ăn thì bạn biết sẽ có cái thân khỏe mạnh. Thân khỏe mạnh thì mới làm được nhiều việc để làm lợi lạc cho chúng sinh. Khi thực hành TBĐ thì khi bạn ăn thì bạn phải nghĩ ăn không chỉ để sống cho riêng mình mà để mình có sức khỏe tốt làm lợi lạc cho người khác.

Động cơ tốt sẽ giúp bạn tạo được nhiều thiện hạnh từ các việc làm của mình. Chẳng hạn, bạn làm việc gì đó với động cơ là để an lành cho đời này và đời sau; hay động cơ là giải thoát khỏi luân hồi; hoặc là động cơ muốn thành Phật để mang lợi lạc cho chúng sinh, thì cũng đều rất tốt. Cùng một việc thiện, động cơ càng lớn thì kết quả có được càng lớn.

Khi bạn cúng dường hay bố thí cho một người ăn xin, dù đó chỉ là những việc rất nhỏ thì việc tốt đó không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi người ăn xin kia thôi mà hãy nghĩ việc tốt đó sẽ mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Việc nhỏ nhưng có động cơ lớn thì thiện hạnh và kết quả của việc đó sẽ rất lớn.

Với những người vừa đi hành hương vừa rồi, nếu ngay từ đầu mình có phát tâm thì khi mình cúng dường hay bố thí cho người ăn xin ở Bồ đề đạo tràng, hoặc đi nhiễu quanh bảo tháp Giáo ngộ thì chắc chắn các bạn sẽ có rất là nhiều thiện hạnh. Có những người đã tạo cho mình động cơ rất tốt là với tất cả những thiện hạnh đó, họ muốn thành Phật để lợi lạc cho chúng sinh. Phát được động cơ như vậy thì rất là tốt. Nếu ai chưa sẵn sàng mà ngay lúc đó chỉ phát động cơ nhỏ là làm lợi ích cho bản thân mình thì bây giờ mình cũng có thể suy nghĩ lại, thiện hạnh đi hành hương tháng trước vẫn còn là của mình chứ chưa mất đi thì bây giờ mình hãy suy nghĩ lại về thiện hạnh đó và điều chỉnh lại động cơ lớn hơn.

Có 2 cách làm thiện hạnh tăng trưởng: Cách 1/ Phát khởi động cơ lớn ngay từ khi bắt đầu làm việc; Cách 2/ Sau khi có thiện hạnh đó rồi thì tiến hành hồi hướng lớn. Hồi hướng lớn giúp các thiện hạnh dù nhỏ nhoi sẽ có được các kết quả lớn.

  • HỒI HƯỚNG LỚN

Với những thiện hạnh bản thân đã làm được, bạn dùng nó để hồi hướng thành Phật và giúp cho mọi chúng sinh thoát khổ và cũng đều thành Phật.

Hồi hướng đúng là hồi hướng với suy nghĩ "Với những thiện hạnh bản thân có được thì mình muốn dùng các thiện hạnh đó để thành Phật và làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh". Nếu bạn chỉ nghĩ sẽ mang lại lợi lạc cho chúng sinh thôi mà không nghĩ sẽ dùng những thiện hạnh có được để thành Phật và mang lợi lạc cho chúng sinh thì đó không phải là hồi hướng mà đó chị là nhũng cầu nguyện chung chung.

Như vậy, cần phân biệt:

+ Động cơ: là muốn được điều này điều kia, điều này giống với cầu nguyện.

+ Hồi hướng: là dùng những thiện hạnh có được để thực hiện điều mình mong muốn (dùng thiện hạnh để thành Phật, giúp chúng sinh hết khổ và cũng thành Phật).

  • CÁC MỨC ĐỘ SUY NGHĨ, TƯ DUY ĐỂ LUYỆN TÂM

Trong GTTLBT có nói đến "Thiền đến 3 điều không giảm sút", nghĩa là bạn phải luôn ghi nhớ 3 việc sau:

+ Khi làm việc mà trong tâm có trở ngại, phiền não thì bạn phải dùng các phương pháp đối trị;

+ Khi tâm có điều vui sướng hoặc tạo ra được thiện hạnh thì bạn phải hồi hướng để khiến chúng tăng trưởng;

+ Khi tâm đang trung tính thì lúc đó bạn cũng cần phải thiền để tăng trưởng thiện hạnh.

Như vậy:

+ Lúc khó khăn hay lúc bệnh tật mới là những lúc bạn cần luyện tâm nhất để tâm trở nên vững mạnh và làm thiện hạnh tăng trưởng.

+ Lúc an nhàn nhất thì bạn cũng cần phải áp dụng luyện tâm để tránh bị phiền não trong tương lai, bởi thế sự vô thường, không có gì chắc chắn.

+ Lúc thiện hạnh tăng trưởng thì bạn càng cần nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa thì TBĐ mới tăng trưởng và mới tiến đến gần Phật quả hơn.

Có những điều kiện có thể làm nghiệp cường liệt như là có thể làm tăng hay làm giảm nghiệp quả. Do đó bạn cần phải làm tăng điều kiện đối với thiện nghiệp và làm giảm điều kiện đối với các ác nghiệp để ngày càng giảm ác nghiệp, tăng thiện nghiệp.

Những mức độ khó khi luyện tâm:

+ Bạn cần nhận diện được tâm đang có phiền não;

+ Bạn nhận diện rồi thì phải tạm dừng phiền não đó lại;

+ Bạn đã thành công khi tạm dừng phiền não, khi đó cần tìm phương pháp phù hợp để đối trị, đánh tan phiền não đó.

Cả 3 việc trên đều rất khó do đó có nhiều mức độ luyện tâm.

Do đó, lúc này bạn cần phải ngồi lại để suy nghĩ thật kỹ, thiền quán và phân tích cẩn thận về động cơ mà bạn đang phát khởi cùng các phiền não đang có trong tâm. Bạn cần làm việc này một cách thuần thục để có thể đối diện với phiền não, hiểu mức độ mà chúng đang cản trở đối với động cơ của bạn để tìm ra phương cách đối trị phù hợp, giúp tâm ngày càng vững mạnh và việc luyện tâm cũng sẽ trở nên bớt khó khăn hơn. Bạn thực hành luyện tâm kiên trì, lặp đi lặp lại thì các pháp luyện tâm phía sau sẽ đến một cách tự nhiên hơn.

Ngoài ra có hai thứ vô cùng quan trọng trong việc luyện tâm, đó là:

+ Nền tảng

+ Trình tự thực hành

Ví dụ nếu bạn nhảy vào thực hành ngay Phạm vi Lớn nghĩa là thực hành TBĐ. TBĐ có nghĩa là phát khởi mong muốn thành Phật để làm lợi lạc cho chúng sinh nhưng nếu bạn không hiểu chúng sinh đang có những khó khăn gì thì làm sao bạn có thể mang lợi ích đến cho họ. Việc chúng sinh gặp đau khổ hay khó khăn thì ta cần phải hiểu là do nghiệp quả - phần này là thuộc Phạm vi Nhỏ. Để hiểu tại sao chúng sinh đau khổ khó khăn thì bạn cần hiểu và tư duy về nghiệp quả trước.

Đời này chúng ta đã có thân người quý báu và chúng ta ai cũng có những thiện hạnh và ác hạnh. Do đó, bạn cần phải tạo thiện hạnh và tịnh hóa ác nghiệp và cả hai việc này bạn đều đã biết rõ phải làm thế nào và vấn đề là bạn có làm hay là không thôi. Hạnh phúc đời này và cả đời sau đều đang nằm trong bàn tay bạn rồi.

Do đó bạn cần tư duy, suy nghĩ liên tục về các điều trên và nhờ suy nghĩ liên tục như vậy thì mình sẽ có động cơ để mà thực hiện tịnh hóa ác nghiệp và tăng trưởng thiện hạnh.

Trong năm 2023, các bạn cần phát khởi động cơ tạo thêm nhiều thiện hạnh và không tạo thêm ác nghiệp nữa. Chúng ta cần có động cơ tốt lành như thế trong năm mới.

Bản thân Thầy mỗi ngày cũng đều thực hành như thế./.