03-12-2022
Lamrim 2021
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2021

TUẦN 84 - NGÀY 3/12/2022

CHỦ ĐỀ - HƯỚNG DẪN 7 ĐIỂM LUYỆN TÂM (TT)

ĐIỂM THỨ SÁU: LỜI NGUYỆN LUYỆN TÂM (TT)

+ LỜI NGUYỆN 1: LUYỆN TÂM KHÔNG TRÁI VỚI LỜI NGUYỆN

+ LỜI NGUYỆN 2: ĐỪNG XEM LUYỆN TÂM LÀ KHÁC BIỆT

+ LỜI NGUYỆN 3: ĐỪNG THIÊN LỆCH TRONG PHÁP LUYỆN TÂM

+ LỜI NGUYỆN 4: CHUYỂN TÂM NGUYỆN, VẪN GIỮ TỰ NHIÊN

+ LỜI NGUYỆN 5: ĐỪNG NÓI ĐẾN CÁC PHẦN KHIẾM KHUYẾT

+ LỜI NGUYỆN 6: ĐỪNG NGHĨ ĐẾN CÁC VIỆC CỦA NGƯỜI

+ LỜI NGUYỆN 7: PHIỀN NÃO NÀO LỚN THÌ ĐỐI TRỊ TRƯỚC

Lời nguyện luyện tâm là những lời hứa thực hành luyện tâm. Các lời nguyện này chủ yếu giúp mình tăng trưởng tâm bồ đề - cốt yếu là mong muốn được thành phật để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Có 2 cách luyện tâm bồ đề mà chúng ta có thể thực hành theo cách nào cũng được:

· Thứ nhất, thực hành 7 lớp nhân quả,

· Thứ hai, thực hành hoán đổi ngã tha.

Để thực hành luyện tâm bồ đề, ta cần quán xét tâm xem có các loại phiền não nào (mà cái này thi mỗi người khác nhau). Có những phiền não khó đối trị phải dùng các phương pháp rất khó để đối trị và ngược lại, tùy tâm tánh mỗi người mà có các phương pháp khác nhau.Những phiền não của mọi người thì rất đặc trưng, với người này thì ít nhưng với người kia thì mãnh liệt và ngược lại. Các phiền não đó vốn là từ tất cả các nghiệp xấu mà mình đã từng làm ở đời trước đã tạo thành thói quen hay tập khí lưu giữ trong tâm thức của mình để khi gặp điều kiện thì tập khí sẽ phát sinh ra phiền não.

Ví dụ: Có người thích uống rượu vì từ xưa thích uống và đã uống 1 lần, 2 lần và giờ rất khó bỏ rượu. Tương tự như việc nói dối. Tính chất chung của các phiền não này là chúng đều là những việc xấu mà mình từng làm và tùy hoàn cảnh mà mỗi người có nghiệp xấu khác nhau.

Vì phiền não và nghiệp xấu của mỗi người khác nhau nên khi áp dụng cùng 1 pháp thực hành thì mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau. Vì dụ khi 1 người có nhiều phiền não và áp dụng thành công một pháp nào đó để đối trị thì sẽ vô cùng hoan hỉ; còn đối với người khác ít phiền não hơn cũng áp dụng thành công pháp đối trị đó nhưng niềm vui sẽ không mãnh liệt bằng người trước.

Do đó đối với tâm thức của một người thì có rất nhiều phiền não lớn nhỏ khác nhau, nếu dẹp được phiền não lớn thì có an lạc rất lớn, nếu dẹp được phiền não nhỏ thì an lạc ít hơn một chút. Kết quả tu tập thì chỉ có thể so sánh tương đối như vậy thôi. Trải nghiệm an lạc từ việc thành công trong thực hành pháp đối với các loại phiền não lớn nhỏ là cũng rất khác nhau.

Mỗi người sẽ có những an lạc khác nhau dựa trên nguyên nhân là vì trong tâm có các loại phiền não khác nhau. Nếu dựa theo 3 phạm vi để phân loại thì sẽ có 3 MỨC ĐỘ AN LẠC

· PHẠM VI NHỎ: An lạc có được nếu ta từ bỏ được 10 nghiệp bất thiện chẳng hạn như bỏ được việc sát sinh thì ta sẽ có an lạc của việc không sát sinh như: cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật, sống lâu và không bị các điều kiện khác tổn hại đến thân.

· PHẠM VI TRUNG BÌNH: An lạc có được từ việc sẽ không còn bị cái khổ nào của luân hồi quấy rầy.

· PHẠM VI LỚN: An lạc của Phật quả vì sau khi thành phật rồi thì sẽ có năng lực giúp chúng sinh hết khổ. Niềm an lạc này cao hơn 2 niềm an lạc trên.

Do đó, khi thực hành nếu muốn biết pháp gì phù hợp với mình thì mình hãy đặt những câu hỏi như mong muốn của mình là gì thì mình thực hành và áp dụng những phương tiện của phạm vi tương ứng. Khi thành công thì mình sẽ có những mức độ an lạc tương ứng. Phạm vi càng lớn thì mức độ an lạc càng lớn và nỗ lực càng phải cao.

Chúng ta đang ở trong phần thực hành của phạm vi lớn là thực hành tâm bồ đề. Tuy nhiên việc thực hành tâm bồ đề của mọi người là không giống nhau. Có người thực hành tâm bồ đề còn khá yếu ớt. Có người thực hành lâu rồi nên tâm bồ đề vững mạnh hơn nên nỗ lực sẽ dễ dàng hơn so với người sơ cơ. Tuy nhiên đối với những người thực hành tâm bồ đề thì không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi mà sẽ có lúc gặp khó khăn, nhưng mà cái khó khăn ở đây là do trong tâm của mình còn phiền não. Mình muốn giúp đỡ người khác nhưng bản thân mình còn đang khó khăn thì làm sao để có thể giúp người khác trọn vẹn? Do đó mình phải nỗ lực vượt qua khó khăn của bản thân để có thể giúp được người khác thật tốt. Để chiến thắng bản thân mình thì mình cần phải làm theo đúng những lời nguyện luyện tâm thì lúc đó mình mới có đủ sức mạnh vượt qua khó khăn của bản thân mình.để khó khăn đó không có làm ảnh hưởng đến việc mình vẫn làm lợi lạc cho người khác.

Do đó để giúp việc thực hành tâm bồ đề được thuận lợi thì ở đây chúng ta sẽ có PHẦN THỨ SÁU (Các lời nguyện luyện tâm) và PHẦN THỨ BẢY (Các lời khuyên luyện tâm) này. Bây giờ chúng ta xem lời nguyện luyện tâm khác gì so với lời nguyện luyện tâm?

Ví dụ: Khi bạn bị bệnh và đi đến bác sĩ khám. Bác sĩ nói với căn bệnh này thì bạn không được làm điều này hay điều kia, bạn phải từ bỏ những điều đó thì bệnh mới không nặng thêm. Sau đó bác sĩ lại nói, với bệnh này thì bạn cũng cần phải nên uống thuốc hoặc là cần phải ăn các món bổ dưỡng và làm thêm việc này hay việc kia thì lúc đó bệnh sẽ mau hết.

Như vậy chúng ta sẽ thấy có 2 phần: phần thứ nhất là mình phải ràng buộc bản thân để từ bỏ một số thứ để bệnh không nặng thêm. Thứ hai là mình cần phải làm thêm một số thứ để bệnh này mau hết. Lời nguyện luyện tâm và lời khuyên luyện tâm cũng khác nhau tương tự như vậy.

Như vậy, lời nguyện luyện tâm là những thứ mình không được làm vì nếu làm là sẽ trái ngược với cách thực hành tâm bồ đề. Bên cạnh đó, khi đang thực hành tâm bồ đề thì mình cần phải làm điều này điều kia để tăng trưởng được tâm bồ đề và khi đó tâm bồ đề mới trọn vẹn và viên mãn được thì đó chính là lời khuyên luyện tâm.

· Lời nguyện là lời hứa - hứa không làm điều này điều kia.(18 điều)

· Lời khuyên là những điều cần phải làm (22 điều)

Những lời trên không dễ áp dụng mà rất khó khăn nên cần phải nỗ lực để có thói quen thì mới bắt nhịp được với các pháp thực hành để có kết quả chính xác. Khi đi đúng đường thì tâm bồ đề phát triển mãnh liệt. Những lời này đều có trong sách GTTLT rất hữu ích nên hãy cố gắng đọc và thực hành và nó sẽ mang đến rất nhiều lợi lạc. Các bạn xem trong sách về lời nguyện số 7. Thầy chỉ giải thích thêm.

Đối với mỗi người, phiền não rất khác nhau, ai có phiền não nào lớn thì mình tập trung vào đó trước để đối trị nó trước, để khiến nó giảm và mình từ bỏ được phiền não đó.

  • Đối với tâm sân giận muốn làm hại người khác thì rất dễ biết, bởi vì khi giận thì mình dễ dàng nói ra những lời khó nghe và tâm này khiến mình rất khó chịu nên mình dễ biết.

  • Đối với tâm tham ích kỷ thì mình khó nhận biết hơn và mình dễ ngụy biện hoặc đánh lừa bản thân để cho nó là đúng đắn. Ví dụ khi ta ham thích một thứ gì đó hay một đối tượng nào đó thì ta muốn giữ cho mình và muốn có nhiều hơn nữa và mình bám chấp, không chịu buông, rồi mình lại thường nói những lời ngọt ngào để có thể chiếm được điều mình muốn. Tâm này khó nhận biết hơn rất nhiều so với tâm sân.

Do đó vì mình đang thực hành tâm bồ đề mà khi gặp phải những tâm như thế quấy nhiễu tâm tư của mình thì mình phải cố gắng xem xét kỹ thực chất bản chất của nó chính là phiền não nên hãy cố gắng nghĩ đến tâm buông xả, nghĩ đến vô thường, áp dụng những phương pháp mà mình đã học ở trong các phạm vi từ phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình đến phạm vi lớn để cố gắng đối trị với các phiền não của mình. Dù có những phiền não khó phát hiện cỡ nào thì mình cũng phải dùng các lý do hợp lý để suy xét lại xem nó có đúng đắn hay không. Nếu nó bị kích động bởi phiền não thì mình phải nỗ lực để giảm thiểu hay dẹp bỏ nó. Khi các phiền não đã được đối trị thì mình sẽ dần giảm bớt được các chướng ngại trong thực hành và mình sẽ dễ dàng luyện tâm bồ đề được nhiều hơn.

Lúc mình tham lam, mình tìm cách để có được thứ mình thích. Khi mình có cái tâm tham đó quấy nhiễu hoành hành thì ngay lúc đó không thể dập tắt được nó liền nhưng có 1 cách kìm nén để nó để giảm bớt sức mạnh của nó, đó là: vì bình thường mình hay nghĩ đến tâm buông xả và tâm bồ đề gọi chung là những tâm thiện và khi các tâm thiện đó lớn mạnh bao nhiêu thì nó càng dễ đàn áp được các suy nghĩ xấu. Do đó khi nào mình đã quen với tâm buông xả và tâm bồ đề thì bất cứ lúc nào mình thấy tâm tham nổi lên thì lập tức mình chuyển hướng và nghĩ đến tâm bồ đề hoặc tâm buông xả.

Bởi trước đó mình hay nghĩ về các tâm thiện đó quen rồi nên giờ đây các tâm thiện này đã lớn mạnh thì chỉ cần mình nghĩ đến thì thói quen nó sẽ được lập tức khơi dậy và đàn áp được tâm bất thiện kia khi chúng xuất hiện trong dòng tâm thức của mình.Dùng thói quen của tâm thiện để trấn áp tâm bất thiện khi tâm bất thiện nổi lên trong tâm.

Do đó đối với việc thực hành tâm bồ đề thì mình không được để phiền não nào gây trở ngại cho mình hết. Bất cứ phiền não nào xuất hiện trong tâm mình thì mình cần phải tìm cách đối trị với chúng. Sách GTTLBT nói, "hãy thanh lọc bất cứ vọng tưởng nào mà bạn thấy là lớn nhất tronh dòng tâm thức. Nếu tham dục lớn nhất thì hãy lập tức thanh lọc nó bằng cách dùng phương pháp đối trị như quán thân bất tịnh v.v...nhằm mục đích để phiền não không có khả năng gây trở ngại cho việc thực hành tâm bồ đề của mình.

+ LỜI NGUYỆN 8: BỎ HẾT KỲ VỌNG VÀO KẾT QUẢ

Sách GTTLBT nói, "khi làm một điều gì thiện thì đừng mong chờ sự đền bù hay quả báo về sau". Đối với những ai luyện tâm bồ đề thì điều này rất quan trọng. Mục tiêu của việc rèn luyện tâm bồ đề là nỗ lực làm lợi lạc cho người khác và như vậy người ta có trả ơn hay đền đáp hay không thì mình không quan tâm hay kỳ vọng. Mục đích chính của pháp hành này là miễn sao người khác có được lợi lạc.

Tuy nhiên trong thực tế thì con người chúng ta có nhiều phiền não. Bởi phiền não mà chúng ta hay nghĩ là mình làm tốt cho người mà người không biết nghĩ hay cám ơn mình thì mình làm tốt để làm gì. Cái phiền não này chính là do mình kỳ vọng. Do đó mình cần cố gắng để từ bỏ hoặc giảm thiểu cái tâm kỳ vọng này vì bởi nó mà mình sẽ không thực hành tốt được việc luyện tâm bồ đề.

Do đó sách GTTLBT có nói, trên con đường thực hành tâm bồ đề, bất cứ việc thiện nào mình làm dù nhỏ nhất cũng giúp cho tâm bồ đề tăng trưởng. Do đó, việc thiện xuất phát từ động cơ muốn giúp đỡ và làm lợi lạc cho người khác nên bất cứ việc nhỏ nào mình làm mà mang đến lợi ích và giúp được người khác thì khi đó là mục tiêu của mình đã hoàn thành rồi, và khi đó thì mình đâu còn trông mong hay kỳ vọng gì khác nữa.

+ LỜI NGUYỆN 9: BỎ HẾT MỌI THỨC ĂN CÓ ĐỘC

Nghĩa là hãy dẹp bỏ hết phiền não trong lúc làm việc thiện.

+ LỜI NGUYỆN 10: KHÔNG NƯƠNG TAY VỚI CÁC VỌNG TƯỞNG

Nghĩa là khi mới phát sinh một vọng tưởng, hãy đối trị ngay không để cho nó kéo dài. Hảy xử không nương tay với nó. Bởi vì, khi mình xem thường một vọng tưởng hay một phiền não nho nhỏ thì dần dần nó sẽ lớn lên, và rồi mình cũng không dùng phương pháp nào để đối trị với nó thì nó sẽ trở thành thói quen xấu và lúc đó thì càng khó đối trị.

Nếu có một người dùng cây gậy để đánh mình thì mình tức giận nhưng mà mình vẫn không phản kháng lại hay nói lại lời gì xấu hoặc làm bất cứ một hành động gì xấu đối với người đó. Lúc đó mình hãy đối trị với các phiền não trong tâm của mình.

+ LỜI NGUYỆN 11: ĐỪNG ĐIÊN TIẾT VÌ LỜI ĐÙA ÁC

Nếu có người nói xấu hay lăng mạ mình mà mình phản kháng lại thì chỉ phát sinh thêm phiền não thôi. Do đó mình không phản kháng hay nói lại bằng những lời nói xấu.

Do đó, khi luyện tâm thì cần biết cách áp dụng. Trước khi áp dụng thì cần suy nghĩ, nếu mình áp dụng thì sẽ có những lợi lạc gì? Nếu chưa áp dụng thì còn những trở ngại gì mà mình chưa điều phục được? Sau khi học và suy nghĩ, phân tích nhiều lần thì mình sẽ phát hiện rằng làm như vậy thì rất có lợi thì lúc đó mình mới có động lực để mình áp dụng. Áp dụng lần đầu thì sẽ hơi khó, áp dụng lần 2 sẽ dễ hơn một chút và dần dần nó sẽ trở thành thói quen và mình sẽ áp dụng được bài học luyện tâm.

Do đó cần phải suy nghĩ về lợi lạc của bài học luyện tâm cũng như nếu không luyện tâm thì sẽ có những bất lợi gì, để có động lực áp dụng.

Con người chúng ta thường không chịu nhìn lỗi của chính mình để tự khắc phục nhưng mà lại thường nhìn lỗi của người khác rất là rõ và nhanh, rồi mình cũng lại phản ứng lại không những không khác mà còn tương tự như người đang mắc lỗi. Do đó, mình cần phải không để cái tâm tức giận kích động mình làm những việc xấu, mà hãy dùng những phương pháp đối trị ngay trong những tình huống như vậy. Khí đó thì thói quen luyện tâm mình sẽ ngày càng lớn hơn.

Ví dụ: Có một người tức giận đến mắng mình và nói mình giống như một con chó. Thay vì mình cũng tức giận và cũng nói người kia là con chó thì mình nên suy nghĩ một chút là, mình có giống con chó không? Ồ không, mình là con người mà! Mình không phải là một con chó. Người kia nói mình là con chó là người đó nói hoàn toàn sai rồi. Đã nói sai như thế thì chấp làm gì, bỏ qua thôi.

Nếu mình có được nhiều kiên nhẫn như vậy trong những lúc khó khăn thì mình càng tích góp được thêm nhiều thiện hạnh. Mình khống chế được phiền não chứ không để phiền não khống chế khiến mình tạo thêm nghiệp bất thiện. Cứ như vậy thì mình sẽ khống chế được nhiều phiền não to lớn hơn.

+ LỜI NGUYỆN 12: ĐỪNG CHỰC CHỜ MONG ĐỢI TRẢ THÙ

Có nghĩa là khi có ai đó đối xử tệ với mình mà mình không thực hành kiên nhẫn mà mình chờ một cơ hội nào đó khi người kia sơ hở thì mình đáp trả để thỏa mãn cơn tức giận của mình; hay nói cách khác là vì yếu thế mà mình ráng nhịn để chờ cơ hội trả đũa thì điều này không gọi là kiên nhẫn, điều này thật ra chính là phiền não sẽ tạo ra thêm ác nghiệp. Còn nếu kiên nhẫn mà bỏ qua lỗi lầm của người kia thì khi đó mới tạo ra được thiện nghiệp. Do đó gặp hoàn cảnh này thì cố gắng luyện tâm để dẹp bỏ cơn tức giận đối với người đã gây khó khăn cho mình.

Do đó, nếu chúng ta vì sân giận mà hành động thì sau đó có hối hận cũng sẽ không làm lại được nên hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi nói và hành động. Vả lại, mình đang thực hành tâm bồ đề có nghĩa là làm lợi lạc cho người khác. Đức Phật có nói rằng khi mình hứa sẽ mang lại lợi lạc cho người khác thì chính là mình sẽ mang niềm vui đến cho họ. Bây giờ trong hoàn cảnh khó khăn mà mình sinh tâm phiền não rồi lại mong muốn cho chúng sinh bị tổn hại thì sẽ là mình làm trái với lời hứa ban đầu của mình - thì đây là lỗi lầm rất lớn và cũng là một ác nghiệp rất khó tịnh hóa. Sau này mình muốn tâm bồ đề tăng trưởng trở lại thì việc này rất khó. Đức Phật đã nói như vậy.

Do đó nếu mình muốn thực hành tâm bồ đề và muốn tâm bồ đề tăng trưởng thì hãy cố gắng nỗ lực luyện tâm trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Khi có người gây khó khăn cho mình thì mình hãy cố gắng thực hành kiên nhẫn để không tạo thêm ác nghiệp mà thiện nghiệp sẽ tăng lên nhiều.

Do đó khi phát tâm bồ đề thì mình có lời hứa là sẽ làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh và không làm gì gây tổn hại cho họ. Do đó ai đã có lời hứa này thì hãy nỗ lực làm cho nó chỉ tăng trưởng vững mạnh thệm lên. Hãy thực hành luyện tâm và không bao giờ làm, trái với những điều mình đã nguyện về thực hành tâm bồ đề..

Có tất cả 18 lời nguyện luyện tâm,và các bạn hãy đọc thêm trong sách GTTLBT. Buổi sau sẽ nói về 22 lời khuyên luyện tâm./.