03-04-2021
Lamrim 2021
Download MP3

** Đầu giờ học Thầy nhắc nhở cả lớp về việc online thường xuyên. Lớp Lamrim Việt Nam có tỷ lệ online thấp nhất trong các lớp Lamrim Thầy đang dạy.

- Thầy nhắc nhở người học nên giữ vững cam kết với bản thân, những gì mình đã phát nguyện khi đăng ký tham gia lớp học. Cần nghiêm túc hơn đối với việc học Pháp.

- Nếu chúng ta thực hành theo đúng những gì Thầy hướng dẫn nhưng không có hiệu quả thì khuyết điểm thuộc về Thầy, Thầy sẽ nhận lỗi. Nếu chúng ta không thực hành đúng những gì Thầy hướng dẫn và không thu được kết quả thì khuyết điểm thuộc về người học, Thầy không nhận lỗi.

- Lúc nghe Pháp cần tập trung thì mới có thể hiểu đúng và thực hành đúng, từ đó mới có tiến bộ. Không được nằm trong lúc nghe Pháp.

- Với câu hỏi làm thế nào để tránh 3 lỗi trong lúc nghe Pháp, Thầy nói rằng người tu học cần tự tìm cách khắc phục. Khi học Pháp có những chỗ Thầy sẽ giảng kỹ, và cũng có những chỗ người học cần tự thân nỗ lực tìm cách.

** SÁU THỰC HÀNH CHUẨN BỊ

  1. Quét dọn nhà cửa và bày biện những biểu tượng của thân khẩu ý giác ngộ (bài trí bàn thờ)

- Biểu tượng thân khẩu ý giác ngộ: tượng Phật biểu trưng cho thân giác ngộ của Phật, các quyển kinh biểu trưng cho khẩu giác ngộ của Phật, bảo tháp biểu trưng cho ý giác ngộ của Phật.

- Bày biện các biểu tượng giác ngộ và cúng dường là để nhớ đến sự giác ngộ của Phật, và để tăng trưởng công đức

- Về biểu tượng thân giác ngộ: Nếu không có tượng Phật thì có thể thờ ảnh Phật. Khi ngắm nhìn ảnh hay tượng Phật thì không nghĩ rằng đó chỉ là ảnh tượng, mà cần nghĩ rằng đó là Đức Phật thật sự đang ngự trong nhà mình. Tư duy như thế sẽ tăng cường kết nối của ta với Đức Phật. Nếu được hãy in một bức ảnh Ruộng Phước (Phước Điền) để thờ. Học viên vào thư mục khóa học, vào tiếp thư mục Tài liệu để tải ảnh Ruộng Phước

- Về biểu tượng khẩu giác ngộ: có thể dùng bất cứ quyển kinh nào để bày biện, tuy nhiên tốt nhất hãy thờ một quyển kinh Kim Cang Bát Nhã (Kinh Kim Cang)

- Ngắm nhìn các biểu tượng thân khẩu ý giác ngộ của Phật sẽ tạo ra tập khí tích cực trong tâm của ta.

- Nếu ở nhà có thờ cúng tổ tiên thì có thể thờ tổ tiên và thờ Phật cùng một bàn thờ. Nếu có thể thì bố trí 2 bàn thờ riêng sẽ tốt hơn. Nếu thờ Phật và tổ tiên chung một bàn thờ thì bàn thờ nên có hai tầng, thờ Phật ở tầng cao hơn, thờ tổ tiên ở tầng thấp hơn.

- Mỗi ngày, trước khi ra khỏi nhà buổi sáng hãy thực hành ngắm nhìn các biểu tượng thân khẩu ý giác ngộ của Phật. Ngắm nhìn và nói lời chào đến Đức Phật như là đối thoại với một người thật, chứ không phải nói chuyện với pho tượng.

- Từ ngày mai các học viên hãy thực hành bước 1 vào buổi sáng. Nếu không có thời gian quét dọn thì hãy ngắm nhìn Đức Phật.

  1. Kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt

- Điều quan trọng nhất khi cúng dường là tín tâm (niềm tin)

- Khi cúng dường Phật thì hãy nghĩ rằng ta cúng dường cho một người rất quan trọng

- Có nhiều vật phẩm cúng dường khác nhau, đơn giản nhất là cúng dường nước

- Nếu mỗi ngày không có vật phẩm nào để cúng Phật thì hãy cúng nước

- Có thể cúng dường 7 chén nước (tượng trưng 7 pháp gia hành). Theo truyền thống Việt Nam có nơi cúng dường 3 chén nước cũng được.

- Nước trong chén cúng không được quá lưng, cũng không được quá đầy.

- Không nên để chén rỗng lên bàn thờ Phật. Nếu cần để chén lên bàn thờ để rót nước thì trước hết cầm chén trên tay, rót một ít nước vào chén, rồi đặt chén lên bàn thờ, sau đó tiếp tục rót đầy chén.

- Khi ngồi không được duỗi thẳng chân hướng về phía bàn thờ Phật. Người Thái khi vào chùa đều ngồi tư thế quỳ, vì vậy chân không bao giờ duỗi thẳng hướng về bàn thờ, tượng Phật.

- Niềm tin (tín tâm) là điều vô cùng quan trọng. Nếu ta nghĩ pho tượng là Đức Phật thật sự thì thật sự có Đức Phật hiện diện. Nếu ta nghĩ pho tượng chỉ là pho tượng thì trên bàn thờ cũng chỉ có pho tượng.

- Đọc thêm Giải Thoát Trong Lòng Tay để biết 8 lợi ích của cúng dường nước.

- Ngoài nước, ta có thể cúng đèn, cúng hương (nhang)

- Ta không nên cúng dường như một công việc hay thói quen hằng ngày cần làm. Hãy cúng dường với tín tâm.

- Ngoài cách cúng dường thông thường như trên thì còn có cúng dường đặc biệt. Ta hãy dâng cúng Đức Phật bất cứ món đồ nào ta mua. Ta cúng dường trong vài giờ hoặc vài ngày, xem như Đức Phật sở hữu món đồ đó, ta chỉ là người sử dụng.

- Những món đồ ta mua đều là những gì ta rất ưng ý, vì thế ta hãy dâng cúng những gì mình ưng ý nhất lên Đức Phật

- Có vài lợi lạc: trước hết ta có công đức khi cúng dường như vậy. Tiếp theo việc cúng dường như thế giúp ta bớt bám chấp vào món đồ mình thích.

- Đôi lúc ta nghĩ có được món đồ mình thích sẽ làm ta hạnh phúc. Tuy nhiên, tâm bám chấp quá mạnh vào món đồ sẽ hủy hoại hạnh phúc. Nếu bám chấp như thế thì việc có được những gì mình thích chỉ khiến ta thêm bất an, phiền muộn.

- Thầy kể câu chuyện về một nhà sư được cúng dường một cái bình bát vàng. Nhà sư có bình bát vàng thì vẫn có thể ngủ ngon. Một tên trộm đến trộm cái bình bát, nhà sư đã bố thí cho tên trộm cái bình bát vàng. Nhưng vì bám chấp vào cái bình bát nên tên trộm không thể ngủ được khi có cái bình bát trong nhà, vì tên trộm sợ có người khác đến trộm mất!

- Khi cúng dường lên Phật rồi thì hãy nghĩ món đồ đó là của Phật. Thậm chí nếu có tình huống Phật yêu cầu ta hoàn trả thì ta vẫn vui vẻ hoàn trả.

- Khi trong nhà có cãi vã với vợ hoặc chồng mình, ta hãy suy nghĩ trong tâm cúng dường người vợ hoặc người chồng của mình lên Phật, nhờ đó Phật sẽ ban phước, gia trì cho vợ, chồng mình được tâm bình an, từ bi hơn, không sân giận nữa. Thầy dặn các học trò hãy thử phương pháp này.

- Nhưng có một thứ ta không nên cúng dường lên Phật. Đó là thứ gì? Thầy dặn cả lớp hãy suy nghĩ về câu hỏi này.

- Thầy đặt câu hỏi: Nếu bạn khẩn cầu Đức Phật hoặc mời Đức Phật đến nhà mình thì bạn có tin rằng Đức Phật biết rõ tâm ý của bạn không? Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng và là bước đầu tiên trong hành trình tu tập giáo pháp. Bạn hãy nhắm mắt lại và tự tìm đáp án cho riêng mình. Ngay khi bạn có lời giải cho riêng mình thì hành trình Phật pháp bắt đầu.

- Trong câu hỏi trên, nếu bạn tin thì trả lời là tin, nếu không tin thì trả lời không tin, không thể nào có đáp án đứng ở giữa, nửa tin nửa ngờ, lúc tin lúc không. Bạn không cần chia sẻ đáp án với bất cứ ai khác, chỉ tìm đáp án và giữ cho riêng mình.

★ Bài tập về nhà tuần này:

- Thực hành bày biện bàn thờ

- Thực hành cúng dường

- Mỗi buổi sáng ngắm nhìn và nói lời chào Đức Phật trước khi ra khỏi nhà

Tự tìm đáp án cho câu hỏi khi khẩn cầu hoặc mời Đức Phật đến nơi ở của mình thì bạn có tin là Phật sẽ biết rõ không?