13-03-2021
Lamrim 2021
Download MP3

TÍNH VĨ ĐẠI CỦA LAMRIM & CÁCH NGHE PHÁP

** BỐN TÍNH VĨ ĐẠI CỦA LAMRIM

Tính vĩ đại thứ nhất: Lamrim giúp bạn nhận ra mọi giáo lý đều nhất quán

- Hiểu rõ Lamrim thì hiểu rằng tất cả những điều Phật thuyết đều có liên hệ với nhau, không mâu thuẫn

- Không còn tâm phân biệt giáo lý thấp hay cao

- Cần phải nói lên tính vĩ đại thứ nhất này vì Lamrim chủ yếu được dạy cho những người có tâm mong cầu giải thoát, và những người muốn tu theo Đại Thừa. Và người tu cần hiểu rằng: tu theo Đại thừa vẫn phải thực hành các pháp thuộc Tiểu thừa, và tu theo Kim cang thừa vẫn cần thực hành các pháp thuộc Đại thừa và Tiểu thừa

Tính vĩ đại thứ hai: Khiến mọi kinh điển đối với bạn đều thành lời chỉ giáo

- Hiểu được Lamrim thì sẽ thấy những lời dạy khác nhau của Đức Phật đều có thể áp dụng cho con đường tu tập của riêng mình

- Cần phải nói đến tính vĩ đại thứ hai vì nếu không hiểu về thứ tự tu tập (hay Lamrim) thì ta không thể biến lời Phật dạy thành chỉ giáo thực hành

Tính vĩ đại thứ ba: Giúp ta dễ dàng khám phá ý thật của Phật

- Đức Phật đã giảng những điều khác nhau tùy theo trình độ của người nghe

- Hiểu Lamrim sẽ hiểu được vì sao Đức Phật nói về điều này cho người này, nhưng lại nói khác với người kia.

- Về ngôn từ thì lời Phật dạy cho những người nghe khác nhau có vẻ mâu thuẫn nhau. Khi hiểu Lamrim thì ta hiểu được ý thật của Phật, từ đó không còn thấy lời Phật dạy có mâu thuẫn nữa, và có thể áp dụng tất cả lời dạy vào thực hành cho bản thân.

Tính vĩ đại thứ tư: Giúp bạn tự cứu mình khỏi những tà hạnh

- Tà hạnh ở đây chủ yếu nói đến việc có tâm trọng tâm khinh đối với những giáo lý khác nhau do Phật dạy, ví dụ khi thực hành Đại thừa lại khinh chê giáo pháp Tiểu thừa.

- Hiểu Lamrim sẽ giúp ta tránh được những tà hạnh như thế, vì ta hiểu được mọi giáo lý đều nhất quán

** BA ĐẶC ĐIỂM CỦA LAMRIM

Đặc điểm thứ nhất: Lamrim toàn diện vì chứa đựng đề tài của Kinh giáo và Mật giáo

- Tất cả các đề tài của Kinh giáo (Tiểu thừa và Đại thừa) và Mật giáo (Kim cang thừa) đều có thể được quy về 3 điểm: Tâm Buông Xả, Tâm Bồ Đề, và Chánh Kiến về Tánh Không

- Lamrim chứa đựng chỉ dẫn về thứ tự thực hành 3 điều cốt lõi này, vì thế nói rằng Lamrim chứa đựng đề tài của cả Kinh giáo lẫn Mật giáo

Đặc điểm thứ hai: Lamrim dễ thực hành vì nhấn mạnh những bước điều phục tâm

- Tất cả giáo lý đều hướng đến mục tiêu điều phục tâm (diệt phiền não)

- Lamrim nhấn mạnh và làm rõ những điểm cần thực hành để điều phục tâm, khiến cho việc điều phục tâm trở nên dễ thực hành

Đặc điểm thứ ba: Lamrim thù thắng hơn những truyền thống khác vì chứa đựng những chỉ giáo từ hai bậc thầy đã được học các truyền thống của hai bậc tiên phong

- Hai bậc tiên phong: Đức Văn Thù và Đức Di Lặc

- Hai bậc thầy: ngài Long Thọ (kế thừa Đức Văn Thù) và ngài Vô Trước (kế thừa Đức Di Lặc)

- Hai dòng truyền thừa từ Đức Văn Thù và Đức Di Lặc đều khởi nguồn từ Đức Phật

- Hai bậc tiên phong và hai bậc thầy đã giải nghĩa tất cả lời Phật dạy, và ý nghĩa này được đúc kết trong Lamrim

- Vì thế nói Lamrim thù thắng vì chứa đựng tất cả chỉ giáo từ hai bậc thầy đã học từ truyền thống của hai bậc tiên phong.

** CÁCH LẮNG NGHE PHÁP: Cần từ bỏ 3 lỗi và rèn luyện 6 thái độ

Từ bỏ 3 lỗi:

- Lỗi 1: lỗi khiến bạn như một bình chứa lật úp. Bình chứa lật úp thì không thể bỏ thêm thứ gì vào được nữa. Nếu nghe pháp mà không tập trung thì tâm bạn như cái bình bị lật úp, không thể thu nạp thêm bất cứ lời dạy nào nữa.

- Lỗi 2: lỗi khiến bạn như một bình chứa hôi hám. Bình chứa hôi hám sẽ khiến cho bất cứ thứ gì được bỏ vào bình sẽ trở nên dơ bẩn. Nếu nghe Pháp với thái độ không đúng đắn thì lúc đó tâm bạn như một bình chứa hôi hám, như thế thì lời dạy không thể giúp diệt phiền não và không mang đến lợi lạc. Thái độ không đúng đắn tức là tâm có sẵn thành kiến về các lời dạy. Khi tâm đã có thành kiến thì dẫn đến việc chỉ trích lời dạy. Vì thế cần xóa bỏ mọi thành kiến khi nghe Pháp.

- Lỗi 3: lỗi khiến bạn như một bình chứa bị rò rỉ. Bình chứa bị rò rỉ thì cho gì vào trong đó rồi cũng sẽ bị thất thoát ra ngoài. Nghe Pháp nhưng mắc lỗi như thế thì Pháp không thể đọng lại trong tâm. Để không mắc lỗi này thì cần có động cơ/mục tiêu đúng đắn lúc nghe Pháp. Phát khởi động cơ đúng đắn tức là khởi tâm nghĩ về lợi lạc của việc nghe Pháp.

- Lỗi thứ nhất nhắc nhở ta cần tập trung khi nghe Pháp. Lỗi thứ 3 nhắc nhở ta cần có động cơ đúng đắn lúc nghe Pháp.

Rèn luyện 6 thái độ:

1. Khởi tâm xem mình như người bệnh: ở đây nhận ra ta là người mang bệnh phiền não.

2. Khởi tâm xem diệu pháp này là thuốc: tức xem Pháp là thuốc có khả năng chữa bệnh phiền não

3. Khởi tâm xem thầy giảng Pháp như là lương y: Xem thầy giảng Pháp như người lương y có thể kê toa bốc thuốc giúp ta hết bệnh phiền não

4. Khởi tâm xem việc thực hành Pháp như là chữa bệnh: Xem việc thực hành Pháp là để giúp mình diệt trừ phiền não, tương tự với việc uống thuốc để thoát khỏi bệnh tật

5. Khởi tâm xem vị thầy hướng đạo tâm linh như Phật: Đức Phật đã từng thuyết Pháp giúp các đệ tử thoát khỏi mọi phiền não. Ta cũng xem vị thầy giảng Pháp cho mình như là Phật, đang giảng dạy để ta thoát mọi phiền não

6. Khởi tâm mong muốn chánh Pháp tồn tại lâu dài: Pháp là phương thuốc giúp tất cả chúng sinh thoát mọi phiền não, vì thế ta cần mong cho Phật Pháp tồn tại lâu dài để đem lợi lạc cho thật nhiều người.