19-06-2021
Lamrim 2021
Download MP3

LỜI CẦU NGUYỆN BẢY PHẦN (tt)

- Thành phần thứ 5

Trong lời cầu nguyện bảy phần là thỉnh Ruộng Phước chuyển pháp luân. Đây là lời thỉnh cầu Ruộng Phước giảng pháp. Khi thỉnh cầu, lợi lạc có được là có được phước đức để sau này chúng ta luôn được nghe giảng những lời Phật dạy. Đôi lúc có những tình huống chúng ta không có đủ điều kiện để nhận được lời giảng pháp đúng đắn là do chúng ta không đủ phước. Mục đích của việc thỉnh cầu Ruộng Phước giảng pháp là để từ đây về sau, ta sẽ luôn có được phước báu và luôn có được cơ hội để được nghe đúng pháp và thực hành đúng pháp.

- Thành phần thứ 6

Trong Lời cầu nguyện bảy phần là Thỉnh Ruộng phước đừng nhập Niết Bàn, nghĩa là dâng lời thỉnh cầu lên tất cả các vị trên Ruộng Phước đừng nhập Niết Bàn.

- Thành phần thứ 7

(Tr.345) Trong Lời cầu nguyện bảy phần là Hồi hướng. Khi làm những thiện hạnh, ta sẽ có phước đức và ta sẽ hồi hướng những phước đức đó cho 3 điều:

➢ Một là hồi hướng để cho giáo pháp đức Phật luôn tồn tại và lan rộng khắp mọi nơi.

➢ Hai là hồi hướng để cho ta luôn gặp được vị thầy đúng đắn hướng dẫn ta thực hành đúng pháp.

➢ Ba là hồi hướng để cho tất cả mọi chúng sinh luôn có trí tuệ phát triển cho đến khi thành Phật. Thành phật nghĩa là cầu nguyện cho mọi chúng sinh không còn đau khổ.

Trong 3 loại hồi hướng này, loại hồi hướng đầu tiên rất quan trọng vì nếu giáo pháp đức Phật bị suy đồi thì chúng sinh sẽ không có được sự hiểu biết đúng để thực hành đúng pháp.

Chúng ta cần nghĩ rằng những lời dạy của đức Phật giống như thuốc chữa bệnh phiền não cho tất cả mọi người nên chúng ta phải luôn cầu nguyện giáo pháp đức Phật luôn tồn tại và lan truyền khắp mọi nơi vì lời dạy đó sẽ mang đến lợi ích cho tất cả mọi người.

Lời cầu nguyện thứ 3 cũng rất quan trọng vì cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều thành Phật nghĩa là tất cả mọi chúng sinh hết đau khổ, vì trong cuộc sống, chúng ta thường hay nghĩ về những khó khăn, rắc rối của bản thân nhiều hơn. Khi chúng ta không có để ý đến khó khăn của người khác mà chỉ nghĩ về khó khăn của bản thân thì những khó khăn càng ngày càng lớn hơn đối với mình. Ngược lại, khi nghĩ đến khó khăn của người khác thì so với khó khăn của người khác, chúng ta sẽ thấy khó khăn của bản thân rất nhỏ bé. Điều quan trọng khi nghĩ đến khó khăn của người khác là chúng ta phải nghĩ làm gì để giúp người khác vượt qua khó khăn của họ.

- Sau phần hồi hướng là phần cầu nguyện: Có 3 điều quan trọng khi cầu nguyện: Không phải cầu nguyện cho bản thân được sống lâu, sức khỏe mà xin chấm dứt mọi tà kiến (những suy nghĩ không đúng đắn, lệch lạc trong tâm) như không kính thầy, xin phát sinh mọi chánh kiến (những hiểu biết đúng đắn) và xin tịnh trừ tất cả mọi chướng ngoại trong và ngoài.

- Những suy nghĩ không đúng đắn xuất phát từ bản ngã của mình. Do chấp ngã nên chúng ta nghĩ rằng bản thân mình khác biệt so với người khác, dẫn đến những suy nghĩ phân biệt, lệch lạc và sai lầm. Bản ngã cũng khiến chúng ta suy nghĩ rằng bản thân mình hay hơn, đúng hơn người khác. Vì thế, ta cầu nguyện những suy nghĩ sai lầm trong tâm của mình đều chấm dứt. Bước này là bước đầu tiên phải đi qua khi bắt đầu con đường thực hành Phật pháp, bởi để có được quan điểm đúng thì đầu tiên chúng ta cần chấm dứt những suy nghĩ, quan điểm sai lầm trước đã.

- Có 3 loại chướng ngại gồm: chướng ngại bên ngoài, chứng ngại bên trong và chướng ngại bí mật. Chướng ngại bên ngoài là việc người khác cản trở mình để mình không thực hành tốt Phật pháp. Chướng ngại bên trong là bệnh tật khiến chúng ta không thực hành được Phật pháp. Chướng ngại bí mật là là sự lười biếng trì hoãn của chính chúng ta. Đây là chướng ngại lớn nhất trong việc thực hành phật pháp. Vì thế, hãy cầu nguyện với Ruộng Phước để chúng sinh loại bỏ tất cả mọi chướng ngại để có thể thực hành tốt Phật pháp.

Bài tập về nhà trong tuần:

1. Chúng ta hãy tự suy xét lại bản thân là từ xưa đến nay chúng ta đang có những suy nghĩ sai lầm, lệch lạc nào và hãy viết xuống giấy những suy nghĩ không đúng đó. Nếu bạn thấy mình không có suy nghĩ sai lầm nào thì có 2 khả năng: Một là bạn đã có chứng ngộ rất cao đến mức không hề có một suy nghĩ sai lầm nào trong tâm thức. Hai là nhiều khi bản thân chúng ta ngu ngốc đến mức mình sai gì cũng không biết.

2. Tìm kiếm những suy nghĩ tích cực, những đức tính tích cực nào (như lòng từ bi, tâm tử tế…) mà ta có để tìm cách phát huy những điểm tích cực đó nhằm làm lợi lạc cho nhiều người.

Việc cầu nguyện rất đơn giản, nhưng việc chúng ta tự ngồi xuống soi xét những sai lầm của bản thân là rất khó.