08-05-2021
Lamrim 2021
Download MP3

- Ruộng Phước là thửa ruộng phước đức. Phước đức cũng là công đức có được do thực hành, gồm 2 loại: công đức về phước, và công đức về trí tuệ (phước & trí).

- Để tích góp được phước và trí thì phải nương tựa bậc thầy (đạo sư của mình). Vì thế, hãy xem đạo sư của mình giống như Phật, xem lời thầy dạy là lời của Phật. Xem vị thầy và Phật bất phân (không tách rời nhau) có nghĩa là bản chất của vị thầy và Phật là như nhau.

- Nếu muốn thực hành Tâm Buông Xả hay Tâm Bồ Đề thì cũng cần nương vào lời dạy của đạo sư.

- Thực hành Ruộng Phước là để tích góp phước và trí, chỉ như thế mới có thể thanh lọc nghiệp ác đã tạo. Việc thiện nhỏ không đủ sức thanh lọc ác nghiệp lớn. Cầu nguyện và thực hành Ruộng Phước giúp làm tăng trưởng các thiện hạnh nhỏ, từ đó mới có thể thanh lọc tất cả ác nghiệp.

- Ruộng Phước khác với ruộng thế gian: Hạt mầm trong ruộng thế gian cần nhiều điều kiện hội tụ cùng lúc (dưỡng chất, thời tiết, thời gian) để nảy mầm. Với Ruộng Phước, bất cứ lúc nào ta cầu nguyện, gieo thiện hạnh vào Ruộng Phước thì cũng thu được kết quả to lớn.

- Tóm tắt các bước thực hành Ruộng Phước: gia trì mặt đất, quán tưởng trước mặt có hồ sữa, từ đó mọc lên cây ước. Trên cây ước có pháp tòa, vị thầy trung tâm Ruộng Phước ngự trên pháp tòa. Học viên nghe lại bài giảng để nắm rõ tất cả chi tiết quán tưởng Ruộng Phước.

- Cây ước: Cây làm thỏa mãn mọi ước nguyện, làm từ bảy báu: Vàng, Bạc, Lưu Ly, Thủy Tinh, Hổ Phách, Ngọc Bích, Kim Cương. Tiếng xào xạc của lá cây là Pháp âm về Bốn Pháp Ấn: Vô thường, Khổ, Vô ngã, Niết bàn.

- Ở giữa cây ước có tám mãnh sư nâng một bảo tòa. Tám mãnh sư (tám con sư tử hùng mạnh) là hóa thân của chư bồ tát (Bát Đại Bồ Tát). Ý nghĩa tám sư tử nâng pháp tòa: sư tử là mãnh chúa của loài thú, tiếng gầm sư tử khiến các loài khác phải run sợ, tượng trưng cho uy lực của giáo pháp có thể dẹp trừ mọi phiền não. Hình ảnh sư tử cũng có ý nghĩa khi ngự trên pháp tòa thuyết Pháp, Phật như là chúa tể của trời, người, và các ngoại đạo thế gian. Tám sư tử cũng tượng trưng cho tám con đường đúng đắn (Bát Chánh Đạo).

- Trên pháp tòa có một đài sen lớn gồm 11 tầng. Tầng trên cùng đài sen có một vòng mặt trời màu đỏ (nhật luân) và vòng mặt trăng màu trắng (nguyệt luân). Đài sen tượng trưng cho Tâm Buông Xả (vì sen mọc trong bùn nhưng không bị bùn làm vấy bẩn). Nhật luân (vòng mặt trời) tượng trưng cho Chánh Kiến ([tức trí tuệ chính xác về bản chất mọi sự vật hiện tượng]). Nguyệt luân (vòng mặt trăng) tượng trưng cho Tâm Bồ Đề ([tức ước nguyện tu thành Phật quả để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh]).

- Tất cả chư Phật, Bồ tát, Bổn tôn đều ngồi trên pháp tòa có đài sen, nhật luân và nguyệt luân.

- Ở trung tâm Ruộng Phước là vị thầy của mình trong hình tướng của tổ Tông Khách Ba. Nơi tim của tổ Tông Khách Ba có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nơi tim của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có Đức Phật Kim Cang Trì (xem video hướng dẫn quán tưởng Ruộng Phước). Bốn vị: Vị thầy của ta, Tổ Tông Khách Ba, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Kim Cang Trì có bản chất như nhau, hệt như khi đã trộn sữa vào nước rồi khuấy đều thì ta không còn phân biệt được sữa với nước nữa. Đồng thời, bốn vị này là hiện thân của tất cả chư Phật của cõi giới hội tụ. Bốn vị này hội đủ tất cả mọi phẩm hạnh của chư Phật.

- Ruộng Phước bao gồm tất cả chư đạo sư và các pháp thực hành, gồm Thanh Văn, Duyên Giác, Độc Giác, Bồ tát. Trong Ruộng Phước cũng bao gồm các thực hành Kim Cang thừa như Hành Bộ, Tác Bộ, Du-già Bộ, Vô Thượng Du-già Bộ.

- “Quán tưởng Ruộng Phước” có nghĩa là trình tự mà Ruộng Phước phát triển trong suy nghĩ. Học viên xem Giải thoát trong lòng tay để biết chi tiết.

Sau khi quán tưởng Ruộng Phước (tức Ruộng Phước đã được thiết lập đầy đủ trong quán tưởng) thì tiến hành tắm gội chư vị trên Ruộng Phước. Chư vị không nhiễm ô nhưng ta vẫn cúng dường tắm gội để thanh lọc tâm thức chính mình. Chi tiết xem thêm Giải thoát trong lòng tay về nghi thức tắm gội gồm các bước: quán tưởng bồn tắm, chư thiên tắm chư vị, lau thân, xức nước hoa, mặc y phục. Chư vị nhận cúng dường tắm gội của chúng ta và chư vị vô cùng hoan hỉ (Tâm của Ruộng Phước phát sinh đại lạc).