02-09-2023
Lamrim 2021
Download MP3

Tóm Tắt bài giảng L21 – tuần 108 Ngày 02.09.2023

Ngày 22

1. Xác định tánh phi hữu của bản ngã

Thực hành tánh không là thực hành về vô ngã.

Đầu tiên, thực hành về nhân vô ngã với mục đích nhận ra cái tôi biệt lập so với các uẩn mình thường hay bám chấp. Một cái tôi như thế hoàn toàn không tự có.. Khi thực hành về nhân vô ngã sẽ thấy không có một cái tôi như thế. Khi chứng được nhân vô ngã, sẽ bớt bám chấp vào cái tôi.

Tâm chấp ngã có rất nhiều lỗi lầm và khuyết điểm, khiến ta sinh phiền não. Khi một tâm chấp ngã đang phát sinh mãnh liệt và dữ dội, thì khó đảo ngược. Và để loại trừ được tâm chấp ngã đó, cần phải dùng trí tuệ chứng Tánh Không mới có thể loại trừ được chấp ngã. Như vậy hành giả cần phải chứng được nhân vô ngã trước rồi sau đó mới chứng pháp vô ngã.

Có người hỏi tại sao những người thực hành pháp, giữ giới... lại không có kết quả tốt trong cuộc sống, gặp nhiều trở ngại và không như ý. Những người không thực hành pháp, nói dối, làm nhiều bất thiện nghiệp nhưng lại có được hoàn cảnh thuận lợi, như ý trong cuộc sống? Nếu ta cảm thấy nghịch lý, thì không phải là một hành giả và ta đang không thực hành. Với những người nói dối, làm điều bất thiện nghiệp để có được lợi lạc cho bản, nếu là người thực hành pháp thật sự, thấy người khác làm việc ác, bất thiện để có được thành công cho bản thân thì phải phát tâm từ bi hơn đối với người đó, không so sánh mình với người đó.

Lí do họ làm điều bất thiện để đạt lợi ích cá nhân bởi vì tâm chấp ngã lớn. Đã thấy được lỗi lầm, khuyết điểm của tâm chấp ngã, phải thực hành nhân vô ngã để loại trừ được tâm chấp ngã đó. Loại trừ được tâm chấp ngã của mình để không bám chấp vào cái tôi của mình và cũng không bám chấp vào người khác. Nên phát tâm từ bi với những người làm chuyện bất thiện mà không biết, chính ác nghiệp đó sẽ khiến cho họ gặp đau khổ trong tương lai. Khi phát tâm từ bi như vậy là mình đang thực hành pháp đúng nghĩa.

Đây là bài tập rất khó để thực hành trong cuộc sống, là bài thi thực tế cần phải vượt qua. Lòng từ bi với những người như thế, sẽ không trải nghiệm được lập tức nhưng qua thực hành sẽ dần phát tâm được.

Để có thể loại trừ chấp ngã, 2 điều quan trọng cần phải có. Thứ nhất là kiến thức, hiểu biết rõ và đúng về tánh không (nhân vô ngã và pháp vô ngã). Nhân vô ngã dễ hơn nên cần hiểu về nhân vô ngã trước.

Để hiểu về nhân vô ngã phải qua 4 điểm then chốt:

(1) Xác định cái gì cần bác bỏ.

(2) Xác định toàn bộ những khả tính.

(3) Xác định Ngã và Uẩn không phải là một.

(4) Xác định Ngã và Uẩn không thật sự là khác.

1. Xác định đối tượng cần được bác bỏ tức xác định Cái Tôi mình đang nắm giữ và bám chấp vào cái tôi đó như thế nào. Cần trải nghiệm cảm giác của mình khi thiền về đề mục đó.

2. Phân tích thực trạng của Cái Tôi. Cái Tôi đang là thân hay tâm của mình? Nếu không xét soi kỹ, mình sẽ không biết thực trạng bản thân. Mình không hiểu được người khác do không hiểu bản thân. Vì không hiểu bản thân nên không biết ứng xử với người khác như thế nào.

Ở bước 1 đã xác định được cái tôi ló dạng và trình hiện như thế. Đem cái tôi ra kiểm tra và phân tích. Xem nó là thế này hay thế kia, xem kết quả quá trình mình trải nghiệm được là gì. Quá trình phân tích hay xem xét như thế gọi là thiền quán hay thiền phân tích. Thiền ruộng phước (nghĩ đến và tập trung vào) là thiền chỉ, nghĩa là thiền tập trung. Phần thiền cần phải thực hành ở đây là thiền quán, phải phân tích và xét soi, kiểm tra cặn kẽ.

Phương pháp tìm cái tôi:

Giữ lại bức ảnh trong đó mình nhìn già, xấu, nhiều nếp nhăn và nghĩ rằng đó mới thật sự là mình. Bức ảnh đó sẽ không làm mình xấu hơn nhưng nó sẽ đánh vào cái tâm chấp ngã của mình. Sẽ khiến mình thấy không đẹp và cảm thấy bị tổn thương. Nên hãy giữ ảnh xấu treo khắp nhà, mỗi khi nhìn thấy mình sẽ thấy cái tôi/tâm bị tổn thương hiện lên rất rõ. Lúc đó cái tôi đang ló dạng rất rõ, hãy nhìn thẳng vào cái tôi đó và xem mình nắm bắt như thế nào, cái tôi đang trình hiện như thế nào.

Do chấp ngã nên mình thích nhìn trẻ đẹp hơn và không chấp nhận bị xấu, bị già. Nên khi nhìn những bức ảnh xấu, cái tôi sẽ nổi lên. Hãy quan sát nó.

Khi đã nhận diện được cái tôi như thế ló dạng rồi, phải nhìn thẳng nó và phân tích xem cái tôi như thế nó là thân hay là tâm. Nếu là cái tôi là thân, vì sao là thân? Nếu là tâm,vì sao là tâm? Hãy hỏi bản thân nhiều lần để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Phải đặt câu hỏi thực sự nghiêm túc thì mình mới cố gắng tìm ra kết quả đúng nghĩa.

Vậy cái tôi là thân hay là tâm?

Khi chết thân này sẽ mất đi. Mình sẽ đi tái sinh ở kiếp khác. Cho nên Cái Tôi của mình không thể là thân.

Cái Tôi là tâm cũng không hợp lý. Vì tâm không biết lạnh hay đói. Cái lạnh và đói là cảm giác của thân. Tâm không biết lạnh,đói. Nhưng cái tôi biết lạnh,đói nên không thể nào là tâm được.