19-08-2023
Lamrim 2021
Download MP3

Tóm tắt Lamrim 21 buổi 107 - Ngày 19/8/2023

TÁNH KHÔNG

- Điểm then thốt thứ 1: xác định đúng cái/đối tượng cần bác bỏ/phủ định. (trang 314 sách Giải thoát trong lòng tay).

- Tánh không: khi nghe tới chữ “không”, tức là phủ định một cái gì đó, vậy cần bác bỏ cái gì? Chứng Tánh Không tức là chứng được phần cần bác bỏ, sau khi bác bỏ được đối tượng đó, thì sẽ có được trải nghiệm trí tuệ. Cần xác định đúng điều cần bác bỏ. Nếu xác định sai đối tượng thì còn sót lại, khi còn sót lại thì không chứng ngộ được Tánh Không .

Cũng vậy, khi nói về Tánh Không, cần phủ định đối tượng nào đó, khi phủ định xong đối tượng đó, khi đó mới hiểu biết về Tánh Không. Nếu không biết đối tượng cần bác bỏ là gì, mà cứ đi phủ định, thì sẽ không phủ định đúng đối tượng. Khi nhận diện được đúng đối tượng cần bác bỏ, cần quan sát đối tượng đó bằng nhiều lập luận, lý lẽ để xem có hay không có đối tượng đó. Phần dùng lập luận để chứng minh không có là ở phần sau, nhưng phần đầu là cần xác định đối tượng cần bác bỏ đó, nếu xác định sai đối tượng, cái cần bác bỏ mà không bác bỏ, cái không cần bác bỏ mà bác bỏ thì khi đó trí tuệ đó không phải là biết đúng về Tánh không.

- Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, phẩm 9 – Trí Tuệ của Ngài Tịch Thiên, có nói: nếu không nhận diện được đối tượng thì không thể nào bác bỏ được đối tượng đó. Cũng vậy, khi học về Tánh Không, cần phải nhận diện đúng cái mình cần bác bỏ để chứng Tánh không. Nếu không nhận diện đúng thì ko thể nào bác bỏ một cách triệt để được.

Đối tượng được bác bỏ ở đây là cái “có thực”. Cái gì là “có thực”? Nếu nói cái tôi là “có thực”. Cái tôi “có thực” như thế chính là đối tượng cần bác bỏ. Muốn chứng Tánh không, muốn chứng nhân vô ngã thì đầu tiên phải nhận diện cái cần bác bỏ là cái tôi. Có rất nhiều cách nghĩ về cái tôi của mình. Ví dụ: tôi là con của Bố tôi, lúc đó mình không nghĩ trực tiếp đến cái chữ tôi, cái tôi, mà mình nghĩ là “con của Bố tôi”, hoặc nếu mình làm giáo viên, thì mình nghĩ bản thân mình là giáo viên, vv.. Tất cả những suy nghĩ như thế, khi nghĩ đến bản thân mình bằng một định danh nào đó, thì đều là chấp ngã. Những cách bám chấp đó đều là bám chấp vào cái tôi, cái ngã, theo những hình thức khác nhau. Nên nghĩ: tôi là Bố của con tôi? Như vậy thì cái gì là Bố của đứa con đó? Có phải cái cơ thể của mình là Bố của đứa con không? Nếu cơ thể này không phải là Bố của đứa con kia thì ngoài cơ thể này ra thì cái gì có thể làm Bố của đứa con?

Nếu thân này không phải là Bố của đứa con kia, thì cái gì có thể làm Bố của đứa con kia? Có thể lúc này có một số người nghĩ rằng, ngoài thân này ra có một cái gì đó là chắc thực, nó đang là cái thực thể làm Bố của đứa con kia, hoặc cũng có một số người nghĩ rằng cái thân này không phải là Bố, cái thực thể ngoài thân cũng không phải là Bố, nhưng mà cái thân này cộng thêm đặc tính gì đó trộn lẫn lại với nhau, thì tất cả những cái đó tổ hợp lại làm Bố của đứa con kia.

- Có rất nhiều cách chấp ngã, dựa trên nhiều hình thức và suy nghĩ khác nhau. Nhận diện đối tượng cần bác bỏ là cái tôi của mình. Khi chứng Tánh không, chứng nhân vô ngã, cần dựa trên tự trải nghiệm nghĩ về cái tôi của mình như thế nào, chấp ngã như thế nào, quan sát xem cái ngã đó hiện ra như thế nào, nhận diện được cái đó, và bác bỏ xong thì mới chứng được nhân vô ngã. Tự quán sát tâm mình, xem tự bản thân mỗi người đang bám chấp vào cái tôi như thế nào.

- Ngoài việc tự quán chiếu ra thì không có cách nào có thể nhận diện được cái tôi đó cả, nên ta từ từ thực hành nhận diện cái tôi đó. Ngồi quan sát, xem cái tôi đó nó như thế nào. Quá trình tìm cái tôi không nên vội vã, vội vã sẽ khiến mình không tìm được cái tôi: quan sát từ từ xem cái tôi đó nó hiện lên như thế nào, khi thấy nó hiện lên rồi thì mình quan sát tiếp là mình đang nắm giữ cái tôi đó như thế nào.

- Tại sao phải học về Tánh không? Đang học về Nhân vô ngã. Có trí tuệ chứng Tánh không là để diệt trừ phiền não, chỉ có trí tuệ liễu tri được Tánh Không thì mới có thể tận gốc diệt trừ được phiền não. Mà tất cả mọi phiền não phát sinh do chấp ngã, nên cần phải thấy được cái tôi đó, và bỏ được cái tôi đó, thì mới chứng được Tánh không và diệt được phiền não. Nên ta hiểu nguyên nhân tại sao đi tìm cái tôi, để chứng được Tánh không.

- Trên thực tế, thực trạng của cái tôi không giống như đang thấy nó trong tâm thức. Có nhiều lập luận để chứng minh không có cái tôi, nhưng nếu chưa có nhận diện được cái tôi, hay nhận diện sai, thì sẽ không có hiệu quả và không chứng minh được cái tôi không có. Nên điều đầu tiên quan trọng là phải nhận diện được cái tôi của mình trước.

- Phải đi theo thứ tự: (1) xác định đúng cái tôi đang bám chấp, từ cái tôi đó mà phát sinh ra nhiều phiền não. (2) dùng lập luận chứng minh nó không có, (3) sau khi chứng minh nó không có, có trải nghiệm xác quyết là không có cái tôi, lúc đó mới có trải nghiệm an lạc về phát sinh trí tuệ chứng Tánh không.

- Một số cách mà cái tôi trình hiện trước tâm thức và cách nắm bắt cái tôi của mỗi người:

(1) Nghĩ cơ thể - thân, chính là tôi: cái suy nghĩ cơ thể của tôi, thân của tôi là suy nghĩ không hợp lý. Bởi vì nếu nó là một thì không cần tách ra “cái này của cái kia”.

(2) Tên gọi, đặc tính, là tôi : phụ thuộc vào uẩn để đặt tên. Nhưng thông thường ta không nghĩ như vậy, mà cho rằng có một cái tôi chắc thực độc lập tồn tại.

Vậy nên khi có một cái tôi không dựa vào các uẩn để sinh khởi, nó tồn tại độc lập hoàn toàn, không hề nương dựa vào bất kỳ uẩn nào, và nó có đặc tính cụ thể. Khi có cái tôi như thế nổi lên, phải biết đây là đối tượng mình cần bác bỏ.

Cách lập luận:

- Nếu cái tôi là có, thì có 1 trong 2 trường hợp : nó chính là các uẩn, hoặc khác với các uẩn.

o Nếu cái tôi đó là các uẩn thì là uẩn nào? có 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vậy thì nó là uẩn nào? Lần lượt khảo sát từng trường hợp. Nếu là sắc uẩn (cơ thể vật lý của mình), cái tôi mình nghĩ độc lập đó có phải là sắc uẩn không? Cái tôi tồn tại biệt lập đó là có thực và tồn tại thường hằng, cơ thể thay đổi, không phù hợp các tính năng của cái tôi biệt lập kia. Ta thường nghĩ cái tôi chính là chủ thể sử dụng cơ thể này, đang sở hữu cơ thể này nên nó phải là hai cái khác nhau. Nếu cái tôi là sắc uẩn thì bốn uẩn còn lại thọ, tưởng, hành, thức có phải là cái tôi hay không? Nếu nó không phải là tôi, thì nó ở đây làm gì? Áp dụng lý luận như trên, so với thọ, tưởng, hành, thức, mình đang sở hữu và sử dụng các uẩn đó, chứ mình không nghĩ rằng từng cái uẩn chính là tôi. Rõ ràng cái tôi đó không thể là các uẩn được, cho nên cái vế đầu tiên này đã giải quyết xong. Cái tôi không là một với các uẩn.

o Trường hợp thứ hai là khác với các uẩn. Cái tôi khác với các uẩn: bỏ 5 uẩn ra, thì đáng lẽ phải còn lại cái tôi đó, thì nếu nó có thì nó có ở chỗ nào. Nếu nói tôi bệnh, tôi ốm, tôi đau, thì cái đứa tôi nó nằm riêng biệt so với các uẩn, chứ liên quan gì tới các uẩn kia, các uẩn ốm đau thì có liên quan gì đến cái tôi, vì bản thân cái tôi là khác với các uẩn rồi, thì cái tôi đâu thì có liên quan gì tới các uẩn đâu? Điều đó không hợp lý, nếu có một cái tôi khác biệt so với các uẩn thì khi các uẩn ốm đau thì liên quan gì tới cái tôi đó, khi cái tôi đau thì liên quan gì tới các uẩn đó. Không hợp lý, vì trên thực tế, tôi đau mà. Nên là cái tôi nó không thể nào khác so với các uẩn.

Tóm lại : cái tôi chính là các uẩn cũng không hợp lý, mà khác với các uẩn cũng không hợp lý. Tới đây, cả 2 vế của lập luận mình đã xác định.

- Quay trở lại với phần nhận diện đối tượng được bác bỏ, mình đang nắm bắt một cái tôi nó độc lập so với các uẩn, thì cái tôi đó, nếu có thì chỉ có 2 trường hợp: là các uẩn, hoặc là khác với các uẩn, không có trường hợp thứ ba. Nếu nó có thì nó tồn tại theo cách nào? khảo sát nó để nhận thấy lý do trường hợp 1 không hợp lý và trường hợp 2 cũng không hợp lý. Nếu có nó thì nó phải là một trong hai trường hợp, Cả hai trường hợp đều không hợp lý, nên hóa ra là nó không có. Đó là cách mình dùng lập luận để chứng minh, để có trải nghiệm về vô ngã.