12-08-2023
Lamrim 2021
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 21 TUẦN 106 ngày 12/08/2023.

Xác định tính phi hữu của bản ngã

Nhắc lại 4 điểm then chốt để hiểu về Tánh Không:

(1) Xác định cái gì cần bác bỏ.

(2) Xác định toàn bộ những khả tính.

(3) Xác định Ngã và Uẩn không phải là một.

(4) Xác định Ngã và Uẩn không thật sự là khác.

Khi thiền về nhân vô ngã nghĩa là thiền về không có cái ngã, không có cái tôi, nên cần phải biết cái ngã đó là gì? cái tôi đó là gì? đang nắm bắt cái ngã đó như thế nào? đang nắm bắt cái tôi đó như thế nào? Một khi đã thấy được rõ ràng mình đang nắm bắt cái tôi hoặc là cái ngã như thế ấy, thì một cái ngã, một cái tôi như vậy nó không có, khi đó có thể sẽ dễ dàng để có thể bác bỏ, dễ dàng để chứng ngộ, lúc đó sẽ không còn có khó khăn gì nữa.

Trang 317 sách “Giải thoát trong lòng tay” trình bày như sau:

Nói chung có ba cách chấp thủ cái tôi dựa trên con người (cái tôi đó là nhân ngã). Đó là:

(1) Thứ chấp ngã của những người đã triển khai tri kiến về tánh không, và cho cái “Tôi” chỉ là khái niệm, giả danh. Họ chủ trương sự vật không thực hữu, song vẫn chấp ngã như thế.

(2) Cái cách của người thường - tâm thức chưa bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết - chấp thủ cái tôi. Cách chấp ngã này được thấy nơi những người bất chấp cái tôi ấy thực có tự tính hay không.

(3) Hình thức chấp ngã của những người cho ngã là thực hữu, có tự tính.

● Khi nói tới cái tôi thì phải biết ở đây là cái cách bám chấp cái tôi thường rơi vào một trong ba trường hợp như sau:

- Thứ 1: người đã chứng Tánh Không rồi thì họ có cách bám chấp, nắm bắt cái tôi.

- Thứ 2: người chưa chứng Tánh Không thì họ chấp thủ vào cái tôi.

- Thứ 3: hình thức chấp ngã của những người cho ngã là thực hữu và có tự tính, đây là hình thức chấp vào cái tôi rất là sai lệch.

Để nắm bắt chi tiết hơn về 3 cái chấp cái tôi này, chúng ta xem xét cụ thể như sau:

- Đối với người đã thực hành Tánh Không và đã chứng Tánh Không rồi người đó vẫn còn nghĩ về cái tôi của mình, bám chấp vào cái tôi.

- Đối với người chưa chứng Tánh Không (người bình thường không biết gì về Tánh Không ) họ vẫn nghĩ về cái tôi của mình.

- Đối với một người bình thường khi nghĩ về cái tôi có trải nghiệm cái tôi rất thực, cụ thể, nó hoàn toàn độc lập. Cái tôi cần bác bỏ chính là ở hình thức thứ 3 vì đó là cái tôi hoàn toàn sai lầm.

Trong việc nắm bắt cái tôi có 3 cách như thế và có những cách hiểu đúng về cái tôi và có những cách hiểu sai về cái tôi nên cần phải bác bỏ cách hiểu sai về cái tôi.

Ví dụ:

VD1: Mình tên như thế, có người kêu tên mình và mình nhận ra có người gọi mình. Vậy lúc này mình có tâm thức nghĩ về cái tôi. Tâm thức nghĩ về cái tôi thứ nhất.

VD2: Có người cho rằng mình là kẻ trộm, lúc này mình có tâm thức nghĩ rằng: tôi không phải là kẻ trộm. Tâm thức nghĩ về cái tôi thứ hai.

Hai tâm thức nghĩ về cái tôi đó, cách nắm bắt cái tôi khác nhau. Cái tôi trong cách nắm bắt thứ hai, cho rằng có một cách tôi rất thực, rất chắc thực, thì cái tôi này chính là cái cần được bác bỏ. Bác bỏ được cái tôi này thì chứng được Tánh Không.

Trong trường hợp mình hiểu được mình đang nắm bắt cái tôi như thế, mình biết được rằng mình đang nắm bắt và mình đang bám chấp vào cái tôi như thế đó, lúc này mình đã thông được 50% quá trình chứng Tánh Không và 50% còn lại sẽ không quá khó.

Trang 319 sách “Giải thoát trong lòng tay” trình bày như sau:

- Bạn phải biết phân biệt giữa hai điều: cách xuất hiện của cái tôi được cho là có tự tính, và của cái tôi giả lập.

- Hình thức chấp ngã theo bản năng (câu sanh ngã chấp) là một cái gì chúng ta luôn có trong dòng tâm thức ngay cả khi mộng mị.

- Cái tôi vươn lên một cách sống động từ cốt lõi trái tim bạn, với tất cả vẽ sáng chói của nó. Chính đây là cách mà đối tượng cần bác bỏ sẽ trình diện cho bạn. Mỗi khi tư duy này xuất hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào - vui, buồn, mừng, sợ - và mỗi khi sự chấp thủ theo bản năng (cầu sanh ngã chấp) phát sinh mạnh mẽ, thì bạn phải quán xét ngay tại chỗ cái cách nó xuất đầu lộ diện.

Trang 320 sách “Giải thoát trong lòng tay” trình bày như sau:

- Trong tiến trình này, khi bạn đang nhìn xem cái tôi theo bản năng đó xuất hiện cách nào, nó có thể ló ra theo nhiều cách. Đôi khi “cái tôi” có thể là một cái gì gán cho thân thể, đôi khi gán cho tâm ý. Đây không phải cách thực thụ cái Tôi ló ra cho sự chấp ngã theo bản năng.

Đó là cách mình đang nắm bắt cái Tôi của mình, đôi lúc mình nghĩ là cái Tôi chính là thân hoặc là đôi lúc mình nghĩ cái Tôi chính là tâm.

- Cái Tôi hiển nhiên có vẻ như một cái gì còn hơn là một ý nghĩ gán trên toàn bộ này. Thay vì thế, nó xuất hiện như một cái gì tự tồn, biệt lập. Nếu cái tôi dường như là vậy thì bạn phải thấy đúng cái cách nó xuất hiện. Khi nhận ra được nó thì rất dễ bác bỏ.

Người ta thường mang một cái lỗi trong thiền chứng Tánh Không, bởi vì cứ ngồi xuống thì thiền về Tánh Không, trong khi chưa hiểu gì về Tánh Không. Khi đã hiểu về Tánh Không và biết tại sao bản tánh của nó lại là Tánh Không thì khi thiền mới phát sinh được trí tuệ, mới hiểu đúng về Tánh Không.

Để hiểu đúng về Tánh Không cần phải học, chia ra thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu tiên: hiểu được cái cần bác bỏ là cái gì, cái cần bác bỏ là cái tôi mà mình đang nắm bắt sai lầm đó. Cho nên, cần phải biết là mình đang nắm bắt cái tôi như thế nào. Trong vài trường hợp mình cảm thấy được cái tôi đó nó hiện lên, nó nổi lên cuồn cuộn, nó nổi lên một cách rất là chắc thực như thế và mình có trải nghiệm nó gần cảm giác được cái cách bám chấp chắc thực như thế, khi hiểu được, cảm giác được nó thì khi mà bác bỏ một cái tôi giống như vậy, lúc đó mới đúng là người chứng Tánh Không đúng.

Trong giai đoạn này, không thiền về Tánh Không. Điều cần làm là tìm và quan sát xem mình đang nắm bắt một cái tôi như thế nào, nghĩa là cần phải nhận diện được cái tôi đó rõ, thì mới bác bỏ được.