05-08-2023
Lamrim 2021
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 21 TUẦN 105 Ngày 05/08/2023

Ngày thứ 22

Nhắc lại 4 điểm then chốt để hiểu về Tánh Không: (1) Xác định cái gì cần bác bỏ, (2) Xác định toàn bộ những khả tính, (3) Xác định Ngã và Uẩn không phải là một, (4) Xác định Ngã và Uẩn không thật sự là khác

(1) Xác định cái gì cần bác bỏ

Trước khi chứng Tánh Không, cần chứng Vô ngã trước. Tức cần hiểu Vô ngã trước, sau mới hiểu về Tánh Không. Hiểu về Vô ngã nghĩa là hiểu về cái TÔI mà mình thường nghĩ về, cái TÔI đó không có tự tành. Để chứng được Vô ngã (hay nhân vô ngã, cái TÔI), cần biết mình đang nắm bắt cái ngã như thế nào, hiểu được nó rồi phủ định nó sau. Như vậy cần phải biết cách đi tìm cái TÔI, cần hiểu cái TÔI trình hiện trước tâm thức như thế nào? Và tâm thức mình đang nắm bắt, đang trải nghiệm cái TÔI đó như thế nào? Hiểu về nó rồi mới bác bỏ nó.

Bạn đã thành tựu được tri kiến Trung quán khi bạn cảm thấy “Cái tôi không là một vật gì chắc thực để có thể thấy bằng mắt chẳng hạn, hay cầm bằng tay”, hoặc khi cách cái tôi ấy xuất hiện trở nên hoàn toàn trống rỗng, và bạn có được sự xác quyết sống động rằng nó không thực hữu. (trang 332 quyển 2 GTTLT – học thuộc lòng). Trải nghiệm của một người đã chứng Tánh Không. Khi thành tựu tri kiến Trung quán – chứng Tánh Không, sẽ thấy cái TÔI không là thực thể tồn tại, chắc thực, độc lập và mọi ý niệm về cái TÔI không còn: đó là trải nghiệm của người đã chứng Tánh Không.

Ở điểm này, người lợi căn do rất quen thuộc với vấn đề, cảm thấy họ đã tìm ra được một cái gì quý báu. Người độn căn sẽ sợ hãi vì bỗng dưng họ thấy mất đi một vật yêu quý nhất đời. (học thuộc lòng)

Khi thấy rằng có một cái TÔI chắc thực, có thật ở đó và tồn tại độc lập đó là cách bám chấp vào cái TÔI; nhưng khi chứng Tánh Không thì cảm nhận một cái TÔI như thế hoàn toàn không hề có, không thể tồn tại. Cảm giác đó là trải nghiệm chứng Tánh Không. Dựa vào ý này để so sánh trải nghiệm thực tế với trải nghiệm của người đã chứng Tánh Không, để xác định khi có trải nghiệm chứng được Tánh Không.

Khi cái tôi trở nên hoàn toàn trống rỗng, bạn có thể có ý nghĩ rằng “Đây là tánh không! Tôi đã ngộ được nó!” Trong trường hợp ấy, hoặc là một sự phủ định có hàm ý sâu xa hơn, hoặc một xác định thẳng thừng đang đến trong tâm, bạn không nên nhầm lẫn. Nếu thay vì vậy, bạn chắc chắn rằng cái tôi - đối tượng của sự bác bỏ - không hiện hữu, sự hiểu của bạn phải có hai sắc thái.

Trong trạng thái nhập định chứng ngộ Tánh Không, không hề có ý niệm phát sinh nên người đang ngồi thiền chứng Tánh Không, nếu có ý nghĩ tôi đang chứng Tánh Không thì đó không là trạng thái chứng Tánh Không, bởi vì khi nói Tánh Không là sự phủ định hoàn toàn (không có sự xác định nào). Trạng thái chứng Tánh Không rất sốc. Khi vừa chứng Tánh Không, tất cả những gì bám chấp cho là có, giờ là không có, im bặt hoàn toàn mọi ý niệm về cái TÔI, trạng thái hoàn toàn trống rỗng, không còn ý niệm hiện lên. Có hai tình huống không nên tin hoàn toàn: lúc cuộc sống ngập tràn hạnh phúc và lúc đau khổ đến tột cùng, vì đang ở trạng thái sốc.

Cần nương tựa vào những trải nghiệm xác thực được mô tả trong kinh văn (thí dụ GTTLT) mà không cần hỏi bất kỳ ai.

- Khi ở trạng thái sợ hãi, nhảy lùi về phía sau (để hoàn hồn), có cảm giác cái TÔI nằm ở sau lưng không?

- Khi chạy về phía trước, cái TÔI có ở phía trước không?

- Thông thường cho rằng Cái TÔI nằm ở trung tâm cơ thể?

Bài tập:

Thiền quán về Cái TÔI, tìm nó, có trải nghiệm gì về nó, đang nắm bắt nó như thế nào?

Học thuộc lòng 2 đoạn in đậm ở trên

Quan sát trực diện về Cái TÔI, có trải nghiệm như sau:

- Cái TÔI là cái gì đó ở phần thân của mình

- Cái TÔI là cái gì đó ở phần tâm của mình

- Khi đứng trên tầng lầu cao hay núi có vực sâu, với cảm giác sẽ rơi xuống dưới và chết nên sợ, mình có cảm giác Cái TÔI không là thân, không là tâm, nó là cái gì đó tồn tại độc lập

Điểm then chốt:

Cần chứng ngộ Nhân vô ngã – không có Cái TÔI, nên cần xác định đúng cách đang bám chấp vào Cái TÔI như thế nào, sau đó gạt bỏ nó thì mới gạt bỏ triệt để được.

Phần thiền này được gọi là thắng quán bởi vì là thiền quán. Thiền quán là việc nhìn nhận một vấn đề, phân tích, hiểu bản chất của vấn đề đó xem thực trạng của nó như thế nào.

Đọc Cách đào luyện tuệ quán đặc biệt từ trang 306 GTTLT, đây là phần khó nên cố gắng đọc nhiều lần.