04-04-2015
2015

Pháp thoại của Khangser Rinpoche: Giác Ngộ Viên Mãn Nhìn Từ Quan Điểm Của Duy Thức Và Trung Quán

Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai

Ngày 04 tháng 04 năm 2015.

Pháp thoại của

KHANGSER RINPOCHE

 

Giác Ngộ Viên Mãn

nhìn từ quan điểm của

Duy Thức và Trung Quán

 

Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, ngày 04 tháng 04 năm 2015.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! [Rinpoche nói tiếng Việt và đại chúng cười.]

Đầu tiên, xin gửi lời chào đến tất cả quý vị!

Tôi rất vui và vinh dự khi được đến nơi đây. Những ngày qua ở Việt Nam tôi đã có rất nhiều buổi trao đổi và nói chuyện, và đặc biệt hôm nay tôi lại có cơ hội được đến ngôi trường Phật học này. Tôi đang suy nghĩ xem mình sẽ nói về chủ đề gì. Thật ra hôm trước cũng đã có người hỏi tôi sẽ nói về chủ đề gì khi đến đây. Tôi nghĩ rằng đạo Phật rất mênh mông, nhưng hôm nay tôi sẽ nói về chủ đề chân lý tối hậu theo quan điểm của trường phái Duy Thức và trường phái Trung Quán. Đặc biệt, đối với các quý sư cô đang học Phật pháp, chúng ta cần phải hiểu sâu rộng về Phật pháp. Để hiểu sâu rộng về Phật pháp thì chúng ta phải hiểu triết lý của đạo Phật, và để hiểu được những tư trưởng triết học của đạo Phật thì chúng ta cần phải động não nhiều hơn. Đó là điều rất quan trọng. Triết học Phật giáo hình thành trong thời Đức Phật. Thuở Phật còn tại thế, ngài Xá Lợi Phất (Shariputra) đã từng đặt rất nhiều câu hỏi liên tiếp cho Đức Phật và Đức Phật đã giải đáp cho ngài Xá Lợi Phất. Trong kinh điển, ngài Tu Bồ Đề (Subodhi) cũng đã đặt rất nhiều câu hỏi liên tiếp cho Đức Phật và Phật cũng đã trả lời tất cả những câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề. Đức Phật đã trả lời toàn bộ những câu hỏi mà ngài Xá Lợi Phất và ngài Tu Bồ Đề đã nêu ra. Đức Phật không bao giờ nói: “Như Lai đang đau đầu vì nhiều câu hỏi quá!” Do đó, khi nghiên cứu triết học Phật giáo thì quý vị cần phải đặt ra những câu hỏi liên tiếp, khi nào người thầy nói đau đầu quá thì ông ấy không hiểu về triết học và không đủ phẩm tính để hướng dẫn cho chúng ta. Ngài Tu Bồ Đề đã đưa ra rất nhiều câu hỏi và Đức Phật cũng đã lần lượt giải đáp hết từng câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề. Chúng ta có thể biết được điều này qua kinh Kim Cương (Vajracchedikā sutra), và đây chính là nền tảng hình thành triết học Phật giáo. Tôi nghĩ nền văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu sắc từ Phật giáo; do đó tôi nghĩ khi quý vị sống đời tu sĩ và nghiên cứu Phật pháp thì việc nghiên cứu triết học Phật giáo hết sức quan trọng. Chỉ thông qua việc hỏi đáp và đối thoại thì chúng ta mới có thể hiểu được những tư tưởng triết học trong đạo Phật.

Như tôi đã nói, những tư tưởng triết học xuất hiện lúc Đức Phật còn tại thế và giảng dạy giáo pháp. Bây giờ có một câu hỏi được đặt ra: Trường phái Duy Thức và trường phái Trung Quán được hình thành từ thời nào? Hai trường phái đó có phải đã được hình thành ngay từ thời Đức Phật hay không? Trong tất cả các kinh điển Phật thuyết, chúng ta có thể tìm được từ “Duy Thức Tông” hay “Trung Quán Tông” hay không? Nhưng quý vị đừng hiểu lầm, “Duy Thức Tông” và “Duy Thức” là hai điều khác nhau. Đức Phật đã dùng từ “Duy Thức” nhưng Ngài chưa hề dùng từ “Duy Thức Tông.” Đức Phật đã sử dụng từ  “Trung Quán” nhưng  quý vị đã bao giờ thấy từ “Trung Quán Tông” trong kinh điển của Ngài chưa? Quý vị có hiểu được câu hỏi này không? [Một số quý sư cô nói “Có”, một số người nói “Không”.]

Nhìn chung, khi nói “không nói dối, không sát sinh” thì rất dễ dàng, ngay cả trong trường mẫu giáo thì những đứa trẻ cũng được dạy là không được sát sinh và không được nói dối. Đó không phải là tinh hoa của đạo Phật. Ở đây chúng ta đang học về triết lý đạo Phật. Khi học về triết lý đạo Phật thì như tôi đã nói, chúng ta cần phải động não nhiều hơn. Do đó câu hỏi đầu tiên của tôi: Trường phái Duy Thức và trường phái Trung Quán được hình thành ngay từ thời của Đức Phật hay sau thời của Đức Phật? Câu hỏi thứ hai: Quý vị có thể tìm thấy những cụm từ “Duy Thức tông” và “Trung Quán tông” trong tất cả kinh điển do Đức Phật trực tiếp tuyên thuyết hay không? Quý sư cô có hiểu được hai câu hỏi của tôi hay không? Nếu ai hiểu được thì rất tốt, còn ai không hiểu được thì cũng rất tốt! [Rinpoche và đại chúng cười.] Quý sư cô nào hiểu được câu hỏi của tôi thì hãy trả lời, còn ai chưa hiểu được câu hỏi thì cũng hãy cố gắng đưa ra câu trả lời.

Khi quý vị học về tông Duy Thức và tông Trung Quán thì quý vị cần phải biết về nguồn gốc của những tông phái này và những nguyên nhân hình thành nên các tông phái ấy. Quý vị cần hiểu một điều như sau: Nếu hai tông phái này không được hình thành trong thời Đức Phật thì rõ ràng hai tông phái đó không phải do Đức Phật đặt ra. Đức Phật có hai đệ tử giỏi nhất là ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên (Maudgalyayana). Phật giáo được chia làm bốn tông phái: Kinh Bộ tông (Sautrantika), Hữu Bộ tông (Vaibhashika), Duy Thức tông (Chittamatra), và Trung Quán tông (Madhyamaka). Vậy, hai vị đệ tử giỏi nhất của Đức Phật thuộc tông nào trong bốn tông phái này? Như vậy, tôi đã hỏi quý sư cô ba câu hỏi và bây giờ quý sư cô hãy trả lời tôi một câu, hai câu hay cả ba câu đều được. Hôm nay tôi chỉ muốn đưa ra một bức tranh toàn cảnh về đạo Phật để quý vị có thể dựa vào đó học và hiểu. Đạo Phật rất rộng lớn; do đó, là những tu sĩ chuyên nghiên cứu và thực hành Phật pháp thì quý vị cần phải nắm được bức tranh toàn cảnh của đạo Phật.

Nếu ngài Xá Lợi Phất không thuộc tông Duy Thức lẫn tông Trung Quán thì ai là những hành giả thuộc các tông phái ấy trong thời Đức Phật? Ồ, vừa rồi tôi hỏi quý vị ba câu mà bây giờ tôi cũng quên mất là mình đã hỏi gì rồi! Quý vị có nhớ không? Tuy nhiên việc tôi nhớ hay không thì không quan trọng, mà điều quan trọng là quý sư cô cần phải nhớ những gì tôi đã hỏi, bởi quý sư cô là những người đang tu học Phật pháp, còn tôi thì đã học qua các nội dung này rồi. Điểm khác biệt là ở chỗ đó.

Bây giờ chúng ta cần phải biết một điều, nói chung giáo lý của Đức Phật có bốn trường phái. Vài ngày qua và sáng nay tôi đã nói chuyện ở thành phố Hồ Chí Minh và trước đó là ở một số nơi khác, về chủ đề kiểm soát căng thẳng và nóng giận trong cuộc sống. Lúc đó, tôi nói những phương pháp quản lý căng thẳng trong cuộc sống thật ra không liên quan đến tôn giáo nào, nên những ai tham gia buổi giảng đó có thể để Đức Phật bên ngoài thính phòng. Còn ở đây, ngay lúc này chúng ta lại đang bàn về quan điểm Phật giáo, liên quan đến những gì Đức Phật đã từng tuyên thuyết nên chúng ta cần phải mời Đức Phật vào trong này [Rinpoche cười].

Sau thời Đức Phật, giáo lý được chia làm bốn trường phái. Sau khi Đức Phật nhập diệt 400 năm, ngài Long Thọ xuất hiện, và 900 năm sau khi Phật nhập diệt, ngài Vô Trước xuất hiện. Ngài Long Thọ được xem là vị đã thành công trong việc xiển dương thuyết Trung Quán của Đức Phật, còn ngài Vô Trước đã xiển dương giáo lý của tông Duy Thức. Nếu quý vị muốn thông suốt giáo lý về Trung Quán tông thì cần phải đọc sáu bộ luận nổi tiếng của ngài Long Thọ. Nếu quý vị muốn hiểu rõ về tông Duy Thức thì cần phải đọc năm bộ luận chính của ngài Vô Trước, trong đó nói rõ về địa và đạo. Tôi không rõ ở Việt Nam chúng ta đã có những bản dịch của các bộ luận này hay chưa. Đây là những bản luận chính yếu mà chúng ta cần phải nghiên cứu để có được hiểu biết sâu rộng về tư tưởng của những trường phái này. Tất cả những tư tưởng của các trường phái này đều xuất phát từ Ấn Độ. Trường học đầu tiên bảo tồn các tư tưởng này chính là Đại học Na-lan-đà (Nalanda) của Ấn Độ. Nếu thật sự muốn hiểu về những tư tưởng của tông Duy Thức và tông Trung Quán thì chúng ta cần phải căn cứ vào những bản luận và tư tưởng của các học giả Na-lan-đà ở Ấn Độ thời xưa. Đây cũng chính là nguồn gốc của tông Trung Quán và tông Duy Thức. Do đó muốn tu học thì phải truy tìm tận cùng nguồn gốc. Đó là điều quan trọng hơn cả.

Như câu hỏi tôi đã đặt ra lúc nãy, ngài Xá Lợi Phất thuộc tông Duy Thức, tông Trung Quán hay phái nào khác? Quý sư cô nào cho rằng ngài Xá Lợi Phất thuộc tông Duy Thức? Quý sư cô nào nghĩ ngài Xá Lợi Phất theo tông Trung Quán? Quý vị cảm nhận ra sao không quan trọng, nhưng với những gì mình nói ra thì cần phải có bằng chứng, lý lẽ để chứng minh. Khi có lý lẽ chứng minh thì điều mình nói sẽ trở thành thực tại và chân lý. Có thể nói học triết học Phật giáo chính là chúng ta đi tìm sự thật thông qua những bằng chứng và thực tế. Quý sư cô có hiểu điều này không? [“Rõ không?” Rinpoche hỏi bằng tiếng Việt.] Đó là cách để chúng ta học triết học Phật giáo.

Thời nay có rất nhiều người hiểu sai về đạo Phật do họ không hiểu rõ về bức tranh toàn cảnh của đạo Phật. Do đó, để hiểu Phật pháp sâu rộng thì chúng ta phải hiểu rõ bức tranh toàn cảnh về đạo Phật. Tôi sẽ không đưa ra đáp án cho ba câu hỏi mà tôi vừa đặt ra cho quý vị. Quý sư cô hãy tự tìm lấy câu trả lời. Tôi chắc chắn là với sự gia trì của đức Văn Thù thì quý sư cô có thể tìm được câu trả lời. Tôi hy vọng là câu trả lời mà quý sư cô tìm được sẽ giúp ích thật nhiều cho quý vị trên con đường tu học. Có một điều chúng ta cần biết là sự gia trì của đức Văn Thù không đến vào lúc chúng ta ngủ, mà sự gia trì đó chỉ đến khi chúng ta cố gắng, nỗ lực học tập tinh tấn, chứ không phải trong lúc ăn hay lúc ngủ.

Do đó, quý vị ở đây là những người xuất gia học hỏi giáo pháp của Đức Phật, và đặc biệt là những người xuất gia thì không phải làm những việc thế gian và không phải đi đến công sở để làm việc; do đó, phần lớn thời gian quý vị cần phải tập trung vào việc tu học và nghiên cứu. Đôi lúc quý vị có rất nhiều thời gian nhưng đã không quản lý thật tốt quỹ thời gian của mình. Xuất gia trở thành tu sĩ có nghĩa là quý vị đã hoàn toàn dấn thân vào con đường tu học và nghiên cứu Phật pháp. Ở Tây Tạng có một câu nói, “Khi một người ngoài đời không làm được gì cả thì họ nghĩ các vị tu sĩ thật là sung sướng. Tuy nhiên, khi đã trở thành tu sĩ rồi thì họ lại nghĩ cuộc sống trước kia của họ sung sướng hơn.” [Rinpoche cười] Đó là một cái vòng lẩn quẩn mà chúng ta thường gặp phải.

Tôi nghĩ quý sư cô không giống như tôi. Tôi đã là một tu sĩ. Tôi nhớ ở Hà Nội và cả thành phố Hồ Chí Minh đều có người hỏi tôi rằng nhân duyên nào khiến tôi trở thành một tu sĩ Phật giáo? Tôi trả lời rằng bởi vô minh mà tôi trở thành tu sĩ. Khi tôi 5 tuổi, chưa nhận thức rõ gì hết, cha mẹ tôi đã đưa tôi vào chùa để làm tu sĩ [Rinpoche cười]. Theo truyền thống Tây Tạng, khi một đứa trẻ được công nhận là tái sinh của một Rinpoche thì cha mẹ đứa bé sẽ đưa con mình vào chùa xuất gia làm tu sĩ. Quý sư cô thì không giống vậy, chính quý sư cô đã lựa chọn trở thành tu sĩ. Do đó các mục tiêu của cuộc đời mình phải rất vững vàng. Đầu tiên, quý sư cô phải có mục tiêu cho cuộc đời này, đó chính là phải hiểu và thực hành Phật pháp. Để hiểu được Phật pháp thì quý sư cô cần phải học. Trước hết là phải học, sau đó nắm rõ rồi mới thực hành. Do đó, văn, tư, tu cần phải được kết hợp.

Để ước mơ của mình được thành tựu thì quý vị cần phải hy sinh rất nhiều thứ. Khi có thể hy sinh nhiều thì quý vị có thể đạt được nhiều điều. Tôi sẽ nói một cách đơn giản như sau. Như tôi đã nói, bởi vô minh mà tôi trở thành tu sĩ, nhưng tôi cố gắng trở thành một tu sĩ hoàn hảo như một tu sĩ vào thời Đức Phật. Tôi không sử dụng những vật dụng cá nhân có giá hơn 10 đô-la. Tôi chỉ đeo một chiếc đồng hồ giá 3 đô-la. Đó là cách mà tôi đã hy sinh trong cuộc đời của tôi. Càng hy sinh nhiều thì quý vị sẽ đạt được nhiều thứ hơn. Cuộc sống có rất nhiều lựa chọn. Với bất cứ lựa chọn nào, quý vị cũng cần phải hy sinh cho nó. Khi học Phật pháp, quý vị phải hy sinh rất nhiều thứ. Để thực hành Phật pháp thì quý vị cũng phải từ bỏ rất nhiều thứ. Chúng ta luôn gắng sức kiếm tìm những con đường dễ dàng để đi; tuy nhiên, những cách dễ dàng sẽ không đưa chúng ta đến đâu hết. Không có tiền trong tay là một thử thách lớn nhưng tôi không chùn bước. Hồi tôi du hành ở Châu Âu, dùng nhà vệ sinh dọc đường rất khó khăn vì tôi không có tiền trong túi, cần phải trả 1 euro để sử dụng nhà vệ sinh. Một lần quá cảnh ở Hàn Quốc, chuyến bay của tôi bị trễ nên tôi phải ở lại trong sân bay khá lâu. Khi đó trong túi tôi chỉ có 2 euro, đổi ra tiền Hàn Quốc thì không đủ để mua một bát mì nên tôi phải nhịn đói ngồi chờ chuyến bay kế tiếp. Trong cuộc sống, chúng ta cần phải hy sinh, từ bỏ rất nhiều thứ. Đặc biệt khi là một tu sĩ, khi đã dấn thân tu học và thực hành Phật pháp thì chúng ta cần phải buông bỏ rất nhiều thứ. Có một điều chúng ta cần phải nhớ: Đức Phật đã từ bỏ hoàng cung để đi tìm sự an lạc, nhưng chúng ta lại từ bỏ sự an lạc để đi tìm hoàng cung. Do đó, đã dấn thân làm tu sĩ để tu học và thực hành Phật pháp thì dứt khoát chúng ta cần phải buông bỏ, hy sinh rất nhiều thứ. Vì vậy, những con đường dễ sẽ chẳng dẫn chúng ta đến đâu cả, mà chúng ta cần phải kết hợp văn, tư, tu – phải học, hiểu rồi sau đó mới thực hành. Với ba câu hỏi mà tôi vừa nêu, tôi hy vọng quý sư cô sẽ nỗ lực học hỏi và nghiên cứu để tìm ra được câu trả lời.

Khi quý vị hiểu hơn về Phật pháp thì khi đó quý vị sẽ có thể thực hành tốt hơn. Nếu không hiểu Phật pháp thì quý vị thực hành cái gì? Điều thứ hai, như tôi đã nói, các vị có rất nhiều thời gian và mỗi phút đều rất đáng giá, đừng lãng phí thời giờ. Thứ ba là quý vị có điều kiện rất tốt để học tập Phật pháp. Quý sư cô rất may mắn vì được sinh ra tại Việt Nam, nơi mà quý vị đã có được sự tài trợ, cúng dường từ bên ngoài rất nhiều. Nếu quý vị nhìn vào một số quốc gia khác, để trở thành tu sĩ và có được sự ủng hộ từ cộng đồng thì rất khó khăn. Bởi quý sư cô đã tích lũy được nhiều thiện nghiệp nên mới có được điều kiện tốt và môi trường tốt. Tuy nhiên, với những điều kiện và hoàn cảnh tốt mà bản thân đang có trong đời này, không có gì đảm bảo quý vị sẽ tiếp tục có được chúng trong đời sau. Do đó tôi chúc quý sư cô có thể học, hiểu và thực hành được Phật pháp và đặc biệt là quản lý quỹ thời gian của mình thật tốt. Tôi thấy có rất nhiều tu sĩ trẻ sử dụng những món đồ điện tử đắt tiền, điện thoại thông minh, ipad v.v…; tất cả những thứ như vậy thật sự đã lấy đi rất nhiều thời gian của quý vị, phải hết sức cẩn thận. Tôi thường gọi điện thoại thông minh là điện thoại ngu và tôi không sử dụng chúng. Do đó chúng ta cần hết sức cẩn thận, nhất là những vị trẻ tuổi, vì những thiết bị điện tử đó chính là nguyên nhân gây phân tâm, xao lãng trong quá trình tu học của mình. Tôi có một kinh nghiệm. Tôi từng có một buổi nói chuyện trong một trại cải tạo trẻ vị thành niên ở Đài Loan và có một đứa trẻ trong đó nói với tôi là nó bị bắt vào trại vì tội ăn cắp. Đứa trẻ kể với tôi rằng lúc trước nó muốn mua một món đồ nhưng do không có tiền nên nó đã ăn cắp để có tiền mua món đồ đó. Đứa trẻ đó nói rằng bây giờ nó đã học được một điều: nếu muốn mua một món đồ thì nó sẽ không ăn cắp nữa mà sẽ làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và mua món đồ đó. Khi nghe đứa trẻ nói như thế thì cả thân người tôi đã run lên. Đây không phải là một câu chuyện đơn giản; cậu bé đó chỉ là một đứa trẻ nhưng nó đã mang đến cho tôi một thông điệp vô cùng sâu sắc. Đặc biệt,  chúng ta là tu sĩ, không trực tiếp đi làm để có tiền, mà những gì chúng ta có được là nhờ công sức của người đời đã hỗ trợ cho chúng ta. Do đó chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng, với bất cứ sự cúng dường nào chúng ta nhận được từ bên ngoài thì chúng ta cũng cần phải đáp lại bằng cách tinh tấn nỗ lực thực hành Phật pháp. Do đó Đức Phật đã đặt ra giới luật rất nghiêm khắc, một vị tu sĩ không thể nào mang trên người quá hai bộ y, bởi Đức Phật muốn đời sống tu sĩ phải rất giản dị. Để sống giản dị thì quý vị phải vượt qua được những tham luyến. Đó là điều quan trọng nhất. Khi tâm còn quá nhiều tham chấp thì quý vị không thể sống giản dị. Quý vị là những tu sĩ, là người xuất gia với mục đích đạt giải thoát, tôi nói đúng không? [Mọi người im lặng.] Hiện tại có lẽ quý sư cô cũng chưa chắc là mình muốn giải thoát hay không[Rinpoche cười] Muốn đạt giải thoát thì phải buông bỏ mọi tham luyến. Để buông bỏ thì chúng ta cần tuân theo mọi giới luật do Đức Phật đặt ra một cách nghiêm chỉnh, chứ đừng cố gắng lách luật. Người khác có giữ giới hay không, đó không phải là việc của quý vị; việc của quý vị là tuân thủ giới luật thật nghiêm chỉnh. Do vậy, Đức Phật đã dạy rằng với mọi tu sĩ thì giới luật là điều quan trọng nhất. Nếu chúng ta tuân thủ đúng những lời Phật dạy thì giải thoát nằm trong lòng bàn tay chúng ta. Nếu tuân thủ giới luật và thực hành đúng những điều Phật dạy thì chúng ta không cần đi tìm giải thoát mà giải thoát sẽ tự tìm đến chúng ta.

Cảm ơn quý vị rất nhiều! Sau đây là phần vấn đáp. Tuy nhiên, quý vị đừng hỏi lại tôi ba câu hỏi mà tôi đã nêu ra cho quý vị vừa rồi [Rinpoche cười]. Nếu quý vị không có câu hỏi thì rất tốt, tôi có thể đi Vũng Tàu sớm hơn [Rinpoche cười].

 

Hỏi: Đối với cuộc sống của người xuất gia, đôi lúc chúng ta gặp những phiền não, chướng ngại làm cho tâm mình dễ suy nghĩ mông lung, tạp loạn, làm cho đời sống tu hành không được thanh tịnh. Con xin hỏi rằng, khi ngài gặp những phiền não, chướng ngại, kinh nghiệm của ngài đối với việc đó như thế nào?

Rinpoche: Thật ra, rất khó để giữ được tâm thanh tịnh vào mọi lúc. Làm sao để chúng ta có thể đối diện được với những tâm tư và cảm xúc phiền não khi chúng kéo đến? Có một số phương pháp.

Thứ nhất là phải gần những người thiện lành. Trong tình huống này thì quý vị có những bậc thầy cùng những hướng dẫn của thầy, đây là điểm chính yếu. Đó là lý do mà tất cả bài giảng của Đức Phật đều là những cuộc trò chuyện giữa thầy và trò. Đôi lúc để đối trị với những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực nan giải thì quý vị cần phải hỏi thầy mình hoặc những đạo hữu xung quanh mà mình tin tưởng. 

Thứ hai, quý vị cần phải quyết tâm. Khi có quyết tâm mãnh liệt thì quý vị có thể đối diện với mọi thử thách, còn nếu không đủ quyết tâm thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Nếu quý vị nhìn lại những gì mình đã làm thì động lực là nhân tố then chốt quyết định sự thành công hay thất bại. Khi phát khởi được động lực dũng mãnh và quyết tâm vững mạnh thì quý vị sẽ đạt được mục đích.

Thứ ba, với mọi phiền não và ác niệm đến trong tâm, quý vị phải tìm ra biện pháp đối trị cho bản thân. Theo kinh nghiệm của tôi thì không sử dụng những món đồ điện tử, không mang theo tiền trong người chính là cách tôi đối trị với tham luyến trong tâm. Nhiều năm về trước, cha mẹ tôi đã quan tâm và lo lắng cho tôi bằng cách mua cổ phần cho tôi, giá trị nhỏ thôi, khoảng 500 đến 600 đô-la. Họ nghĩ khoản đó sẽ sinh lời để sau này tôi có tiền sử dụng khi cần. Nhưng tôi bảo cha tôi rằng, “Ba ơi, con sẽ không đứng tên bất kỳ cổ phần nào hết và con cũng không muốn như vậy.” Đối với một số người thì có lẽ quyết định đó rất ngu dại, nhưng đối với tôi thì đó là một quyết định giúp tôi vượt qua những tham luyến của bản thân. Tôi làm được như thế là nhờ đọc được những quyển sách hay. Do đó quý vị hãy dùng thời gian của mình để đọc những quyển sách bổ ích. Nếu chúng ta truy tìm nguyên nhân của phiền não thì hầu hết những phiền não bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân gây ra phiền não là nói chuyện với những người không phù hợp và tán gẫu về những điều vô bổ, chính những điều đó sẽ làm gia tăng những tư tưởng tiêu cực và tâm trạng buồn phiền. Do đó quý vị phải thường kề cận với những đạo hữu hay nói về Pháp và thực hành Pháp, nhờ đó mà tâm ta sẽ dần trở nên an tịnh.

Đó là tất cả những gì quý vị cần phải làm theo để giảm bớt đi những phiền não trong tâm. Trước hết, hãy cố gắng làm giảm phiền não. Quý vị không thể nào diệt được 100% phiền não ngay lập tức. Nếu có thể tận diệt hoàn toàn phiền não thì quý vị đã thành Phật rồi, lúc ấy quý vị  không cần phải ngồi đây để nghe tôi nói nữa! [Rinpoche cười.]

 

Hỏi: Trong cuộc sống tu học, con rất thích học và nghiên cứu Phật Pháp, nhưng đôi khi trong lúc học thì con lại gặp những khó khăn, trắc trở và lúc ấy con lại suy nghĩ thôi mình học làm gì, mình chỉ chuyên tu vì con thấy ngày xưa, chư vị không có học nhiều mà chỉ chuyên tu, ngồi thiền mà chư vị có thể thông suốt tất cả Phật Pháp. Con nghĩ hay là bây giờ mình cũng về không cần học mà chỉ chuyên tu để sau này thành Phật và cũng có thể thông hiểu được Phật Pháp, không cần phải học cho khổ sở. Con suy nghĩ rằng, khi mình học thì thời gian chuyên tu của mình không còn nhiều, vì vậy con không biết hiện tại bây giờ con cần chuyên học hay chuyên tu? Có những tư tưởng trong hàng ni chúng bây giờ là, không cần học nữa mà chỉ cần nhập thất, và rồi kinh điển gì mình cũng có thể hiểu được. Con muốn xin ngài chỉ dẫn cho chúng con, đối với hàng ni chúng trẻ tuổi như chúng con bây giờ thì việc nghiên cứu Phật Pháp là cần thiết hơn hay là chuyên tu cần thiết hơn?

Rinpoche: Trong túi tôi có một loại thuốc, nếu quý vị bị nhức đầu thì quý vị có uống loại thuốc này không? Không chắc, đúng không? Ai biết điều này rõ nhất? Chỉ có bác sĩ mới biết rõ là thuốc này có uống được hay không. Phật pháp cũng giống như vậy. Khi quý sư cô nói chuyên tu trước, thiền, nhập thất để thành Phật rồi thông suốt các pháp thì cũng giống như quý sư cô đang cố gắng uống thuốc trong cái túi của tôi khi bị nhức đầu. Quý sư cô hãy tự hỏi bản thân chắc chắn được bao nhiêu phần trăm? Đó chỉ là niềm tin của bản thân mà thôi! Chúng ta chắc chắn 100%, 90% hay chỉ 50% thôi? Nếu chúng ta tin chỉ 50% thì rủi ro sẽ rất cao. Điều thứ hai quý sư cô cần biết, nếu nói chuyên tu thì quý sư cô tu cái gì? Nếu không thông hiểu Phật pháp thì chúng ta không thể tu được. Chỉ ngồi nhắm mắt trong một hang đá có phải là tu hành không? Chuyện đó ngay cả một con thú cũng làm được. Như vậy không thể gọi là tu được. Để tu thì chúng ta cần phải biết các bước tuần tự. Để biết các bước thực hành thì chúng ta cần phải học. Đặc biệt là khi quý vị là tu sĩ, có nhiều thời gian và còn rất trẻ, do đó quý vị cần phải đi từng bước thật chắc chắn. Bước đi an toàn là như thế này, tôi sẽ cho một ví dụ. Có rất nhiều người bỏ thuốc lá vì lý do an toàn và bảo vệ sức khỏe. Người ta nói rằng nếu hút thuốc thì quý vị sẽ có nguy cơ bị bệnh gan, phổi v.v…; nhưng có rất nhiều người hút thuốc mà vẫn không gặp vấn đề nào cả. Nguy cơ vẫn luôn tồn tại nhưng không phải ai cũng gặp phải nguy cơ đó. Tương tự, khi quý sư cô nghiên cứu, hiểu Phật pháp rồi thì việc thực hành sẽ tốt hơn. Do đó quý sư cô là những người xuất gia và còn rất trẻ nên việc học rất quan trọng. Đây là một lựa chọn mà quý sư cô cần phải quyết định, và với quý sư cô thì tôi nghĩ đây là lựa chọn tốt nhất. Đối với những người đi làm, không có nhiều thời gian thì chuyên tu là điều quan trọng. Nếu chúng ta hơn 30 hay 40 tuổi thì khi ấy việc thực hành rất quan trọng, còn việc học sẽ khó khăn hơn. Còn hiện tại tôi thấy quý sư cô ở đây tuổi còn rất trẻ, nên chúng ta không cần phải khẩn trương thành Phật đâu! [Rinpoche cười] Do đó đầu tiên là phải học, sau đó mới tu. Khi có tri thức về Phật pháp thì quý vị mới có thể hướng dẫn được cho người khác tốt hơn. Do đó, ở độ tuổi quý sư cô thì việc học quan trọng hơn; khi nào quý sư cô hơn 40 tuổi và có rất nhiều việc để làm thì việc thực hành sẽ quan trọng hơn.

Cám ơn quý vị rất nhiều!

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @19/05/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.