07-09-2024
Bánh xe vũ khí 2023
Download MP3

KỆ 60 - 69

Điều quan trọng khi thực hành đạo Phật là quy y Tam bảo, nơi nương tựa đúng đắn để thực hành Phật pháp. Đối với pháp Đại Thừa động cơ rất quan trọng. Để phát triển động cơ đúng đắn vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh, cần thực hành luyện tâm. Mọi pháp hành luyện tâm đều có mục đích chính là diệt trừ phiền não, chấp ngã.

60. Giúp người thì ít, gây khổ đau thì nhiều

Bản thân vô dụng, lại tỏ vẻ oai hùng

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma.

Vì tâm ái ngã nên chỉ nghĩ cho bản thân, không nghĩ đến lợi lạc cho người khác. Lợi dụng và sai khiến họ làm theo ý ta, khiến họ rất khổ cực. Tất cả những phiền não này đều xuất phát từ tâm ái ngã và chấp ngã nên phải quyết tâm diệt trừ 2 tâm này.

61. Thầy nhiều, giữ gìn thệ nguyện lại kém cỏi

Trò nhiều, lợi lạc dưỡng dục làm ít oi

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma.

Học trò tìm nhiều thầy nhưng không quan sát phẩm tính của Thầy, thấy ai ưng ý thì nhận làm Thầy và không giữ lời hứa chuyển hoá tâm tính nên việc thực hành không đi đến đâu. Bổn phận của Thầy là giáo dục tốt học trò, hướng dẫn học trò thực hành đúng Phật pháp. Một số vị Thầy có nhiều học trò nhưng lại không chỉ dẫn học trò thực hành gì cả.

Đoạn này nói về mối quan hệ, bổn phận của Thầy và trò. Nếu làm đúng thì việc thực hành pháp mới tiến bộ. Những việc làm không đúng đều xuất phát từ tâm phiền não, ái ngã & chấp ngã.

62. Hứa nhiều, thực hành lợi lạc lại kém cỏi

Danh nhiều, xét ra quỷ trời cũng hổ thẹn

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma

Đoạn này nói về những người nhận giới, hứa giữ thệ nguyện nhưng lại không thực hành, không giữ giới. Người thế gian nghĩ về họ như những người thực hành chuyên sâu, có tiếng và danh trong xã hội nhưng thực tế thì không thực hành nhiều, và cũng không thực hành đúng pháp. Những điều này đến từ phiền não, cốt yếu từ chấp ngã.

63. Nghe học ít ỏi, hay nói lời sáo rỗng

Biết ít lời Phật, chẳng hiểu, tưởng hiểu nhiều

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma

Đoạn này nói về những người hay lên lớp, dạy đời người khác. Không chú tâm học hỏi kinh điển nhưng hay lên mặt với người, nói những lời tưởng như thông tuệ. Không chịu quán xét và suy ngẫm lời Phật dạy để hiểu đúng và tu hành cho đúng lại khiến người khác nghĩ rằng bản thân hiểu biết nhiều, thực hành thâm sâu. Tất cả những suy nghĩ và hành vi như thế đều không đúng, xuất phát từ tâm ái ngã và chấp ngã. Thực hành luyện tâm giúp ta nhận thấy lỗi lầm và từ đó khắc phục, thay đổi hành vi đạo đức, làm lợi lạc cho bản thân và người khác. Trong cuộc sống ta phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn, ngoài bệnh trên thân ta còn mắc bệnh trong tâm, khi ấy lòng yêu thương, sự quan tâm lan toả sẽ giúp khắc phục tình trạng. Đây chính là giá trị tinh tuý mà pháp luyện tâm mang lại.

64. Nhiều kẻ hầu cận lại chẳng ai gánh vác

Quen người uy quyền, chẳng ai đỡ phía sau

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma

Dù xung quanh ta có nhiều mối liên hệ, bạn bè nhưng khi có việc cần lại chẳng có ai giúp đỡ do đã từng chẳng giúp ai cả. Mong muốn xây dựng các mối quan hệ nhằm mục đích có lợi về sau, nhưng khi cần thì lại không có ai bên cạnh, do đó việc xây dựng này không cần thiết. Cái tâm mong muốn xây dựng mối quan hệ nhằm có lợi cho bản thân xuất phát từ tâm ái ngã.

65. Địa vị cao tột, phẩm hạnh kém hơn quỷ

Thầy lớn trên cao, tham sân bạo hơn ma

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma

Những người vì tâm chấp ngã mong muốn có danh vọng, địa vị trong xã hội, nhưng lại có những hành vi trái đạo đức, trái với pháp hành. Mong muốn và các hành vi này đến từ tâm ái ngã: mong muốn lợi lạc cho chính bản thân.

Thỉnh thoảng có những vị Thầy đạo mạo, chính trực bên ngoài nhưng không thực hành theo giáo pháp Đức Phật, bám chấp vào những lợi ích trong xã hội, sân giận khi học trò hay những người xung quanh làm điều không ưng ý, tìm cách trừng phạt hay trả đũa. Hành vi như thế hoàn toàn trái với lời dạy Đức Phật và trái với phẩm hạnh đúng đắn của một vị Thầy. Đức Phật dạy rằng “Kẻ thù bên ngoài không thể phá hoại giáo pháp của Như Lai, chỉ có đệ tử của Như Lai mới có thể”. Những người mang danh nghĩa thực hành Phật pháp nhưng lại hiểu sai về Phật pháp, không cố gắng tìm hiểu đúng nghĩa lời Phật dạy mà lại rao giảng và thực hành những điều rất sai trái.

66. Học thuyết cao vời, hành vi tệ hơn chó

Phẩm hạnh cho nhiều, nền tảng gió thổi bay

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma

Đối với những người nói nhiều hơn thực hành, nói những lời thâm sâu uyên bác nhưng không thực hành đến đâu, ngay đối với lề lối đạo đức xã hội. Tất cả xuất phát từ tâm ái ngã, chấp ngã.

Thầy kể câu chuyện về ngài Atisha khi đến Tây Tạng. Đi đâu Ngài cũng nghe nói về pháp có thể giúp thành Phật trong một đời, ai cũng nghĩ đến việc thực hành pháp này để thành Phật nhưng nền tảng là gì, quy y thế nào thì không ai nói đến. Lúc đó, Ngài Atisha mới nghĩ rằng sẽ hướng dẫn cho mọi người thực hành một cách đúng đắn, có nền tảng. Nếu không có nền tảng sẽ không thể gặt hái được bất kỳ thành tựu nào. Ngài đã giảng rất nhiều về nhân quả và quy y nên được gọi là vị Lama nhân quả, vị Lama quy y. Ngài đã viết những tác phẩm thực hành nền tảng và được gởi sang học viện ở Ấn Độ - nơi Ngài đã học và nghiên cứu kinh sách. Ngài đã biến những kiến thức siêu việt trở nên đơn giản, dễ hiểu. Đó là tính vĩ đại của ngài Atisha. Ngài khuyên ta thực hành pháp gì cũng phải có nền tảng như xây dựng một ngôi nhà phải có nền móng vững chắc.

67. Che đậy trong lòng tất cả những ham muốn

Đùa cợt vô nghĩa những câu chuyện vòng vo

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma

Đoạn này nói đến những hành vi sống không thật lòng. Dù thực hành pháp nhưng trong tâm ta vẫn còn những phiền não, ham muốn mong cầu che đậy trong lòng nhưng bên ngoài lại biểu hiện khác. Nói bóng gió để có được điều mong muốn nhưng lại không muốn để người khác nghĩ mình xấu, không tốt. Những suy nghĩ này đều xuất phát từ tâm ái ngã và chấp ngã cần phải diệt trừ.

68. Thân khoát y vàng lại quy y nương quỷ

Thọ nhận giới nguyện, hành vi đồng như ma

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma

Đoạn này đề cập đến cách thực hành ngược với niềm tin Tam bảo và giới nguyện Quy y. Vị tu sĩ mang trên mình ba y. Y vàng tượng trưng cho việc đã nhận giới nguyện, giới tỳ kheo. Khi đã thọ nhận giới nguyện, phải đặt niềm tin vào Tam bảo, phải nương tựa nơi Đức Phật nhưng trong lúc gặp khó khăn lại tìm đến các vị thần thế gian để cúng kiếng, cầu khẩn giúp hoàn thành mong muốn. Điều này xuất phát từ tâm ái ngã, chấp ngã. Cần phải tiêu trừ.

Phật tử khi vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ cần luôn nghĩ đến tâm quy y và giới nguyện để không thất thoát niềm tin nơi Tam bảo.

69. An lạc đến từ chư thiên, lại cúng quỷ

Soi đèn bởi Pháp, với Tam Bảo lại lừa

Gầm rống trên đầu tâm chấp, kẻ phá hoại

Đánh thẳng vào tim của giặc giã quỷ ma

Tam Bảo ở đây là chư Thiên. Cần giữ vững niềm tin nương tựa Tam Bảo và cung kính nơi Tam Bảo vì an lạc ở đời này hay đời sau, thành tựu giác ngộ hay Phật vị. Nhưng ta không thực hành đúng theo lời dạy của Phật mà lại tìm an lạc nơi bói toán, mê tín, cúng kiến thần thế gian để cầu khẩn, mong muốn thoát khỏi khổ đau.

Khi quy y và nương tựa Tam Bảo, cần thực hành đúng theo nhân quả, từ bỏ làm điều ác và tích góp làm việc thiện để có hạnh phúc đời này và đời sau, được giải thoát và đạt đến giác ngộ. Nhưng do không thực hành theo lời Phật dạy nên vẫn không đạt được điều mong muốn. Hạnh phúc đời này và đời sau không thấy thì nói gì đến việc giải thoát, giác ngộ, thành Phật. Hành vi thực hành lệch lạc này đến từ tâm ái ngã và chấp ngã, cần phải diệt trừ tâm này.

Tóm lại: những đoạn trên khuyên ta cần thực hành theo đúng lời Phật dạy. Khi đã quy y Tam Bảo, quyết định nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng thì phải theo giáo pháp Đức Phật để có được lợi lạc đời này và đời sau. Đúc kết tất cả lời Phật dạy trong hai câu sau:

Hoàn toàn điều phục tâm chính mình

Đó là lời dạy của Phật đà.

Cần phải luyện tâm và điều phục các phiền não trong tâm thì khi đó mới hoàn thành mục đích, có được an lạc, hạnh phúc ở đời này và đời sau, đạt được giải thoát và giác ngộ. Đi kinh hành, cúng dường, nhờ Thầy cầu nguyện giúp vượt qua khó khăn là điều tốt; nhưng nếu vẫn còn tham chấp, làm tổn hại người khác thì khổ đau vẫn đến với mình. Do đó cần điều phục phiền não của mình vì chính bản thân mình là kẻ thù của mình. Thay vì trách cứ người xung quanh không tốt với mình hay đỗ thừa cho hoàn cảnh, hãy thực hành đúng theo giáo pháp Đức Phật trên tinh thần quy y nương tựa Tam Bảo, quán sát tâm và tự điều chỉnh hành vi không tốt của mình.