Vấn đáp Phật pháp với Tôn Sư Khangser Rinpoche tại chùa Diên Quang
Bắc Ninh, ngày 27 tháng 03 năm 2015.
VẤN ĐÁP PHẬT PHÁP
với
KHANGSER RINPOCHE
Bắc Ninh, ngày 27 tháng 03 năm 2015
Hỏi: Xin Ngài hoan hỷ cho biết sự khác nhau giữa việc trì chú và niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà? Hai truyền thống tu tập giống và khác nhau như thế nào? Xin Ngài hoan hỷ cho biết! Nam Mô A Di Đà Phật!
Rinpoche: Việc trì tụng thần chú và niệm danh hiệu Phật thật ra giống nhau. Khi quý vị trì chú, câu chú được phát âm theo tiếng Phạn. Trong câu chú tiếng Phạn đã bao gồm danh hiệu Phật. Các bài thần chú là danh hiệu Phật bằng tiếng Phạn, do đó không có gì khác biệt.
Hỏi: Có một số người nói rằng khi niệm danh hiệu của Đức Phật, trì chú, sẽ có một vị thần hộ mạng, cầu gì được nấy. Khi niệm Phật có việc đó hay không? Sự khác nhau giữa niệm Phật và trì chú ở điểm này là gì?
Rinpoche: Có một điều chúng ta cần phải biết là ý nghĩa của bổn tôn (deity). Thuật ngữ để chỉ bổn tôn bắt nguồn từ tiếng Phạn là “yidam”. Ở mức độ này, đó đều là tên gọi của Đức Phật. Tất cả bổn tôn đều là Phật; tuy nhiên khởi nguồn từ Đức Phật mà có nhiều tên gọi bổn tôn khác nhau. Đó là những tên gọi khác nhau của Đức Phật. Do đó, khi quý vị tụng chú của Đức Phật A Di Đà, Phật A Di Đà cũng có thể được xem là một vị bổn tôn. Nếu quý vị nhìn vào một vị thầy vĩ đại của truyền thống Na-lan-đà (Nalanda) là ngài Nguyệt Cung (Chandragomin), ngài là một trong những học giả nổi tiếng thuộc Tông Duy Thức, và bổn tôn chính của ngài là Đức Quan Thế Âm. Vì vậy, bổn tôn có thể là Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, hoặc bất cứ một vị nào khác.
Có một vài điểm quan trọng quý vị cần hiểu. Thứ nhất là tín tâm và lòng thành. Thứ hai là cách thực hành pháp tu Phật A Di Đà. Đây là những điểm quan trọng khi quý vị bắt đầu thực hành. Khi nhìn vào Đức Phật A Di Đà, điều quan trọng nhất là tín tâm. Khi đã có tín tâm rồi thì quý vị mới nghĩ đến cách tu Phật A Di Đà. Đó là điểm thứ hai. Điểm thứ ba là quý vị phải xem sự tu hành của mình đang ở mức độ nào. Điều này không có nghĩa là nhìn xem quý vị thực hành trong bao lâu. Thông thường, người ta cho rằng càng thực hành lâu năm, chừng 10 hay 20 năm, thì việc tu hành sẽ tốt hơn. Không phải như vậy. Nếu nhìn lại thời Đức Phật, đôi khi Ngài chỉ dạy một câu cho người nghe nhưng chỉ trong vài phút họ đã có thể chứng ngộ. Tuy nhiên, vị thị giả của Phật có rất nhiều năm thân cận Ngài nhưng vẫn không thể chứng ngộ. Hành trì và chứng ngộ không thể tính theo thời gian tu tập, mà nó tùy thuộc vào cách quý vị thực hành. Nếu quý vị thực hành đúng đắn thì thậm chí vài phút thôi cũng có thể mang lại thay đổi lớn. Trong việc hành trì, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nhiều người cho rằng số lượng quan trọng hơn, vì vậy họ niệm danh hiệu Phật A Di Đà theo số lượng chứ không theo chất lượng. Nếu quý vị tụng chú A Di Đà chỉ một lần nhưng đúng đắn thì sẽ rất hiệu quả; còn nếu quý vị tụng chú không có chất lượng thì số lượng cũng không quan trọng. Dù chỉ tụng một hoặc hai lần, quý vị cần thực hành thật đúng đắn.
Tôi sẽ kể cho quý vị một câu chuyện nổi tiếng. Có một người đệ tử đến chỗ của thầy mình và xin thầy dạy cho ông ta vài phương pháp thiền. Vị thầy nói với ông rằng thiền rất đơn giản, ông hãy thiền quán về bất cứ điều gì, ngoại trừ con khỉ. Sau đó, người đệ tử thực hành, và mỗi khi ông ta cố gắng hành thiền thì lúc nào con khỉ cũng hiện lên trong tâm ông ấy. Tương tự, đây là điều thường diễn ra với chúng ta. Do đó, khi tụng chú A Di Đà, trước hết quý vị phải quán sát tâm mình xem mình đang nghĩ gì, trong tâm mình đang có những gì? Đó là bước đầu tiên khi tụng chú, hãy quán sát tâm mình. Với tâm thanh tịnh, nếu quý vị tụng chú A Di Đà chỉ một lần thôi thì công đức là vô lượng. Hầu hết mọi người tụng chú A Di Đà nhưng tâm họ lại không tụng chú; tâm họ không nghĩ về Đức Phật mà lại hoàn toàn bị xao lãng.
Bây giờ câu hỏi thứ hai nảy sinh: Khi tụng chú A Di Đà, làm thế nào để quý vị có thể tập trung đúng đắn vào Đức Phật A Di Đà? Về vấn đề này, quý vị cần phải rèn luyện đôi chút.
Hỏi: Thưa Ngài, hiện nay có rất nhiều lạt ma Tây Tạng sang Việt Nam, và cũng có một số công trình mang dáng dấp của Phật giáo Tây Tạng, ví dụ như những đại bảo tháp. Sau khi xây xong thì thỉnh mời chư tăng Tây Tạng ở Ấn Độ để gia trì, và họ cho rằng việc làm này mang đến lợi ích. Thứ nhất là cầu nguyện cho thế giới hòa bình, thứ hai là mong ước cái gì thì thành tựu cái đó. Do tinh thần như vậy, mặc dù rất tốt, nhưng một số đông các Phật tử tại Việt Nam nghĩ rằng đến chỗ đó cầu được ước thấy, vì vậy mang tâm niệm cầu xin là chính chứ không phải tu tập. Theo Ngài, giá trị của việc xây dựng bảo tháp đó là như thế nào?
Rinpoche: Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này theo cách sau đây. Nói chung, khi quý vị cầu nguyện với Đức Phật, việc cầu nguyện có linh nghiệm hay không tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân. Khi cầu nguyện với Đức Phật, vài lời cầu nguyện mang đến hiệu quả, còn một số khác thì lại không. Đó là thực tế và là sự thật. Tuy nhiên, có một điều quý vị cần biết: Tại sao một số lời cầu nguyện có hiệu quả, còn một số khác thì không? Để việc cầu nguyện có hiệu quả thì cần nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là sự gia trì của Đức Phật, yếu tố thứ hai là nghiệp của quý vị. Tuy nhiên, điểm tích cực ở đây là ác nghiệp của quý vị có thể được tịnh hóa thông qua công phu tu tập của bản thân. Nếu quý vị tịnh hóa ác nghiệp và có nhiều công đức hơn, thì những gì quý vị cầu nguyện với Đức Phật sẽ có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn. Hầu hết người ta cho rằng chỉ cần cầu xin và nhận gia trì từ Đức Phật thì họ sẽ toại nguyện, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Khi quý vị cầu nguyện, sự gia trì của chư Phật và nghiệp của quý vị phải tương hợp với nhau. Năng lực gia trì của chư Phật luôn hiện diện, điều duy nhất là quý vị phải tịnh hóa ác nghiệp của bản thân và phải tích tập nhiều thiện nghiệp hơn. Ác nghiệp của quý vị có thể được tịnh hóa thông qua sự tu tập, và quý vị có thể tích tập thiện nghiệp qua việc hành trì của bản thân.
Có một câu chuyện về một người cha có hai cô con gái, và cả hai cô gái đều đã lập gia đình. Người chị cưới một anh nông dân và cô em cưới một người thợ gốm. Một ngày nọ, người cha đi thăm hai cô con gái. Cô chị nói với cha mình rằng gia đình của cô đang gieo hạt trên cánh đồng, và họ cầu nguyện với Đức Phật để trời mưa thật nhiều. Cô xin cha mình hãy cầu nguyện với Đức Phật cho trời mưa. Ngày hôm sau, người cha đến thăm cô con gái út có chồng là thợ gốm. Cô em nói với cha: Bây giờ chúng con bắt đầu làm bình gốm, chúng con luôn cầu nguyện với Đức Phật để trời đừng mưa và luôn có nắng to, vì như vậy mới có thể phơi khô bình gốm. Do đó, cô em xin cha mình hãy cầu nguyện với Đức Phật cho trời đừng mưa và được nắng to [Rinpoche cười]. Vậy người cha nên cầu nguyện thế nào? Một cô con gái thì muốn trời mưa, còn cô kia thì muốn trời nắng. Lúc đó chắc Đức Phật sẽ hỏi, “Thật ra ông muốn cầu cái gì đây?”
Không chỉ có quý vị mà hàng triệu người đang cầu nguyện với Đức Phật. Có thể quý vị cầu cho trời nắng, nhưng những người khác lại cầu trời mưa. Ở đây, làm sao để lời cầu nguyện có thể thành hiện thực? Hiệu quả cầu nguyện và năng lực gia trì của chư Phật luôn hiện diện, nhưng quý vị cần có thiện nghiệp mãnh liệt. Khi quý vị có thiện nghiệp mãnh liệt nhiều hơn, và có ít ác nghiệp hơn thì lời cầu nguyện của quý vị sẽ có nhiều cơ hội hơn để trở thành hiện thực.
Bây giờ đến điểm thứ hai. Quý vị hay nói rằng mình đang cầu nguyện với Đức Phật nhưng đôi khi quý vị không thật sự cầu nguyện mà chỉ đang than thở mà thôi. Đôi lúc quý vị nói với Đức Phật: Con muốn cái này, con muốn cái kia, con không có cái này, cái kia…, nghĩa là quý vị đang than thở. Rất đơn giản, quý vị nào có cầu nguyện với Đức Phật thì hãy giơ tay? [Đại chúng giơ tay.] Có lẽ tất cả quý vị đều cầu nguyện, điều đó tốt. Bây giờ, hãy giơ tay nếu quý vị chỉ tỏ lòng tri ân và cảm ơn Đức Phật về những gì Ngài đã ban cho mình? [Rinpoche cười và đại chúng giơ tay.] Quý vị hãy nhìn, rất ít người giơ tay. Khi cầu nguyện, thỉnh cầu Đức Phật, quý vị cũng cần phải biết ơn Ngài. Với lòng biết ơn thì bất cứ điều gì quý vị đang có được cũng đều là sự gia trì từ chư Phật. Điều đó cũng quan trọng. Thường thì khi cầu nguyện, quý vị than phiền, quý vị muốn điều này hay điều nọ… và than thở với Đức Phật nhiều hơn. Quý vị cũng cần phải tỏ lòng tri ân và cảm ơn sự gia trì của chư Phật, cảm ơn về những gì quý vị đã đạt được.
Hỏi: Hiện tại ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều xá lợi, xanh vàng đỏ trắng, thậm chí tại gia đình Phật tử còn có cả thúng để thờ xá lợi. Người tại gia có thờ được xá lợi hay không? Như thế nào để biết được xá lợi thật và xá lợi không thật? Đặc biệt xá lợi được rất nhiều các sư, các thầy ở trong miền Nam mang ra cho rất nhiều. Xin Ngài trả lời! Nam Mô A Di Đà Phật!
Rinpoche: Để phân biệt giữa xá lợi thật và xá lợi giả, có một cách đơn giản, rất hiệu quả và hiện đại, đó là gửi xá lợi đến phòng thí nghiệm để xác định tuổi của xá lợi [Đại chúng cười]. Xá lợi thật của Đức Phật phải có tuổi thọ khoảng 2500 năm. Đó là cách làm rất khoa học, là cách tốt nhất, dễ nhất, hiệu quả và hiện đại nhất.
Bây giờ đến điểm thứ hai. Có một câu chuyện về một người mẹ yêu cầu đứa con trai sắp đi hành hương hãy mang về cho bà xá lợi của Đức Phật sau chuyến đi ấy. Người con lên đường đến xứ Ấn Độ và nhiều nước xa xôi khác rồi trở về. Khi đang trên đường về nhà, anh ta bỗng nhớ ra lời mẹ dặn anh mang xá lợi Phật về nhà! Gần đến nhà anh ta mới nhớ ra và bắt đầu nghĩ xem anh phải làm gì. Anh bỗng trông thấy một con chó đã chết ven đường, thế là anh nhổ một cái răng của con chó. Anh ta lấy cái răng của con chó mang về nhà đưa cho mẹ anh và nói, “Đây là xá lợi của Đức Phật mà con đã mang về từ một nơi rất xa xôi.” Lúc đó, người mẹ rất tin tưởng con trai và bà để cái răng chó trên bàn thờ, cầu nguyện với nó hàng ngày với tín tâm và lòng thành. Nhiều tháng sau, cái răng chó bắt đầu tỏa hào quang. Xá lợi thật hay xá lợi giả, điều đó không quan trọng. Tín tâm của quý vị đối với Đức Phật có chân thành hay không, đó mới là điều quan trọng. Nếu tín tâm của quý vị đối với Đức Phật là chân thành thì đó là một điều hoàn hảo, rất đúng đắn. Dù xá lợi là xá lợi thật, nhưng nếu tín tâm của quý vị không chân thành thì xá lợi cũng chẳng có ích gì. Nhiều người giữ xá lợi chỉ để trang trí, điều đó vô nghĩa. Tín tâm chân thành của quý vị đối với Đức Phật mới là điều ý nghĩa nhất. Tín tâm của quý vị đối với Đức Phật phải thanh tịnh và mãnh liệt; đó mới là điều quan trọng và ý nghĩa nhất.
Bây giờ đến điểm thứ ba. Tôi đã thấy rất nhiều xá lợi. Người ta thường nói “Đây là xá lợi! Đây cũng là xá lợi.” Câu hỏi quý vị đặt ra rất chính xác. Tôi nghĩ khoảng 10 đến 15 năm sau, quý vị có thể mua xá lợi ngoài chợ [Rinpoche và đại chúng cười.]
Hỏi: Người được hộ niệm là một đối tượng không hề biết đến Phật pháp, như vậy thì có nên hộ niệm cho người này hay không? Nếu có, người được hộ niệm có được lợi ích gì hay không? Có dấu hiệu nào để nhận biết được sự siêu thoát của người được hộ niệm?
Rinpoche: Quý vị có thể thấy câu hỏi này có hai phần. Quý vị có nhớ câu hỏi thứ nhất là gì không? Nếu không nhớ thì khi tôi trả lời, quý vị sẽ không biết tôi đang trả lời câu hỏi nào [Rinpoche cười].
Về vấn đề hộ niệm cho người chết, nếu anh ta không phải là Phật tử thì chúng ta có nên hộ niệm hay không? Làm như vậy có giúp gì cho anh ta hay không? Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu rất đơn giản với hai ly nước. Ly thứ nhất chúng tôi cầu nguyện và niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Đức Quan Thế Âm; với ly nước thứ hai chúng tôi không làm gì cả. Sau đó, chúng tôi để hai ly nước ở cùng một chỗ, trong cùng điều kiện về nhiệt độ. Mười bốn ngày sau, nước trong ly đã được gia trì và tụng chú không bay hơi nhiều, còn nước trong ly không được gia trì bay hơi nhiều hơn. Đây không phải là một nghiên cứu mới, vài nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu này và thấy được sự khác biệt giữa nước được gia trì bằng cách tụng danh hiệu Phật và nước không được gia trì. Họ đã khám phá ra kết quả rất thú vị. Với nước được gia trì bằng cách niệm danh hiệu Phật, cấu trúc phân tử thay đổi thành hình ngôi sao, hình bông tuyết… rất đẹp. Tuy nhiên, cấu trúc phân tử của nước không được gia trì không thay đổi mà vẫn giữ nguyên như cũ. Điều này cho thấy việc niệm danh hiệu Phật có thể ảnh hướng đến cấu trúc phân tử. Dù nước không phải là Phật tử và cũng không theo tôn giáo nào, nhưng nước vẫn chịu tác động. Thế thì tại sao việc hộ niệm lại không thể tác động đến những người không phải là Phật tử ở thời điểm lâm chung? Sáu mươi phần trăm cơ thể con người là chất lỏng, và việc tụng đọc danh hiệu Phật có thể ảnh hưởng đến nước. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy việc cầu nguyện là có lợi, không chỉ giúp ích cho con người mà còn có ích cho các loài hoa. Nếu quan sát hai bông hoa, một bông được cầu nguyện và một bông không được cầu nguyện, quý vị sẽ thấy hiệu ứng. Họ nói rằng việc cầu nguyện có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bông hoa. Nếu cầu nguyện có thể ảnh hưởng đến loài hoa thì cớ gì nó lại không thể ảnh hưởng đến con người, dù anh ta có là một Phật tử hay không? Anh ta có là Phật tử hay không, điều đó không quan trọng.
Bây giờ đến điểm thứ hai, đâu là dấu hiệu cho thấy người chết đã vãng sinh tịnh độ hay chưa? Vị sô-cô-la có ngọt hay không, đâu là dấu hiệu đầu tiên? Chỉ khi nào quý vị đã ăn sô-cô-la thì mới biết. Tương tự, chỉ khi quý vị được sinh vào cõi tịnh độ, đó chính là dấu hiệu đầu tiên, chỉ có quý vị mới biết mình được vãng sinh tịnh độ. Thậm chí, vị đại đệ tử đệ nhất thần thông của Đức Phật là thầy Mục Kiền Liên (Maudgalyayana), người đã đắc quả a-la-hán, khi mẹ của thầy Mục Kiền Liên qua đời, thầy ấy vẫn không thể xác định được mẹ mình tái sinh vào cõi nào. Thầy phải hỏi Đức Phật mẹ mình tái sinh vào nơi nào, dù Mục Kiền Liên là vị đệ tử xuất sắc của Phật và đã chứng quả a-la-hán. Để biết mình có vãng sinh về cõi tịnh độ hay không thì chúng ta phải hỏi Đức Phật [Rinpoche cười].
Điểm thứ ba, hầu hết chúng ta cố gắng hết sức để được sinh về cõi tịnh độ. Để được vãng sinh tịnh độ thì có vài điều quý vị cần biết. Trước hết là khởi tâm quy y và phát tâm bồ đề, sau đó là phải buông bỏ mọi bám chấp, tiếp theo là phát nguyện vãng sinh tịnh độ, và tụng chú của Đức Phật A Di Đà. Khi kết hợp những pháp tu này với nhau thì quý vị có cơ hội lớn để vãng sinh tịnh độ. Để vãng sinh về cõi tịnh độ, về mặt thân thể vật lý thì không có dấu hiệu nào đặc biệt. Khi một người hấp hối, chỉ có họ sẽ thấy các dấu hiệu, vì thân thể không đến cõi tịnh độ mà chỉ có thần thức mới về cõi tịnh độ. Trong tiến trình chết, nếu có thể vãng sinh tịnh độ thì người hấp hối sẽ thấy viễn cảnh cõi tịnh độ, thấy Đức Phật A Di Đà. Đây là một dấu hiệu phổ biến. Thông thường, những người có nhiều ác nghiệp sẽ rất sợ hãi vào thời khắc lâm chung; họ có cảm giác như có ai đó đang tấn công mình. Cũng có vài dấu hiệu cho thấy một người sắp bị sinh vào các cõi thấp. Khi một người sắp được vãng sinh tịnh độ thì người đó sẽ thấy các dấu hiệu, nhưng những người khác thì không thể nhìn thấy. Nếu có dấu hiệu nào đó trên thân thể thì thầy Mục Kiền Liên chắc chắn đã có thể biết được mẹ mình sinh vào cõi nào, cớ sao thầy ấy lại không thể biết? Như tôi đã nói, vị của sô-cô-la có ngọt hay không, khi người khác ăn sô-cô-la thì chúng ta không thể biết sô-cô-la ngọt hay không. Do đó, nói về dấu hiệu vãng sinh tịnh độ, chỉ có người nào sắp về tịnh độ mới nhận thấy các dấu hiệu, những người khác không thể nhìn thấy.
Hỏi: Xin Ngài cho một vài lời khuyên về pháp môn Tịnh Độ! Nam Mô A Di Đà Phật!
Rinpoche: Tôi vẫn thường hay đùa thế này. Có rất nhiều người phát nguyện vãng sinh tịnh độ. Họ rất hào hứng để học cách tốt nhất, dễ nhất và nhanh nhất để được vãng sinh tịnh độ. Điểm thứ nhất, không có cách nào dễ nhất và nhanh nhất để vãng sinh tịnh độ cả. Với mọi phương pháp, quý vị đều phải nỗ lực thực hành. Mặt khác, có một cách dễ nhất. Suy cho cùng, dễ nhất và nhanh nhất, điều đó tùy thuộc vào quý vị; khó hay dễ hoàn toàn tùy thuộc vào quý vị. Để được vãng sinh tịnh độ, trước hết chúng ta phải hiểu nguyên nhân nào là chướng ngại cản trở chúng ta sinh về tịnh độ. Điều đó rất quan trọng. Nếu hiểu về các chướng ngại thì quý vị sẽ hiểu con đường đúng đắn. Chướng ngại đối với việc vãng sinh tịnh độ chính là ác nghiệp của chúng ta. Đó chính là chướng ngại chính cản trở chúng ta sinh về tịnh độ. Bây giờ, quý vị phải hiểu đâu là nguyên nhân chính để được vãng sinh tịnh độ? Tôi sẽ giải thích theo cách rất đơn giản và dễ dàng, nhưng nó có dễ hay không thì tùy thuộc vào quý vị. Tôi có một kinh nghiệm. Khi tôi giải thích về ba bước này ở Hà Nội, sau khi giải thích xong tôi hỏi đại chúng tôi vừa nói những gì. Họ trả lời tôi hoàn toàn khác [Rinpoche cười]. Lúc đó tôi nói: Nếu cứ thực hành theo kiểu như vậy thì quý vị sẽ không vãng sinh về cõi tịnh độ của Phật A Di Đà, mà có lẽ quý vị sẽ sinh vào cõi tịnh độ của Chúa Jesus [Rinpoche cười].
Bây giờ tôi sẽ giảng cho quý vị ba bước. Đây có phải là cách nhanh nhất, dễ nhất hay không, điều đó tùy thuộc vào quý vị. Thứ nhất, như tôi đã nói, chúng ta phải tịnh hóa ác nghiệp của mình. Cách tốt nhất để tịnh hóa ác nghiệp là thực hành quy y và phát tâm bồ đề. Đây là bước thứ nhất. Không ai có thể tính đếm công đức mà một người có được nhờ quy y Phật, Pháp, Tăng. Khi quý vị thực hành tâm bồ đề, pháp hành đó tiêu trừ rất nhiều ác nghiệp trong cuộc sống. Dù quý vị phát tâm bồ để chỉ trong một phút thôi thì cũng đã tiêu trừ được rất nhiều ác nghiệp. Quý vị rõ không?
Bước thứ hai, quý vị phải buông bỏ mọi bám chấp, nhất là vào thời khắc lâm chung. Nếu khi chết mà vẫn còn bám chấp vào thế giới này thì làm sao quý vị có thể vãng sinh tịnh độ? Khi chết quý vị sẽ hoang mang về nơi mình sẽ đến nếu còn bám chấp vào thế giới này. Hoang mang là điều tồi tệ nhất. Nếu muốn vãng sinh tịnh độ thì quý vị không nên có bất cứ sự hoang mang hay nghi ngại nào. Nếu quý vị đến Hà Nội nhưng không biết đường thì quý vị có thể dùng GPS hoặc bản đồ; có nhiều thứ quý vị có thể dùng. Tuy nhiên, cõi tịnh độ của Phật A Di Đà không có bản đồ [Rinpoche cười]. Chính vì vậy, quý vị phải chuẩn bị tất cả theo những chỉ dẫn thật chu đáo.
Bước thứ ba, quý vị phải phát nguyện mãnh liệt vãng sinh về cõi tịnh độ của Phật A Di Đà vào mọi lúc. Quý vị phải luôn luôn có ước nguyện như thế. Với ước nguyện đó, quý vị hãy tụng chú A Di Đà và cầu nguyện với Đức Phật A Di Đà. Lúc đó, quý vị sẽ nhận được sự gia trì. Có một lần tôi nhập thất cầu nguyện Đức Quan Thế Âm và một người học trò hỏi tôi làm gì trong thất. Tôi nói với anh ta là tôi đang xin visa để đến cõi tịnh độ của Đức Quan Thế Âm. Tương tự, khi thực hành pháp tu tịnh độ A Di Đà, những gì quý vị cần làm là kết hợp ba bước mà tôi vừa nói với nhau. Tụng chú A Di Đà, cầu nguyện với Đức Phật A Di Đà, và phát nguyện vãng sinh tịnh độ; đây là bước thứ ba. Bước thứ nhất là quý vị phải tịnh hóa ác nghiệp của mình. Để tịnh hóa ác nghiệp, quý vị phải thực hành quy y và phát tâm bồ đề. Bước thứ hai là buông bỏ mọi bám chấp, nhất là vào lúc chết.
Bây giờ tôi có một câu hỏi. Nếu được chọn sinh vào cõi tịnh độ của Phật A Di Đà, hoặc cõi tịnh độ của Đức Quan Thế Âm, hoặc cõi tịnh độ của Phật Dược Sư, quý vị sẽ chọn nơi nào? [Rinpoche cười] Quý vị sẽ làm gì? Quý vị có nghiên cứu xem nơi nào đẹp nhất không? Người ta thường hỏi tôi họ nên sinh vào cõi nào. Quý vị cần biết một điều. Một khi có thể sinh vào một cõi tịnh độ thì quý vị sẽ có thể sinh vào mọi cõi tịnh độ. Nếu không thể sinh vào một cõi tịnh độ thì quý vị sẽ không thể sinh vào tất cả cõi tịnh độ. Không có gì khác biệt cả. Do đó, quý vị không cần phải nghiên cứu xem cõi tịnh độ nào đẹp nhất [Rinpoche cười]. Chiều nay chúng ta sẽ có lễ quán đảnh Phật A Di Đà, tôi sẽ hướng dẫn rõ hơn về pháp tu về cõi tịnh độ của Phật A Di Đà. Điều quan trọng nhất là quý vị phải hiểu về những bước tôi vừa hướng dẫn. Đừng quên những bước này. Quý vị quên tôi cũng không sao, nhưng đừng quên những gì tôi nói. Chính những bước này, chứ không phải tôi, là con đường đưa đến cõi tịnh độ. Tôi có thể trích dẫn kinh điển của Đức Phật, luận điển của các học giả Na-lan-đà, tuy nhiên quý vị sẽ thấy khó hiểu, nên tôi diễn giải một cách đơn giản. Tôi sẽ tụng vài đoạn trong tác phẩm của học giả Na-lan-đà, tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của ngài Tịch Thiên. Tôi sẽ tụng bằng tiếng Tây Tạng đoạn nói về bước thứ nhất. Đoạn này nói rằng khi quý vị phát tâm bồ đề dù chỉ trong một khoảnh khắc, nó sẽ tiêu trừ rất nhiều ác nghiệp mà quý vị tích tập trong nhiều đời nhiều kiếp. Đừng nghĩ rằng những bước tôi vừa nói bất chợt hiện ra trong giấc mơ của tôi, mà những bước này do chính Đức Phật đã dạy. Đừng quên những bước này, nhưng quý vị có thể quên tôi [Rinpoche cười]. Những bước này được nhắc đến trong giáo lý của Đức Phật. Thông thường, vào thời xa xưa khi các vị thầy giảng Pháp, đệ tử thường đặt nhiều câu hỏi về minh chứng của những điều đó từ kinh điển của Đức Phật, và từ các luận điển của học giả Na-lan-đà. Chính vì vậy, tôi muốn nói rằng ba bước này đến từ giáo lý của Đức Phật và của các học giả Na-lan-đà. Chiều nay tôi sẽ ban quán đảnh và hướng dẫn nhiều hơn. Cảm ơn quý vị rất nhiều!
Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @09/05/2015.
Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.