02-08-2015
Phật Pháp Căn Bản

Khangser Rinpoche thuyết giảng Tứ Diệu Đế cho người mới bắt đầu

 

PHẬT PHÁP CĂN BẢN

CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

KHANGSER RINPOCHE thuyết giảng

Tuần thứ 3, ngày 02 tháng 08 năm 2015

Chủ đề:

TỨ DIỆU ĐẾ & Cách Ứng Dụng

Vào Cuộc Sống Thực Tế

Hôm nay chúng ta học Tứ Diệu Đế [hoặc Tứ Thánh Đế, hoặc Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm; Four Noble Truths]. Tứ Diệu Đế là bài Pháp đầu tiên của Đức Phật, và Ngài đã giảng giáo lý này chỉ cho năm người đệ tử. Khi Phật giảng Tứ Diệu đế thì chỉ có năm vị học trò của Ngài nghe giảng. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã giữ im lặng trong 49 ngày, và sau đó Ngài đã giảng Tứ Diệu Đế. Đức Phật thành đạo vào năm Ngài 35 tuổi. Sau khoảng thời gian 49 ngày im lặng sau khi giác ngộ, Đức Phật bắt đầu giảng Pháp và Ngài đã bắt đầu bằng Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là giáo lý chứa đựng bốn sự thật (hay chân lý) mầu nhiệm. Ở đây, trước hết các bạn cần hiểu một điểm quan trọng. Khi Đức Phật giảng Tứ Diệu Đế, Ngài đã nói về bốn sự thật khác nhau: (1) Sự thật về khổ (khổ đế, the truth of suffering), (2) Sự thật về nguồn gốc của khổ (tập đế, the truth of the cause of suffering), (3) Sự thật về diệt khổ (diệt đế, the truth of the cessation of suffering), và (4) Sự thật về con đường đưa đến diệt khổ (đạo đế, the truth of the path to the cessation of suffering).

Ở đây các bạn cần hiểu vài điểm quan trọng. Trong bài Pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài đã đề cập đến sự thật, hoặc chân lý: sự thật về khổ, sự thật về nguồn gốc của khổ, sự thật về diệt khổ, và sự thật về con đường đưa đến diệt khổ. Vậy, trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là “sự thật”. Khi Đức Phật bắt đầu giảng sự thật về khổ, trước hết Ngài giảng thế nào là sự thật và thế nào là thực tại. Ngày hôm nay rơi vào tháng Đức Phật đã giảng bài Pháp đầu tiên. Tháng này được xem là tháng Đức Phật, vào thời gian này Ngài đã giảng Tứ Diệu Đế. Sau sáu năm ròng tu hành thiền định và đạt giác ngộ, Đức Phật đã đi đến một kết luận, và Phật đã chia sẻ thành tựu cùng với kinh nghiệm thực chứng của Ngài, đúc kết trong giáo lý Tứ Diệu Đế.

Như tôi vừa nói, Tứ Diệu Đế bao gồm sự thật về khổ, sự thật về nguồn gốc của khổ, sự thật về diệt khổ, và sự thật về con đường đưa đến diệt khổ. Ở đây, chúng ta cần hiểu thế nào là sự thật và định nghĩ của “sự thật” là gì. Rất khó nói đâu là sự thật và đâu là giả dối. Ở đây, Đức Phật giảng về bốn sự thật, vì vậy chúng ta phải hiểu định nghĩa của “sự thật”. Từ một góc nhìn nào đó thì sự thật rất đơn giản, nhưng theo một góc nhìn khác thì rất phức tạp để định nghĩa sự thật. Đặc biệt, nếu các bạn phân tích các khái niệm “đúng” và “sai” thì rất khó để phân định cái gì đúng và cái gì sai. Đôi khi, đúng và sai phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của bạn. Nhiều lúc bạn cảm thấy những gì mình tin đều đúng, và những gì mình tin đều là sự thật. Căn cứ vào niềm tin của bản thân, các bạn phán xét đúng sai, phân định giữa sự thật và không phải sự thật. Khi Đức Phật giảng Bốn Sự Thật, Ngài phân định dựa vào trải nghiệm, dựa vào kinh nghiệm thiền định trong suốt sáu năm, và dựa vào thành tựu giác ngộ của Ngài. Căn cứ vào những yếu tố đó, Đức Phật định nghĩa đâu là sự thật, và đâu không phải là sự thật. Vì Đức Phật đã giác ngộ và tỉnh thức nên bấy giờ Ngài tri nhận thực tại một cách hoàn hảo. Từ trong trạng thái đó, Đức Phật phân định đúng và sai, sự thật và không phải sự thật, và Ngài hoàn toàn không dựa vào niềm tin cá nhân. Hiện tại, chúng ta phán xét sự thật và giả dối, đúng và sai dựa vào niềm tin cá nhân. Đây là sự khác biệt to lớn. Hiện tại chúng ta phán xét đúng sai, thật giả thậm chí dựa vào văn hóa, truyền thống, và tín ngưỡng. Tuy nhiên, khi Đức Phật giảng Tứ Diệu Đế, Ngài không hề căn cứ vào niềm tin cá nhân, không hề căn cứ vào bất cứ truyền thống nào, mà Phật đã thuyết giảng từ trải nghiệm của chính Ngài. Sau khi giác ngộ, Đức Phật trở nên tỉnh thức và thông qua cái thấy của Ngài về thực tại, Phật đã bắt đầu giảng Tứ Diệu Đế. Đối với chúng ta, khi có người hỏi bạn một điều nào đó đúng hay sai, mọi câu trả lời đều căn cứ vào niềm tin của bạn chứ không hề dựa vào những gì bạn nhìn nhận một cách chính xác.

Trước hết, Đức Phật giảng khổ đế, tức sự thật về khổ. Khi giảng Tứ Diệu Đế, Ngài đã bắt đầu bằng sự thật về khổ. Từ năm 35 tuổi đến năm 80 tuổi, Đức Phật đã thuyết giảng trong hơn 45 năm. Đức Phật đã dành hầu hết thời gian của Ngài để giảng Pháp. Trong bài giảng đầu tiên, Ngài đã bắt đầu bằng giáo lý về khổ. Đức Phật thành tựu giác ngộ vào năm 35 tuổi, từ lúc đó cho đến hơn 80 tuổi, Ngài liên tục thuyết giảng trong hơn 45 năm, và ngay thời điểm đầu tiên bắt đầu giảng Pháp, Đức Phật đã giảng về khổ. Khổ đế là điểm giáo lý đầu tiên Phật dạy sau khi Ngài giác ngộ. Khi Đức Phật giảng khổ đế, Ngài đã dạy chúng ta cách đương đầu với nghịch cảnh, và Ngài dạy chúng ta phương cách sống, hay một lối sống. Rất đơn giản. Khi đối mặt với mọi khó khăn hay thử thách, bước đầu tiên để ta đương đầu với nghịch cảnh là chấp nhận chúng. Chúng ta phải chấp nhận chúng. Khi Đức Phật giảng về khổ, Ngài dạy rằng ta phải chấp nhận nghịch cảnh và khổ đau có hiện diện trên cõi đời này. Về cơ bản, trong cuộc sống chúng ta muốn mọi thứ đều phải hoàn hảo. Ta cần biết điều đó không thể xảy ra. Khi Đức Phật giảng khổ đế, điều đó có nghĩa là sẽ luôn có thử thách, khổ đau, và luôn có những điều không thuận lợi diễn ra trong cuộc đời, và ta phải chấp nhận chúng.

Nếu thấy người khác thành công và bạn có thể chấp nhận thì các bạn sẽ được truyền cảm hứng. Tuy nhiên, nếu bạn không thể chấp nhận thì sẽ sinh tâm ganh tị. Giữa ganh tị và cảm hứng là một ranh giới rất hẹp, đó là bạn có thể chấp nhận thành công của người khác hay không. Nếu có thể chấp nhận thì nó sẽ truyền cảm hứng cho bạn, nếu không thể chấp nhận thì bạn sẽ sinh lòng ganh tị. Đôi lúc trong cuộc sống có những chuyện tồi tệ xảy ra, hoặc có người làm những việc mà bạn không thích; nếu bạn có thể chấp nhận thì đó là nhẫn nhịn, còn nếu không thể chấp nhận thì bạn sẽ nổi giận. Khi có người làm điều mình không thích, nếu bạn có thể chấp nhận thì đó chính là nhẫn nhịn, nếu không thể chấp nhận thì bạn sẽ nổi giận. Nhẫn nhịn hay sân giận, điều đó tùy thuộc vào việc bạn có chấp nhận hoàn cảnh được hay không. Khi Đức Phật giảng bài Pháp đầu tiên về khổ đế, Ngài đã dạy rằng chúng ta phải chấp nhận có khổ đau, có nghịch cảnh hiện diện trong cuộc đời.

Sự thật thứ hai là tập đế, đâu là nguồn gốc của khổ đau, nghịch cảnh khởi nguồn từ đâu. Có một câu chuyện về một cô gái trẻ. Cha cô đã mất và mẹ của cô đang bệnh nặng. Cô gái đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thống khổ. Cô viết thư cho Thượng Đế và xin Ngài giúp đỡ. Trong thư cô kể với Thượng Đế khó khăn và nỗi khổ của mình, và xin Thượng Đế 20 đô-la để trang trải tiền chữa bệnh cho mẹ cô. Khi gửi thư, bên ngoài bì thư cô chỉ ghi người nhận là “Thượng Đế”. Khi lá thư đến bưu điện, nhân viên bưu điện đã rất bối rối, không biết làm sao để chuyển thư đến Thượng Đế. Họ không thể gửi lá thư đó đến Thượng Đế. Nhân viên ở bưu điện đã mở lá thư ra xem và họ rất buồn khi biết về hoàn cảnh khó khăn và thống khổ của cô gái. Các nhân viên ở bưu điện đã quyên góp tiền để tặng cô gái, họ đã quyên góp được 15 đô-la và gửi cho cô. Khi cô gái trẻ nhận được 15 đô-la, cô rất sung sướng và viết thêm một lá thư nữa cho Thượng Đế. Trong thư cô viết, “Kính gửi Thượng Đế! Con cảm ơn Ngài về 15 đô-la mà con đã nhận được. Con cảm ơn Ngài rất nhiều. Tuy nhiên, lần sau xin Ngài đừng gửi tiền qua bưu điện nữa vì những người ở đó đã lấy mất 5 đô-la của con.” [Thầy cười]

Khi Đức Phật nói về khổ, Ngài cũng đã chỉ ra phương cách thoát khổ. Để thoát khỏi khổ đau, trước hết Đức Phật dạy nguồn gốc của khổ đau. Khi bạn biết rõ nguồn gốc của khổ đau thì mọi chuyện sẽ trở nên rất đơn giản, chúng ta sẽ có thể thoát khổ dễ dàng. Chính vì vậy mà trong sự thật thứ hai là tập đế, Đức Phật đã nói về nguồn gốc của khổ. Ngài đã dạy hai nguyên nhân chính: ác nghiệp và phiền não. Ác nghiệp và phiền não là nguồn gốc của mọi khổ đau, Phật đã dạy hai nguyên nhân chủ yếu này.

Tuy nhiên, nhiều lúc con người không hiểu đúng về khổ đau. Thậm chí khi đang gặp nhiều khó khăn và đau khổ, họ vẫn cứ cho rằng mọi chuyện đều ổn thỏa. Chính vì vậy mà Đức Phật trước hết đã giảng về khổ. Đức Phật không chỉ nói về những cảm giác khổ sở, mà Ngài còn dạy một loại khổ khác. Trong đời người, chúng ta còn đau khổ vì sự bất định [khổ vì thay đổi, hay hoại khổ]. Mọi thứ đều bất định, chúng có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Do đó, Đức Phật đã dạy về hoại khổ. Mọi thứ đều bất định, không ai có thể nói trước chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Vì vậy mà cuộc đời giống như một canh bạc lớn, chúng ta không biết ngày mai chuyện gì sẽ đến. Đây cũng là một dạng khổ, nó được gọi là hoại khổ.

Sau khi giảng về khổ, Đức Phật dạy nguồn gốc của khổ. Ngài dạy rằng mọi khổ đau, nghịch cảnh và mọi điều không thuận lợi đều đến từ hai nguyên nhân: ác nghiệp và phiền não. Đây chính là sự thật thứ hai, sự thật về nguồn gốc của khổ. Hai điểm này mang đến cho chúng ta một thông điệp to lớn. Trước hết, khi gặp nghịch cảnh và khổ đau, chúng ta cần chấp nhận rằng nghịch cảnh và khổ đau xảy đến cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng ta. Mỗi khi gặp vấn đề hay khó khăn nào đó, bạn sẽ nghĩ “Tại sao lại là tôi?” Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy. Ai cũng gặp thử thách và khổ đau chứ không riêng gì bạn. Đức Phật đã dạy rằng toàn bộ cõi luân hồi có bản chất là khổ. Trước hết, ta phải chấp nhận khổ đau. Thứ hai, đối với mọi nghịch cảnh và khó khăn, các bạn cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ của chúng. Khi ta có thể tìm ược nguyên nhân gốc rễ của khổ đau thì rất đơn giản để vượt qua chúng.

Khi chúng ta nói về Tứ Diệu Đế thì đó không phải là điều gì mang tính tôn giáo, mà đó là một phương cách sống. Có một câu chuyện kể về một vị thầy thường đi khất thực. Thầy ấy mang một cái bình bát không được tốt lắm. Quốc vương thấy vị thầy khất thực bằng một cái bình bát rất tồi nên vua cúng dường cho thầy ấy một cái bình bát bằng vàng. Có một tên trộm đã trông thấy vua cúng dường bình bát vàng cho vị thầy, và hắn ta lén đi theo vị thầy để trộm cái bình bát. Một đêm, vị thầy đang ngủ và tên trộm đến lục lọi tìm cái bình bát. Trong lúc tìm cái bình bát, tên trộm đã vô tình đánh thức vị thầy. Vị thầy nói, “Tôi biết ông đến đây để trộm cái bình bát vàng. Tôi sẽ cho ông cái bình bát, nhưng bây giờ ông đừng làm phiền tôi. Nãy giờ ông lục lọi đã làm phiền giấc ngủ của tôi rồi. Tôi muốn ngủ yên, nên ông đừng có làm phiền tôi, cứ lấy cái bình bát vàng đi.” Rồi vị thầy đưa cái bình bát vàng cho tên trộm. Tên trộm rất sung sướng, bây giờ hắn không cần phải trộm nữa và chính vị thầy đã cho hắn cái bình bát. Vài ngày sau, tên trộm trở lại nơi ở của vị thầy. Hắn nói, “Tôi muốn biết một bí mật từ thầy. Thầy có một bí mật lớn mà tôi muốn biết. Tôi cần thầy giúp. Sau khi thầy cho tôi cái bình bát vàng, thầy đã ngủ rất ngon. Sau khi lấy cái bình bát về, suốt vài ngày tôi không thể nào chợp mắt. Đêm đầu tiên tôi không thể ngủ vì quá sung sướng và hạnh phúc. Đêm thứ hai tôi không thể ngủ vì sợ có tên trộm khác đến lấy mất cái bình bát. Đến đêm thứ ba tôi lại gặp vấn đề khác. Tôi phải tranh cãi với người nhà tôi về việc ai sẽ sở hữu cái bình bát, và làm cách nào để bán cái bình bát vàng đó. Chúng tôi đã cãi nhau và tôi không thể ngủ. Tại sao khi thầy cho tôi cái bình bát thầy lại ngủ rất ngon, thậm chí khi thầy nhận được cái bình bát đó thầy vẫn ngủ ngon? Còn tôi, tại sao khi tôi nhận được cái bình bát thì tôi không thể ngủ được trong suốt vài ngày như vậy?” Thực tế thì vấn đề không nằm ở cái bình bát vàng.

Bây giờ chúng ta nói đến đạo đế, tức sự thật về con đường đưa đến diệt khổ. Làm thế nào để diệt khổ? Tên trộm nghĩ rằng mọi thứ đều do cái bình bát vàng, vì cái bình bát có thể mang đến hạnh phúc và nó cũng có thể mang đến khổ đau. Anh ta nghĩ cái bình bát chính là vấn đề. Tuy nhiên, thực tế thì cách suy nghĩ của chúng ta mới quyết định tất cả. Và đó cũng chính là đạo đế, hay sự thật về con đường đưa đến diệt khổ. Khi Đức Phật dạy con đường vượt thoát khổ đau, Ngài đã dạy ba phần: chuẩn mực đạo đức (giới luật), thiền định, và trí tuệ [giới-định-tuệ còn được gọi là tam học, hay tam vô lậu học]. Chúng ta phải thực hành ba con đường này thật đúng đắn để vượt thoát khổ đau. Thực hành ra sao, tôi sẽ cho một ví dụ.

Có một câu chuyện kể về một con chó truyền giáo chuyên giảng đạo cho các con chó khác. Nó luôn nói rằng chó là loài đặc biệt nhất thế giới. Mọi con chó khác đều có bản ngã nên chúng cảm thấy loài chó đúng thật là loài đặc biệt nhất. Con chó truyền giáo luôn nói, “Chúng ta là sinh vật tốt nhất. Các bạn hãy nhìn vào chữ ‘dog’ [nghĩa là chó] và chữ ‘god’ [nghĩa là Thượng Đế], nếu bạn đọc xuôi thì đó là chữ ‘dog’, nếu bạn đọc ngược thì đó là chữ ‘god’. Đó là vì Thượng Đế đã tạo ra loài chó là một loài rất đặc biệt. Tên chúng ta và tên Ngài rất giống nhau.” Bằng cách đó, con chó truyền giáo nói rằng chó là loài đặc biệt nhất. Điều đó làm những con chó khác rất thỏa mãn, chúng đều rất thích. Tuy nhiên, con chó truyền giáo chỉ không ủng hộ tiếng sủa của loài chó. Nó luôn nói, “Chúng ta là một loài rất đặc biệt. Thượng Đế đã tạo ra chúng ta rất đặc biệt. Tuy nhiên, có một vấn đề là chúng ta phải tránh không được sủa.” Con chó truyền giáo không thích tiếng sủa và nó dạy cho những con chó khác đừng sủa nữa. [Thầy cười] Chó mà không sủa là điều không thể làm được. Khi con chó truyền giáo nói rằng loài chó là loài đặc biệt nhất, còn các loài thú khác đều không đặc biệt, điều đó làm những con chó khác rất toại nguyện. Tuy nhiên, khi con chó truyền giáo chống lại tiếng sủa thì điều đó lại rất khó đối với những con khác. Có nhiều con chó vẫn cố gắng tập không sủa trong vài ngày, nhưng chúng đều thất bại. Một đêm, con chó truyền giáo nghĩ, “Tại sao loài chó không thể không sủa? Chúng có thể ngừng sủa trong vài ngày hoặc vài tuần nhưng không thể nào ngừng sủa vĩnh viễn.” Thế là nó muốn tìm hiểu tiếng sủa của loài chó có gì đặc biệt, và do đó nó thử sủa. Tuy nhiên, bởi con chó truyền giáo đã không sủa trong suốt nhiều năm nên nó hoàn toàn quên mất cách sủa, và nó không thể sủa được nữa. Kể từ đó, tiếng đồn vang xa và những con chó khác bắt đầu biết rằng con chó truyền giáo không biết sủa. Vài ngày sau, bầy chó kéo đến chỗ con chó truyền giáo và nói, “Ông không có gì đặc biệt vì chỉ có loài chó mới đặc biệt mà thôi. Ông không biết sủa nên ông không phải là chó và ông chẳng có gì đặc biệt. Chúng tôi đặc biệt vì chúng tôi là chó và biết sủa.” Nói xong, bầy chó tống khứ con chó truyền giáo khởi nơi đó [Thầy cười].

Khi Đức Phật dạy đạo đế, Ngài không hề dạy những điều không thể nào làm được. Khi con chó truyền giáo kêu gọi những con chó khác không sủa nữa, nó đang đưa ra một phương pháp bất khả thi. Tuy nhiên, khi Đức Phật thuyết giảng đạo đế, những phương cách Ngài dạy là điều mà chúng ta có thể thực hành được, chứ đó không phải là những điều bất khả thi. Sự thật về con đường thoát khổ có ba phần: giới luật, thiền định, và trí tuệ. Đây là sự thật về con đường đưa đến diệt khổ.

Trước hết, trong cuộc sống chúng ta phải tuân theo các chuẩn mực đạo đức, hay giới luật; điều này rất quan trọng. Khi nói đến chuẩn mực đạo đức hay giới luật, người ta nghĩ điều đó khiến họ đánh mất tự do. Tuy nhiên, hãy nhìn một đoàn tàu chạy trên đường ray, nếu đoàn tàu trượt khỏi đường ray thì nó sẽ có tự do, còn kết quả thế nào thì các bạn đều biết. Chính vì vậy mà chuẩn mực đạo đức và giới luật rất quan trọng, và Đức Phật đã dạy năm giới cho người cư sĩ tại gia: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu hoặc dùng chất kích thích. Ở Việt Nam, tôi nghe nói khi các anh hội họp uống rượu hay uống bia, nếu ai bị vợ gọi điện thì người đó phải chịu phạt uống thêm ba ly nữa [Thầy cười lớn]. Khi Phật dạy giới luật, Ngài cũng đã dạy không uống rượu. Đây là một điểm trong phần giới luật. Việc uống rượu đôi khi mang đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Tôi biết ở Việt Nam, có thể là tôi không được rõ lắm, so với các nước khác thì người Việt mắc phải rất nhiều chứng bệnh. Tôi cảm thấy đó là do người ta uống rượu hoặc ăn thịt quá nhiều. Có thể tôi biết không rõ lắm, nhưng tôi có cảm nhận như vậy. Rượu rất nguy hiểm đến sức khỏe. Vấn đề này không chỉ là vấn đề tôn giáo, mà còn là vấn đề sức khỏe. Uống rượu rất có hại đến sức khỏe. Phần giới luật trong con đường thoát khổ bao gồm năm giới cho người cư sĩ tại gia.

Bây giờ chúng ta sang phần trí tuệ và thiền định. Phần thiền định chủ yếu nói đến việc hành thiền, đặc biệt là thiền chỉ. Tất cả những điều này thuộc về phần thiền định. Có lẽ tôi sẽ không giảng giải chi tiết phần thiền định ở đây.

Tiếp theo là diệt đế, sự thật về diệt khổ. Thông qua thực hành sự thật về con đường đưa đến diệt khổ, các bạn có thể thành tựu giác ngộ, vượt thoát mọi ác niệm, mọi phiền não cùng mọi ác nghiệp; đó chính là sự thật về diệt khổ.

Đến đây các bạn đã biết về Tứ Diệu Đế. Đặc biệt, đạo đế chỉ cho chúng ta phương cách sống. Con đường thiền định chính là các pháp hành thiền. Việc hành thiền không chỉ để giác ngộ hay liên quan đến tôn giáo, mà hành thiền còn mang đến vô lượng an lạc và hạnh phúc nội tâm. Nếu các bạn mới học thì bạn có thể xem đoạn phim chúng tôi thực hiện về thiền chỉ. Chúng tôi đã thực hiện một đoạn phim tài liệu nói về tác dụng của thiền chỉ. Con đường trí tuệ hướng dẫn chúng ta cách ứng dụng trí tuệ vào cuộc sống. Nói chung, tri thức và trí tuệ là hai điều khác nhau. Bạn có thể trau dồi tri thức bằng cách thu thập thông tin. Trí tuệ chỉ có thể được làm phát sinh từ bên trong thông qua sự phân tích của bản thân. Phần lớn thời gian khi bạn đến trường, họ chỉ trang bị cho các bạn tri thức chứ không phải trí tuệ.

Có một ngôi trường, ở đó họ dạy học sinh về việc Newton đã khám phá định luật vạn vật hấp dẫn trong vườn táo. Khi một quả táo rơi xuống trúng đầu của Newton thì ông khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn. Một đứa trẻ đứng dậy và nói với thầy nó, “Bây giờ con đã hiểu. Nếu ông Newton cũng như chúng ta, cứ ngồi trong lớp và nghe những gì thầy cô nói, thì ông ta đã không bao giờ khám phá ra lực hấp dẫn.” [Thầy cười] Trí tuệ nảy sinh từ việc phân tích của các bạn. Tri thức không đến từ phân tích, mà quý vị phải thu thập thông tin để trau dồi tri thức. Đạo Phật khuyến khích chúng ta trau dồi trí tuệ.

Hôm nay tôi dừng ở đây và dành nhiều thời gian hơn cho phần hỏi đáp. Nếu các bạn có câu hỏi thì hãy ghi ra, đặc biệt là những người mới học.

 

HỎI - ĐÁP

 

Hỏi: Trong 14 mật giới, ở giới thứ 14, Rinpoche dạy “nếu nói rằng tất cả người phụ nữ đều xấu thì quý vị đang phạm mật giới, nhưng nếu quý vị khinh chê một người phụ nữ thì không phạm mật giới”, như vậy có mâu thuẫn không? Xin giải thích?

Rinpoche: Như vậy không có gì mâu thuẫn. Nếu bạn khinh chê nữ giới nói chung thì đó là vi phạm mật giới. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ trích một người nữ cụ thể nào đó thì đó không phải là vi phạm mật giới, vì một người nữ cụ thể nào đó có thể mang rất nhiều khuyết điểm.

 

Hỏi: Xin Rinpoche cho con hỏi Đức Phật nhập định dưới gốc cây bồ đề 49 ngày để thành đạo, điều này có liên quan gì đến việc cúng 49 ngày cho người mất không?

Rinpoche: Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi [Thầy cười]. Như trong câu chuyện tôi kể, với hai từ “dog” và “god”, nếu bạn đọc xuôi thì là “dog”, còn nếu đọc ngược thì là “god”, nhưng giữa Thượng Đế và loài chó lại không có liên hệ gì với nhau cả. Tương tự, Đức Phật giữ im lặng trong 49 ngày, và người vừa qua đời mất 49 ngày để tái sinh, không có liên hệ nào giữa hai con số 49 này.

 

Hỏi: Con trai của con đã quy y ngũ giới, nay đi nghĩa vụ quân sự phải ra trận cầm súng bắn nhau. Như vậy là phạm giới sát sanh. Vậy con phải làm như thế nào, xin ngài hướng dẫn?

Rinpoche: Nói chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm. Đôi lúc bạn phải thực hiện trách nhiệm của mình. Có một câu chuyện về một bậc thầy vĩ đại. Vị thầy đang mang một quyển kinh rất dày trên đường đi. Ở Tây Tạng, các quyển kinh khá dài. Bất thình lình có một con chó tấn công vị thầy. Khi bị con chó tấn công, vị thầy đó lấy quyển kinh đánh lên đầu con chó và nói “Nguyện cho con chó này nhận được gia trì từ quyển kinh Phật.” Hàng trăm người chứng kiến con chó đau muốn khóc vì bị quyển kinh đánh lên đầu. Câu chuyện này vào khoảng 400 năm trước. Ở Tây Tạng, chúng tôi kẹp kinh sách giữa hai miếng gỗ. Các bạn có thể tưởng tượng con chó đã đau như thế nào. Tôi chắc rằng con chó đó đau đến muốn khóc, nhưng vị thầy đã nói “Nguyện cho con chó này nhận được gia trì từ quyển kinh Phật.”  Vị thầy đã dùng quyển kinh đánh vào đầu con chó khi nó tấn công ông. Câu chuyện này cho thấy cách chúng ta cần hành xử trong cuộc sống hàng ngày. Trong mọi lĩnh vực chúng ta đều có trách nhiệm. Khi đã quy y, trong tâm chúng ta không nên chủ ý nổi giận. Tuy nhiên, về hành động thì phụ thuộc vào trách nhiệm mà bạn cần thực hiện. Khi quy y bạn tích tập được rất nhiều công đức. Công đức đó sẽ bảo vệ bạn khỏi chướng ngại kể cả ngoài chiến trường. Quy y rất có lợi. Vị thầy ấy là một người rất từ bi với mọi chúng sinh. Khi bị con chó tấn công, vị ấy đánh con chó bằng quyển kinh Phật nhưng trong tâm ông không hề nổi giận. Có lẽ vị thầy nghĩ rằng làm như vậy vừa ban gia trì cho con chó, vừa dạy cho nó một bài học là đừng có tấn công người nữa.

 

Hỏi: Xin ngài giảng giúp chúng con trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu nói về thần chú Bát Nhã Ba La Mật Đa, “thần chú bất đồng bậc mà đồng bậc.” Câu này có ý nghĩa là gì?

Rinpoche: Bây giờ tôi nghĩ đơn giản nhất là bạn hãy nghe lại các bài giảng về Bát Nhã Tâm Kinh trên trang web. Nếu trong các bài giảng đó tôi chưa giải thích điểm này thì hãy hỏi tôi lần nữa. Trước hết hãy nghe lại, có thể trong lúc nghe bạn sẽ biết thêm một vài điều mà hiện giờ bạn chưa biết về Bát Nhã Tâm Kinh.

 

Hỏi: Xin thầy giải thích câu chú trong kinh Bát Nhã, bản kinh trước đây là câu “Tadyatha Om Gate Gate…”, còn trong bản kinh hiện tại là “Tadyatha Gate Gate…” Vậy con nên dùng câu chú nào?

Rinpoche: Tôi đã không để ý trong bản dịch tiếng Việt đầu tiên có chữ “OM” trong câu chú. Thông thường, câu chú không có chữ “OM”. Trong tiếng Việt các bạn đọc chữ “Tadyatha” như thế nào? “Tadyatha” là từ tiếng Tây Tạng, theo tiếng Phạn là “tathā-gata”. “Tathā” có nghĩa [trong tiếng Anh] là “thus”, “gata” nghĩa [trong tiếng Anh] là “gone”. “Tathā-gata” có nghĩa là “thus gone”, [nghĩa trong tiếng Việt là Như Lai]. Tiếng Phạn là một ngôn ngữ rất phức tạp, có những từ mang tính nam, có những từ mang tính nữ, và có những từ không có tính nam cũng không có tính nữ. Trong tiếng Tây Tạng chúng tôi có cách đọc riêng của câu thần chú [Nghe Rinpoche đọc câu chú bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Phạn trong file thu âm]. Tôi nghĩ các bạn không thể phân biệt được, nhưng không sao cả. Vài ngày trước, ở Sri Lanka, khi nghe một người nói chuyện tôi nghĩ anh ta nói tiếng Việt. Những người khác nói tôi người đó đang nói tiếng Thái. Tôi thấy tiếng Thái và tiếng Việt rất giống nhau, tôi không thể phân biệt được.

 

Hỏi: Con thấy câu chú giải thoát qua sự thấy trong Kinh Gutagara và Kinh Thác Nước Mạnh Mẽ (Forceful Waterfall Sutra), chỉ cần đi dưới câu chú hoặc nhìn thấy câu chú thì ác hạnh trong cả ngàn kiếp được tịnh hóa. Xin Rinpoche giải thích rõ hơn về câu chú này?

Rinpoche: Nếu thật như vậy thì chỉ cần treo câu chú ở cửa địa ngục, chúng sinh ở địa ngục sẽ đi thẳng lên cõi trời [Thầy cười]. Nói như vậy thì giống tiếp thị thần chú. Nếu nói chỉ cần đi dưới câu chú mà có thể tịnh hóa ác hạnh thì hơi quá. Các bạn diễn tả “very exaggerated” như thế nào? [Người phiên dịch nói đó là “nổ”] Nếu nói như thế thì là nổ. Nói rằng chỉ cần đi dưới câu chú thì sẽ tịnh hóa ác hạnh trong cả ngàn kiếp thì hơi nổ.

Có một câu chuyện về một anh đi du lịch bằng tàu hỏa. Trong toa tàu của anh còn có ba người phụ nữ khác. Ba người phụ nữ này nói chuyện khá nổ. Người phụ nữ thứ nhất nói, “Chồng tôi tặng tôi một sợi dây chuyền bằng vàng trị giá hơn 50 ngàn đô Mỹ. Nhưng tôi lại bị dị ứng vàng, mỗi lần đeo vàng thì tôi bị ngất nên tôi đã tặng sợi dây chuyền vàng đó cho một người nghèo.” Người phụ nữ thứ hai kể, “Chồng tôi cũng tặng tôi một sợi dây chuyền bằng kim cương trị giá hơn 100 ngàn đô Mỹ. Nhưng tôi lại bị dị ứng kim cương, mỗi lần đeo kim cương thì tôi bị ngất nên tôi đã vứt sợi dây chuyền kim cương đó xuống sông.” Người phụ nữ thứ ba nói, “Chồng tôi…”, nhưng cô ta chưa kịp nói hết thì anh chàng ngồi cùng toa đột nhiên ngã lăn ra bất tỉnh. Ba người phụ nữ không biết anh ta, nhưng họ cũng cố gắng lấy nước đổ vào mặt anh để anh tỉnh lại. Vài phút sau, anh ta tỉnh lại và ba người phụ nữa hỏi, “Trông anh rất khỏe mạnh nhưng sao anh lại đột ngột bất tỉnh như vậy?” Anh ta trả lời, “Thường thì tôi bị dị ứng với những lời lẽ nổ. Khi nghe ai đó nổ quá thì tôi bị ngất.” [Thầy cười lớn]

Chỉ cần treo thần chú phía trên cửa và đi dưới câu thần chú thì có thể tịnh hóa ác nghiệp, nói như vậy thì hơi quá. Có thể Đức Phật đã dạy như vậy cho một số người nào đó, và trong những trường hợp đặc biệt thì điều đó có thể xảy ra, chứ không đúng với tất cả mọi người. Để tịnh hóa ác nghiệp thì chỉ có cách thực hành tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva). Khi bạn treo thần chú, nó có thể bảo vệ nơi ở khỏi nguồn năng lượng xấu, điều đó có thể xảy ra. Mỗi thần chú đều có công năng riêng. Nếu bạn treo thần chú để bảo vệ khỏi những năng lượng xấu thì điều đó khả thi. Một vài thần chú khi treo có thể ngăn chặn năng lượng xấu. Cũng có những loại thần chú có thể thu hút năng lượng tốt. Những điều này có thể xảy ra, vì mỗi thần chú đều có công năng riêng biệt. Hiện tại bạn nói chỉ cần đi dưới câu chú hoặc nhìn thấy câu chú thì ác hạnh trong cả ngàn kiếp được tịnh hóa, nói như vậy có phần hơi quá. Đức Phật đã dạy pháp thực hành Kim Cang Tát Đỏa để tịnh hóa ác nghiệp, đó là cách tốt nhất để tiêu trừ ác nghiệp.

 

Hỏi: Thần chú gia trì thịt trước khi ăn có cần được truyền khẩu trước khi trì tụng hay không?

Rinpoche: Nếu bạn nhận khẩu truyền thì sẽ tốt hơn. Nếu chưa nhận khẩu truyền thì bạn vẫn có thể trì tụng.

 

Cảm ơn các bạn rất nhiều!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @19/09/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.