
Khangser Rinpoche trao đổi với doanh nghiệp.
Hà Nội, ngày 09/02/2014.
Khangser Rinpoche Trao Đổi với Doanh Nghiệp
Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2014
Đầu tiên, tôi gửi lời chào, lời chúc mừng năm mới đến quý công ty và tất cả quý vị có mặt ở đây.
Hôm nay, tôi sẽ nói về một vấn đề mà anh [một thành viên công ty] đã hỏi. Sau đó, tôi sẽ dành thời gian cho vấn đáp. Cuối cùng, tôi sẽ có một bài cầu nguyện.
Tôi là một tu sĩ và học Phật pháp từ nhỏ. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn quan tâm đến vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp. Khi lớn lên, tôi có nhiều thời gian làm việc với các nhà khoa học. Hai năm trước, tôi đã có cơ hội làm việc với các doanh nhân. Tôi cảm thấy rất vui. Trong tâm tư tôi luôn nghĩ rằng giữa Phật giáo và kinh doanh có nhiều điểm tương đồng. Tôi đã đọc một quyển sách về Rockefeller. Tôi nghĩ quý vị biết năm 1930 ông là người đi đầu trong ngành dầu mỏ ở Hoa Kỳ. Rockefeller là một trong những doanh nhân kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ dầu mỏ ở Hoa Kỳ. Có một chi tiết trong câu chuyện về cuộc đời của ông ta mà tôi rất thích. Một người bạn cũ đến nhờ Rockefeller giúp đỡ. Ông hứa giúp đỡ bất kỳ điều gì người bạn này cần. Khi đó, Rockefeller đã dẫn người bạn đi dạo bên ngoài văn phòng, mua một cái bánh xúc xích và đưa cho người này ăn. Sau đó, Rockefeller nói rằng đó là tất cả những gì ông có thể giúp được. Người bạn rất đỗi ngạc nhiên và hỏi, “Chỉ vậy thôi sao? Anh chỉ dẫn tôi đi dạo và mua cho tôi một cái bánh, đó là tất cả những gì anh có thể giúp tôi sao?” Rockefeller trả lời, “Khi tôi dẫn anh đi dạo và mua bánh cho anh, nhiều nhân viên văn phòng đã thấy tôi đi với anh. Đây chính là cơ hội, anh hãy tận dụng cơ hội này.” Do đó, trong kinh doanh, chúng ta phải tận dụng cơ hội đầu tư đúng nơi và đúng thời điểm. Trong kinh doanh, người ta gọi đó là đầu tư đúng chỗ và đúng thời cơ. Theo quan điểm của Phật giáo, đó chính là trí tuệ và sự phân tích. Câu chuyện này hoàn toàn có thật.
Đặc biệt, trong một doanh nghiệp, điều quan trọng nhất chính là sự hợp tác. Một người từng yêu cầu tôi cầu nguyện cho công ty của anh ta. Anh ta nói rằng có nhân viên đã bán tài sản của công ty ra ngoài. Trong những dự án đấu thầu, nếu có lòng tin, đoàn kết và thấu hiểu lẫn nhau thì công ty mới có thể tiến xa. Nếu không có những điều này thì sự hợp tác nội bộ trong công ty sẽ rất khó khăn.
Một điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần chú ý đến––đặc biệt như công ty của quý vị, nơi hiện có khoảng bảy ngàn nhân viên––đó là công việc mà quý vị đang làm không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân, mà nó mang lại lợi ích cho hàng ngàn người. Cuộc sống của nhiều người đang phụ thuộc vào việc công ty đang làm. Hiểu lầm, đánh giá và suy nghĩ sai trong việc hợp tác gây ra khó khăn không chỉ cho chính quý vị mà còn cho hàng ngàn gia đình khác. Do đó, tôi luôn cho rằng các công ty hoặc tập đoàn mang trọng trách rất lớn, và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quốc gia và xã hội. Bất kể là tiêu cực hay tích cực, sức ảnh hưởng của các công ty này đến xã hội rất lớn. Khi quý vị làm việc, đừng nghĩ mình làm việc chỉ vì lợi ích của cá nhân mà còn vì lợi ích của chín mươi triệu người Việt Nam. Nghĩ như vậy, quý vị sẽ tìm được cảm hứng trong công việc.
Tôi biết quý vị phải đối diện với nhiều khó khăn và căng thẳng trong môi trường hợp tác. Khi quý vị làm việc, đừng nghĩ mình làm công việc này chỉ vì lợi ích cá nhân mà hãy nghĩ đến lợi ích của chín mươi triệu người dân Việt Nam. Nếu không nghĩ được như vậy, ít nhất quý vị phải nghĩ mình làm việc vì lợi ích của hơn bảy ngàn nhân viên của công ty và gia đình của họ. Đây gọi là tinh thần làm việc. Tinh thần làm việc chính là sự hợp tác trong công việc. Tôi nghĩ nó rất quan trọng. Khi chỉ nghĩ cho lợi ích cá nhân, quý vị sẽ cảm thấy công việc rất căng thẳng.
Như tôi đã nói, chúng ta cần đầu tư đúng chỗ và đúng thời điểm. Điều này rất kỳ lạ. Như câu chuyện về Rockefeller, ông ta đã nắm giữ một công ty dầu hỏa lớn. Trước đó công ty này thuộc về một người chủ khác. Họ đào rất sâu để tìm dầu nhưng đào mãi mà vẫn không thấy giếng dầu nên đành bỏ cuộc. Sau khi Rockefeller mua lại công ty này, một điều rất lạ đã xảy ra. Khi đào sâu hơn khoảng một feet, ông ta đã tìm thấy dầu. Chỉ còn một feet nữa thôi là thành công, nhưng công ty kia đã bỏ cuộc.
Ngay cả với Newton, tôi cũng cảm thấy kỳ lạ. Newton đã đầu tư cổ phiếu vào công ty South Sea ở nước Anh. Dù được xem là một nhà khoa học vĩ đại, ông vẫn thua lỗ 20 ngàn bảng. Ông vô cùng sửng sốt khi mất số tiền đó. Khi đó, Newton đã nói một điều, “Tôi có thể tính toán được trọng lượng của cả vũ trụ nhưng không thể nào đo được sự điên rồ của con người.” Đầu tư đúng lúc, đúng chỗ đôi khi không chỉ là vấn đề hiểu biết. Đôi lúc, ngay cả phân tích chính xác vẫn đưa đến thất bại.
Tôi có quen một nhà kinh tế. Tôi hỏi công việc của ông ta là gì. Ông ta nói một điều rất thú vị. Ông ta phải dựa trên các dữ liệu sẵn có để dự đoán xu hướng trong tương lai một năm, hai năm tới. Tuy nhiên, ông ta nói rằng 90% những dự đoán đó đều thất bại [Rinpoche cười]. Chúng ta có thể thấy, ẩn sau việc đầu tư đúng lúc, đúng chỗ, kiến thức và sự phân tích, chúng ta cần một điều nữa.
Vào tháng 12/2004 tờ National Geoghraphic đã công bố một số liệu thống kê. Quý vị có thể tìm thấy bài báo trên mạng Internet, ấn phẩm tháng 12 với hình một chú cá voi ở trang bìa. Tờ báo đó vẫn còn ở nhà tôi tại Nam Ấn. Bài báo đã công bố số liệu thống kê dựa trên cuộc khảo sát các công ty ô tô của Mỹ. Như tôi nói, từ nhiều năm trước tôi đã rất quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh, vì kinh doanh liên quan rất nhiều đến đời sống xã hội. Nếu những doanh nghiệp phát triển theo đường lối đúng đắn thì sẽ tác động tích cực đến cuộc sống của nhiều người.
Tôi sẽ đi ra ngoài chủ đề một chút, đây là kinh nghiệm của tôi. Đức Phật đã đặt ra rất nhiều giới luật, chẳng hạn như không sát sinh, không trộm cắp, không uống rượu..., rất nhiều giới luật. Tu sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều này, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, đức Phật đề cập rất rõ rằng, nếu tu sĩ mắc nợ thì có thể kinh doanh để trả nợ. Tôi không mắc nợ, nhưng nếu mắc nợ thì có thể tôi cũng làm kinh tế để trả nợ [Rinpoche cười]. Đức Phật đã đưa ra một ngoại lệ, nếu một tu sĩ mắc nợ và phải trả nợ thì vị đó có thể làm kinh tế. Nếu tu sĩ không mắc nợ thì không được làm kinh tế. Do đó tôi nghĩ giữa Phật giáo và kinh doanh có thể đi đôi với nhau.
Trở lại câu chuyện tháng 12/2004, tờ National Geoghraphic đã công bố một thống kê kinh doanh của công ty xe hơi. Công ty đó muốn tăng doanh số bán xe nên nhờ một vị thiền sư đến để cầu nguyện. Ban lãnh đạo đã chấp nhận cho vị thiền sư cầu nguyện. Quả nhiên sau đó doanh số bán hàng của công ty này đã tăng mạnh.
Trong ngành công nghệ thông tin, có những công ty phát triển rất mạnh như Google. Đó chỉ là bề nổi, chúng ta không thể biết được có bao nhiêu công ty đã thất bại. Có lẽ hàng ngàn công ty đã thất bại. Chỉ một vài công ty thành công. Tuy nhiên, tất cả các công ty đã cố gắng hết khả năng của họ.
Ở Ấn Độ, một công ty bảo hiểm hàng không của chính phủ đã hỏi tôi vì sao họ có những chi nhánh hoạt động rất thành công, một số chi nhánh khác lại thất bại, mặc dù tất cả các chi nhánh đều nỗ lực như nhau. Do đó, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ không chỉ nhờ vào phân tích chính xác mà còn cần một động lực khác nữa. Đó là động lực đến từ tâm quý vị. Tâm quý vị cần có những suy nghĩ đúng đắn để làm động lực kích hoạt. Nguồn động lực kích hoạt này có rất nhiều tên gọi. Những nhà kinh tế nổi tiếng có đặt tên cho nó, và Phật giáo lại gọi nó bằng một tên khác. Ai đúng, ai sai, thời gian sẽ trả lời. [Rinpoche cười]
Sau khi phân tích xác đáng, quý vị phải đưa ra quyết định. Quyết định đúng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn. Quyết định sai lầm sẽ gây ra thảm họa. Do đó, như tôi đã chia sẻ, khi quý vị nghĩ mình làm việc vì lợi ích của hàng ngàn nhân viên thì đó chính là suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tích cực tạo nên năng lượng tích cực cho cơ thể quý vị. Chính năng lượng tích cực sẽ trở thành động lực đúng đắn giúp quý vị đưa ra quyết định.
Tôi từng đọc một bài phỏng vấn Warren Buffett. Warren Buffett bắt đầu đầu tư vào thị trường chứng khoáng từ năm 11 tuổi. Ông ta luôn có quyết định đúng đắn khi đầu tư. Người ta hỏi vì sao ông có thể làm được điều đó. Câu trả lời của ông rất đơn giản nhưng không mấy thực tế. Ông ta nói, khi đầu tư ông ta luôn phân tích kỹ càng; dù vậy, khi quyết định, ông ta nhắm mắt lại và làm theo lương tâm. Câu trả lời rất đơn giản, nhưng rất nhiều người làm theo và đã thất bại. Do đó, quý vị cần có suy nghĩ đúng đắn để làm động lực thúc đẩy. Dù động lực đó được gọi là lương tâm hay gì đi nữa, Phật giáo gọi đó là năng lượng tích cực. Động lực chính là suy nghĩ đúng đắn. Để có được năng lượng tích cực, quý vị cần sinh khởi những suy nghĩ đúng đắn.
Như tôi đã nói, công việc quý vị đang làm mang lại lợi lạc cho rất nhiều gia đình. Tôi thật sự tôn trọng và ngưỡng mộ điều này. Tôi nhớ đến một câu chuyện xảy ra cách đây hai năm ở thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời tôi có nhiều thời điểm vui vẻ và đây chính là một trong những khoảnh khắc tôi hạnh phúc nhất. Tôi đang đi dạo thì thấy một gia đình gồm cha mẹ, con cái vừa dùng cơm vừa cười nói với nhau rất vui vẻ. Tôi không biết gia đình họ. Khi thấy hình ảnh đó, tôi đã xúc động đến rơi nước mắt. Ngay cả lúc này, khi nhớ về khoảnh khắc đó, tôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Gia đình họ, cha mẹ, con cái ngồi lại dùng bữa với nhau, cười đùa cùng nhau hết sức vui vẻ. Công việc quý công ty đang làm đem đến bữa ăn cho hàng ngàn người và hàng ngàn gia đình trong xã hội. Vì vậy, quý vị có trách nhiệm rất lớn. Hãy nghĩ rằng mình sẽ làm việc để cải thiện đời sống cho hàng ngàn người. Nếu quý vị nghĩ được như vậy thì đó là Phật pháp thật sự. Phật giáo luôn khuyến khích chúng ta làm việc vì lợi lạc của người khác.
Cuối cùng, tôi cầu chúc quý công ty càng ngày càng phát triển và đem đến lợi lạc cho nhiều người hơn nữa. Theo yêu cầu, tôi sẽ cầu nguyện để thu hút đầu tư nước ngoài đến công ty [Rinpoche cười]. Lời cầu nguyện của tôi có thu hút đầu tư hay không thì tôi không biết, nhưng nếu quý vị làm việc với tinh thần như tôi đã chia sẻ thì chắc chắn quý vị sẽ có thêm niềm vui và sự hợp tác trong công việc của mình.
Cảm ơn quý vị!
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 24/05/2014.