11-02-2014
2014

Khangser Rinpoche trao đổi Phật pháp với giáo viên.

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2014.

Khangser Rinpoche Trao Đổi Phật Pháp với Giáo Viên

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2014

 

Đầu tiên tôi xin gửi lời chào đến tất cả quý vị!

Tôi được biết quý thầy cô đang giảng dạy nhiều môn học khác nhau tại trường, đặc biệt là giảng dạy cho trẻ em. Đây thật sự là một công việc rất tốt. Những gì quý thầy cô đang làm không những đóng góp cho tương lai của các em học sinh mà còn đóng góp cho đất nước và xã hội.

Tôi nhớ tôi từng đọc một bài báo. Lúc đó tôi đang ở Ấn Độ. Trên tờ báo có một tiêu đề cho biết Ấn Độ đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân lần đầu tiên. Ấn Độ đã chế tạo ra tên lửa hạt nhân và đã thử nghiệm thành công tên lửa hạt nhân. Họ thông báo cho toàn thế giới rằng đất nước họ đã có vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm đó, bài báo đã khẳng định Ấn Độ là một quốc gia siêu cường vì đã chế tạo được tên lửa hạt nhân. Các nhà khoa học của họ đã chế tạo được tên lửa hạt nhân. Một câu hỏi được đặt ra: Ai đã tạo ra các nhà khoa học? Giáo viên chính là những người đào tạo ra các nhà khoa học. Vì thế, nhiệm vụ của quý vị không chỉ là giảng dạy, mà quý vị đang lãnh trách nhiệm rất to lớn. Khi quý vị giảng dạy cho các em, quý vị đang tạo nên tương lai cho đất nước và xã hội.

Khi giảng dạy cho học sinh, đặc biệt là cho trẻ em, chúng ta không chỉ truyền đạt kiến thức phổ thông, chúng ta còn phải định hướng con đường và cách sống cho các em. Tôi luôn cảm thấy rằng việc giảng dạy không nên chỉ chú trọng vào tri thức, mà chúng ta cũng cần phải giúp học sinh hiểu biết về giá trị nhân văn. Nhiều trung tâm giáo dục có chất lượng rất tốt, nhưng đôi lúc họ lại bỏ qua việc giảng dạy về giá trị nhân văn. Đó là lý do khi giảng dạy, đặc biệt là dạy cho trẻ em, quý vị cần nhớ một vài quy tắc, hay một vài điểm quan trọng.

Khi giảng dạy, chúng ta không nên cảm thấy đó chỉ đơn thuần là một công việc mình phải làm, đừng xem đó là một công việc hay một nhiệm vụ. Việc giảng dạy quan trọng hơn như vậy rất nhiều. Chúng ta phải dạy học sinh với mong muốn rằng những điều mình truyền đạt sẽ giúp các em trở thành một con người tốt hơn và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với mong muốn như thế, chúng ta đến bục giảng vì những điều quan trọng hơn rất nhiều. Khi quý vị đến trường, hãy đến với mong ước hay động cơ tốt lành, đây chính là điều quan trọng trước nhất. Nếu không có động cơ này, quý vị sẽ chỉ xem giảng dạy như là một công việc mình phải làm, khi đó những gì quý vị truyền đạt không hoàn toàn mang lại hiệu quả.

Chúng ta nên có một ý định tốt, một động cơ tốt. Đây là kinh nghiệm từ một học trò của tôi. Anh ta làm việc trong trại dưỡng lão ở nước ngoài, công việc của anh ta là phục vụ những cụ già. Anh ta nói với tôi rằng sau một thời gian làm việc, anh bắt đầu kết hợp việc làm của mình với lòng từ bi. Với ý nghĩ đó, anh ta đã phục vụ cho các cụ già bằng cả tấm lòng. Anh ta xem các cụ như chính cha mẹ mình. Khi bắt đầu phục vụ như vậy, anh bảo rằng anh cảm thấy thực sự yêu mến công việc của mình. Cho dù người học trò đó có làm việc với lòng từ bi hay không, anh ta vẫn phải làm việc. Khi anh ta xem những cụ già như cha mẹ mình, anh ta đã bắt đầu sinh khởi lòng bi mẫn đối với họ. Anh ta nói với tôi rằng chỉ khi đó anh mới thật sự cảm thấy yêu thích công việc mình đang làm. Tương tự, khi chúng ta đến trường để giảng dạy, chúng ta đừng nghĩ rằng đó là công việc cần hoàn thành hàng ngày, chúng ta hãy có một động cơ tốt, xem các em học sinh như chính con cái của chúng ta.

Điều thứ hai, trước khi muốn dạy bất kỳ điều gì hay muốn đưa ra lời khuyên cho học sinh, chúng ta phải xem xét bản thân mình có thực hiện được điều đó hay chưa. Ví dụ, khi chúng ta khuyên các em đừng ăn ngọt, đầu tiên chúng ta phải xem chính chúng ta có đang ăn ngọt hay không. Đó là điều quan trọng thứ hai.  Khi nói một điều gì đó, người ta thường tìm cách nói thế nào cho ngọt ngào, dễ thương để người khác nghe lời họ hơn, nhưng điều này rất sai lầm. Khi chúng ta đưa ra một lời khuyên, lời nói ngọt ngào không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng nhất là chúng ta có thực hiện được điều chúng ta khuyên hay không. Đây mới chính là điều quan trọng nhất mà chúng ta cần làm.

Bây giờ đến điểm quan trọng thứ ba. Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã giữ im lặng và không thuyết giảng bất cứ điều gì trong suốt 49 ngày. Đức Phật đã giác ngộ, Ngài vô cùng thông tuệ và biết rằng chúng sinh khác còn trong vòng vô minh. Ngài có rất nhiều điều để giảng dạy; dù vậy, trong suốt 49 ngày Ngài vẫn giữ im lặng, không truyền trao bất kỳ giáo pháp nào. Lý do là trong thời gian 49 ngày này, đức Phật đang làm một việc: Ngài cố gắng tìm hiểu tâm trí con người. Cũng như vậy, là giáo viên, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu lối suy nghĩ của học sinh, hãy cho chúng lời khuyên theo cách chúng suy nghĩ chứ không phải dựa trên những điều chúng ta đang nghĩ.

Có đôi lúc chúng ta khuyên bảo nhưng học sinh lại không vâng lời một cách đúng đắn, đó là vì lời khuyên không đi sâu vào tâm trí của chúng, vì chúng ta đưa ra lời khuyên dựa trên cách nhìn nhận của chúng ta chứ không dựa trên mức độ nhìn nhận, suy nghĩ của các em. Khi giảng dạy trên lớp, đôi khi quý vị sẽ thấy rằng một số học sinh tiếp thu bài rất tốt, một số khác không thật sự hiểu được những gì chúng ta nói. Quý vị có thể nhận ra được sự khác biệt đó. Với những đứa trẻ không hiểu được, quý vị có thể cố gắng tiếp cận và tìm hiểu xem những học sinh này đã suy nghĩ như thế nào, cố gắng thấu hiểu theo mức độ suy nghĩ của các em.

Chúng ta nói đến điều quan trọng thứ tư. Tôi là một tu sĩ, tôi phải tuân thủ rất nhiều qui tắc, vì thế có lẽ ở đây tôi đang tạo ra quá nhiều qui tắc (Rinpoche cười). Từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ, tôi luôn phải nhớ đến các điều luật và nhắc bản thân rằng tôi có thể làm điều này, không thể làm điều nọ, điều kia, v.v... (Rinpoche cười). Tôi có đến 253 điều luật phải tuân thủ, quá nhiều điều luật nên không phải lúc nào tôi cũng nhớ hết tất cả. Do đó, tôi luôn mang theo một quyển sách để xem mình được làm và không được làm những điều gì. Tương tự như thế, tôi đã đưa ra cho quý vị ba điểm quan trọng. Quý vị có thể thử thực hiện những qui tắc này trong vòng một tháng để xem chúng có giúp ích được cho quý vị hay không.

Như tôi đã nói lúc đầu, quý vị là giáo viên nên quý vị có trách nhiệm rất nặng nề. Khi những đứa trẻ đến trường, đầu tiên các em sẽ nhìn giáo viên của mình, chúng sẽ nhìn vào thái độ và tính cách của quý vị. Những hành xử và nhân cách của giáo viên là điều đầu tiên đi vào tâm trí của học sinh. Do đó, điểm quan trọng thứ tư là mối liên hệ giữa thầy và trò. Đây là điểm vô cùng quan trọng. Điều quan trọng nhất trong mối quan hệ này là quý vị phải có được lòng tin từ học sinh của mình. Khi đã có được sự tin tưởng của học sinh, bất kỳ điều gì quý vị nói học sinh cũng sẽ vâng lời làm theo. Ngược lại khi quý vị không có được sự tin tưởng đó, các em sẽ không nghe lời quý vị. Niềm tin là một yếu tố rất quan trọng.

Bây giờ tôi muốn hỏi quý vị một câu, quý vị làm thế nào để xây dựng niềm tin từ các em? Để xây dựng niềm tin này, điều quan trọng là quý vị phải có được mối liên hệ giữa thầy và trò. Mối quan hệ đó phải dựa trên niềm tin. Khi học sinh thật sự tin tưởng quý vị thì bất kỳ điều gì quý vị làm cũng trở nên rất dễ dàng. Có một số cách để xây dựng niềm tin. Hãy quan sát những em bé sơ sinh, các bé hoàn toàn tin tưởng vào mẹ của mình. Ngay cả khi đứa bé sơ sinh không hề biết tên người mẹ, chúng vẫn tuyệt đối tin tưởng vào người mẹ. Lý do chính ẩn sau hiện tượng này là gì? Đó chính là tình yêu thương và sự quan tâm. Đây cũng là điều chúng ta cần dành cho học sinh của mình: sự quan tâm chăm sóc và tình yêu thương. Hơn nữa, chúng ta phải tránh nói dối các em dù với bất kỳ lý do gì. Nói dối sẽ phá hỏng niềm tin. Đây là điều quan trọng thứ tư, xây dựng niềm tin.

Trên đây là những điểm rất chính yếu, giúp giáo viên mang lại cho các em học sinh một định hướng tốt đẹp. Tôi biết trong quá trình giảng dạy, quý vị đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng một điều rất rõ ràng rằng bất kỳ một khó khăn nào cũng sẽ có phương pháp giải quyết. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn. Thông thường, khi gặp khó khăn, mọi người luôn chỉ nhìn vào khó khăn mà không tìm giải pháp cho khó khăn đó. Đây là điều quan trọng nhất. Trong tiếng Anh có một câu nói, “Thế giới này có thể tràn ngập khó khăn, nhưng cũng có hàng ngàn cách để vượt qua khó khăn.” Do đó, mỗi khó khăn chúng ta gặp đều có giải pháp để vượt qua, nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra cách để vượt qua khó khăn và khắc phục những khó khăn đó.

Có lẽ tôi sẽ dừng lại ở đây và dành 10 phút cho phần hỏi đáp.

 

HỎI –– ĐÁP

Hỏi: Ngài vừa nói là bất cứ khó khăn nào cũng có giải pháp, vậy đi chùa cầu xin Phật và Bồ Tát gia hộ có phải là giải pháp không?

Rinpoche: Không, đây chỉ là giải pháp dành cho người lười biếng (cười). Quý vị có  thể nghĩ ra phương pháp giải quyết. Quý vị thật sự có thể dùng trí tuệ để suy nghĩ và tìm ra biện pháp cho mọi vấn đề. Nếu không thể tự mình tìm ra giải pháp, hãy hỏi người khác giúp quý vị tìm ra giải pháp.

 

Hỏi: Trong chùa có cách để dạy cho mọi người hiểu biết về luân hồi để mọi người hướng đến giải thoát hoặc sống tốt đẹp hơn bằng con đường của đạo Phật. Trong trường học hiện nay, chúng con đang gặp khó khăn là học sinh không có động lực để học và động cơ để sống tốt. Vậy có cách nào tương tự như trong đạo Phật để có thể áp dụng giảng dạy cho học sinh có động cơ trở thành một con người tốt hay không?

Rinpoche: Khi còn nhỏ, chúng ta cũng như tất cả mọi đứa trẻ khác. Khi chúng ta muốn giáo dục trẻ em một điều gì, chúng ta cần lặp đi lặp lại nhiều lần để điều đó có thể ăn sâu vào tâm thức của các em. Có một câu nói, "Nếu chúng ta nói dối một trăm lần, điều giả dối đó sẽ trở thành sự thật." Cũng như thế, để gieo động lực vào tâm trí các em, chúng ta cũng phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Lấy ví dụ, nếu chúng ta kể chuyện ma, các em nghe một lần sẽ không cảm thấy sợ, nhưng nếu chúng ta kể nhiều lần, nỗi sợ hãi sẽ bắt đầu nảy sinh trong tâm các em. Động lực cũng như vậy, quý vị phải nói với các em về động lực hai lần, ba lần v.v... Lặp lại nhiều lần, dần dần, các em sẽ bắt đầu suy nghĩ về những gì chúng ta nói. Có một điều rõ ràng là trẻ em không thể tự tư duy một mình được, vì năng lực não bộ của chúng chưa đủ mạnh mẽ. Trẻ em hình thành suy nghĩ dựa vào những gì người khác nói. Các em không thể tự tư duy, suy nghĩ một mình được nhiều. Do vậy, khi các em đến trường học, chúng ta có thể xem tâm của các em như những bộ máy vi tính còn trống, chúng ta phải cài đặt thêm chương trình vào. Việc cài đặt này cần một khoảng thời gian, nhanh hay chậm tùy thuộc vào tốc độ đường truyền Internet. Điều quan trọng là từ phía quý vị, quý vị cần một thứ, đó là sự kiên nhẫn. Việc này cần thời gian, không chỉ trong một vài ngày, không phải trong một vài tháng, mà cần đến nhiều năm.

Có một câu chuyện về cặp vợ chồng nọ, người chồng thường hay tức giận vì những việc hết sức nhỏ nhặt. Dù người vợ đã cố gắng khuyên nhủ chồng đừng nên tức giận mà hãy tập kiên nhẫn, bà vẫn không thành công. Sau đó, người vợ này tìm gặp một vị thầy. Vị thầy bảo rằng, "Ta có thể thay đổi tâm tính của chồng bà nhưng ta cần bà làm một việc. Việc đầu tiên là bản thân bà phải kiên nhẫn." Người vợ trả lời rằng bà không thể nào kiên nhẫn được. Vị thầy đáp, "Được thôi, ta vẫn có thể thay đổi được tâm tính của chồng bà nhưng để làm được điều này ta cần ria mép của một con hổ." Người vợ đồng ý, "Tôi sẽ lấy được ria mép của hổ đem về đây cho thầy!" Sau đó bà đi vào rừng để tìm con hổ. Lần đầu tiên nhìn thấy con hổ từ đằng xa người vợ rất hoảng sợ và đã bỏ chạy. Sau đó vài tuần, bà đã có thêm can đảm và tìm miếng thịt ném cho con hổ rồi mới bỏ chạy. Vài tháng sau, bà có thể ném miếng thịt cho con hổ rồi đứng từ đằng xa nhìn nó ăn. Sau đó vài tháng, người vợ này đã có thể chạm vào đầu con hổ trong khi cho nó ăn. Nhiều năm trôi qua, cuối cùng người vợ cũng có thể cho con hổ ăn miếng thịt, thỉnh thoảng con hổ còn ngủ trên chân bà. Trong lúc con hổ đang ngủ, người vợ đã nhổ một cọng ria mép của nó. Sau khi đã có được ria mép của con hổ, người vợ rất vui mừng và đi đến gặp vị thầy. Bà nói với ông rằng, "Tôi đã có được ria mép của con hổ, bây giờ xin thầy hãy thay đổi tâm tính của chồng tôi." Vị thầy đáp, "Hãy nhìn xem, bà đã có thể thu phục được một con hổ; chồng bà là một con người, vì sao bà không thể thay đổi tâm tính của ông ấy? Điều duy nhất bà cần chính là sự kiên nhẫn." Cũng như vậy, khi quý vị giảng dạy cho các em học sinh, quý vị thật sự rất cần sự kiên nhẫn. Quý vị có nhiều thời gian bên cạnh các em, vì thế đôi lúc quý vị hành xử thiếu kiên nhẫn giống như các em. Trên thực tế, quý vị không phải là trẻ em. Chúng ta cần phải có tính kiên nhẫn. Khi chúng ta muốn dạy các em về động lực, chúng ta không thể chỉ dạy trong vài ngày hay vài tháng mà phải mất thời gian vài năm. Dần dần, chậm rãi, các em sẽ tiến bộ hơn. Đừng nghĩ rằng các em sẽ thay đổi chỉ trong một hay hai ngày. Với sự kiên nhẫn, chúng ta có thể lấy được ria mép của con hổ, vậy thì tại sao chúng ta không thể dạy dỗ các em trở thành người tốt được? Chúng ta có thể làm rất nhiều điều đối với những đứa trẻ (Rinpoche cười).

Tôi sẽ dừng ở đây. Cảm ơn quý vị!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ hai @ 21/05/2014.