06-12-2015
Phật Pháp Căn Bản

Khangser Rinpoche thuyết giảng lớp học Phật pháp căn bản cho người mới bắt đầu.

PHẬT PHÁP CĂN BẢN

CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

 

KHANGSER RINPOCHE thuyết giảng

Tuần thứ 7, ngày 06 tháng 12 năm 2015

Tổng kết Phật Pháp Căn Bản

 

Hôm nay chúng ta ôn lại phần Phật pháp căn bản cho người mới bắt đầu. Trong những buổi học trước, chúng ta đã học sáu chủ đề và hôm nay tôi sẽ tổng kết các điểm chính. Nếu tiếp cận Phật pháp một cách đơn giản thì có một vài điểm các bạn cần hiểu, chủ yếu là sáu đề tài sau:

 

(1) Thứ nhất là quy y Tam Bảo và cách bày trí bàn thờ Phật.

(2) Thứ hai là lợi ích của lòng từ bi và cách thực hành lòng từ bi.

(3) Thứ ba là Tứ Thánh Đế (Tứ Diệu Đế). Khi Đức Phật giảng Pháp lần đầu tiên, Ngài đã dạy Tứ Thánh Đế.

(4) Điểm thứ tư bạn cần hiểu là căn bản tánh không.

(5) Tiếp theo chúng ta cần hiểu về nghiệp. Đây là một chủ đề cơ bản trong Phật pháp.

(6) Đề tài cuối cùng nói về cái chết và sau khi chết, cách giúp đỡ người vừa qua đời.

Các bạn cũng có thể truy cập vào trang web dipkar.com để nghe lại bài giảng của tôi.

Nói chung, khi lần đầu đến với đạo Phật, các bạn phải bắt đầu với việc quy y Phật, Pháp, Tăng. Quy y có nghĩa là bạn đặt niềm tin và sự kính ngưỡng nơi Đức Phật, và làm theo lời dạy của Ngài. Bạn thực hành cùng với những người bạn đồng hành có phẩm chất tốt, đó là Tăng Bảo. Với những người mới học, điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu biết chút ít về phẩm tính của Đức Phật, lợi ích của Pháp, và thế nào là Tăng. Phật là người đã tận diệt tất cả ác niệm và phẩm chất tiêu cực. Theo quan điểm của đạo Phật, tất cả mọi người đều có tiềm năng trở thành một vị Phật. Pháp là lời dạy của Phật về một lối sống đúng đắn. Vì vậy, giáo lý của Đức Phật chính là một phương cách sống. Phật pháp có rất nhiều chủ đề, trong đó chủ yếu dạy chúng ta cách rèn luyện bản thân và rèn luyện tâm thức, và cách chúng ta cải thiện bản thân để trở thành một người tốt hơn. Đó là những điểm chính yếu của Phật pháp. Các bạn cũng có thể coi giáo lý của Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta cách sống, thực hành Phật pháp có thể được xem là một lối sống.

Hôm nay lớp học có một số người mới, vì vậy tôi tổng kết một vài điểm chính.

Thực hành Phật pháp là để thay đổi bản thân các bạn. Sự thay đổi này có nhiều tầng mức. Mức độ đầu tiên là làm giảm bớt cảm xúc tiêu cực, đó là một dạng thay đổi. Hiện tại, chúng ta còn là phàm phu và chưa giác ngộ. Khi chúng ta thay đổi bản thân từ phàm phu thành người giác ngộ thì đó là một thay đổi to lớn, và Đạo Phật giúp chúng ta thay đổi như vậy.

Tăng Bảo là những người thực hành Phật pháp đúng đắn. Tăng Bảo không có nghĩa là các vị tăng (nam tu sĩ) và ni (nữ tu sĩ). Lần đầu đến Việt Nam, tôi đã đến một ngôi chùa nhỏ và hỏi một người về vấn đề này. Cô ấy nói cô có thể quy y Phật và quy y Pháp nhưng cô không thể quy y Tăng Bảo vì cô ấy thấy nhiều vị tăng và ni không có phẩm tính tốt. Tôi đã nói đó là một cách hiểu sai về ý nghĩa của Tăng Bảo. Tăng Bảo không có nghĩa là tăng và ni. Tăng Bảo là những người thực hành Phật pháp và làm theo lời Phật dạy một cách đúng đắn, kể cả những người không phải là tu sĩ. Các bạn có thể trở thành tăng hoặc ni chỉ trong một đến hai giờ, nhưng bạn không thể nào trở thành một phần của Tăng Bảo trong một đến hai giờ. Ở Tây Tạng có một câu nói mà cha tôi thường hay nhắc đến: “Những người không muốn làm những việc thế gian hoặc lười biếng làm những việc thế gian thì cảm thấy trở thành một hành giả là điều rất dễ dàng và họ có thể làm được. Tuy nhiên, khi trở thành một hành giả thực thụ thì bạn sẽ không còn thời gian để ngủ.” Vì vậy, những người thực hành Pháp, hay Tăng Bảo, khác với tăng và ni. Để trở thành tăng hoặc ni thì chỉ mất một đến hai giờ tiến hành nghi lễ và thay đổi y phục, đó không phải là vấn đề lớn. Vấn đề lớn chính là trở thành một phần của Tăng Bảo. Quy y Tăng có nghĩa là bạn nương tựa vào những người thật sự thực hành Phật pháp rất đúng đắn. Những người đó là Tăng Bảo.

Khi trở thành một người thực hành Phật pháp thì các bạn phải thay đổi bản thân. Nếu bạn có thể thay đổi thì bạn sẽ thấy càng ngày bạn càng có nhiều sự thay đổi hơn nữa, cho đến khi bạn đạt được giác ngộ. Giác ngộ chính là mục đích cuối cùng của việc thực hành Phật pháp.

Thông thường, trong tâm con người có nhiều câu hỏi như “tại sao điều này xảy ra?” hay “tại sao điều này không xảy ra?” Đây là những câu hỏi hay nảy sinh trong tâm con người, và đó là lý do học thuyết về một Đấng Sáng Tạo (Thượng Đế, God) ra đời. Chuyện này xảy ra vì Thượng Đế tạo ra nó, chuyện kia không xảy ra vì Thượng Đế không muốn như vậy. Tuy nhiên, đạo Phật hoàn toàn khác. Đạo Phật phủ nhận sự tồn tại của một Đấng Sáng Tạo quyết định mọi chuyện, mà tất cả mọi chuyện đều tuân theo quy luật về nghiệp. Học thuyết về Đấng Sáng Tạo ra đời trước đạo Phật rất lâu. Đức Phật dạy rằng mọi chuyện diễn ra không phải theo ước muốn của Phật mà theo nghiệp của riêng chúng. Có rất nhiều sự việc xảy ra trong cuộc sống. Có lúc những điều ta mong muốn diễn ra, và lúc khác những điều ta không mong xảy đến. Trong những tình cảnh không mong muốn, chúng ta phải đương đầu với thử thách ra sao? Tư tưởng về nghiệp mang đến cho ta nhiều lời giải. Trong cuộc sống, ai cũng muốn những điều tốt và không ai muốn điều xấu xảy đến. Tuy nhiên, thực tế không như những gì ta mong đợi vì những điều xấu thường hay diễn ra. Khoảng hai ba phút trước, tôi nhận được một tin nhắn xin tôi cầu nguyện cho một người. Anh ấy còn rất trẻ, nhỏ hơn tôi khoảng 10 tuổi và đang khỏe mạnh. Nhưng tôi vừa nhận được tin nhắn nói rằng anh sắp trải qua một ca phẫu thuật, và người thân của anh xin tôi cầu nguyện. Cuộc sống là như vậy, mọi chuyện đều có thể xảy ra và trong tâm con người luôn hiện lên những câu hỏi như “tại sao mọi chuyện xảy ra thế này?” hay “sao mọi chuyện lại không xảy ra như thế kia?”

Tư tưởng về nghiệp mang đến cho chúng ta nhiều đáp án cho những câu hỏi này. Nếu làm việc tốt thì bạn sẽ đạt kết quả tốt, nếu làm việc xấu thì bạn phải gánh chịu hậu quả xấu. Khi bạn phải chịu một kết quả xấu, chắc chắn bạn đã làm một điều xấu trong các đời quá khứ; và khi có chuyện tốt đến với cuộc sống, chắc chắn trong các đời quá khứ bạn đã làm việc tốt. Đôi khi, tư tưởng về nghiệp xoa dịu tinh thần của chúng ta rất nhiều. Mọi chuyện diễn ra thuận theo nghiệp chứ không theo mong muốn của chúng ta. Chúng ta ước muốn mọi điều tốt nhưng chúng không đến, mà những khó khăn thử thách sẽ luôn xảy ra. Vậy ta phải làm gì? Khi nghịch cảnh đến, ta phải đương đầu ra sao? Nhìn chung, nhiều nghịch cảnh và sự việc không hay xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên cũng có rất nhiều thứ ta có thể thay đổi từ trong tâm. Thay đổi từ trong tâm sẽ mang đến sự khác biệt lớn. Đạo Phật dạy chúng ta cách thay đổi từ trong tâm mình khi ta gặp phải khó khăn và nghịch cảnh bên ngoài. Đây là một điểm chính yếu trong tư tưởng đạo Phật. Đạo Phật hướng dẫn ta cách nhìn nhận khó khăn và nghịch cảnh. Theo thuật ngữ hiện đại, người ta luôn nhắc đến “sự tự tin.” Đạo Phật không chỉ nói về tự tin mà còn đề cập đến việc thay đổi quan điểm. Khi chúng ta thay đổi cách nhìn nhận thì sự tự tin, hay mọi điều khác theo ngôn từ hiện đại, sẽ đến.

Có những lúc tâm ta rất mạnh mẽ, nhưng cũng có lúc ta đánh mất toàn bộ sức mạnh nội tâm. Khi tâm ta cảm thấy tuyệt vọng và chán nản, những lúc như vậy ta cần những lời khuyên đúng đắn, và đạo Phật luôn dạy chúng ta những điều đó. Vài ngày trước tôi nhận được thư điện tử của một người trước đây từng là tù nhân. Tôi đã đến nói chuyện tại nhà tù nơi anh ta thụ án. Bây giờ anh ấy đã mãn hạn tù. Anh bạn đó nói rằng khi trải qua giai đoạn khó khăn trong nhà tù, những lời khuyên của tôi đã giúp anh rất nhiều. Hiện tại anh ấy muốn tôi hướng dẫn anh cách sống hạnh phúc. Trong cuộc sống, đôi lúc tâm ta rất tuyệt vọng và những lúc đó ta cần lời khuyên. Không chỉ trong nhà tù mà ngay cả trong cuộc sống đời thường, đôi khi có những vấn đề khiến chúng ta rất thất vọng và buồn bã. Những lúc đó ta phải suy nghĩ ra sao, ta phải làm gì để có thêm sức mạnh tinh thần, hay làm cách nào để tâm được an lạc hơn? Đây là những vấn đề đạo Phật cố gắng chỉ dạy chúng ta.

Để giải quyết những vấn đề trên, Đức Phật đã dạy Tứ Thánh Đế. Trong cuộc sống, có tồn tại khổ đau và tồn tại nguyên nhân của khổ đau. Bởi vì có nguyên nhân của khổ nên cũng có con đường diệt trừ những nguyên nhân gây khổ đó. Nhờ đó chúng ta có thể thoát khỏi khổ đau. Đây là một thông điệp hướng dẫn chúng ta hành động. Chúng ta phải sống thật mạnh mẽ để đương đầu với mọi nguyên nhân gây khổ,  nhờ đó chúng ta sẽ có thể sống hạnh phúc. Vì có khổ nên phải có nguyên nhân gây khổ. Vì có nguyên nhân gây khổ nên có cách thức diệt trừ những nguyên nhân đó. Nhờ vậy, ta có thể thoát khỏi mọi nguyên nhân gây khổ. Thuật ngữ Phật giáo gọi đây là Khổ Đế (Chân lý về Khổ), Tập Đế (Chân lý về Nguyên nhân gây khổ), Diệt Đế (Chân lý về Diệt Khổ), và Đạo Đế (Chân lý về Con Đường đưa đến Diệt Khổ). Sau khi Đức Phật giác ngộ, bài giảng đầu tiên của Ngài là Tứ Thánh Đế. Tứ Thánh Đế là kết luận Đức Phật đã đúc kết được sau bao năm tu hành thiền định. Phật đã dạy Tứ Thánh Đế vào khoảng 2500 năm trước, và ở thời hiện đại như bây giờ, tôi nghĩ nên có năm chân lý chứ không chỉ là bốn chân lý. Chân lý thứ năm là chân lý về việc không có thời gian thực hành. Ai cũng bận rộn cả. Thậm chí các vị tăng ni trong chùa cũng bận rộn trên facebook và internet, còn những người khác thì đang bận lười biếng. Đây là chân lý thứ năm: không có thời gian thực hành. Không có thời gian bởi vì chúng ta bận rộn với quá nhiều hoạt động khác. Thực tế thì khi có nhiều việc phải làm, chúng ta có thể quản lý chúng, nhưng nhiều người lại không thể quản lý thời gian của họ. Họ dùng thời gian rất sai lầm, vì vậy mà nhiều người than vãn mình không có thời gian. Khi nói không có thời gian, tôi cảm thấy các bạn vẫn có nhiều thời gian để lãng phí nhưng không có thời gian để làm những việc tốt. Tôi thấy chân lý thứ năm là như vậy [Thầy cười].

Dù các bạn làm gì, tôi nghĩ bạn có thể dành một chút thời gian để suy nghĩ về việc thực hành Pháp. Thậm chí khi đang nấu ăn, bạn vẫn có thể dành thời gian để thực hành trong tâm.

Tất cả những điều trên là những vấn đề cơ bản trong đạo Phật. Nói chung, các bạn có thể tẩy trừ nghiệp xấu và có thể tích lũy thêm nghiệp tốt. Có rất nhiều lý do để sống hạnh phúc. Trong cuộc sống, chúng ta có hàng trăm lý do để sống hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những lý do khiến bản thân đau khổ mà không thể nhận ra những lý do giúp mình hạnh phúc. Đó là một vấn đề lớn của con người.

Bây giờ tôi sẽ đọc kinh cầu nguyện. Hôm nay lớp học có một số người mới đến nên tôi vừa giới thiệu ngắn gọn về đạo Phật. Với những người mới đến, quý vị có thể vào trang web dipkar.com để nghe lại bài giảng, hoặc quý vị có thể đọc quyển sách Sống Mạnh Mẽ và Hạnh Phúc của tôi. Cảm ơn các bạn rất nhiều và hẹn sớm gặp lại!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @11/12/2015

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.