Khangser Rinpoche hướng dẫn Thiền Chỉ - Phương Pháp Quản Lý Áp Lực Cuộc Sống cho chương trình Chất Lượng Cuộc Sống tại khách sạn Windsor.
TP.HCM, ngày 07 tháng 03 năm 2015.
THIỀN CHỈ
PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ ÁP LỰC CUỘC SỐNG
Tôn Sư KHANGSER RINPOCHE hướng dẫn
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 03 năm 2015
Đầu tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị!
Có một điều quý vị nên biết: Buổi học về quản lý căng thẳng ngày hôm nay 100% không liên quan đến bất cứ vấn đề nào thuộc về tôn giáo. Trong chương trình ngày hôm nay, quý vị hãy quên Đức Phật, hãy quên tôn giáo, chỉ cần tham dự như một con người mà thôi. Đó là điều đầu tiên. Chương trình này không hề liên quan đến bất cứ tôn giáo nào. Không có sự liên hệ giữa tôn giáo và chương trình này. Không có sự liên hệ giữa Đức Phật và chương trình này. Là một con người, quý vị có mọi quyền để sống hạnh phúc, an lạc. Chương trình quản lý căng thẳng nhằm giới thiệu đến quý vị phương pháp giảm thiểu lo lắng và căng thẳng. Hãy tạm để Đức Phật bên ngoài khán phòng này trong vòng một giờ [Rinpoche cười]. Như quý vị đã xem phim tài liệu, tôi đã tiến hành chương trình đó ở một bệnh viện. Khi tôi thực hiện chương trình, phần lớn những người ở đó không phải là Phật tử. Tôi biết có nhiều Phật tử đã thực hành Phật pháp qua nhiều năm nhưng họ vẫn cảm thấy áp lực và căng thẳng trong tâm. Là Phật tử hay không phải là Phật tử, điều này không quan trọng. Nếu quý vị là một Phật tử, có ai quan tâm đến điều đó chăng? Nếu quý vị không phải là Phật tử, cũng có ai quan tâm chăng? Tuy nhiên, điều đặc biệt là khi đã được sinh ra làm người, quý vị phải biết đâu là mục đích của cuộc đời mình, đâu là ý nghĩa của cuộc sống này. Tôi thường nói rất đơn giản: Sống mạnh mẽ và hạnh phúc. Nếu quý vị theo giáo lý của Đức Phật, thậm chí nếu quý vị là Phật tử, thực hành, tụng chú trong nhiều năm mà vẫn cảm thấy trong tâm còn nhiều phiền não, căng thẳng thì đâu là lợi ích của những điều đó?
Trong chương trình này, tôi sẽ hướng dẫn quý vị một vài bước đơn giản về phương pháp đối trị căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, quý vị phải thực hành những bước đơn giản này mỗi ngày ít nhất 30 phút, trong ít nhất 2 tuần. Quý vị rõ không? [Rinpoche hỏi “Các bạn rõ không?” bằng tiếng Việt và Ngài cười] Mỗi ngày quý vị phải thực hành ít nhất 30 phút, và quý vị có thể chia thời gian 30 phút này thành 10 phút buổi sáng, 10 buổi trưa và 10 phút buổi tối; quý vị có thể làm như vậy.
Tôi sẽ bắt đầu với một vài điểm. Thứ nhất, nói chung trong cuộc sống, chúng ta phải hiểu được căng thẳng và áp lực sinh khởi trong tâm ta như thế nào. Căng thẳng và áp lực thường nảy sinh vì cách suy nghĩ của chúng ta; chúng phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta tư duy. Đôi khi, đường lối tư duy của chúng ta không đúng đắn, và điều đó làm phát sinh rất nhiều căng thẳng và áp lực. Có một bà mẹ có độc nhất một đứa con trai. Một ngày nọ, đứa con bị tai nạn và qua đời. Bà mẹ đau khổ cùng cực và căng thẳng vì điều đó, và bà nghĩ rằng mình không thể sống thiếu con mình. Bà đã quyết định tự tử. Khi bà quyết định tự tử, hàng xóm của bà rất sợ hãi và họ đã mời một vị thầy đến để khuyên nhủ bà. Khi vị thầy đến chỗ của bà mẹ, bà nói với vị thầy, “Hôm nay tôi sẽ không nghe thầy giảng bất cứ điều gì. Tôi đã quyết định và sẽ tìm đến cái chết vì tôi không thể sống thiếu con tôi dù chỉ trong một khoảnh khắc.” Vị thầy nói rằng hôm nay ông không đến để giảng dạy bất cứ điều gì; vị ấy nói, “Tôi không đến đây để thuyết giảng. Tôi đến để giúp bà mang con trai bà trở về từ cõi chết.” Bà mẹ hơi bất ngờ và hỏi vị thầy, “Làm sao thầy làm được? Thầy có chắc là thầy làm được không?” Vị thầy nói, “Chắc chứ! Tôi có thể làm được, tuy nhiên bà phải đưa ra lời giải cho câu hỏi của tôi. Nếu bà làm được thì tôi sẽ đưa con bà trở về từ cõi chết.” Bà mẹ rất lo lắng và nói, “Thầy hỏi đi!” Rồi vị thầy hỏi một câu rất đơn giản, “Lẽ thường, khi muốn tạo ra âm thanh vỗ tay thì bà cần hai bàn tay. Vậy bà làm thế nào để tạo ra âm thanh vỗ tay chỉ với một bàn tay? Nếu bà có lời giải cho câu hỏi này của tôi, tôi sẽ đưa con bà trở về từ cõi chết.” Thế là bà mẹ bắt đầu suy nghĩ về lời giải cho câu hỏi vì bà mong muốn gặp lại con mình. Nhiều tháng trôi qua, rồi nhiều năm trôi qua. Ba năm sau, bà mẹ trở lại nơi của vị thầy và nói, “Bây giờ con nghĩ con không thể gặp lại con trai của con nữa. Con đã suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi của thầy. Con đã suy nghĩ không ngừng trong suốt ba năm nhưng cũng không thể nào tìm ra lời giải cho thầy.” Khi đó vị thầy nói, “Bà đã có câu trả lời rồi thì tại sao còn phải đi tìm lời giải nữa?” Bà mẹ rất sửng sốt và hỏi, “Làm thế nào mà con có câu trả lời chứ?” Vị thầy nói với bà mẹ, “Khi tôi lần đầu đến gặp bà, bà đã nói rằng bà không thể sống thiếu con trai mình dù chỉ trong một khoảnh khắc. Tuy nhiên, bây giờ bà đã sống mà không có con trai mình trong suốt ba năm. Đó chính là lời giải cho câu hỏi của bà.”
Tương tự, chúng ta đang sống giống như vậy. Khi bà mẹ cứ nghĩ đi nghĩ lại về cái chết của con trai, bà nghĩ rằng bà không thể sống nữa. Khi tâm của bà chuyển sang suy nghĩ về câu hỏi, bà đã không nhận ra rằng ba năm đã trôi qua mà bà không có con trai bên cạnh. Tôi rất thích một câu nói trong tiếng Anh: “Vấn đề không rắc rối. Chính cách nhìn nhận vấn đề mới rắc rối.” Trong khóa học quản lý căng thẳng này, có hai điều tôi sẽ hướng dẫn: phương pháp thay đổi đường lối tư duy và làm thế nào để thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Trong khóa học này, tôi sẽ không hướng dẫn bất cứ câu thần chú nào. Tôi sẽ không nói: Hãy tụng câu chú này rồi vấn đề của quý vị sẽ được giải quyết. Tôi sẽ không nói như vậy. Như tôi đã nói, chương trình này không liên quan đến bất cứ tôn giáo nào. Nhưng có lẽ quý vị sẽ cảm thấy buồn cười khi một tu sĩ lại nói như vậy [Rinpoche cười]. Tuy nhiên, nếu quý vị đến chùa thì tôi sẽ nói hoàn toàn khác [Rinpoche cười].
Điều đầu tiên là quý vị phải thay đổi đường lối tư duy. Quý vị nên biết một điều tuy lạ nhưng đã được khoa học chứng minh: Căng thẳng không chỉ là vấn đề của tâm mà còn liên quan đến rất nhiều tế bào trong thân thể. Nói về sự căng thẳng, có một mối liên hệ mật thiết giữa thân và tâm. Khi thực hành, ban đầu tâm chúng ta sẽ nghĩ quá nhiều về những điều không cần thiết. Nghĩ quá nhiều về những điều không cần thiết sẽ làm phát sinh rất nhiều căng thẳng. Hôm nay chúng tôi phát cho quý vị bảng khảo sát lo lắng, quý vị có thể thấy đã bao nhiêu lần quý vị nghĩ đến những điều tồi tệ sẽ xảy ra trong cuộc sống của mình. Nghĩ về những điều không cần thiết hoàn toàn không thể giúp quý vị, nhưng quý vị vẫn cứ nghĩ đến chúng vì quý vị không biết cách thay đổi đường lối tư duy.
Tôi sẽ hướng dẫn quý vị vài kỹ thuật để thay đổi đường lối tư duy. Bây giờ chúng ta bắt đầu với tư thế của thân thể. Tư thế như thế này [Rinpoche minh họa]. Đừng nghĩ rằng tư thế này liên quan đến tôn giáo. Khi quý vị căng ngực như thế này rồi thả lỏng, đó là một bài tập thể dục rất tốt cho tế bào trong thân thể. Khi thấy có người ngồi tư thế này, đừng nghĩ nó liên quan đến tôn giáo. Đừng nghĩ rằng đây là một thế ngồi đặc biệt của Đức Phật hoặc tương tự. Tôi gọi đây là “bài rèn luyện tế bào trong cơ thể.” Có thể trong chùa, họ cố gắng liên hệ tư thế này đến tôn giáo. Quý vị hãy cố gắng giữ cột sống được thẳng. Một điều thú vị là trong cuộc đời của tôi, tôi đã gặp nhiều người căng thẳng và tuyệt vọng. Khi người ta cảm thấy căng thẳng và tuyệt vọng, có một dấu hiệu từ thân thể, đó là họ luôn cúi đầu. Nếu quý vị nhìn vào cứ người nào, từ già đến trẻ, quý vị hãy thử chú ý để thấy rằng khi đau khổ, họ sẽ cúi đầu xuống. Thậm chí đối với loài thú, nếu quý vị nhìn vào một con chó, khi buồn nó không bao giờ ngẩng đầu lên.
Trong tư thế này, chúng ta phải nhìn thẳng và giữ đầu thẳng như thế này [Rinpoche minh họa], và giữ thẳng cột sống. Quý vị có thể thực hành trong văn phòng. Khi cảm thấy mỏi thì quý vị hãy thả lỏng, căng và thả lỏng; đó cũng là một bài tập cho các tế bào trong cơ thể. Đồng thời, quý vị thở vào và thở ra thật chậm theo khả năng của mình. Hãy thở vào thật chậm và thở ra thật chậm. Khi thở vào và thở ra, quý vị đang bơm khí vào phổi của mình. Tôi nghĩ khi quý vị hít thở, không khí thì miễn phí. Thời nay, để sống thì quý vị thậm chí phải mua nước. Tôi có một kinh nghiệm, nhưng tôi nói bên ngoài đề tài một chút. Không phải lúc nào tôi cũng mang tiền trong người. Một lần nọ, ở châu Âu, chúng tôi phải dừng trên đường cao tốc để đi vệ sinh. Các vị tu sĩ đi cùng tôi phải trả 1 euro để dùng nhà vệ sinh, và chúng tôi chỉ có đúng 1 euro. Họ nói với tôi, “Rinpoche đi đi.” Tôi dùng nhà vệ sinh và thế là các vị tu sĩ kia không thể dùng nữa [Rinpoche cười]. Tôi nói với họ: Trong cuộc sống, thậm chí đi vệ sinh mà cũng phải trả tiền, thậm chí muốn uống nước cũng phải trả tiền. Hiện tại, tôi không nghĩ chúng ta phải trả tiền để thở vào và thở ra [Rinpoche cười].
Đôi khi, quý vị có thể thấy sự căng thẳng sẽ thể hiện qua các triệu chứng của cơ thể, khi đó chúng ta có cảm giác co thắt ở ngực, bởi chúng ta chịu nhiều áp lực trong cuộc sống. Trong tư thế này, quý vị hãy chậm rãi thở vào và thở ra. Khi thở vào và thở ra, quý vị chỉ tập trung vào hơi thở: hơi thở đang đi vào cơ thể và hơi thở đang ra khỏi cơ thể. Tôi sẽ dành 2 phút để chúng ta cùng thực hành. Trong văn phòng, nếu quý vị cảm thấy tư thế vừa rồi bất tiện thì có thể làm theo tư thế này [Rinpoche minh họa], tuy nhiên điểm quan trọng là quý vị phải giữ lưng thẳng. Khi mỏi lưng, hãy thả lỏng. Đôi khi, các tế bào trong cơ thể chúng ta chèn ép lẫn nhau, do đó cách làm này giống như xoa bóp cho các tế bào vậy. Chúng ta sẽ cùng thực hành trong 2 phút, hãy chỉ tập trung vào hơi thở.
[Đại chúng thực hành trong 2 phút.]
Với phương pháp hành thiền tập trung này, quý vị hãy cố gắng thực hành mỗi ngày ít nhất 30 phút. Quý vị có thể thực hành 10 phút vào buổi sáng, 10 phút buổi trưa và 10 phút vào buổi tối. Chúng ta sẽ gặp lại nhau sau 2 tuần nữa. Tuy nhiên, nếu sau 2 tuần, quý vị thấy phương pháp này vô ích, không giúp được gì cho quý vị thì hãy từ bỏ nó. Nhưng trong 2 tuần này, ít nhất quý vị phải cố gắng thử thực hành. Có cố gắng thử thực hành vẫn tốt hơn rất nhiều so với không làm gì cả. Hàng triệu người không chịu cố gắng và họ thất bại [Rinpoche cười]. Hãy thử thực hành trong 2 tuần. Nếu quý vị thấy có lợi ích thì hãy tiếp tục; nhưng nếu quý vị thấy không có ích lợi gì thì hãy quên nó đi. Đây là bước đầu tiên. Quý vị rõ không? Hôm nay sẽ không có phần hỏi đáp vì tôi còn phải ra sân bay.
Bây giờ đến bước thứ hai. Bước thực hành thứ hai này quý vị nên tiến hành trước khi ăn sáng. Trong cơ thể chúng ta, đôi lúc vài cơ quan nội tạng không hoạt động suôn sẻ. Khi các cơ quan không hoạt động suôn sẻ, chúng ta luôn dùng thuốc mà không cố gắng tìm những giải pháp khác. Tôi không nói về bất cứ vấn đề gì thuộc về tôn giáo. Quý vị cần biết vài bài tập thể dục đơn giản. Tôi gọi đó là bài tập thể dục, hoặc quý vị có thể gọi đó là thiền. Tôi sẽ hướng dẫn cách làm. Khi chúng ta thở, có hai loại thở. Khi chúng ta thở vào, hơi thở sẽ đi vào cơ thể chúng ta. Khi hơi thở đi vào cơ thể, không chỉ có không khí vào cơ thể chúng ta, mà hơi thở còn mang năng lượng. Khi năng lượng đi vào cơ thể, nó được chuyển hóa thành hai loại: năng lượng tích cực và năng lượng tiêu cực. Đôi lúc khi quý vị mang năng lượng tiêu cực nhiều hơn, nó sẽ tràn ngập cơ thể và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Khi chúng ta có nhiều năng lượng tích cực hơn, chúng sẽ hỗ trợ các cơ quan nội tạng.
Tôi muốn kể cho quý vị một sự việc rất lạ. Tôi đã gặp một phụ nữ trẻ và một cụ già ở hai nước khác nhau. Cụ già đã 91 hoặc 92 tuổi, và người phụ nữ trẻ khoảng ngoài 30 tuổi. Người phụ nữ trẻ nói với tôi cô ấy rất buồn vì cô mang một chứng bịnh trong cơ thể. Cô ấy nói cô thường đến phòng tập thể hình khoảng một giờ hoặc một giờ rưỡi mỗi ngày, và cô ăn thức ăn thuần chay, nhưng tại sao vẫn phải mang chứng bịnh đó? Mặt khác, tôi đã gặp một cụ già. Tôi nghĩ cụ già đó phải có một bí quyết lớn để sống lâu. Tôi hỏi cụ đã làm gì, đã ăn gì, và người ta nói với tôi là cụ già đó uống rượu, hút thuốc và ăn rất nhiều thịt [Rinpoche cười]. Rất lạ, nhưng cụ vẫn sống đến gần 90 tuổi [Rinpoche cười]. Tôi có nghe một điều: Những người hút thuốc không bị lão hóa vì họ đều chết trẻ [đại chúng cười]. Tuy nhiên, khi gặp cụ già kia thì tôi nghĩ điều đó không đúng nữa [Rinpoche cười]. Ý tôi là chúng ta hoàn toàn có quyền được sống theo cách rất lành mạnh. Do đó, trong phương pháp hành thiền này, quý vị có thể nghĩ đó là một dạng rèn luyện cho cơ quan nội tạng.
Khi hành thiền 10 phút vào buổi sáng, sau khi thở vào và không khí đã đi vào cơ thể, quý vị phải thở ra để đưa toàn bộ không khí trong cơ thể ra ngoài. Quý vị làm như thế này [Rinpoche minh họa]. Đừng nghĩ cách làm này liên quan đến tôn giáo, Người Nhện cũng làm giống như vậy [Rinpoche và đại chúng cười]. Khi quý vị làm giống thế này, đừng nghĩ rằng nó có liên quan đến tôn giáo. Người Nhện cũng làm theo cách này, quý vị đã xem phim chưa? [Rinpoche cười] Theo cách này [Rinpoche minh họa], và quý vị bơm khi vào dạ dày. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu quý vị có thể thực hành trước khi ăn sáng. Nếu thực hành sau khi ăn sáng, quý vị phải thực hành sau bữa ăn ít nhất một giờ rưỡi. Nếu thực hành, quý vị sẽ thấy nó đặc biệt hỗ trợ những người mắc chứng khó tiêu và có vấn đề về axit trong dạ dày. Vào buổi sáng, trước khi ăn sáng, quý vị bắt đầu thực hành trong 30 giây, rồi trong 1 phút, rồi đến 2 phút. Tôi sẽ hướng dẫn lại một lần nữa [Rinpoche minh họa, thở vào và thở ra nhanh để bơm phồng và làm xẹp dạ dày]. Quý vị phải kiểm soát hơi thở, thở vào và thở ra tống hết không khi trong dạ dày ra ngoài, như thế này, rất đơn giản [Rinpoche minh họa]. Như tôi đã nói, ít nhất quý vị phải thử thực hành trong 2 tuần. Chỉ cần cố gắng và xem điều gì sẽ đến sau 2 tuần. Nếu quý vị thấy có điều tốt diễn ra, hãy tiếp tục. Nếu không có gì xảy ra, hãy quên đi. Sau khi thực hiện bước này trong 30 giây, quý vị chuyển qua tập trung vào hơi thở trong 30 phút, thở vào và thở ra. Quý vị có thể thực hành 10 đến 15 phút buổi sáng, và 10 đến 15 phút buổi tối. Tuy nhiên, ít nhất quý vị phải thực hành 30 phút mỗi ngày.
Bây giờ đến bước thứ ba, đó là tự kỷ ám thị, nghĩa là quý vị tự nhắc nhở bản thân về một điều gì đó. Ví dụ, người ta đặt tên cho quý vị là Màu Cam, điều đó ăn sâu vào tâm trí quý vị đến nỗi trong mơ, quý vị cũng không bao giờ quên tên mình. Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ rất đơn giản. Trong giấc mơ, khi quý vị bay, quý vị chẳng bao giờ nghĩ “Làm sao tôi có thể bay được? Tôi chỉ là một người bình thường, làm sao tôi có khả năng đó?” Quý vị chẳng bao giờ nghĩ như vậy. Trong giấc mơ, khi quý vị thấy một con chó đang bay, quý vị sẽ chẳng bao giờ thắc mắc, chẳng bao giờ nghĩ “Làm sao nó có thể bay được? Điều đó không thể xảy ra.” Quý vị sẽ không bao giờ nghĩ như vậy vì quý vị đã quên rất nhiều thứ khi rơi vào giấc mơ. Tuy nhiên, trong giấc mơ, quý vị không bao giờ quên tên mình. Vì sao? Rất đơn giản, vì điều đó đã hằn sâu vào tâm trí quý vị. Thông điệp đó đã ăn sâu vào tâm trí quý vị. Bây giờ, có 2 thông điệp mới quý vị cần khắc ghi thật sâu vào tâm trí mình, chúng sẽ giúp quý vị mỗi khi đương đầu khó khăn thử thách.
Hãy đọc mảnh giấy quý vị đang có. Quý vị phải đọc đi đọc lại trong tâm. Thông điệp thứ nhất là của ngài Tịch Thiên (Shantideva), một học giả vĩ đại của truyền thống Na-lan-đà (Nalanda). Như quý vị cũng thấy, thông điệp nói rằng, “Nếu có thể giải quyết vấn đề, cần gì phải lo lắng? Nếu không thể giải quyết vấn đề, lo lắng có ích gì?” Mỗi khi có chuyện rắc rối xảy ra, quý vị phải suy nghĩ xem bản thân có giải quyết vấn đề được hay không. Nếu quý vị có thể giải quyết thì lo lắng để làm gì? Nếu quý vị không thể giải quyết thì cũng không cần phải lo lắng. Đó là điều quý vị cần tâm niệm, mỗi khi gặp vấn đề, quý vị sẽ tiếp cận rất khác biệt. Chính vì vậy, quý vị phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Quý vị phải khắc ghi những lời này vào tâm, nhẩm đi nhẩm lại, cố gắng ghi thật sâu vào tâm đến nỗi trong giấc mơ những lời này cũng hiện lên. Những lời này không thể giải quyết vấn đề của quý vị, nhưng tôi chắc chắn rằng chúng sẽ thay đổi cách quý vị nhìn nhận vấn đề. Khi có thể thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, quý vị sẽ có thể giảm thiểu căng thẳng và áp lực. Căng thẳng và áp lực không khởi nguồn từ vấn đề; chúng đến từ cách nhìn nhận vấn đề.
Ví dụ, nếu nhìn vào chiến tranh, đối với vài người thì đó lại là thời cơ. Những người lính dũng cảm cho rằng đó là cơ hội để thể hiện tài năng [Rinpoche cười]. Tuy nhiên, người nhút nhát lại sợ và nghĩ rằng đó là thảm họa. Đối với mọi thử thách và vấn đề, chúng ta phải can đảm đối mặt với chúng. Đây là điều đầu tiên, hãy luôn cố gắng nhớ đến thông điệp thứ nhất này mỗi khi vấn đề xảy đến. Quý vị hãy nhẩm đọc nhiều lần và khắc ghi vào tâm.
Điểm thứ hai là quý vị phải tự tin. Đôi khi quý vị mất tự tin, và tự hạ thấp bản thân mình: “Tôi không thể làm chuyện đó,…” Quý vị tự hạ thấp mình quá mức. Thông điệp này giúp tôi rất nhiều: “Tôi là chủ nhân của số phận tôi, Tôi là chỉ huy của tâm hồn tôi.” Hãy nghĩ rằng chính quý vị là chủ nhân của số phận của mình, và là chủ tướng của tâm hồn quý vị, chứ không phải là Đức Phật. Quý vị phải khắc ghi thông điệp này vào tâm mình. Thông điệp này đã giúp tôi rất nhiều. Tôi trích thông điệp này từ quyển sách của Nelson Mandela, ông ấy rất thích điểm này và nó giúp ông ấy rất nhiều trong cuộc sống. Quý vị phải luôn nghĩ rằng chính quý vị là chủ nhân, là chỉ huy của số phận và tâm hồn mình. Hãy nhẩm đọc thông điệp này nhiều lần và tự nhắc bản thân. Sau đó, quý vị có thể tự tin đương đầu với khó khăn. Khi thực hành theo cách này, vấn đề có được giải quyết hay không, đó là một câu hỏi lớn; tuy nhiên, ít nhất quý vị sẽ không thể nào căng thẳng vì vấn đề đó.
Quý vị đừng nhẩm đọc những thông điệp này trong lúc hành thiền. Khi có thời gian rỗi, hãy nhẩm đọc và khắc ghi vào tâm, tự nhắc bản thân liên tục. Quý vị rõ không? Chúng ta sẽ gặp lại sau 2 tuần, và chúng ta sẽ xem mọi việc tiến triển như thế nào.
Cuối cùng, tôi muốn nói vài điều. Người ta thường nói với nhau “Hãy bảo trọng! Hãy bảo trọng!” Tuy nhiên, nếu có người nói “Tôi sẽ chăm sóc cho bạn!” thì nghe tốt hơn rất nhiều. Cũng như vậy, tôi sẽ quan tâm quý vị, đặc biệt là quan tâm đến sự căng thẳng của quý vị [Rinpoche cười]. Tôi sẽ quan tâm quý vị miễn phí. Tôi luôn nói một điều, tôi không bao giờ nhận tiền mỗi khi tôi giảng dạy, vì tôi luôn nói rằng Phật pháp thuộc về Đức Phật. Ngài giữ bản quyền; tôi chỉ giảng giải giáo lý của Ngài. Có hai món quý vị có thể thụ hưởng miễn phí trong thế kỷ 21 này: không khí và bài giảng của Khangser Rinpoche [Rinpoche cười]. Hai tuần sau, chúng ta sẽ gặp lại. Tôi cảm ơn ban tổ chức rất nhiều. Khi quý vị rời khán phòng này, hãy cầu nguyện cho ban tổ chức với Đức Phật; có lẽ Ngài đang chờ ở ngoài cửa vì lúc nãy quý vị để Đức Phật bên ngoài [Rinpoche cười]. Nhiều bài giảng của tôi có ở trang web dipkar.com, quý vị có thể truy cập dipkar.com để nghe. Tôi sẽ trở lại sau 2 tuần và chúng ta sẽ xem việc thực hành tiến triển ra sao.
Tôi sẽ dành ít phút cho phần hỏi đáp.
Hỏi: Sự khác biệt giữa việc thở bằng miệng và bằng mũi, với phương pháp này, thầy đã dạy chúng ta thở ra bằng mũi hay bằng miệng?
Rinpoche: Khi một vị thầy thuyết giảng ở trình độ rất cao và quý vị không thể hiểu, có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, vị thầy không hiểu vấn đề. Nhà bác học Einstein đã nói, “Nếu một người không thể diễn giải vấn đề một cách rất đơn giản, người đó cũng không hoàn toàn thấu hiểu vấn đề.” Tôi có một kinh nghiệm khi nói về triết học ở một trường cao đẳng. Một vị giáo sư nói với tôi, “Rinpoche, Ngài hãy nói về những vấn đề cao siêu và không thể hiểu nổi, như vậy sinh viên sẽ nghĩ rằng những vấn đề đó rất sâu sắc.” [Rinpoche cười]. Tôi biết rằng, nếu không hiểu thì quý vị có thể nghĩ rằng những điều đó rất thâm sâu, nhưng tôi chắc 100% rằng những điều đó hoàn toàn không thể giúp ích cho quý vị. Trở lại câu hỏi, thở vào bằng mũi hay miệng không có sự khác biệt lớn, bởi nếu quý vị bị nghẹt mũi thì phải thở bằng miệng [Rinpoche cười, đại chúng cười và vỗ tay]. Điều quan trọng nhất là quý vị phải tập trung vào hơi thở ít nhất 30 phút mỗi ngày. Quý vị có thể thực hành 10 phút buổi sáng, 10 phút buổi trưa, 10 phút buổi tối. Hãy thực hành 30 phút mỗi ngày trong 2 tuần, bắt đầu từ hôm nay. Tôi muốn làm rõ một điều. Mỗi khi quý vị nghĩ rằng mình không có đủ thời gian, tôi luôn nói rằng quý vị có rất nhiều thời gian. Mỗi ngày quý vị xem TV bao nhiêu phút? Mỗi ngày quý vị lên facebook bao nhiêu phút? Mỗi ngày quý vị mất bao nhiêu phút vơi các thiết bị điện tử cá nhân? Tôi luôn nói đùa rằng, quý vị gọi chúng là điện thoại thông minh, nhưng chúng chẳng hề thông minh chút nào; chúng là điện thoại ngu [Rinpoche cười]. Tôi không dùng vì nó chiếm rất nhiều thời gian của quý vị. Từng phút trong cuộc đời quý vị rất quý báu, vì vậy quý vị phải quản lý thời gian của mình rất đúng đắn. Nếu hôm nay quý vị mất tiền, quý vị có thể kiếm lại tiền vào ngày mai. Nếu ngày mai quý vị mất tiền, quý vị có thể kiếm tiền vào ngày mốt. Tuy nhiên, nếu quý vị đánh mất thời gian, quý vị sẽ mất vĩnh viễn mà không thể nào tìm lại được. Có rất nhiều khóa học dạy cách quản lý tiền bạc, nhưng khóa học quan trọng nhất chính là cách quản lý thời gian.
Hỏi: Thế nào là thiền chỉ (shamatha)?
Rinpoche: “Shamatha” là một thuật ngữ tiếng Phạn. Nếu quý vị hỏi ý nghĩa của shamatha, nó có rất nhiều nghĩa. Thuật ngữ shamatha có nghĩa là “sống trong an lạc.” [Trong tiếng Phạn, “shama” có nghĩa là an lạc, “tha” có nghĩa là duy trì; an trú trong sự an lạc.] Thông điệp từ thuật ngữ này đó là quý vị có thể sống từng phút giây trong vui sướng và an lạc. Nếu quý vị hỏi nhiều người khác nhau làm thế nào để sống an lạc và hạnh phúc, quý vị sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Nếu quý vị hỏi những người theo tôn giáo, có thể họ sẽ nói rằng “Ồ, bạn phải sinh vào cõi trời.” Nếu quý vị hỏi bác sĩ thì ông ta sẽ nói, “Ồ, bạn phải uống thuốc, bổ sung vitamin.” [Rinpoche cười] Nếu quý vị hỏi giám đốc của một công ty, vị ấy sẽ nói, “Ồ, bạn phải làm việc chăm chỉ, phải kiếm tiền, và phải có số dư tài khoản thật cao.” Theo quan điểm của tôi, quý vị có thể sống từng phút giây trong hạnh phúc và an lạc. Điều duy nhất quý vị cần là sự thay đổi nhỏ trong cách nhìn của bản thân. Rất đơn giản, quý vị hãy nhìn tôi như một ví dụ [đại chúng cười]. Tôi không dùng vật dụng cá nhân nào có giá cao hơn 10 đô-la. Tôi đang đeo một cái đồng hồ có giá chỉ 3 đô-la. Tuy nhiên, tôi vẫn sống vui vẻ hạnh phúc. Nhưng quý vị đừng hiểu lầm ý tôi. Đừng nghĩ rằng nếu quý vị đeo đồng hồ giá 3 đô-la thì quý vị sẽ hạnh phúc. Điều đó hoàn toàn sai [Rinpoche và đại chúng cười]. Điều duy nhất là việc thay đổi cách nhìn của bản thân quý vị sẽ mang đến rất nhiều thay đổi.
Hỏi: Ngài nghĩ như thế nào về stress, tốt hay xấu? Mọi người nghĩ rằng căng thẳng mang lại nhiều tiêu cực cho cuộc sống, nhưng theo suy nghĩ của tôi, stress cùng với các hồi phục có thể kết quả cao hơn.
Rinpoche: Câu hỏi “sự căng thẳng tốt hay xấu?”, tôi không nghĩ điều đó quan trọng. Câu hỏi quan trọng chính là quý vị có muốn căng thẳng hay không. Nếu quý vị muốn căng thẳng, tốt thôi, hãy tận hưởng nó. Nếu quý vị không muốn thì hãy thực hành phương pháp quản lý căng thẳng này [đại chúng cười và vỗ tay].
Cảm ơn quý vị rất nhiều!
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính, @12/03/2015
Tóm tắt của Ban Biên Tập về kỹ thuật thiền dựa theo minh họa của Rinpoche (khi thực hành quý vị vui lòng kết hợp phần tóm tắt này với bài giảng của Rinpoche):
Bài tập 1: Rèn luyện các tế bào trong cơ thể
Tư thế ngồi: Lưng và cột sống thẳng, đầu ngẩng mắt nhìn thẳng về phía trước (không cúi đầu). Tư thế tay: Hai tay đặt phía trước bụng, dưới rốn, mu bàn tay phải đặt lên lòng bàn tay trái, hai đầu ngón cái chạm nhau (Hình 1). Ưỡn căng ngực về phía trước và thả lỏng khi cảm thấy mỏi. Động tác ưỡn ngực/thả lỏng giúp thư giãn các tế bào trong cơ thể.
Cách thở: Thở vào/thở ra thật chậm (càng chậm càng tốt) và tâm tập trung vào hơi thở, theo dõi hơi thở vào/ra cơ thể.
Hình 1
Nếu ở văn phòng hay một nơi không thuận tiện thực hiện tư thế tay như trên thì có thể đặt hai tay lên đùi, lòng bàn tay úp xuống chạm vào phần đùi dưới (gần đầu gối). Vẫn phải giữ lưng và cột sống thẳng, đầu thẳng.
Thời lượng thực hành: Mỗi ngày 30 phút, có thể chia làm 3 lần, mỗi lần 10 phút vào buổi sáng, trưa, tối. Thực hành liên tục trong 2 tuần.
Bài tập 2: Rèn luyện các cơ quan nội tạng (bài tập bơm bụng)
Tư thế ngồi giống Bài tập 1. Tư thế tay: Đặt hai tay lên đùi, lòng bàn tay hướng lên trên. Ngón trỏ và ngón út duỗi thẳng, ngón giữa và ngón áp út co lại, ngón cái chạm lên trên ngón giữa và ngón áp út (Hình 2).
Hình 2
Cách thở và bơm bụng: Thở vào bơm phồng bụng lên và thở ra làm bụng xẹp xuống. Khi thở ra, nghĩ rằng mình đang tống hết năng lượng xấu ra khỏi cơ thể.
Thực hành trước khi ăn sáng. Nếu đã ăn sáng thì thực hành sau khi ăn khoảng một giờ rưỡi. Bắt đầu thực hành trong khoảng 30 giây, sau đó tăng dần lên 1 phút, 2 phút.
Kết hợp 2 bài tập: Có thể tiến hành Bài tập 2 trong khoảng 30 giây trước khi thực hành Bài tập 1.