07-06-2015
Phật Pháp Căn Bản

Khangser Rinpoche thuyết giảng lớp học Phật pháp căn bản cho người mới bắt đầu.

 

PHẬT PHÁP CĂN BẢN

CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

KHANGSER RINPOCHE thuyết giảng

Tuần thứ 1, ngày 07 tháng 06 năm 2015

Chủ đề:

QUY Y và Cách bày trí bàn thờ Phật

Ngày hôm nay, tôi sẽ nói về những nội dung căn bản của Phật pháp. Trước hết, tôi sẽ nói về việc quy y và kế tiếp là cách thức bày trí bàn thờ. Nhìn chung, khi nói đến những điều căn bản của Phật pháp thì trước hết chúng ta cần phải hiểu Phật pháp nghĩa là gì?

Khi chúng ta nhìn vào cuộc đời con người và cuộc đời của chính mình, từ khi chúng ta được sinh ra đến nay, đời sống nhân sinh trải qua rất nhiều kinh nghiệm và thử thách khác nhau với những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Có rất nhiều loại khó khăn và thử thách luôn diễn ra trong cuộc sống của chúng ta, và với bản tính con người, chúng ta luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp để khắc phục những thử thách mà chúng ta gặp phải. Chúng ta luôn tận lực để vượt qua khó khăn trở ngại. Tuy nhiên, những giải pháp mà chúng ta tìm được có lúc đúng đắn nhưng cũng có khi sai lầm. Do vậy, Phật pháp đóng vai trò như một trong những lời tư vấn dành cho chúng ta và chỉ dẫn cho chúng ta cách thức nhận diện được các thử thách và khó khăn xảy ra trong đời mình. Phật pháp hướng dẫn chúng ta cách thức nhìn vào cuộc đời của chính mình. Tóm lại, Phật pháp dạy cho chúng ta cách sống và vì vậy mà Phật pháp còn có thể được gọi là khoa học về cuộc sống.

Do đó, về căn bản, đầu tiên chúng ta cần phải hiểu Phật pháp là gì. Giá trị cốt yếu của Phật pháp có thể được đúc kết thành ba điểm chính sau:

(1) Không làm những điều ác;

(2) Làm những điều đúng đắn;

(3) Điều phục tâm.

Đó là ba điểm căn bản của Phật pháp. Trong đó, điều phục tâm là điểm quan trọng nhất và cũng là thông điệp mà đức Phật đã đưa ra. Đồng thời, Phật pháp cũng hướng dẫn cho chúng ta cách thức để điều phục tâm mình.

Một điểm quan trọng khi mới bắt đầu học Phật pháp mà chúng ta phải biết đầu tiên nữa là giáo pháp được chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy và những bài giảng của đức Phật được truyền đạt theo một phong cách hết sức đơn giản và hiệu quả.

Ví dụ, khi các bạn nhìn vào các thiết bị điện tử, chúng càng đơn giản bao nhiêu thì chúng ta càng dễ sử dụng bấy nhiêu; còn nếu chúng càng phức tạp thì chúng ta càng khó sử dụng. Do đó, khi đức Phật Thích Ca giảng về các triết lý của ngài, cách truyền đạt của ngài rất đơn giản và hiệu quả và nhờ vậy mà Phật pháp được áp dụng trong đời sống một cách rất dễ dàng. Do đó, Phật pháp có thể được đúc kết thành ba điểm chính yếu như tôi vừa nói, thứ nhất là không làm các điều xấu ác hay những hành động bất thiện; thứ nhì là phải thực hiện những điều tốt hay các hành động thiện lành; và thứ ba là phải kiểm soát được tâm của mình.

Như vậy, đó là ba điểm chính yếu và khi các bạn nghĩ đến việc không làm những điều xấu và cần phải làm những điều thiện thì trước hết các bạn cần phải biết những điều nào là xấu và những việc nào là thiện. Khi bàn về những điều tốt, xấu là chúng ta đang nói đến nghiệp. Một điểm chính nữa trong Phật pháp là việc luyện tâm. Khi mọi việc xảy đến trong đời mình, tâm chúng ta thường cảm nhận được niềm vui và đau khổ, nếu chúng ta rèn luyện được tâm mình thì chúng ta có thể giảm bớt được nỗi khổ và gia tăng cảm giác an lạc.

Do đó, với cách truyền đạt dễ hiểu, đức Phật đã dạy cho chúng ta phương pháp điều phục tâm và phương pháp này được gọi là Phật pháp và đây cũng chính là lý do mà đạo Phật không chỉ được xem là một tôn giáo. Những tôn giáo và các tư tưởng tôn giáo luôn được đặt nền tảng bằng những khuôn phép và nguyên tắc rất nghiêm khắc. Đạo Phật không thiết lập nền tảng bằng khuôn phép và nguyên tắc. Giáo lý trong đạo Phật bao gồm một số phương pháp và lời khuyên giúp chúng ta biết cách suy nghĩ tốt hơn, biết cách thay đổi chính mình, và vì vậy Phật pháp còn được gọi là khoa học về tâm thức.

Bất cứ khi nào chúng ta nhìn vào đạo Phật thì chúng ta cần phải xem đó là những phương pháp và lời khuyên giúp chúng ta thay đổi bản thân để trở thành một con người tốt hơn và hạnh phúc hơn, đó là một lời khuyên thiết yếu từ đạo Phật. Khi đức Phật Thích Ca giảng dạy giáo pháp, ngài chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn cho mọi người cách thức tự giải thoát bản thân khỏi những khổ đau, và cách thức sao cho họ trở nên những con người an lạc hơn. Đó là lý do để tôi luôn nói rằng Phật pháp là một khoa học về cuộc sống, một môn khoa học nghiên cứu về cuộc đời, khoa học về nhân sinh. Đây còn là một dạng tri thức giúp giá trị con người ngày càng được nâng cao và niềm hạnh phúc của nhân loại ngày càng thăng hoa.

Khi giảng dạy, đức Phật chủ yếu nhấn mạnh đến việc thay đổi để con người trở nên ngày một tốt hơn và hạnh phúc hơn và cũng chính vì điều đó mà ngài chuyển pháp luân. Do đó Phật pháp chủ yếu nhấn mạnh đến việc tự thay đổi chính mình.

Nói chung thì người ta thường cảm nhận rằng đạo Phật đồng nghĩa với việc đi chùa, lạy bức tượng của đức Phật, và cúng dường. Hoàn toàn không phải như vậy. Theo quan điểm của đạo Phật, việc các bạn có đi chùa hay không thì không quan trọng bằng việc các bạn tự thay đổi chính bản thân mình. Trong lịch sử về cuộc đời của đức Phật, ngài đã thuyết pháp suốt 40 năm, nếu chúng ta đúc kết tất cả những lời dạy của ngài trong 40 năm ấy thì chúng ta sẽ thấy đức Phật chủ yếu tập trung vào việc chỉ dẫn cho chúng ta cách thức để tự thay đổi chính mình và cách thức để chúng ta kiểm soát tâm mình. Chỉ khi chúng ta làm chủ được tâm mình thì chúng ta mới có thể sống an lạc hơn, đó là lời khuyên của đức Phật.

Phật pháp do đức Phật tuyên thuyết, do đó trong đạo Phật có việc quy y Tam Bảo. Tam Bảo bao gồm: Phật – là người giảng dạy giáo lý; Pháp – là lời giảng của đức Phật; và Tăng – là những người thực hành Phật pháp.

Một lần ở Việt Nam, có người đã hỏi tôi rằng liệu bà có thể chỉ cần quy y Phật và Pháp mà không quy y Tăng thì có được không, vì bà thấy có nhiều tăng đoàn chưa tốt. Đó là một sự hiểu sai về tăng đoàn. Tăng đoàn không có nghĩa là chỉ có các vị tăng sĩ và ni chúng, cần phải hiểu tăng đoàn là bao gồm những ai thực hành Phật pháp một cách đúng đắn. Ngay cả những tăng sĩ và ni chúng khoác bộ y tu sĩ thì cũng không phải là một điều gì lớn lao, mà bất cứ ai tiếp nhận giáo lý của đức Phật một cách đúng đắn thì cũng không có nghĩa họ phải là tăng hay ni. Do đó, là tu sĩ không có nghĩa là tăng đoàn. Nhìn chung, ý nghĩa của tăng đoàn là tất cả những ai thực hành Phật pháp một cách đúng đắn, nếu không được như vậy thì cho dù là tăng hay ni thì hoàn toàn cũng không phải là tăng đoàn. Khi các bạn quy y Phật, Pháp, Tăng, điều đó có nghĩa là các bạn đang nương tựa vào những vị thực hành đúng Phật pháp, các vị ấy được gọi là tăng đoàn.

Vì vậy, tôi thấy ở Việt Nam có nhiều người hay nhầm lẫn về tăng đoàn. Họ thường xem những ai khoác bộ y tu sĩ rất là đặc biệt. Nhưng điều đó vô nghĩa, bởi nếu muốn thì chỉ cần vài giờ là chúng ta đều có thể trở thành tăng và ni ngay. Trở thành tăng và ni thì không có gì đặc biệt cả, chỉ khi nào các bạn sống đúng với Phật pháp thì chính điều đó mới làm cho các bạn trở nên đáng chú ý.

Ở Tây Tạng, khi chúng tôi còn nhỏ, tất cả những người lớn thường hỏi chúng tôi một câu: “Các con có học Phật pháp tốt không?” [Thầy cười]. Tương tự như thế, khi các bạn gặp các vị tăng và ni thì nên đặt cho họ câu hỏi giống như vậy, “Quý thầy có thực hành Phật pháp tốt không?” Do đó, là tăng và ni thì không có gì quan trọng, chỉ khi nào các bạn làm đúng với lời Phật dạy thì các bạn sẽ trở nên rất đặc biệt cho dù bản thân các bạn có là tu sĩ hay không phải là tu sĩ. Do đó, khi các bạn nói về Tam Bảo, thì việc quy y Tam Bảo có ý nghĩa như vậy.

Bây giờ, tóm lại như tôi đã nói, cuộc đời vốn dĩ có rất nhiều khó khăn và thử thách. Những điều kiện, hoàn cảnh không như ý đều có thể xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Khi lâm vào nghịch cảnh thì điều đầu tiên các bạn cần, các bạn có thể làm để vượt qua khó khăn là gì? Các bạn cần phải có hy vọng. Mọi thứ sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn nếu trong lòng các bạn có hy vọng.

Hy vọng có được nhờ lòng tin. Lòng tin mang đến hy vọng. Khi các bạn có niềm tin mãnh liệt thì các bạn sẽ có hy vọng. Khi các bạn thiếu mất niềm tin thì sẽ rất khó để gầy dựng được niềm hy vọng. Hy vọng đến từ niềm tin. Có một câu nói rất hay trong tiếng Anh: “Trong đời, khi bạn bị mất tiền thì chẳng mất gì; khi bạn mất đi sức khỏe thì có vài thứ bị mất theo; khi bạn mất hy vọng thì bạn mất tất cả”. Niềm hy vọng là thứ đắc lực giúp các bạn vượt qua được mọi thử thách. Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi đã từng gặp gỡ rất nhiều người khác nhau, từ những người ốm đau trong bệnh viện cho đến những người bị trầm cảm, tinh thần sa sút…đặc biệt, thời gian này tôi đã gặp những nạn nhân của trận động đất ở Nepal, những người đã mất đi tất cả trong cơn địa chấn ấy, ngay lúc này tôi đang gặp rất nhiều người đã bị mất hết nhà cửa và mất đi tất cả do cơn động đất. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một điều rất đáng chú ý là tâm trạng của các nạn nhân ở đây không bị sa sút nhiều sau một thảm kịch như vậy. Hàng ngàn người dân đã mất đi nhà cửa và gia đình của họ. Có quá nhiều chuyện đã xảy ra như vậy nhưng không một ai tự sát trong trong thời gian này. Có vài lý do để họ đạt được trạng thái tinh thần không tuyệt vọng như vậy, là bởi họ có được vài suy nghĩ mà một trong những suy nghĩ đó là niềm hy vọng, họ đang cảm thấy rằng giờ đây tất cả những việc tệ hại đã kết thúc và những điều tốt lành sẽ đến. Họ hy vọng như thế và chính điều đó đã vực họ dậy để vượt qua những giai đoạn khó khăn do trận động đất gây ra.

Trong đời người, nếu các bạn tự nhìn vào chính mình thì các bạn sẽ nhận thấy rằng khi mình có hy vọng thì mọi khó khăn và trở ngại mà chúng ta gặp phải sẽ không quá nghiêm trọng. Vì lẽ đó mà hy vọng chỉ xuất phát từ niềm tin. Các bạn cần phải có niềm tin. Khi các bạn có niềm tin vững chắc thì các bạn sẽ có được niềm hy vọng bền lâu.

Ở đây có một câu hỏi được đặt ra. Chúng ta đặt niềm tin vào ai? Có một câu nói trong tiếng Anh: “Đừng tin vào đồng tiền. Hãy giữ tiền trong bàn tay của người mà bạn tin tưởng.” Như vậy, các bạn sẽ đặt niềm tin vào ai? Theo góc nhìn của Phật giáo, chúng ta đang nói về việc phát khởi niềm tin đối với một ai đó và đức Phật là một người có phẩm tính toàn hảo. Khi các bạn nhìn vào Tam Bảo – bao gồm Phật, Pháp, Tăng, thì trong đó phẩm tính của Phật rất đặc biệt. Đức Phật là người có phẩm tính hoàn toàn thanh tịnh và ngài có tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh hữu tình. Khi các bạn quy y Phật, các bạn phải luôn nghĩ rằng lúc nào đức Phật cũng thương yêu và cứu độ các bạn. Đức Phật luôn có tâm từ bi đối với các bạn. Vì lẽ đó mà bất kỳ khi nào các bạn gặp phải thử thách và chướng ngại thì các bạn phải sinh khởi niềm hy vọng và để có hy vọng thì các bạn cần phải có tín tâm, tin tưởng vào đức Phật. Điều này sẽ mang lại hy vọng và giúp cho tâm trạng của các bạn chuyển biến để có thể đối mặt được với những khó khăn và thử thách. Hai tuần trước đây tôi đã đến Nepal, tôi nhớ là vào ngày 15 tháng 5, thời điểm đó đã xảy ra hai trận động đất rất mạnh ở Nepal. Trước đó tôi đã đến đại lý bán vé để lấy vé và khi người nhân viên đưa vé cho tôi thì anh ta đã hỏi tôi một cách rất kinh ngạc: “Rinpoche, thầy đi Nepal thật sao? Mọi người đang tìm cách thoát khỏi đấy, thầy có chắc là muốn đến đó không? ” [Thầy cười]. Lúc ấy, có vài học trò ở Ấn Độ cũng đi cùng tôi và họ đã gọi điện thoại cho cha mẹ của mình trước khi đi, và cha mẹ họ đã hỏi “Tại sao con lại đi đến một nơi như vậy?”

Sau khi chúng tôi quyết định đi Nepal, tôi đã tâm sự với đức Phật rằng: “Con sắp đi Nepal vì tình đồng loại, để giúp đỡ nạn nhân bị động đất, cuộc đời con và của các học trò của con nguyện trao hết cho ngài.” Với niềm tin đó, tôi đã thách thức nỗi sợ của bản thân, và với niềm hy vọng, tôi hy vọng sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Các bạn có thể hình dung được tâm trạng của một người sẽ ra sao khi học trò của người đó, gia đình của người đó đang sống ở một nơi thường xảy ra động đất mạnh như thế không? Vì lý do đó mà tôi đã cầu nguyện với đức Phật và đặt niềm tin nơi ngài. Với niềm tin ấy, lòng tôi đầy hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn. Hy vọng đến từ niềm tin của tôi vào đức Phật, điều này thật sự là có liên quan đến tâm lý của con người. Vì lẽ đó mà tôi phải phát khởi tín tâm và niềm tin vào đức Phật vốn dĩ là người có những phẩm tính tuyệt vời, thứ nhất là ngài không có bất kỳ khiếm khuyết nào; thứ hai là ngài luôn có lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh hữu tình. Vì vậy mà đức Phật là điều quý báu thứ nhất của Tam Bảo bởi ngài chính là người mà các bạn có thể gửi trọn niềm tin.

Kế tiếp chúng ta nói về Pháp. Pháp là lời dạy, là giáo lý của đức Phật. Tôi nghĩ rằng Pháp tựa như một hướng dẫn giúp cho các bạn biết mình phải tuân thủ điều gì và thực hiện chúng như thế nào trong cuộc sống của mình. Đó chính là chỉ dẫn từ các bài giảng của đức Phật, là điều quý báu thứ hai của Tam Bảo mà chúng ta gọi là Pháp.

Vài ngày trước, tôi đã có một buổi nói chuyện ở Vatican với một vị Hồng y về chủ đề làm thế nào để giúp cho mọi người, đặc biệt là người dân Âu châu có được phương pháp và đường lối tâm linh đúng đắn. Quan điểm của vị Hồng y đó là để có được đường lối tâm linh đúng đắn thì mọi người phải đọc những cuốn sách thiêng liêng và tôi đồng ý với quan điểm đó bởi đọc những cuốn sách thiêng liêng sẽ giúp mọi người có được tri thức. Tôi nói với ông ấy rằng quan điểm của ông rất hay, mọi người có thể đọc thánh kinh để có được những kiến thức, tôi cũng đã từng đọc kinh thánh và tôi hỏi ông ấy liệu mình có thể xin chữ ký của đức Giáo Hoàng trên cuốn kinh thánh của mình hay không. Vị Hồng y nói với tôi rằng đức Giáo Hoàng chưa bao giờ cho chữ ký; Tôi lại nói với ông, “Nếu đức Giáo Hoàng chưa bao giờ ký thì ông có thể ký vào cuốn kinh thánh của tôi có được không?” [Thầy cười] và rồi ông ta cũng đã đồng ý.

Tương tự như quan điểm cần phải đọc kinh thánh, lời dạy của đức Phật chỉ dẫn cho chúng ta cách sống đúng đắn, yên bình và hạnh phúc. Đức Phật đã trao cho chúng ta rất nhiều thông điệp. Những thông điệp này được gọi là Pháp.

Tăng là điều quý báu thứ ba của Tam Bảo. Tăng đoàn là những ai tuân theo lời Phật dạy một cách phù hợp. Những ai thực hành lời Phật dạy một cách đúng đắn thì đó chính là tăng đoàn. Do đó, Phật, Pháp, Tăng chính là Tam Bảo và đó cũng chính là những đối tượng để các bạn phát khởi tín tâm và tin tưởng vào Tam Bảo.

Nếu các bạn thực hành Pháp một cách phù hợp, các bạn cũng là một phần của tăng đoàn cho dù các bạn không phải là tăng và ni. Còn ngay cả khi các bạn đã là tăng và ni mà lại không thực hành Pháp một cách đúng đắn thì các bạn hoàn toàn không thuộc về tăng đoàn, dù có khoác trên người những bộ y tu sĩ. Vì vậy, mỗi khi các bạn thốt lên: Tôi quy y Phật, Pháp, Tăng thì điều đó có nghĩa là các bạn cần phải phát khởi tín tâm đối với Tam Bảo. Hễ mà các bạn tin vào Tam Bảo thì các bạn sẽ có hy vọng. Niềm hy vọng ấy sẽ giúp cho các bạn vượt qua được mọi thử thách trong cuộc đời.

Theo quan điểm của Phật giáo, có một điều rất thú vị là tất cả chúng sinh đều có tiềm năng trở thành Phật. Khi các bạn có tín tâm và tin tưởng vào Tam Bảo, các bạn thiết lập bàn thờ tại nhà mình ra sao, ở Việt Nam, mọi người thường hỏi tôi về việc này. Khi các bạn thiết lập bàn thờ, các bạn phải có một tấm hình của đức Phật vì đó là biểu tượng về thân của ngài. Kế đến là các bạn cần có một bản Bát Nhã Tâm Kinh hoặc bất kỳ bản kinh nào của đức Phật vì kinh sách là biểu tượng về khẩu của đức Phật. Và nếu có thể thì các bạn cần có thêm tấm ảnh về bảo tháp, bất cứ bảo tháp nào vì bảo tháp là biểu tượng về tâm của đức Phật. Nếu các bạn để tất cả những thứ đó nơi bàn thờ - ảnh Phật, kinh Phật và ảnh bảo tháp thì tất cả những thứ đó chính là các biểu trưng về thân, khẩu, và ý của đức Phật.

Kế tiếp ở phía dưới bàn thờ Phật, các bạn có thể trưng bày hình ảnh của tổ tiên ông bà. Khi lập bàn thờ gia tiên thì các bạn không thể để ngang bằng với tượng Phật.

Sau khi lập bàn thờ, các bạn hãy bắt đầu tiến hành cúng dường. Có một số phẩm vật mà các bạn có thể cúng dường nhưng đầu tiên là cúng dường chén nước. Các bạn có thể cúng dường một chén nước, bảy chén nước, hoặc ba chén nước tùy theo điều kiện của mình. Nước vốn có phẩm tính sáng rõ, khi các bạn cúng dường nước, điều này có nghĩa là các bạn cúng dường với tâm ý trong sạch. Nếu các bạn cúng dường nước vào buổi sáng thì đến chiều, khi các bạn đi làm về, hoặc đi học hay đi đâu về thì các bạn có thể đổ nước trong chén đi và đổi sang cúng dường nước mới vào ngày hôm sau.

Có một việc rất lý thú, một trong các học trò của tôi đã kể với tôi rằng anh ta đã thực hiện một cuộc khảo nghiệm. Anh kể là anh cúng dường nước và đến chiều thì anh đổ nước cúng dường vào một chậu cây. Sau đó khoảng một tháng thì anh phát hiện chậu cây được tưới nước cúng dường chư Phật đó trổ hoa đẹp hơn. Các bạn cũng có thể thực hiện thí nghiệm đó xem thử ra sao. Nó thật sự có tác động tốt và rất khác biệt.

Sau khi cúng dường nước, các bạn có thể cúng dường hương (nhang). Bất cứ khi nào các bạn cúng dường nước thì các bạn phải nghĩ là các bạn đang cúng dường nước đầy ắp toàn vũ trụ. Bất cứ khi nào các bạn cúng dường hương thì các bạn phải nghĩ là hương thơm lan tỏa khắp vũ trụ. Khi các bạn cúng dường lên đức Phật thì các bạn có thể suy nghĩ rằng, “Tôi nương tựa Phật, tôi nương tựa Pháp, tôi nương tựa Tăng.” Vào buổi sáng, khi các bạn thực hành cúng dường, các bạn phải nghĩ rằng ngày hôm nay, bất kể chúng ta làm điều gì, bất kể chuyện gì xảy đến với mình, các bạn cũng đều vững tin và cầu nguyện đức Phật giúp đỡ và gia trì cho các bạn. Tư duy theo cách như vậy sẽ mang đến cho các bạn năng lực và sức mạnh về mặt tâm lý và nhờ đó mà các bạn có thể làm mọi việc một cách dễ dàng. Khi các bạn mất đi sức mạnh tinh thần thì mỗi thử thách dù nhỏ bé thế nào cũng đều trở nên rất khó khăn.

Bây giờ tôi sẽ giành ít phút cho phần hỏi đáp. Nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì hãy viết ra, đặc biệt là câu hỏi của các bạn mới tham gia lớp học. Bất cứ câu hỏi nào kể cả câu hỏi liên quan lẫn không liên quan đến Pháp [Thầy cười].

 

VẤN ĐÁP

Hỏi: Khi đảnh lễ, con để ý thấy mọi người thường đưa hai ngón tay cái hướng vào trong lòng bàn tay, điều đó có ý nghĩa gì?

Đáp: Khi bạn chắp hai lòng bàn tay lại, sẽ có vài vị trí để hai lòng bàn tay chạm vào nhau. Khi bạn đặt hai ngón tay cái hướng vào bên trong lòng bàn tay để lễ lạy, thì dáng dấp của cử chỉ đó tạo thành biểu tượng của một viên ngọc báu. Chúng tôi gọi đó là viên ngọc như ý và vì thế mà chúng ta cầu nguyện bất cứ điều gì cũng sẽ thành tựu. Khi bạn đặt hai ngón tay cái của bạn vào trong lòng bàn tay, hình dạng bàn tay của bạn sẽ trở thành một viên ngọc như ý. Điều đó có nghĩa là bất cứ điều gì bạn cầu nguyện đều sẽ trở thành sự thật. Điều thứ hai là, bất cứ khi nào bạn để ngón tay cái vào bên trong lòng bàn tay của mình, thì nó có nghĩa là trong cơ thể con người của chúng ta có một kinh mạch trung tâm và khí không thể đi vào kinh mạch trung tâm đó. Khi khí bắt đầu đi vào được kinh mạch trung tâm thì tâm trí của chúng ta sẽ được kích hoạt lên các cấp độ rất khác nhau, do vậy cử chỉ này cũng là biểu tượng cho việc khí đang di chuyển vào luân xa trung ương của chúng ta.

 

Hỏi: Ý nghĩa của tám món cúng dường là gì ạ?

Đáp: Tám món cúng dường bao gồm nước, hoa, hương, đèn, thực phẩm, âm nhạc…tất cả những món cúng dường này là dành cho 5 giác quan của thân thể.

 

Hỏi: Ý nghĩa của bảo tháp là tượng trưng cho ý của Phật, vậy bảo tháp sẽ được đặt ở vị trí nào trên bàn thờ?

Đáp: Chỉ cần đặt ảnh bảo tháp gần với ảnh của đức Phật, ảnh bảo tháp đại diện cho tâm Phật, ảnh của Phật đại diện cho thân Phật. Còn kinh sách, chẳng hạn như bản Bát Nhã Tâm Kinh thì sẽ đại diện cho giáo lý của đức Phật và các bạn có thể để những thứ ấy lên trên bàn thờ. Khi các bạn có cả ba thứ thì đó là những biểu tượng đại diện cho thân, khẩu, ý của đức Phật.

 

Hỏi: Thưa thầy, tôi đang sống sung sướng hạnh phúc cùng gia đình, công việc ổn định và kinh tế tốt, tôi thấy cuộc sống không có khó khăn gì cả, vậy tại sao tôi phải quy y?

Đáp: Đầu tiên là tôi xin chúc mừng bạn vì bạn đang có một cuộc sống hạnh phúc sung sướng. Có rất nhiều người không có được một cuộc sống như vậy. Kế tiếp, có hai lý do để giải thích cho việc quy y của bạn:

Thứ nhất, bạn quy y có nghĩa là bạn phấn đấu để trở thành một người tốt hơn nữa. Rất tốt khi bạn đang có một đời sống vui vẻ; rất tốt khi bạn đang có một gia đình hạnh phúc; rất tốt khi bạn đang có một công việc lý tưởng; và rất tốt khi mức lương của bạn đang rất cao. Và bây giờ, bạn phải trở nên một người tốt hơn nữa. Trở thành một người tốt hơn chính mình trước kia chính là điều quan trọng trong cuộc đời của bạn. Có thể là mọi người nghĩ rằng họ đang rất tốt rồi, tuy nhiên tôi đang yêu cầu bạn không phải trở nên tốt mà tôi yêu cầu bạn trở nên tốt hơn nữa. Tốt hơn con người hôm qua của bạn.

Thứ hai, trong cuộc đời này, mọi thứ đều vô thường. Đâu có ai thấy được ngày mai có thể bạn sẽ không vui? Giống như cơn động đất bất ngờ ở Nepal. Tất cả mọi thứ đều thay đổi. Sự yên ổn của đời người chuyển biến chỉ trong vòng một phút; người từng có nhiều nhà cửa và gia sản thì chỉ cần một phút là mất hết. Người có nhiều bạn bè và người thân cũng chỉ trong vòng một phút mà chẳng còn gì nữa. Đôi lúc trong cuộc đời này, trong thế giới này, một phút có thể làm thay đổi tất cả.

Lấy một ví dụ đơn giản, bạn cùng gia đình đến bệnh viện xét nghiệm máu. Làm sao có thể chắc chắn mọi chuyện sẽ hoàn hảo? Rất khó. Kết quả có thể rất hoàn hảo ngay lúc này, nhưng 6 tháng nữa thì rất khó khẳng định mọi thứ vẫn trọn vẹn. Nếu bạn cùng gia đình đến bệnh viện để khám sức khỏe, khó mà nói rằng tất cả mọi thứ đều sẽ hoàn hảo. Thậm chí ngay lúc này, mọi việc có thể rất hoàn mỹ nhưng sau 6 tháng nữa thì rất khó để nói mọi thứ vẫn vẹn toàn. Do đó, rất nhiều người sợ đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe vì họ sợ phải biết đến những kết quả ngoài ý muốn. Vô thường là một trong những điều tồi tệ nhất trên thế gian này. Mọi thứ đều hoàn hảo nhưng vì vô thường mà tất cả rồi sẽ trở nên không còn trọn vẹn. Đó là một trong những điều tệ hại nhất trên thế gian này. Vì lẽ đó mà chúng ta quy y và việc này cũng giống như chúng ta ngăn ngừa hoặc chuẩn bị cho những thử thách của vô thường. Đó chính là nguyên nhân thứ hai.

Nguyên nhân thứ nhất là để trở thành một con người tốt hơn. Bạn có thể đã là một người rất tốt rồi nhưng bạn vẫn cần phải trở thành một người tốt hơn trước. Nguyên nhân thứ hai là để chuẩn bị cho những sự cố vô thường, những gì bạn đang có ngày hôm nay có thể sẽ không còn nữa vào ngày mai. Tất cả mọi thứ đều có thể đổi thay; thân thể vật lý này ngay bây giờ có thể rất khỏe mạnh nhưng một, hai ngày sau thì nó có như vậy mãi không? Không ai có thể nói nó được như vậy mãi. Ngay cả khi bạn đang cảm thấy mình rất mạnh khỏe, nhưng nếu bạn đi khám sức khỏe và người ta kết luận rằng có một vài sự thiếu hụt nào đó trong người bạn thì sao, sẽ rất khó để nói điều gì sẽ xảy ra, đó là lý do tại sao bạn phải phòng ngừa hoặc chuẩn bị cho sự vô thường.

Tôi bỗng nhớ ra một điều khi bạn nói kinh tế của bạn đang rất tốt. Tôi mới nhớ ra thôi. [Thầy cười khúc khích] Hai ngày trước, tôi đến thăm một địa điểm mà trước đây đã từng có rất nhiều trận đánh trong thời đệ nhị thế chiến, ở Italy. Nơi đó từng có rất nhiều người chết và có rất nhiều ma, đại loại như vậy. Một người Canada đã nói với tôi một câu rất khôi hài: “Ma quỷ thật sự là người mà không có tiền, khi bạn không có tiền thì bạn sẽ là ma.” [Thầy cười]. Có thể trong cái nhìn của ông ta thì tôi là một tu sĩ ma. [Thầy cười].

 

Hỏi: Việc lập bàn thờ Phật và quán tưởng bàn thờ, phước đức có giống nhau hay không? Cúng dường bằng hiện vật và cúng dường bằng quán tưởng thì phước đức có khác nhau không?

Đáp: Đơn giản thế này, bạn đang đói, nếu bạn chỉ quán tưởng là mình đang ăn những món ngon và bạn thật sự đi ăn những món ngon thì hai việc này có khác nhau không? Tương tự như thế, khi bạn quán tưởng các phẩm vật cúng dường thì việc này cũng tích tập được công đức. Khi bạn cúng dường thật sự thì công đức lại càng mạnh mẽ hơn. Khi bạn cúng dường những bông hoa thật sự lên đức Phật và khi bạn quán tưởng cúng dường hoa lên đức Phật thì hai việc này đều tích tập được công đức. Nếu bạn so sánh hai loại công đức đó với nhau thì việc cúng dường hoa thật sự sẽ mang lại nhiều công đức hơn.

 

Hỏi: Khi hy vọng vào một ai đó hoặc một điều gì đó mà bị thất vọng nhiều lần thì có nên tiếp tục kỳ vọng vào người đó hoặc việc đó nữa hay không?

Đáp: Khi bạn hy vọng vào một ai đó thì tùy thuộc vào cách bạn đặt hy vọng. Khi bạn hy vọng vào một người, bạn sẽ kỳ vọng rất nhiều và điều đó sẽ làm bạn thất vọng. Khi bạn tin tưởng ai đó và ít kỳ vọng hơn thì niềm hy vọng đó sẽ không làm tổn thương bạn. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, khi yêu thương ai đó thì đôi lúc chúng ta lại kỳ vọng vào họ quá nhiều. Quá nhiều kỳ vọng sẽ làm cho tình thương yêu của bạn không còn thuần khiết nữa. Khi các bạn tin tưởng ai đó, việc phân tích là quan trọng hàng đầu. Thứ hai, không chỉ phân tích mà bạn còn phải xem xét năng lực của người mà bạn đặt niềm tin vào họ. Khi tôi ở Việt Nam, bất cứ khi nào tôi nói về vấn đề sức khỏe thì tất cả mọi người đều trở thành bác sĩ. Nếu tôi tin họ là bác sĩ thì đó quả là một niềm tin mạnh mẽ [Thầy cười]. Ngay cả khi họ không phải là bác sĩ nhưng lại cư xử như họ là bác sĩ thì đó là niềm tin sai lạc. Có nhiều cách tin tưởng, bạn cần phải biết khả năng của họ. Vì lẽ đó mà khi bạn tin tưởng một người thì có hai việc bạn cần phải chú ý. Điều thứ nhất là phải phân tích. Điều thứ hai là khả năng của người đó, họ có thể thật sự làm được gì.

 

Hỏi: Xin Rinpoche giải thích về Đức Phật A Súc Bệ và khẩu truyền câu chú!

Đáp: Tôi sẽ truyền câu chú này sau.

 

Hỏi: Vì cuộc sống, chúng con biết là chắc chắn sẽ phạm một số giới cư sĩ. Con rất băn khoăn về việc quy y Tam Bảo mà vẫn phạm giới nên không dám quy y. Vậy con nên làm như thế nào?

Đáp: Khi các bạn nhìn vào một đứa trẻ, bất cứ khi nào đứa trẻ sắp đi thì nó sẽ bị vấp ngã. Nếu đứa bé sợ ngã thì suốt đời nó sẽ chẳng bao giờ biết đi. Phải bước đi và vấp ngã, bước đi và vấp ngã thì cuối cùng đứa bé sẽ đi được. Nếu đứa trẻ luôn sợ hãi về việc sẽ bị ngã thì suốt đời nó sẽ không bao giờ biết đi. Còn một điều quan trọng nữa là nếu đứa trẻ bị ngã thì nó sẽ đứng dậy. Vấp ngã không phải là một lỗi lầm. Khi các bạn không biết rằng mình đang bị ngã thì đó là một lỗi lầm. Nhận giới và phạm lỗi thì không phải là một sai lầm to tát. Khi bạn mắc lỗi và học hỏi từ lỗi lầm thì đó mới là điều đáng chú ý. Có nhiều người nhận giới, không phải tất cả đều sẽ thành công là không phạm sai lầm. Có rất nhiều người thọ nhận giới nguyện và phạm lỗi nhưng điều quan trọng là phải học hỏi từ những lỗi lầm đó và không để mắc phải nữa. Bạn phải cố gắng làm như vậy và đó là điều quan trọng. Có rất nhiều người nhận giới quy y và họ mắc lỗi nhưng chỉ có ít người có thể học hỏi từ những lỗi lầm. Bạn nên là một người nằm trong số những người học hỏi từ những sai lầm sau khi nhận giới quy y.

 

Hỏi: Làm thế nào để giúp cho con của mình có niềm tin vào Đức Phật?

Đáp: Có một số cách. Cha mẹ mới là những người thầy và là hình mẫu thật sự cho con cái họ. Có một số cách làm cho trẻ em phát khởi tín tâm với đức Phật. Điều đầu tiên là bằng lời khuyên, bằng việc chuyện trò. Bạn phải thuyết phục con trẻ nhiều lần bằng những phẩm tính của đức Phật và lợi ích của việc quy y đức Phật. Điều thứ hai là bằng bản thân của các bạn. Hãy để cho những đứa trẻ nhìn thấy bạn tôn kính đức Phật đến nhường nào, để chúng thấy bạn quy y Phật như thế nào. Tất cả những điều đó sẽ thâm nhập vào tâm trí của những đứa trẻ. Điều thứ ba là tạo ra môi trường. Bất cứ khi nào bạn có những buổi trò chuyện trong gia đình thì hãy nói về những điều tích cực và đúng đắn nhiều hơn với những đứa trẻ. Ngay lúc này, khi gia đình đoàn tụ thì có thể 90% câu chuyện toàn những điều vô bổ. Những điều vô bổ cũng sẽ ăn sâu vào tâm trí của những đứa trẻ. Qua ba điều trên, các bạn có thể giúp cho những đứa trẻ có nhiều tín tâm hơn vào việc quy y với đức Phật.

 

Hỏi: Con có thể tự bày biện, trang trí bàn thờ Phật và cúng dường hàng ngày mà không có sự gia trì của thầy không?

Đáp: Được, không thành vấn đề.

 

Hỏi: Có sự khác biệt nào giữa đạo Phật và các tôn giáo khác không?

Đáp: Có hai sự khác biệt chính giữa đạo Phật và các tôn giáo khác. Trong Phật giáo, chân lý và hiện thực quan trọng hơn cả. Trong tôn giáo khác, chân lý và hiện thực không quan trọng, nhưng Thượng Đế, người sáng lập và nhà tiên tri lại quan trọng hơn. Điểm thứ hai, Phật giáo luôn nói rằng hãy phân tích rồi mới tin tưởng. Trong các tôn giáo khác thì điều đầu tiên họ nói là phải tin, rồi kế tiếp họ nói là phải tin nhiều hơn nữa. Trong Phật giáo, trước hết người ta nói là phải phân tích rồi sau đó mới tin; trong tôn giáo khác thì nói trước hết hãy tin và sau đó là tin nhiều hơn. Do vậy, trong đạo Phật thì việc phân tích và khảo nghiệm rất quan trọng. Trong các tôn giáo khác thì việc phân tích và khảo nghiệm lại không quan trọng. Vì lẽ đó mà Phật giáo còn có thể được xem như một khoa học.

 

Hỏi: Bóng đè có phải là một hiện tượng tâm linh hay không?

Đáp: Đôi khi mọi thứ không liên quan đến ma mà do một vài chức năng của cơ thể. Nếu bạn không thể giải thích được hiện tượng gì đó thì không có nghĩa là nó liên quan đến ma. Một số người tin rằng có ma và họ cố liên hệ vài chuyện có liên quan đến ma; một số người thì tin vào Thượng Đế và họ cố gắng liên hệ các thứ với Thượng Đế, vì không thể lý giải việc đó một cách hợp lý. Chứng tê liệt trong giấc ngủ là một dạng bệnh. Ở Tây Tạng, có rất nhiều sự việc người ta cố gắng gắn liền chúng với những vị bảo hộ đất đai. Đó không phải là Thượng đế, đó cũng không phải là ma quỷ mà là thứ ở giữa hai thứ đó. Ở Việt Nam, có nhiều thứ các bạn đang cố gắng ghép nó với ma quỷ, ở Tây Tạng chúng tôi gọi là các vị bảo hộ đất đai, không phải là ma lẫn bổn tôn, mà là một thứ gì đó ở giữa hai thứ đó.

 

Hỏi: Nên đặt mandala, tranh Phật Thích Ca, cây quy y và tranh của các vị Phật khác như Guru Rinpoche, Quan Thế Âm và bổn sư của mình ở đâu?

Đáp: Các bạn có thể để ảnh đức Phật Thích Ca ở chính giữa và các vị khác bên cạnh. Các bạn có thể để ảnh Guru của mình ngang hàng với những tấm ảnh khác.

Hôm nay chúng ta dừng tại đây. Tuần tới chúng ta sẽ tiếp tục bài giảng Giải thoát trong lòng tay. Hai tuần kế tiếp nữa, chúng ta sẽ có chủ đề tương tự về luyện tâm. Cám ơn các bạn rất nhiều.

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @16/06/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.